THỬ VIẾT HỒI KÝ CUỘC ĐỜI – TUỔI 40 TRẢI NGHIỆM

KEN HONDA

Trích: Tuổi 40 Trải Nghiệm - Sống không hối tiếc; người dịch: Trần Hoàng Anh Tuấn

Nhìn lại 40 năm cuộc đời

Đặc quyền của tuổi trẻ là có thể chỉ quan tâm đến tương lai mà không cần hoài niệm nhiều về quá khứ. Nhưng tuổi 40 là thời điểm để bạn nhìn lại chặng đường đã đi qua và dành cơ hội để sửa đổi những sai lầm của bản thân. Hầu hết mọi người dù đã đi qua nửa đời người vẫn không cảm nhận được mình đã trải qua những gì. Bạn hãy nhắm mắt hồi tưởng lại tuổi ấu thơ thời hoa niên, những năm 20 rực rỡ, rồi những năm 30 tuổi đầy hoài bão và cuối cùng là bước vào tuổi 40 như bây giờ đã trôi qua như thế nào. Hãy xem thử:

– Bạn đã trải qua những khó khăn, thử thách gì?
– Bạn đã đạt được những mục tiêu mà ngày trẻ bạn đề ra?
– Cuộc sống của bạn đã thay đổi ra sao?

Hiểu rõ về nửa đời người đã trải qua, bạn sẽ biết mình muốn sống thế nào về sau. Đây cũng là cơ hội để bạn nhớ lại xem mình đã làm những gì, quen biết được những ai, đã có cơ hội trải nghiệm những công việc nào, được trợ giúp ra sao,… Chắc chắn bạn sẽ nhớ đến những người anh, người chị hay những cấp trên đã chỉ bảo cho bạn khi bạn mới chân ướt chân ráo đi làm, cho tới những thành viên trong gia đình, những người bạn đã luôn đồng hành những lúc bạn khó khăn hay thành đạt… Dù trong số họ, có những người không còn giữ liên lạc, có những người đã không còn trên cõi đời, nhưng hãy luôn nghĩ về họ với lòng biết ơn sâu sắc nhất để tiếp tục sải chân vững vàng trong nửa sau của cuộc đời bạn nhé.

Nhìn lại bản thân mình là ai

Khi còn trẻ, bạn thường nhìn vào những người đi trước mình rồi quyết định “Đây sẽ là vị trí của mình trong tương lai” hoặc “Mình sẽ không làm như vậy”. Ví dụ khi thấy đám bạn khởi nghiệp, bản thân bạn cũng muốn khởi nghiệp, hoặc ngược lại, tự nhủ bạn không hợp với việc đó. Có nhiều bạn trẻ chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh và có những suy nghĩ như “Nếu mình làm như vậy thì ba mẹ sẽ không vui” hay “Mình phải từ bỏ việc đó thôi, vì xung quanh ai cũng phản đối”. Có rất nhiều người nhìn theo cuộc đời của ai đó rồi mô phỏng lại mà cứ ngỡ đó là cuộc đời của mình.

Điều quan trọng để có một cuộc sống trọn vẹn chính là phải hiểu được “Bản thân mình là ai?”. Nếu không hiểu rõ “Bản thân mình là ai?” thì rất dễ sống nhầm cuộc đời người khác, sống theo cách mà bố mẹ, người bạn đời hoặc xã hội mong muốn. Tất nhiên họ đều là những người tốt, đều có những cách sống hay, nhưng đó không phải là cuộc đời của bạn. Bạn đang đứng tại thời điểm để nhìn lại một nửa cuộc đời, nên hãy bỏ qua sự phán xét của người ngoài, chỉ giữ lại những quy tắc của riêng mình mà thôi. Dĩ nhiên, không phải lúc nào bạn cũng phải căng thẳng tập trung tìm kiếm “Bản thân mình là ai?”. Bạn cứ làm mọi việc thường ngày của mình và khám phá bản thân trong lúc làm việc, khi giao tiếp với gia đình, bạn bè,… Hãy hướng đến bản thân nhiều hơn nhưng hãy cứ sống một cách vui vẻ lạc quan, khi đó tự động những hiểu biết thêm về bản thân sẽ đến với bạn. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ trầm tư, không làm gì cả, thì không những mãi mãi không có được câu trả lời, mà cuộc đời cũng sẽ dừng lại một chỗ không tiến tới được.

Hành trình tìm kiếm “Bản thân mình là ai?” chính là con đường của cuộc đời bạn. Con đường này dẫu có tốn bao nhiêu thời gian để đi, bạn vẫn phải hoàn tất nó.

Nhìn lại quá khứ của gia đình và họ hàng

Trong thời kỳ Edo ngoài tầng lớp võ sĩ đạo, các tầng lớp còn lại trong xã hội không được xưng họ và chữ lót trong tên. Do vậy, những người làm kinh doanh phải sử dụng tên cửa hiệu để xác định mối quan hệ gia đình và họ hàng của mình. Khi nghe tên thương hiệu, mọi người sẽ biết đến quá trình giao thương và những điểm đặc sắc của dòng tộc đó.

Ngày nay, để xác định được bản sắc và truyền thống của một dòng họ, ta thường cần phải xem xét tổng quát về những thành viên trong dòng tộc. Ví dụ dòng họ này có rất nhiều người là giáo viên hay toàn nhân viên kinh doanh, bác sĩ, nghệ sĩ, thương gia,… Với mỗi ngành nghề sẽ thể hiện một đặc điểm riêng biệt.

Tuổi 40 chính là cơ hội để bạn tĩnh tâm nhìn về quá khứ của mình. Hãy thử nhìn lại một lần nữa, ngày bé mình đã từng được nuôi dưỡng ra sao, đã từng nhận những ảnh hưởng như thế nào từ những người thân trong gia đình, dòng họ. Khi còn trẻ, bạn có thể nghĩ rằng mình là trường hợp khác biệt trong gia đình, dòng tộc. Nhưng ở tuổi 40 này, thế nào bạn cũng nhận ra bản thân vẫn có một mối tương đồng nào đó đối với người thân của mình. Bạn có thể chọn lựa yêu thích sự tương đồng đó hoặc không, nhưng chính nhờ những ảnh hưởng của gia đình và dòng họ đã tạo nên bạn ngày hôm nay và đấy là một mối quan hệ nhân quả không thể phủ nhận.

Nhìn lại cách sống của bản thân

Có bao giờ khi nhìn lại cuộc sống của mình, tự nhiên trong lòng bạn nảy sinh nghi vấn: “Cách sống của mình từ trước đến giờ có thực sự tốt hay không? Mình nên tiếp tục hay thay đổi nó?”. Hãy suy nghĩ về những câu hỏi dưới đây, bạn có thể thấy được phần nào cách sống của mình trong suốt 40 năm qua,

– Bạn luôn tìm cách mở rộng phạm vi giao tiếp của mình hay thu hẹp nó?
– Tốc độ tiến bộ của bạn nhanh hay chậm?
– Bạn từng gặp những người như thế nào?
– Bạn có những người bạn ra sao?
– Bạn đã từng thất bại nhiều chứ? Hay cuộc đời bạn là chuỗi thành công nối tiếp?
– Cho đến giờ phút này cuộc đời của bạn toàn niềm vui? Hay nỗi buồn nhiều hơn ?

Mỗi người có một cuộc đời khác nhau, cách sống cũng không giống nhau. Chỉ cần bản thân bạn cảm thấy tốt thì đó là cách sống tốt. Bây giờ nhìn lại, nếu ai cảm thấy cách sống của mình là ổn rồi thì thật tuyệt vời biết bao, còn nếu ai cảm thấy chán ghét cách sống của mình thì cũng không sao cả, tuổi 40 chính là cơ hội tuyệt vời để ta hiểu ra, sửa chữa và thay đổi. Bạn sẽ giữ nguyên cách sống này cho đến cuối đời hay sẽ thay đổi nó? Việc lựa chọn này ở tuổi 40 không chỉ giúp bạn hoàn thiện hơn mà còn thay đổi luôn hậu vận của bạn. Tùy thuộc vào quyết định hôm nay mà tương lai 10 năm, 20 năm nữa, cuộc sống của bạn có gì khác biệt hay không. Đừng đầu hàng nửa sau cuộc đời, và điều đó sẽ dẫn bạn đến được cuộc đời thật sự của mình.

Kiểm kê cuộc đời

Nhìn lại nửa trước cuộc đời sẽ cho bạn động lực để đưa ra quyết định phải sống như thế nào trong nửa sau cuộc đời. Và một trong những việc đầu tiên phải làm là kiểm kê cuộc đời của chính mình.

Hầu hết mọi người không có thời gian để nhìn lại cuộc đời của mình trừ khi họ bị bệnh hay gặp một biến cố lớn nào đó. Không giống như việc kiểm kê hàng hóa tồn kho của một siêu thị, việc kiểm kê cuộc đời phức tạp, khó khăn và dễ lãng quên hơn bạn nghĩ rất nhiều. Vì vậy, tôi muốn khuyên bạn kiểm kê cuộc đời bằng cách thử viết hồi ký. Thực tế cho thấy, việc ghi chép sẽ giúp chúng ta nhận thức và thấu hiểu hơn nhiều so với việc chi nghĩ những điều đó trong đầu.

Viết hồi ký là một công việc đòi hỏi bạn phải chăm chút rất nhiều. Có thể khi mới bắt đầu bạn sẽ cảm thấy đôi chút khó khăn. Nếu không biết viết từ đầu, trước tiên bạn có thể thử viết về bản thân: từ lúc bạn chi mới là một đứa trẻ cho tới khi đi học, ra trường và bắt đầu đi làm… Bạn hãy viết về hôn nhân, về con cái, về cha mẹ. Viết ra những suy nghĩ của bạn về tình yêu, bạn bè, những điều bạn yêu, những gì bạn ghét… Hãy viết một cách hết sức chân thật về những suy nghĩ, những việc bạn đã làm, những nơi bạn đã đến. Điều đó hết sức quan trọng trong cuộc chiến ở nửa sau cuộc đời.

Học cách chấp nhận bản thân

“Trời ơi, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình năm 40 tuổi sẽ bình thường như vậy” – Có phải đây là câu mà bạn của tuổi 20 sẽ nói với bạn của tuổi 40 không?

Còn nếu được gặp chính bạn ở tuổi 20, bạn sẽ nói những gì?

Ở độ tuổi 40, hắn có đôi lúc bạn cảm thấy thất vọng vì nghĩ rằng cuộc đời mình đã trôi qua hết sức bình thường. Mặc dù luôn tự nhủ rằng “mình vẫn ổn”, vẫn hạnh phúc và có khá nhiều niềm vui, thế nhưng đâu đó trong tận đáy lòng vẫn phát ra câu hỏi “Có hay không một cuộc sống tốt hơn dành cho mình?”.

Thực tế cuộc sống thường không như mong đợi, hầu hết mọi người đều trải qua một cuộc đời hết sức bình thường. Đừng phủ định cuộc sống của bạn cho đến giờ phút này. Ở tuổi 40, bạn nên bắt đầu chấp nhận rằng vẫn có những niềm hạnh phúc trong cách sống bình thường. Hãy chấp nhận bản thân mình là bình thường, là bé nhỏ. Đừng nuôi dưỡng những ý nghĩ như không chấp nhận hiện tại mà hủy hoại niềm hạnh phúc đang có. Bằng cách đó bạn sẽ nhận ra bạn đang có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc theo cách của riêng mình.


Ghi chú:
Thời kỳ Edo: Tên một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản kéo dài từ năm 1603 đến năm 1868. Đây là thời kỳ đỉnh cao quyền lực của tầng lớp võ sĩ đạo mà đại diện là Mạc phủ Tokugawa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH
  2. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  3. 5 KỸ NĂNG ĐỀ TỰ XOAY CHUYỂN CHÍNH MÌNH

Bài viết mới

  1. TẠI SAO CHÚNG TA Ở ĐÂY? – ĐẠI SƯ AJAHN CHAH
  2. NGÃ VÀ VÔ NGÃ
  3. ĐI THÊM MỘT DẶM