THÔI MIÊN VÀ TIỀN KIẾP

DR. BRIAN L.WEISS

Trích: TIỀN KIẾP VÀ LUÂN HỒI CÓ THẬT KHÔNG?

Thôi miên là một công cụ tuyệt hảo để giúp bệnh nhân nhớ lại những việc xẩy ra đã bị quên lãng từ lâu. Không có gì là huyền bí cả về việc này. Đó chỉ là một trạng thái thái tập trung. Theo chỉ dẫn của một nhà thôi miên thành thạo, cơ thể bệnh nhân thư giãn, làm cho ký ức nhậy bén. Tôi đã thôi miên cả trăm bệnh nhân và thấy rằng thôi miên giúp giảm bớt lo âu, loại bỏ được chứng sợ hãi, thay đổi được thói quen xấu, và giúp nhớ được dữ kiện bị kìm nén. Có dịp tôi đã thành công trong việc giúp bệnh nhân hồi nhớ lại thời kỳ thơ ấu, thậm chí lúc họ mới hai hay ba tuổi, do đó gợi lại được những ký ức về những chấn thương bị lãng quên từ lâu đã ngăn trở cuộc sống của họ. Tôi tin thôi miên có thể giúp Catherine.

Tôi bảo Catherine nằm trên giường khám bệnh, mắt nhắm hờ và đầu nằm trên một gối nhỏ. Đầu tiên chúng tôi tập trung vào hơi thở của cô. Với mỗi lần thở ra cô giải thoát sự căng thẳng và lo âu chất chứa và mỗi lần hít thở cô thư giãn nhiều hơn nữa. Sau ít phút như vậy tôi bảo cô hãy tưởng tượng là cơ bắp từ từ thư giãn, bắt đầu từ cơ bắp mặt và hàm, rồi đến cổ và vai, cánh tay, lưng, cơ bắp bụng, và sau cùng là chân. Cô cảm thấy toàn ngày càng chìm sâu vào giường khám bệnh.

Rồi tôi bảo cô hãy mường tượng một ánh sáng trắng chói lọi ở đỉnh đầu cô, trong thân thể cô. Sau đó khi tôi đem ánh sáng lan tỏa xuống cơ thể cô, nó hoàn toàn làm giãn mọi cơ bắp, mọi dây thần kinh, mọi cơ quan – tất cả thân thể – đưa cô vào một trạng thái thư giãn sâu xa và an bình. Cô cảm thấy ngày càng buồn ngủ hơn, an ổn và bình tĩnh càng nhiều hơn. Cuối cùng theo chỉ dẫn của tôi, ánh sáng tràn ngập cơ thể cô cũng như bao quanh cô.

Tôi đếm ngược chậm rãi từ số mười đến số một. Với mỗi số, cô tiến sâu vào mức độ thư giãn. Cô chìm vào trạng thái hôn mê. Cô có thể tập trung vào giọng nói của tôi và loại trừ tất cả những tiếng ồn ào chung quanh. Khi đếm tới số một, cô đã ở tình trạng bị thôi miên trung bình. Toàn bộ tiến trình mất khoảng 20 phút.

Sau một lúc tôi bắt đầu hướng cô về quá khứ, yêu cầu cô nhớ lại những ký ức về thời thơ ấu. Cô có thể nói chuyện và trả lời câu hỏi của tôi trong khi duy trì ở mức độ thôi miên sâu. Cô nhớ lại sự việc khó chịu tại phòng nha sĩ khi cô sáu tuổi. Cô nhớ lại rõ ràng sự việc hãi hùng lúc 5 tuổi khị cô bị đẩy từ cầu nhẩy xuống hồ bơi. Cô bị tắc và nghẹn, bị uống nước, và trong khi nói chuyện về việc này, cô bắt đầu như nghẹn tại phòng khám của tôi. Tôi nói với cô việc này đã qua rồi, và cô đã ra khỏi nước. Ngừng tắc nghẹn và cô thở lại bình thường.Cô vẫn ở trong trạng thái hôn mê sâu.

Vào năm ba tuổi, một sự cố xấu nhất đã xẩy ra. Cô nhớ cô tỉnh giấc trong phòng ngủ tối tăm và thấy cha cô ở trong phòng. Ông ta nồng nặc mùi rượu và lúc này cô vẫn còn ngửi thấy mùi đó. Ông ta sờ mó cô và xoa đến cả “phía dưới” của cô. Cô quá kinh hãi và bắt đầu khóc, ông ta bịt miệng cô bằng bàn tay thô bạo của ông. Cô không thở được. Trong phòng mạch của tôi, hai mươi lăm năm sau, trên giường khám bệnh Catherine bắt đầu thổn thức. Tôi cảm thấy bây giờ chúng tôi đã có được tin tức, chìa khóa để mở cửa. Tôi chắc chắn những triệu chứng sẽ được cải tiến nhanh và mạnh mẽ. Tôi nhẹ nhàng bảo cô, chuyện đó đã qua rồi, và cô không còn ở trong phòng ngủ nữa, mà đang thanh thản và vẫn đang hôn mê. Cô hết thổn thức. Cuối cùng tôi đem cô về tuổi hiện thời. Tôi đánh thức cô sau khi đã bảo cô, bằng hậu thôi miên, hãy nhớ tất cả những gì cô đã nói với tôi. Chúng tôi đã dùng thời gian còn lại của buổi điều trị bàn luận về ký ức sống động đột xuất về chấn thương với cha cô. Tôi cố gắng giúp cô chấp nhận và bổ sung vào kiến thức “mới” của mình. Bây giờ cô hiểu mối quan hệ với cha cô, phản ứng của ông ta với cô, sự cách biệt của người cha, và sự sợ hãi người cha của cô. Cô vẫn còn bàng hoàng khi rời phòng mạch, nhưng tôi biết sự hiểu biết mà cô đạt được rất đáng giá với một chốc lát khó chịu.

Trong loạt sự việc khi phát hiện cô có ký ức bị kiềm chế sâu và đau đớn, tôi đã quên hẳn không xem xét đến việc cô có thể có liên quan tới kiến thức về đồ tạo tác Ai Cập. Nhưng ít nhất cô đã hiểu thêm về quá khứ của mình. Cô đã nhớ được vài biến cố kinh hoàng, và tôi trông đợi một sự cải thiện đáng kể về những triệu chứng của cô.

Bất chấp sự hiểu biết này, tuần lễ sau đó cô thông báo là, những triệu chứng vẫn như cũ và có phần nặng hơn. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi không thể hiểu nổi có điều gì không đúng. Có thể có điều gì xẩy ra trước lúc cô ba tuổi? Chúng tôi đã phát hiện quá đủ những lý do về sự sợ hãi bị nghẹn, sợ nước, sợ bóng tối, và sợ mắc bẫy, vậy mà sự sợ hãi nhức nhối và các triệu chứng, sự lo âu bất trị soát vẫn hoành hành lúc cô thức. Những cơn ác mộng vẫn khủng khiếp như trước. Tôi quyết định đưa cô về quá khứ xa hơn nữa.

Trong khi thôi miên, Catherine đã thì thầm nói chậm và thong thả. Do đó tôi đã có thể viết xuống từng lời cô và đã trích dẫn trực tiếp những lời cô nói. (Hiện tượng thiếu mạch lạc rõ ràng những lúc nghỉ trong câu nói, không phải là xóa bỏ hay là sự biên tập của tôi. Tuy nhiên một số dữ kiện lặp đi lặp lại không được bao gồm ở đây).

Từ từ, tôi đưa Catherine quay về lúc hai tuổi, nhưng cô không nhớ được những ký ức có ý nghĩa. Tôi chỉ dẫn minh bạch và dứt khoát:” Hãy quay về lúc các triệu chứng phát sinh”. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì cho việc sắp xẩy ra.

“Tôi nhìn thấy những bậc thềm mầu trắng dẫn đến một tòa nhà, một tòa nhà trắng lớn với những cột nhà to, phía trước trống trải. Không có ô cửa nào. Tôi mặc y phục dài….. cái áo choàng làm bằng vật liệu thô sơ. Tóc tôi bện lại, mớ tóc màu vàng hoe dài”

Tôi bối rối. Tôi không biết chắc điều đang xẩy ra. Tôi hỏi cô, đó là năm nào, và tên là gì. “Aronda… , tôi mười tám tuổi. Tôi thấy một cái chợ trước tòa nhà. Có những cái thúng…..họ mang những cái thúng trên vai. Chúng tôi sống ở một thung lũng ….. Không có nước. Năm 1863 trước Công Nguyên. Vùng này trơ trụi, nóng và có cát. Có một cái giếng, không có sông. Nước từ núi chảy vào thung lũng”.

Sau khi kể lại nhiều chi tiết về địa hình, tôi bảo cô hãy đi tới một vài năm xa hơn và nói cho tôi biết cô thấy gì.

“Có cây cối và một con đường đá. Tôi thấy bếp lửa để nấu nướng. Tóc tôi màu vàng hoe. Tôi đang mặc y phục dài mầu nâu sồng và đi dép. Tôi 25 tuổi. Tôi có một đứa con gái, tên nó là Cleatra… Cleatra là Rachel (Rachel hiện là cháu của cô, cô và Rachel quan hệ với nhau rất mật thiết). Trời rất nóng.”

Tôi giật mình. Dạ dày tôi thắt lại, và căn phòng lạnh lẽo. Những tưởng tượng và hồi tưởng của cô dường như quá rõ ràng. Cô không một chút do dự gì. Tên, ngày tháng, quần áo, cây cối, tất cả được thấy một cách sống động! Cái gì đã diễn ra nơi đây? Làm sao một đứa con của cô có bây giờ lại là cháu cô? Tôi bối rối hơn. Tôi đã khám nghiệm cả ngàn người bệnh tâm thần, rất nhiều người bằng thôi miên, nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này – ngay cả trong mơ. Tôi chỉ dẫn cho cô đi xa hơn lúc cô chết. Tôi không biết chắc cách phỏng vấn người nào đó đang ở trong một hiện tượng kỳ quặc rõ ràng (hay ký ức) , nhưng tôi đang tìm kiếm những biến cố gây chấn thương có thể nằm dưới những sợ hãi và triệu chứng hiện nay. Những biến cố lúc gần chết có thể đặc biệt gây chấn thương. Hình như, lũ lụt hay sóng thủy triều đang tàn phá làng này.

“Có những cơn sóng lớn quật đổ cây cối. Không có chỗ nào mà chạy đến. Trời lạnh; nước lạnh. Tôi phải cứu con tôi, nhưng tôi không thể …. . chỉ ôm con thật chặt. Tôi chết đuối. Nước làm tôi bị nghẹt. Tôi không thể thở được, không thể nuốt được… nước mặn. Con tôi bị giằng ra khỏi tay tôi”.

Catherine hổn hển và khó thở. Đột nhiên cơ thể của cô thư giãn hoàn toàn, và hơi thở của cô trở nên sâu và điều hòa.

“Tôi nhìn thấy những đám mây … Con tôi nay với tôi. Và những người khác trong làng tôi. Tôi thấy anh tôi”.

Cô đang nghỉ ngơi; cuộc sống này đã chấm dứt. Cô vẫn ở trong hôn mê sâu. Tôi ngỡ ngàng! Những kiếp trước? Luân hồi? Năng lực trí lực trị liệu bảo tôi rằng cô không bịa đặt ra chuyện này, cô không dựng chuyện. Tư tưởng, cách trình bày của cô, sự chú ý đến những chi tiết đặc biệt, tất cả đều khác với trạng thái có ý thức của cô. Toàn bộ cung bậc khả năng chẩn bệnh tâm thần lóe lên trong tâm trí tôi, nhưng trạng thái tâm thần và cấu trúc cá tính của cô không giải thích nổi những khám phá này. Loạn tinh thần? Không, cô chưa bao giờ có chứng cớ nào bị rối loạn suy nghĩ hay nhận thức. Cô chưa bao giờ mắc chứng ảo giác về việc nghe tiếng, về thị giác hay ảo ảnh khi thức, hay bất cứ loại nào khác trong các giai đoạn thần kinh. Cô không ảo tưởng cũng chẳng xa rời thực tế. Cô không có nhiều cá tính hay chứng tâm thần phân lập. Chỉ có một Catherine, và tâm thức của cô hoàn toàn biết việc này. Cô không mỵ dân và không có khuynh hướng xa lánh hay chống xã hội. Cô cũng không phải là một nữ tài tử. Cô không dùng ma túy và cũng không ăn các chất gây ảo giác.

Cô rất ít uống rượu. Cô không có bệnh thần kinh hay tâm lý có thể giải thích kinh nghiệm trực tiếp rõ ràng này trong khi thôi miên.

Có những ký ức nào đó nhưng từ đâu? Phản ứng chính của tôi là tôi đã vấp phải cái gì đó mà tôi biết rất ít – luân hồi và những ký ức tiền kiếp. Tôi nhủ thầm không phải là tâm trí được đào tạo một cách khoa học của tôi chống lại việc đó. Nhưng ở đây nó đang xẩy ra ngay trước mắt tôi. Tôi không thể giải thích nổi, mà cũng không thể phủ nhận sự thật của nó.

Tôi nói, “tiếp tục”, một chút nản lòng nhưng bị quyến rũ về cái đang xẩy ra. ” Cô còn nhớ gì nữa không?” Cô nhớ lại một vài phần của hai kiếp khác.

“Tôi mặc y phục dài có dải áo đen, có một dải đen trên đầu tôi. Mái tóc đen của tôi đã ngả muối tiêu. Đó là năm 1756 sau công nguyên. Tôi là người Tây Ban Nha. Tên tôi là Louisa và tôi 56 tuổi. Tôi đang khiêu vũ, và những người khác cũng đang khiêu vũ. (ngừng lại lâu) Tôi bị ốm. tôi bị sốt, cảm lạnh. Rất nhiều người bị bệnh; nhiều người đang bị chết… Các bác sĩ không biết là do nước.”

Tôi bảo cô nói về thời gian sau đó. “Tôi bình phục, nhưng đầu tôi vẫn đau; mắt tôi và đầu tôi vẫn đau do sốt , do nước… Nhiều người chết.

Sau này cô nói với tôi cô là gái mãi dâm trong kiếp đó nhưng cô không tiếp tục tin tức này vì cô bị bối rối bởi tin ấy. Hiển nhiên, trong khi bị thôi miên, cô đã có thể kiểm duyệt những ký ức truyền cho tôi.

Vì Catherine công nhận cháu gái của cô trong một tiền kiếp, tôi bốc đồng hỏi cô có bao giờ tôi hiện diện trong kiếp sống nào của cô không. Tôi tò mò về vai trò của tôi nếu có trong những ký ức của cô. Cô trả lời ngay, trái với sự chậm rãi và thong thả trước đây.

“Ông là thầy giáo của tôi, ngồi trên bục giảng. Ông dạy chúng tôi từ những cuốn sách. Ông già và tóc muối tiêu. Ông mặc áo dài có viền vàng…. Tên ông là Diogenes. Ông dạy chúng tôi ký hiệu, tam giác. Ông rất khôn ngoan, nhưng tôi không hiểu. Đó là năm 1568 trước Công nguyên. ( Xấp xỉ một nghìn hai trăm năm trước nhà triết học khuyến nho nổi tiếng Diogenes. Tên này không phải là một cái tên khác thường)

Buổi đầu tiên kết thúc. Những buổi lạ lùng hơn còn tiếp theo.

Sau khi Catherine đi khỏi, và tiếp theo vài ngày sau đó, tôi cân nhắc những chi tiết về thôi miên lùi về dĩ vãng. Cân nhắc là điều tự nhiên với tôi. Có ngay cả đến trong việc điều trị “bình thường” ít chi tiết xuất hiện thoát khỏi sự phân tích tinh thần ám ảnh của tôi, và buổi điều trị này hầu như không “bình thường”. Hơn nữa, tôi rất hoài nghi về đời sống sau khi chết, luân hồi, xuất hồn, và những hiện tượng liên quan. Tóm lại, phần logic của tôi suy gẫm đây có thể là sự tưởng tượng của cô ta. Thực tế là tôi không thể chứng minh bất cứ những khẳng định hay sự mường tượng của cô ta. Nhưng tôi cũng nhận thức một tư tưởng ít nhiều xúc động hơn và sâu xa hơn tuy không mấy rõ ràng. Giữ tâm trí mở rộng, tư tưởng nói, khoa học thực sự bắt đầu bằng khảo sát. “Những ký ức” của cô có thể không phải là quái dị hay tưởng tượng. Có thể là một thứ gì đó nhiều hơn được trông thấy – hay bất cứ giác quan nào khác. Hãy giữ tâm mở rộng. Hãy tìm nhiều dữ kiện hơn.

Tôi có một tư tưởng dai dẳng khác. Có nên để Catherine bắt đầu lo âu và sợ hãi, bị quá kinh hoàng lại trải qua thôi miên nữa không? Tôi quyết định không gọi cô. Hãy để cho cô hiểu thấu kinh nghiệm này đi đã. Tôi sẽ đợi cô đến tuần lễ tới.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI: MẮC NỢ PHẢI HOÀN TRẢ, NHÂN QUẢ LUÔN CÔNG BẰNG

Bài viết khác của tác giả

  1. KÝ ỨC VỀ TIỀN KIẾP CHỮA LÀNH VẤN ĐỀ SỨC KHỎE
  2. TÁI SINH – LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH
  3. TÌNH YÊU CHỮA LÀNH NỖI ĐAU

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP