TAKESHI FURUKAWA
Trích: Mình Là Cá Việc Của Mình Là Bơi; Tác giả: Takeshi Furukawa; Người dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới, 2018
Một người đàn ông đi du lịch Italia. Đến một công trường, anh ta hỏi ba người thợ nề: “Các anh đang làm gì vậy?”, ba người thợ nề trả lời như sau:
Người thợ nề thứ nhất: “Tôi làm việc để kiếm 3 lira một ngày.”
Người thợ nề thứ hai: “Như anh thấy đấy, tôi đang khuân đá.”
Người thợ nề thứ ba: “Tôi đang xây một nhà thờ tuyệt đẹp.”
Trải qua thời gian, sau 30 năm, người đàn ông lại đến thăm khu phố ấy một lần nữa và tìm hiểu về ba người thợ nề ngày trước.
Người thợ nề thứ nhất đã bỏ việc vì vất vả, nay không rõ đi đâu.
Người thợ nề thứ hai vẫn là một người thợ nề giỏi nhưng bảo thủ.
Và người thợ nề thứ ba đã trở thành một thợ mộc, nhà kiến trúc bậc thầy, được giao công việc thiết kế xây dựng những nhà thờ mới.
Bất cứ ai khi phải đối diện với những khó khăn như công việc không muốn làm, môi trường không mong muốn, đau ốm, thất bại… đều rơi vào những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, người có thể nhanh chóng thay đổi cảm xúc của bản thân là người có thói quen nhìn nhận những mặt tích cực của những công việc, môi trường ấy.
Nếu bạn thấy chán nản công việc trước mắt và cho rằng chúng thật tẻ nhạt như người thợ nề thứ nhất thì động lực làm việc của bạn sẽ càng ngày càng sa sút. Khi đó, nếu năng suất của bạn không tăng lên, bạn sẽ càng cảm thấy căng thẳng, áp lực.
Trong khi đó, người thợ nề thứ ba lại luôn làm việc hăng say với một niềm tự hào là được xây dựng một nhà thờ, một di tích vĩ đại lưu truyền mãi về sau. Vậy nên công việc của an rất năng suất, anh cũng nhận được đánh giá tích cực từ người xung quanh. Và kết quả là anh thăng tiến.
Mỗi sự việc xảy ra đều ẩn chứa những ý nghĩa tích cực đối với cuộc đời của chúng ta.
Nhà báo Shuntaro Torigoe bảy năm trước đã bị kết luận là mắc bệnh ung thư. Nghe nói lúc đó ông bị sốc rất nặng nhưng ngay lập tức lại cảm thấy rất thoải mái. Bởi ông cho rằng với vai trò là một nhà báo, ông có thể tìm hiểu những nổi bất an, đau đớn, khó chịu từ chính bản thân mình và viết thành một cuốn sách.
Bản thân tôi cũng từng có lúc bị bệnh. Lúc đó, tôi đọc được một câu nói là “nhất bệnh tức tai”. Câu này có nghĩa là một lần bị bệnh thì sẽ chú ý đến sức khỏe bản thân hơn.
Quả thực vậy, một người vốn chưa bị bệnh lần nào như tôi trước đây luôn cho rằng mình đương nhiên khỏe mạnh. Nhưng sau đó, tôi đã chú ý đến việc cải thiện bữa ăn và tích cực vận động.
Mỗi căn bệnh đều ẩn chứa ý nghĩa tích cực nếu ta nghĩ rằng chúng dường như đang khuyên chúng ta phải biết quản lý sức khỏe của bản thân tốt hơn.
Và nếu bạn có thể nhận thấy những ý nghĩa tích cực ẩn giấu trong những công việc mà bạn căm ghét như photo tài liệu, pha trà, làm việc vặt… và nỗ lực phấn đấu thì cuộc sống của bạn sẽ thay đổi rất lớn.
Phương Pháp Tìm Kiếm Những Ý Nghĩa Tích Cực
- Tìm kiếm những ý nghĩa tích cực cho sự trưởng thành, thành công của bản thân
Khi bạn có ý nghĩ muốn khởi nghiệp, hãy coi việc bị phân vào phòng ban mà mình không thích cũng là cơ hội để học hỏi. Giả sử làm việc trong phòng kế toán, bạn có thể học hỏi về tài chính. Giả sử nếu bạn bị phân công thuyết trình, hãy coi đó là cơ hội để xóa bỏ những yếu kém trong kỹ năng giao tiếp của bản thân.
Cứ như vậy, bạn có thể tìm thấy những mặt tích cực giúp ích cho quá trình trưởng thành và sự thành công của bạn.
- Tìm kiếm ý nghĩa tích cực đối với người khác và xã hội
Nếu bạn nghĩ những việc mình đang làm “khiến người khác thấy hạnh phúc”, “có thể cống hiến cho xã hội” thì bạn sẽ thấy ý nghĩa tích cực của những việc ấy.
Ví dụ, nếu bạn là nhân viên massage, bạn nên nghĩ “mình đang cung cấp dịch vụ xóa bỏ những ưu phiền, căng thẳng để khách hàng thấy thoải mái”, như vậy thì những dịch vụ bạn đang cung cấp cho khách hàng cũng sẽ thay đổi rất nhiều.
Dù bạn có tìm thấy những ý nghĩa tích cực nhưng nếu trái tim bạn thực sự không rung động thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Ngoài ra, ý nghĩa thực sự không thể hiện rõ một cách tức thì, mà bạn chỉ có thể tìm thấy trong những lần trải nghiệm. Dù là những công việc bạn ghét nhưng hãy cứ trải nghiệm, bạn sẽ thấy chúng có ích với mình.
Nếu tìm thấy ý nghĩa tích cực, bạn sẽ vượt qua được!
- Kinh nghiệm này có ý nghĩa gì với sự trưởng thành, thành công trong tương lai của bạn?
- Nếu thực hiện điều này thì nó sẽ mang lại hiệu quả gì cho những người xung quanh và cả xã hội?
Tin Tưởng Rằng Những Thử Thách Đều Có Thể Vượt Qua
Tôi xin kể cho các bạn nghe về một phép lạ có thật từng khiến 300 nghìn người phải rơi lệ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Koshiduka Hayato trở thành giáo viên rất tâm huyết tại một trường trung học. Một hôm, khi anh đang chơi trượt tuyết, môn thể thao yêu thích của mình, anh bị ngã và bất hạnh thay, anh bị gãy xương cổ.
Mặc dù anh giữ được tính mạng của mình nhưng cả cơ thể từ phần cổ trở xuống đã không thể cử động được nữa. Các bác sỹ từng tuyệt vọng nói: “Anh sẽ phải nằm liệt giường cả đời hoặc tốt hơn thì có thể sống chung với xe lăn”.
Koshiduka Hayato tâm sự: “Mỗi ngày, tôi chỉ nghĩ một việc duy nhất là làm thế nào để chết.” Và thực tế, anh đã từng cắn lưỡi cố tự sát.
Vậy làm thế nào mà Koshiduka Hayato đã vượt qua được thử thách của cuộc đời mình?
Đó chính là nhờ sức mạnh của những người xung quanh. Anh nhận ra rằng “sinh mệnh của bản thân được duy trì, hỗ trợ bởi tất cả mọi thứ” và bắt đầu chuyên tâm tập phục hồi chức năng. Cuối cùng, kỳ tích đã xảy ra. Bốn tháng sau tai nạn, anh đã có thể quay lại trường làm việc. Mặc dù vẫn còn các di chứng như “liệt nửa thân dưới và nửa người bên trái” nhưng anh vẫn đảm nhiệm công việc của một giáo viên chủ nhiệm lớp 9.
Vốn đang trong tình trạng tuyệt vọng, cả cơ thể từ cổ trở xuống đều hoàn toàn không thể cử động được, nhưng kỳ tích thực sự đã xảy ra, đến mức bác sỹ điều trị chính của anh còn thốt lên rằng: Cho đến nay, người có thể phục hồi được sau khi bị gãy xương cổ cũng chỉ có anh Koshiduka Hayato mà thôi.
Trong cuốn sách Bài học cuộc sống, Koshiduka Hayato có nói:
Con người chúng ta từ khi sinh ra đã mang trong mình điều gì đó khiến người khác thấy hạnh phúc. Nên dù có khó khăn, khổ sở đến đâu, trong chúng ta cũng tồn tại sức mạnh để vượt qua nó.
Hiện nay, Koshiduka Hayato đang đi khắp đất nước để diễn thuyết với chủ đề Bài học cuộc sống.
Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời mình.
Khi nghiên cứu về thói quen suy nghĩ của con người, điều tôi có thể khẳng định từ kết quả điều tra rất nhiều người chính là “cuộc đời của con người không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió mà phải trải qua rất nhiều thử thách”.
Vấn đề là khi đối mặt với những thử thách ấy, chúng ta vượt qua chúng bằng cách nào.
Các vận động viên rất thích câu nói trong cuốn Phúc Âm của Matthew: “Chúa chỉ tặng cho chúng ta những thử thách có thể vượt qua” và coi đó là phương châm sống của mình.
Các vận động viên luôn phải đấu tranh với rất nhiều khó khăn thử thách trong sự nghiệp thể thao ngắn ngủi của mình như bị chấn thương nặng, bị giới truyền thông bới móc, bị thất thủ trong các trận đấu lớn, bị tước bỏ danh hiệu… Nhưng họ lại luôn cổ vũ bản thân rằng: nếu có thể vượt qua thử thách này thì mình sẽ trưởng thành hơn.
Trong khi đó có nhiều người khi gặp phải khó khăn đều nhanh chóng nản lòng vì “không có kinh nghiệm”, “không có lòng tin vào bản thân” hay “quá sức với chính mình”…
Điều quan trọng là bạn phải tuyệt đối tin tưởng vào bản thân dù với thử thách khó khăn nào cũng sẽ vượt qua được.