DEAN CUNNINGHAM
Trích: Sống sáng suốt-Pure Wisdon; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch; NXB Trẻ
Tất cả chúng ta đều có ngưỡng tha thứ. Trễ hẹn với ai đó năm phút, ồ, không sao. Trễ hẹn mười lăm phút, họ nổi trận lôi đình rồi. Bạn thấy đó, tất cả chúng ta đều có một cuốn cẩm nang sống: điều gì đúng, điều gì sai, điều gì có thể chấp nhận được, điều gì không thể dung thứ. Và ở đâu đó trong số những quy tắc phức tạp ấy là một điều khoản, quy định rằng: “Tất cả con người đều phải tuân theo những quy tắc trong sách này. Còn nếu không hãy…”.
Nào, điều tôi nói tiếp theo đây có thể gây sốc, cho nên hãy cố gắng chịu đựng nhé.
Hãy hiểu: cẩm nang sống của bạn không phải cuốn duy nhất. Thật ra trên hành tinh này có bao nhiêu người ở thì chắc cũng có bấy nhiêu cuốn cẩm nang. Hẳn nhiên có những phần trùng nhau kiểu như: Ngươi không được giết chóc. Và trong cuộc sống hàng ngày thì phần trùng nhau là những điều nhỏ nhặt như: Ngươi không được trễ hẹn mười lăm phút. Nói cách khác, chính việc vi phạm các quy tắc tế nhị và mang tính cá nhân của chúng ta sẽ khiến ta giận dữ.
Từ điều tôi vừa tiết lộ ở trên, nếu bạn vẫn chưa thấy stress lắm thì bảo đảm điểm tiếp theo đây sẽ hoàn tất chuyện đó.
Nghe có vẻ lạ lùng nhưng con người sinh ra là để phạm sai lầm. Đúng vậy. Chúng ta sẽ luôn sai lầm. Hãy chấp nhận nó. Chúng ta thường xuyên làm cho người khác thất vọng. Ai có thể tránh khỏi chuyện này hơn nữa chứ, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục vấp ngã, sai sót, và thất bại, bởi nếu không như thế thì chúng ta chẳng bao giờ tiến hóa nổi. Chúng ta sẽ không có động lực để cải tiến. Có gì đâu mà cải tiến,
Vậy sao chúng ta lại thấy khó tha thứ cho người khác khi họ vi phạm các quy tắc của ta? Thật kì cục. Chúng ta đâu có ghét con vịt kêu cạp cạp, vì vịt thì phải kêu như thế. Nhưng nếu người bạn thân nhất, người bạn đời hay người yêu không làm theo điều 34b trong cuốn quy tắc cá nhân của ta thì thôi rồi. Họ phải trả giá. Thông thường người ta chọn cách ăn miếng trả miếng, trả đũa, hay trả thù. Nhưng có nhất thiết phải tự hạ mình với thử thách mà trước đó ta cho là không thể chấp nhận được? Đôi lúc, hình phạt còn tinh vi hơn: cắt đứt quan hệ. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều muốn bất cứ kẻ nào gây tổn thương cho ta biết ta bị thương tổn thế nào, cho nên ta phải trừng phạt họ. Chúng ta muốn họ cảm nhận nỗi đau của ta hoặc đau hơn thế. Nhưng khi từ chối tha thứ thì rốt cuộc chúng ta chỉ tự trừng phạt mình mà thôi.
Nếu sau lý lẽ vừa rồi mà bạn vẫn còn đọc nổi thì điều tiếp theo đây có thể làm bạn sụp đổ hoàn toàn.
Bạn biết không, theo một khía cạnh nào đó, chẳng có lý do để tha thứ cho bất cứ ai, bất cứ điều gì cả, bởi sự tha thứ hàm nghĩa rằng lỗi lầm của người khác là có chủ ý. Nhưng chính vì không ở trong điều kiện tốt nhất nên chúng ta mới làm tổn thương người khác. Vốn dĩ chúng ta luôn luôn cố gắng đạt kết quả cao nhất trong điều kiện nơi ta đang ở, tình huống ta đang đối mặt, và những công cụ ta có để giải quyết tình huống đó. Nếu hiểu biết nhiều hơn thì chúng ta đã cư xử tốt hơn rồi.
Tôi biết là không dễ. Tất cả chúng ta đều có những hạn chế. Tuy vậy, nói rõ ra, bạn cho người khác quyền lực để làm tổn thương bạn. Và bạn có thể đòi lại quyền lực đó. Nếu ai xúc phạm hay thiếu tôn trọng bạn, hãy nhớ rằng bạn có thể quyết định cách mình tiếp nhận nó. Hãy coi kẻ đó như kẻ lầm lẫn, bị khuyết tật, bị mất thăng bằng cảm xúc, cần được yêu thương và chăm sóc, kẻ đang đau khổ hoặc kẻ yếu ớt, như thế bạn sẽ thấy dễ động lòng thương xót họ hơn. Ngoài ra, chẳng cần phải tha thứ cho họ.
Cách cư xử này không có nghĩa là bạn để mặc cho người khác tha hồ đè đầu cỡi cổ mình. Hãy tự vệ khi cần thiết. Nhưng đừng nhẩm đi nhẩm lại cái điều xấu xa trong trí óc, đừng liên tục xát muối vào vết thương của mình nữa. Mòn mỏi trong sự đau khổ tinh thần đâu làm cho bạn cảm thấy khá lên. Mục tiêu cuối cùng của bạn là đạt được cảm giác bình yên và vui sướng hơn. Vậy nên đừng nhắc đi nhắc lại chuyện đó nữa. Hãy rũ bỏ nó đi.