TẠO MỘT KHOẢNG CHÂN KHÔNG TỪ NỘI TÂM HƯỚNG RA BÊN NGOÀI

BRYAN ROBINSON

Trích “Nghệ Thuật Sống Tự Tin”; Tác giả: Bryan Robinson, Ph.D.; Người dịch: Thanh Thảo – An Bình; NXB. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016.  

Khi tôi bắt đầu nghĩ đến việc chuyển về một tỉnh ở miền núi sinh sống thì vài đồng nghiệp và bạn bè của tôi cảnh báo rằng: “Anh sẽ chẳng thành công khi mở văn phòng ở đấy đâu vì cái tỉnh nhỏ ấy đã có quá nhiều bác sĩ tâm lý rồi”.

Tôi lắng nghe họ nhưng vẫn giữ khoảng cách với lời khuyên ấy để phần hoài nghi trong tôi không thể giành quyền quyết định với cái tôi tự tin. Nói cách khác, tôi giành một khoảng trống trong nội tâm của mình để cho sự sáng suốt và lòng tự tin ra quyết định chứ không phải cho phần hoài nghi nảy sinh từ nỗi e ngại của người khác. Việc ứng dụng nguyên lý khoảng chân không từ nội tâm hướng ra bên ngoài đã phát huy tác dụng. Tôi đã chuyển nhà, mở một phòng khám tư hết sức thành công và hiện tại tôi vẫn sinh sống, làm việc ở cái tỉnh nhỏ ấy.

Để có một cuộc sống tự tin, điều quan trọng là ta phải tìm ra điều gì đang cản đường ta (đang ra sức bảo vệ ta) trong nội tâm. Giả sử bạn muốn có được những mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng quanh bạn chỉ có những người bạn thiếu lành mạnh thì trước tiên bạn phải rời bỏ những mối quan hệ thiếu lành mạnh ấy để tạo không gian cho những người tốt đẹp hơn tìm đến với bạn. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách rà soát lại nội tâm mình để tìm hiểu xem điều gì đang ngáng đường bạn. Bạn có thể tự hỏi: “Phần nào trong tôi đang cảnđường hay kháng cự lại việc tạo ra khoảng không cho những thay đổi lành mạnh?”.

Jude nói rằng anh muốn tìm một người bạn tâm giao, ổn định cuộc sống và muốn có những đứa con. Việc này hoàn toàn hợp lý và không quá khó bởi anh là một người đàn ông ưa nhìn, tốt bụng và thông minh. Vấn đề là anh đang có quan hệ thân mật với một người phụ nữ mà anh chỉ thích chứ không yêu. Anh không thể nào hình dung ra cuộc sống chung của hai người trong tương lai, nhưng cô ấy yêu anh và anh thích cảm giác được ai đó yêu thương. Bất kể sự thật là họ luôn luôn bên nhau, nhưng Jude không tài nào hiểu nổi tại sao anh không thể cảm nhận cô là người phụ nữ của đời mình. Vậy anh phải làm gì?

Khi Jude rà soát lại nội tâm mình, anh đã tìm ra phần đang ngăn cản những thay đổi trong cuộc đời anh. Đó là phần lo sợ rằng nếu anh để mất cô bạn gái hiện tại thì chẳng có người phụ nữ nào yêu thương anh như cô ấy. Anh lắng nghe phần lo lắng ấy với tình yêu thương, cố hiểu nguồn gốc của nó và để cái tôi tự tin của anh trấn an nó rằng anh sẽ sớm có một mối quan hệ viên mãn hơn với tình yêu đến từ cả hai phía.

Ingrid là một luật sư giỏi luôn làm việc cật lực, rất giỏi kiếm tiền, nhưng cô không thật sự yêu công việc hiện tại. Điều cô mong muốn là một người chồng và những đứa con, nhưng cho đến bây giờ thì cô vẫn chưa có được những điều ấy. Tại sao? Bởi vì cô đã hoàn toàn từ bỏ đời sống xã hội của mình khi dành tất cả thời gian để lao vào làm việc, và chính điều này đã vô tình ngăn cản cơ hội đón nhận cuộc sống tương lai mà cô đang mong muốn. Khi những thân chủ mới gọi đến, cô bực bội với họ, cứ như thể là họ đang xâm phạm cuộc sống riêng tư của cô và kéo cô ra xa giấc mơ của mình vậy. Các khách hàng tiềm năng đã bắt đầu phàn nàn về thái độ không mấy thiện cảm của cô.

Xét về cơ bản, những hành động của Ingrid có vẻ vô lý. Cô đã tự quảng cáo về mình trên danh bạ điện thoại, bằng sự truyền miệng của các thân chủ và bằng tấm bảng hiệu nhỏ treo phía trước văn phòng làm việc. Việc chuông điện thoại réo liên tục chính là kết quả của những việc cô đang làm; thế nhưng lúc này, bản ngã của cô lại đang dẫn dắt cuộc đời cô. Thay vì thành thật với bản thân về những điều mình muốn, thì một phần bản ngã đã che lấp cái tôi tự tin của cô. Chính nó đã kéo cô đi ngược hướng mà cô mong muốn; và rồi phần oán giận lại xuất hiện để phản ứng lại phần đang dẫn dắt cuộc đời cô.

Ingrid áp dụng nguyên lý khoảng chân không bằng cách phát triển một mối quan hệ với phần oán giận của mình, hứa với nó rằng cô sẽ dành nhiều thời gian hơn cho đời sống xã hội nếu nó chịu bước sang một bên và đồng ý thư giãn. Khi ấy, phần oán giận trong con người cô đã tạo ra một khoảng trống để cô có thể bước lên phía trước, nơi mà cô niềm nở chào đón các thân chủ của mình. Cô cũng làm cho bản ngã của mình thư giãn đi bằng cách nhắc nhở nó rằng cô vẫn có thể tiếp tục thành công trong công việc, đồng thời có một cuộc sống riêng tư hạnh phúc. Khi phần oán giận và bản ngã cùng bước lùi về phía sau, chúng đã tạo ra khoảng trống để cái tôi tự tin của cô nắm giữ vị trí dẫn đạo. Ingrid bắt đầu tập thói quen ngừng làm việc khi kim đồng hồ chỉ đến sáu giờ tối mỗi ngày. Cô cũng dành ra những ngày cuối tuần và ngày lễ cho hoạt động vui chơi. Cô đi chơi với bạn bè nhiều hơn và gặp gỡ với nhiều người bạn mới. Từ những việc làm này, cô tìm được người chồng mong đợi, kết hôn, có con và vẫn tiếp tục thành công trong công việc.

Công việc kinh doanh nhà hàng của Phil đang sa sút nghiêm trọng vì cách quản lý yếu kém của anh. Anh là một chàng trai tốt bụng nhưng lại không biết nói “không” với các nhân viên của mình. Vì muốn mọi người đều yêu mến mình nên khi một người hầu bàn đến trễ, hoặc đầu bếp không đến làm việc, phản ứng của anh chỉ là: “Chuyện nhỏ thôi, tôi sẽ điều động người khác”. Dần dần, áp lực vàsự hỗn độn nảy sinh từ việc nhân viên vắng mặt, đến trễ, về sớm hay những bữa ăn trưa kéo dài suốt hai giờ đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho nhà hàng.

Phil rất tức giận vì các nhân viên đã lợi dụng lòng tốt của anh. Nhưng vấn đề ở đây là chính phần luôn muốn làm hài lòng mọi người, chứ không phải cái tôi tự tin của anh, đang điều hành nhà hàng. Phần muốn làm hài lòng mọi người ấy có thể giúp anh được nhiều người yêu thích nhưng nó không thể tạo ra một cơ sở kinh doanh phát đạt. Phil buộc lòng phải quyết định việc gì là quan trọng hơn: được mọi người yêu mến hay công việc kinh doanh thành công. Một khi anh khám phá và hiểu được phần luôn muốn làm hài lòng mọi người trong con người mình, thì nó sẽ thư giãn và tạo ra khoảng trống cho cái tôi tự tin của anh quản lý mọi thứ một cách chặt chẽ hơn, trật tự hơn. Thêm vào đó, anh còn có thể thực hiện được những thay đổi cần thiết mà không mất đi sự yêu mến của các nhân viên; và thậm chí họ còn tỏ ra kính trọng anh hơn. Đó là nhờ vào đặc tính vốn có của cái tôi tự tin: nó giúp ta kết nối với những người xung quanh mà không cần phải lúc nào cũng cố làm hài lòng họ.

Cho qua để sống tốt

Nguyên lý khoảng chân không cho thấy rằng những phần trong con người ta có xu hướng gây hại hoặc cản đường ta – chẳng hạn như sự oán thù, sự giận dữ, nỗi sợ hãi, lo lắng, lòng ghen tỵ, nỗi đau, sự suy sụp – sẽ được giải tỏa nếu ta sẵn lòng thiết lập mối quan hệ thông hiểu với chúng. Chừng nào bạn còn chất chứa trong lòng những ảo tưởng đã không còn đúng với thực tế nữa thì khi đó, bạn sẽ không có chỗ cho cái tôi tự tin của mình. Có thể bạn sẽ mãi luẩn quẩn giữa sự oán giận và buồn bã mà chẳng thể hiểu được nguyên nhân vì sao.

Trong cuốn sách “The Seat of the Soul”, Gary Zukav quả quyết rằng có vô số những dòng chảy khác nhau tồn tại bên trong mỗi người chúng ta. Ông cho rằng chúng ta học cách trải nghiệm nguồn năng lượng của tâm hồn mình khi nhân cách của ta “học cách đánhgiá và thừa nhận những dòng chảy phát ra sự sáng tạo, sự hàn gắn và tình yêu; đồng thời học cách phản đối và giải tỏa những dòng chảy phát ra sự tiêu cực, thiếu hài hòa và bạo lực”. Ông giải thích:

“Khi chúng ta sắp xếp những ý nghĩ, tình cảm và hành động của mình ngang hàng với những phần cao quý nhất trong con người mình, ta sẽ thấy lòng đầy hăng hái, sống có mục tiêu, có ý nghĩa. Lúc ấy, cuộc đời ta thật viên mãn. Ta chẳng có ý nghĩ gì về nỗi đắng cay hay bất kỳ ký ức nào về sự sợ hãi. Ta sống vui vẻ và chứa chan yêu thương trong thế giới của mình.”

Tình yêu, lòng trắc ẩn, sự rõ ràng và sáu chữ “C” khác là những phẩm chất của tâm hồn có thể bị những tổn thương trong quá khứ che khuất đi. Giải tỏa những tổn thương trong quá khứ sẽ xoa dịu ta, giúp ta cởi bỏ gánh nặng trên vai mình. Một khi ta đã giải phóng bản thân khỏi cái cũ thì ta sẽ sẵn sàng để đón nhận những cái mới. Việc cho qua sẽ mở rộng mọi ngõ ngách trong tâm hồn bạn để cho sự tiêu cực chảy đi và sự tích cực ùa vào.

Có rất nhiều cách để tạo ra khoảng chân không trong tâm hồn và khơi nguồn những dòng chảy. Sử dụng thế giới nội tâm và phát triển các mối quan hệ với những phần gây cản trở dòng chảy sẽ góp phần tạo nên phương pháp hiệu quả nhất.

Các phương pháp sau đây có thể giúp bạn tiếp cận với những phần bản ngã của mình, để bắt đầu hiểu và giúp chúng thư giãn cũng như để cái tôi tự tin của bạn có thể đứng vào vị trí dẫn dắt cuộc đời bạn:

  • Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn khai thông dòng chảy và hòa mình với cuộc sống xung quanh.
  • Tham gia những nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn bộc lộ cảm xúc và tình cảm trong bầu không khí thân mật.
  • Viết nhật ký hoặc ghi âm lại những cảm xúc và ý nghĩ của mình sẽ giúp bạn khơi dòng cho nội tâm mình.
  • Áp dụng mọi hình thức sáng tạo nghệ thuật, như kịch, âm nhạc hoặc thơ ca đều có thể giúp ích cho bạn.
  • Việc giải tỏa những cơn nóng giận bằng các phương pháp mang tính xây dựng như đấm mạnh vào đất sét, dùng gậy đập mạnh vào bao cát hoặc đấm vào nệm sẽ giúp bạn giải tỏa sự kích động ra ngoài. Việc khóc lóc, la hét, đập phá và cười lớn trong những hoàn cảnh được kiểm soát sẽ cho phép các phần trong con người bạn giải phóng năng lượng của chúng.
  • Việc tập luyện các môn thể thao như chạy bộ, nhảy aerobics, đi bộ… sẽ giúp bạn khống chế được sự chán nản, giận dữ cũng như những biểu hiện tiêu cực khác.
  • Thực hành thiền định cũng là một phương pháp có thể giúp bạn khai thông các kênh cảm xúc. Thiền định có thể giúp bạn buông bỏ những cảm xúc, ý nghĩ, thái độ, quan điểm cứng nhắc về một tình huống phức tạp nào đó, cũng như có thể tìm ra giải pháp giải quyết tình huống ấy.

 

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG BIẾN CỐ LỚN TRONG ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
  2. NGUYÊN LÝ CHIẾC BOOMERANG
  3. SỐNG LẠC QUAN

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN