PHAN ĐĂNG
(Đối thoại với ông Lý Xương Căn, hậu duệ 800 năm của nhà Lý tại Hàn Quốc)
Trích: 39 Cuộc Đối Thoại Cho Người Trẻ; NXB. Kim Đồng, 2022
Ông Lý Xương Căn là hậu duệ của Lý Long Tường, vị Hoàng thúc nhà Lý phải “chạy loạn” khỏi Đại Việt trong cuộc chuyển giao Lý – Trần thế kỉ 15. Nơi mà Hoàng thúc Lý Long Tường tìm đến là Cao Ly (CHDCND Triều Tiên – Hàn Quốc ngày nay), góp sức vào cuộc chiến đấu của người Cao Ly chống lại người Mông Cổ và tạo nên một dòng họ Lý giàu truyền thống ở Hàn Quốc. Hơn 800 năm đã qua đi, những người như ông Lý Xương Căn vẫn không ngừng trăn trở về dòng máu Đại Việt tiềm ẩn trong mình qua nhiều thế hệ. Ông đã thực hiện di nguyện mà lớp cha chú vì nhiều lý do chưa thể làm được, đó là trở về Việt Nam, xin nhập quốc tịch Việt Nam và năm 2022, ở thời điểm cuộc đối thoại này diễn ra, ông đang là Đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông bảo: “Ở Hàn Quốc, nếu không biết rõ mình là ai thì bạn không thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.”
– Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Lý Xương Căn, ông sinh ra ở Hàn Quốc, lớn lên ở Hàn Quốc, trưởng thành ở Hàn Quốc. Vậy khoảnh khắc nào, ông chợt có ý thức là ở trong mình có một phần Việt Nam?
– Ông Lý Xương Căn: Có một cột mốc rất quan trọng với chúng tôi, đó là năm 1953, khi hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được kí kết. Sau thời điểm này, anh trai của bố tôi di chuyển từ miền Bắc vào miền Nam sinh sống, và bác thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện lịch sử của dòng họ Lý tại Hàn Quốc. Bác tôi tìm hiểu về lịch sử dòng họ rất kĩ lưỡng và tâm huyết. Bác cũng chính là người đã chăm sóc phần mộ của Hoàng thúc Lý Long Tường.
Khi nghe bác kể chuyện về dòng tộc, biết mình là hậu duệ của một vị vua ở Việt Nam thì dù còn nhỏ nhưng tôi cũng thấy rất đặc biệt. Đến năm 1967, khi một tờ báo Hàn Quốc đưa tin về việc hậu duệ của vua Lý Thái Tổ và của Hoàng thúc Lý Long Tường đang sống tại Hàn Quốc thì chúng tôi hiểu đây là một câu chuyện lớn. Và từ lúc đó, trong tôi bắt đầu nhen nhóm ý định trở về. Thật ra, người bác mà tôi vừa kể luôn rất muốn được đến Việt Nam thăm quê cha đất tổ, nhưng lúc đó Việt Nam đang chiến tranh, quê của vua Lý Thái Tổ lại ở tỉnh Bắc Ninh thuộc miền Bắc Việt Nam, mà Hàn Quốc lúc đó chỉ có quan hệ với miền Nam Việt Nam, nên một người Hàn Quốc như bác tôi không thể về được. Tuy nhiên, bác tôi luôn theo dõi sát sao mọi sự kiện, xem báo hằng ngày để biết thông tin về chiến tranh ở Việt Nam. Mãi đến năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, bác tôi hiểu là cơ hội trở về có thể đã mở ra với mình. Nhưng thật buồn là đúng năm đó bác mất, nên ý định của bác không bao giờ thành hiện thực.
– Lịch sử luôn có những câu chuyện và những cơ duyên của nó. Thật ra thì nếu còn sống, năm 1975, bác ông cũng chưa thể về Việt Nam ngay được, vì phải 17 năm sau, Việt Nam – Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao.
– Đúng rồi! Năm 1992, Việt Nam – Hàn Quốc mới thiết lập mối quan hệ. Tôi nhớ mãi ngày đó, chính xác là ngày 22/12/1992.
Nhưng trước đó, từ năm 1991, báo chí Hàn Quốc đã đưa tin hai nước đang chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao rồi. Vì vậy từ 1991 đến 1992, tôi đã có ý định bỏ hết sự nghiệp ở Hàn Quốc để chuẩn bị về Việt Nam.
– Lúc đó ông đang làm nghề gì?
– Tôi là kĩ sư. Từ khi ý nguyện của bác tôi bị bỏ ngỏ trong gần 20 năm, tôi chính là người đã lưu giữ gia phả và những tài liệu mà bác thu thập được về dòng tộc. Khi thấy có cơ hội về Việt Nam, tôi liền tìm gặp Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc là ông Nguyễn Phú Bình. Thật may là ngài Đại sứ nói được tiếng Hàn nên tôi đã nói chuyện được rất nhiều. Tôi mang tất cả gia phả, ghi chép và tài liệu của gia đình đến cho Đại sứ xem. Đại sứ rất ngạc nhiên vì tôi lại lưu giữ được nhiều tài liệu trong nhiều năm như vậy. Đại sứ là người có kiến thức rất sâu về lịch sử. Cho nên sau khi nghe câu chuyện của tôi, Đại sứ rất xúc động và điều mà tôi nhớ mãi đến giờ là khi ấy chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau.
– Ở Hàn Quốc, khi ông nói với bạn bè rằng mình là hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường, phản ứng của những người bạn ông như thế nào?
– Lý Xương Căn (cười): Người Hàn Quốc rất coi trọng gốc rễ. Họ thường rất tự hào khi kể cho nhau nghe mình là con của ai, cháu của ai… Chính từ văn hoá đó mà tôi thường tự hào khi kể với bạn bè rằng mình mang dòng máu của vua Việt Nam, là hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường. Tôi xin nhấn mạnh, ở Hàn Quốc, nếu không biết, không thể nói được tổ tiên mình là ai thì người ta sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Có câu chuyện vui vui của trẻ con, đó là chính vì nói mình là con cháu của vua Việt Nam nên tôi được phong là người dẫn đầu nhóm trẻ trong xóm. Mặc dù khi ấy chỉ là một đứa bé nhưng tôi luôn thích thú, tự hào về dòng dõi của mình. Và cũng chính vì dòng dõi ấy mà khi tranh luận với những đứa trẻ khác, tôi luôn muốn giành chiến thắng (cười lớn).
– Ông có thể chia sẻ xem ở các gia đình Hàn Quốc, người ta dạy trẻ em về nguồn cội như thế nào được không?
– Ở Hàn Quốc, các gia đình đều có gia phả về dòng họ của mình. Mỗi năm, người Hàn Quốc đều tổ chức một buổi họp gia đình để người lớn dạy cho con cháu về gốc gác, nguồn cội, được ghi lại trong gia phả.
– Tôi đã từng nghe một nhà văn chia sẻ về kỉ niệm của một lần đi thăm Hàn Quốc. Ông nói rằng đừng thấy những thanh niên Hàn Quốc đeo khuyên tai, nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc thời trang mà nghĩ họ xa rời nguồn cội. Theo ông, phía sau cái vẻ bề ngoài ấy luôn là một nội lực trưyền thống vô cùng mạnh mẽ. Nhưng dẫu sao đấy cũng chỉ là nhận xét của một người đi ngang qua Hàn Quốc. Là người thấm nhuần văn hoá Hàn Quốc và những vấn đề đương đại của thanh niên Hàn Quốc, một cách khách quan nhất, ông thấy gì về điều này?
– Phải thừa nhận là ở Hàn Quốc, tính truyền thống và tính dân tộc rất mạnh. Hàn Quốc cũng trải qua chiến tranh và chứng kiến nhiều người hi sinh vì nền độc lập dân tộc như Việt Nam. Những người ở thế hệ tôi đã nếm trải nhiều chuyện của những năm tháng khổ cực đó, nên tính truyền thống của thế hệ này là điều rõ thấy. Nhưng cũng như ở Việt Nam, nhiều người Hàn Quốc hiện nay cảm thấy có chút lo lắng với lớp thanh niên đương đại. Tôi thì nghĩ, cả ở Việt Nam cũng như Hàn Quốc, người trê hôm nay cần phải được giáo dục nhiều hơn về tính truyền thống. Tôi lấy ví dụ ở Hàn Quốc ngày xưa, tính truyền thống cao đến mức khi thầy cô giáo di chuyển, lũ học sinh chúng tôi còn không dám dẫm lên cái bóng của thầy cô giáo, còn hiện nay quan hệ thầy – trò xuất hiện nhiều thay đổi. Nói tóm lại, nền kinh tế phát triển phải song song với nâng cao văn hoá. Còn nếu kinh tế phát triển mà văn hoá đi xuống thì không được.
– Xin hỏi hơi cá nhân một chút là ông Lý Xương Căn có bao nhiêu người con?
– Tôi có ba người con và tất cả đều lớn rồi.
– Khi con ông còn nhỏ, chìm trong những thay đổi của xã hội đương đại, có bao giờ ông lo ngại chúng sẽ bị cuốn trôi theo một làn sóng văn hoá mới hay không?
– Tất cả những đứa con của tôi đều đã chứng kiến việc tôi quyết tâm tìm về quê hương, nguồn cội, cho nên hiểu rõ những giá trị truyền thống trong sự phát triển của con người. Chắc chắn là tôi không cảm thấy lo ngại gì về điều anh vừa hỏi. Tất nhiên xã hội hiện đại sẽ có những suy nghĩ tất yếu của xã hội hiện đại, không thể ngăn cản được, nhưng tôi tin là sâu thẳm trong trái tim mình, khi tận mất chứng kiến việc bố mình tìm về những giá trị của dòng họ, những đứa con tôi đều hiểu rõ sức sống của những giá trị truyền thống. Và khi thực sự hiểu được điều đó, chúng sẽ không dao động theo những thước đo ảo hoặc những giá trị phù phiếm trong xã hội hiện đại. Ngược lại, nếu không có truyền thống, người trẻ sẽ dễ dao động bởi những giá trị phù phiếm, nhất thời.
– Bây giờ xin được quay trở lại với câu chuyện của ông. Ở thời điểm năm 1992, trước khi chính thức lên máy bay về Việt Nam, ông hình dung như thế nào về Việt Nam?
– Thời điểm ấy thông tin chưa nhiều, nên tôi từng nghĩ Việt Nam là một đất nước phát triển hơn ở Hàn Quốc. Đến khi xem trên truyền hình, thấy chiến tranh ở Việt Nam thì tôi có phần lo lắng. Mà hình ảnh chiến tranh lúc ấy cũng thường xuất hiện ở những khu vực rừng núi, nên tôi còn tưởng Việt Nam không có đồng bằng. Cho nên khi máy bay đáp xuống Hà Nội, thấy xung quanh không có đồi núi thì tôi còn thấy lạ. Còn khi nhìn từ trên cao, lúc ấy tôi thấy Hà Nội hơi giống những vùng ngoại ô của Hàn Quốc. Mọi thứ đúng là khác hẳn so với hình dung của mình.
– Vậy khi tới Đền Đô, không gian thờ tự các vị vua nhà Lý, cảm xúc trong ông như thế nào?
– Lúc đấy người đầu tiên tôi nhớ đến là bác tôi, người tôi đã kể ở phần trên, người luôn nói về dòng dõi Việt Nam cho chúng tôi nghe khi chúng tôi còn nhỏ. Bác tôi qua đời đột ngột, không kịp dặn dò gì, nhưng với tất cả những việc mà bác đã làm, tôi hiểu rằng khi Hoàng thúc Lý Long Tường gặp hoạn nạn phải lánh thân ở Cao Ly, ông luôn mong mỏi có một lần được quay về quê hương. Dĩ nhiên mong mỏi đó không bao giờ thành sự thực. Và tôi, một hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường, vào năm 1994 đã biến mong ước rằng “Tôi mong sau này con cháu sẽ thay tôi tìm về tổ quốc Việt Nam” của Hoàng thúc Lý Long Tường thành sự thực. Đây là “cuộc trở về quê hương, đất tổ sau 769 năm”. Đây chính là bản năng và ý thức tìm về cội nguồn như đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà người Việt Nam luôn nhớ đến. Người bác của tôi cũng luôn đau đáu nỗi niềm tìm về quê cha đất tổ. Do vậy, ý nghĩ lớn nhất trong tôi lúc đó là: Cuối cùng tôi đã thực hiện được di nguyện của Hoàng thúc Lý Long Tường cho bác rồi. Tôi giống như người thay thế bác được đứng trước tổ tiên, ông cha mình. Về được với nguồn cội, tâm hồn tôi thanh thản kì lạ.
– Ở Hàn Quốc có đền thờ vua Lý Thái Tổ hoặc Hoàng thúc Lý Long Tường không, thưa ông?
– Có hai đền thờ Hoàng thúc Lý Long Tường ở CHDCND Triều Tiên nhưng bạn biết đấy, tôi đang sống ở Hàn Quốc nên chưa đến được. Tuy nhiên ở tỉnh Bonghwa, miền Trung Hàn Quốc cũng có một miếu thờ hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường. Tôi và gia đình đã nhiều lần đến đây. Tỉnh Bonghwa có hẳn một làng toàn người Việt sinh sống, được gọi là làng Việt Nam. Miếu thờ hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường nằm ngay trong ngôi làng này. Nhân đây, tôi rất muốn nói rằng Hoàng thúc Lý Long Tường là một chiến binh dũng mãnh ở Việt Nam nên khi sang Cao Ly đã trở thành người giúp quân đội Cao Ly giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với người Mông Cổ. Lúc đó, vua Cao Ly đã đích thân viết thư khen tặng Hòang thúc Lý Long Tường. Hiện giờ chúng tôi vẫn còn giữ được bức thư này. Nhà vua còn cấp cho Hoàng thúc Lý Long Tường đất đai làm thái ấp và cho lập bia ghi công.
Hiện tại, tôi làm hẳn một kênh YouTube để nói về lịch sử của dòng họ Lý ở Hàn Quốc cũng như về cá nhân Hoàng thúc Lý Long Tường. Có bốn phẩm chất về Hoàng thúc Lý Long Tường mà tôi luôn muốn chia sẻ, đó là dũng cảm, trung thành, hiếu thảo và uống nước nhớ nguồn. Giai thoại kể rằng, từ ngày sang Cao Ly, Hoàng thúc Lý Long Tường vẫn thường xuyên leo lên một đỉnh núi cao, nhìn về trời Nam và khóc. Dù Hoàng thúc Lý Long Tường đã sống phần cuối đời ở xứ người nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương. Cũng chính vì thế mà ngọn núi ông đứng sau đó được đặt một cái tên mà ý nghĩa của cái tên ấy là thân thể ở đây nhưng tâm trí thì hướng về trời Nam. Đức tính này cũng rất giống với đức tính truyền thống của người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đi ra nước ngoài nhiều nhưng lúc nào cũng hướng về quê hương, thậm chí khi chết đi là muốn quay về quê hương, nằm lại ở quê hương.
– Trở lại với lần ông trở về Đền Đô – Bắc Ninh, tính từ lần trở về đầu tiên đó, đến khi nào ông có ý định xin nhập quốc tịch Việt Nam?
– Đầu những năm 2000 tôi đã có suy nghĩ nhập quốc tịch Việt Nam rồi, nhưng khi đó chính phủ Hàn Quốc chưa cho phép một công dân có hai quốc tịch. Dù vậy tôi vẫn quyết tâm thực hiện và đến năm 2008 thì tôi trao đổi nguyện vọng này với Đại sứ Nguyễn Phú Bình. Sau đó, rất may là chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện để tôi được nhập quốc tịch. Tôi rất bất ngờ và cũng rất cảm ơn chính phủ, nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi và gia đình tôi có được quốc tịch Việt Nam.
– Điều quan trọng nhất mà ông chuẩn bị để trở thành công dân Việt Nam là gì? Liệu có phải là học tiếng Việt không?
– (Cười) À, đến thời điểm đó thì tôi đã đi đi lại lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc rất nhiều lần rồi nên không có khó khăn gì về giao tiếp hay nói tiếng Việt cả. Căn tính Việt Nam cũng đã có sẵn trong sâu thẳm con người tôi nên mọi chuyện diễn ra hết sức tự nhiên, không có bất cứ áp lực nào cả. Còn nếu nói về mặt cảm xúc thì cảm xúc của tôi lúc đó là cực kì hãnh diện.
Tại sao, bạn biết không? Tại vì ở Hàn Quốc có rất nhiều người Hàn Quốc gốc Trung Quốc nhưng họ không được nhập quốc tịch Trung Quốc, vì chính phủ Trung Quốc không đồng ý. Nhiều người bạn tôi ở Hàn Quốc rất bất ngờ trước việc tôi được nhập quốc tịch Việt Nam, vì tuy tôi là dòng dõi của vua Lý Thái Tổ nhưng câu chuyện cũng trải qua 800 năm rồi. Nhiều bạn bè Hàn Quốc của tôi nghĩ rằng, đã qua 800 năm, qua không biết bao nhiêu đời và bao nhiêu thay đổi thì rốt cuộc trong con người tôi còn được bao nhiêu phần trăm Việt Nam? Và có thể họ cho rằng chính phủ Việt Nam cũng nghĩ thế. Nhưng sự thật là chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện hết sức để tôi có quốc tịch Việt Nam. Tôi thực sự biết ơn chính phủ Việt Nam.
– Bây giờ, ông là người có hai quốc tịch. Không biết ông sống ở đâu nhiều hơn, Việt Nam hay Hàn Quốc?
– Từ năm 2017, trong vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kì đầu tiên, tôi chủ yếu sống ở Hàn Quốc, vì có nhiều việc và hoạt động phải thực hiện để thúc đẩy và phát triển giao lưu văn hoá, du lịch hai nước. Còn trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc thì tôi gần như sống ở Việt Nam, một năm chỉ trở lại Hàn Quốc một đến hai lần thôi. Riêng từ cuối năm 2019 đến nay thì tôi ở Việt Nam và không quay lại Hàn Quốc, do dịch bệnh.
– Ông ở Việt Nam. để kinh doanh nữa?
– Vâng! Tôi kinh doanh ở Việt Nam và có một nhà máy tái chế ở Đà Nẵng nhưng tôi đang muốn chuyển giao cho con để tập trung hết vào vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc.
– Các con ông nói tiếng Việt giỏi chứ?
– Các con của tôi học trường Thực nghiệm ở Hà Nội từ khi còn bé, khoảng 10 tuổi. Ngày xưa trường Thực nghiệm không nhận học sinh nước ngoài nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hỗ trợ tôi, đặc cách cho ba con của tôi được học trường Việt Nam. Các thầy cô giáo cũng rất quan tâm vì lúc đó ba con tôi đều còn nhỏ, chưa biết nhiều tiếng Việt. Hiện nay, con gái cả của tôi học đại học bên Mỹ, đã tốt nghiệp, lấy chồng và đang sinh sống ở Mỹ.
Con thứ hai thì học Đại học Quốc gia Hà Nội. Cậu con út thì đang học đại học ở Hàn Quốc.
– Xin cảm ơn ông!