ABBY WYNNE
Trích: Chữa Lành Bằng Năng Lượng; Lê Hà Lộc chuyển ngữ; NXB Dân Trí - Thiện Tri Thức.
“Hồi đó chúng tôi đang mải miết kiếm nhà. Chúng tôi đã đi xem rất nhiều ngôi nhà! Trong đó có mấy căn rất tuyệt vời, nhưng đặc biệt có một căn, ồ, tôi không biết giải thích như thế nào nữa. Như thể có điều gì tồi tệ đã xảy ra ở đó. Bóng tối, sự bẩn thỉu, tôi không hiểu được điều đó. Tôi chỉ biết rằng tôi không thể sống ở đó, có điều gì thật tồi tệ đã xảy ra ở đó. Tôi gần như có thể nếm được điều ấy”.
Bạn có bao giờ cảm thấy rằng có một việc gì đó đã xảy ra ở một nơi nào đó trước khi bạn đến đó không? Rằng năng lượng của nó vẫn còn ở đó lâu sau vụ việc? Giống như khi bạn được mời đến nhà người bạn ăn tối, nhưng khi đến cửa, mặc dù được họ chào đón bằng những lời lẽ nồng ấm, nhưng bạn vẫn có cảm giác như thể họ vừa cãi cọ gây lộn với nhau, và bạn đã bước vào một cuộc cãi vã vừa vội vàng kết thúc? Hoặc ai đó nói với bạn rằng họ “ổn” trong khi bạn cảm thấy hình như có điều gì đó và họ không ổn? Điều này xảy ra khi bạn sử dụng các giác quan để thu thập những thông tin đằng sau “hiện trường” kiểu thông tin bạn chỉ có thể tiếp cận được bằng trực giác. Khi bạn cho phép bản thân trải nghiệm những sự việc kiểu này, bạn sẽ càng trở nên cởi mở với chúng và trực giác của bạn sẽ càng sắc nét. Khi trực giác của bạn trở nên nhạy hơn, bạn sẽ thấy mình “đọc được” những thông tin có ở chung quanh bạn, những thông tin mà đầu óc suy luận thông thường không thể xử lý được.
“Tôi đã rất bối rối, lo lắng khi bị sếp gọi vào gặp. Tôi lập tức cảm thấy mình đã làm điều gì đó sai, và trở nên căng thẳng. Khi gần đến lúc phải gặp sếp, tôi cảm thấy dạ dày mình thắt lại và bắt đầu run. Tôi đã sợ rằng mình sắp bị sa thải. Tôi vẫn thường lo rằng mình sẽ bị đuổi việc… Dầu vậy, tôi vẫn đến phòng của anh ấy và đứng ngoài cửa. Tôi xua những ý nghĩ vẩn vơ ấy đi, chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra. Một làn sóng an bình tua đến với tôi. Tôi đột nhiên cảm thấy rằng mọi thứ sẽ ổn. Cơn co thắt ở bụng bỗng nới lỏng. Tôi gõ cửa và bước vào, anh ta đang nở nụ cười tươi, chúc mừng tôi vì đã hoàn thành tốt công việc.”
Khi chúng ta đọc thông tin, bộ não áp cách lý giải của chúng ta vào đó và đôi khi chúng ta hiểu sai. Nếu chúng ta có những nỗi sợ hãi hoặc lo lắng, chúng ta có thể mang những nỗi niềm này chắn lối, và thế là chúng ta bỏ lỡ những gì đang thực sự xảy ra. Lo lắng về sự ổn định trong công việc là nỗi lo sợ của rất nhiều người trong chúng ta, và điều đó rất dễ hiểu. Trong ví dụ trên, Shirley đã bị mắc kẹt với nỗi sợ hãi mất việc thay vì kết nối với trực giác của mình. Một khi làm sáng tỏ được suy nghĩ của chính mình, cô ấy có thể kết nối với những gì thực sự diễn ra, trên thực tế, là những thứ hoàn toàn trái ngược với những gì cô đã tưởng tượng.
“Tôi đã ngủ thiếp đi, đó là một ngày dài và tôi thấy dễ chịu. Khi tôi thư giãn, hình ảnh của những việc vừa xảy ra trong ngày lướt qua tâm trí tôi. Rồi, đột nhiên tôi thấy hình ảnh của cha tôi. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn và giật mình thức giấc. Tôi cầm điện thoại lên thì nhận được tin nhắn từ mẹ tôi: Đến đây ngay, bố không khỏe?”
Đôi khi chúng ta giống như những chiếc ăngten bắt sóng. Khi thoải mái và không có những vấn đề phải tư duy, chúng ta sẽ buông lỏng đầu óc lý luận, bỏ luôn những danh hiệu của mình, chúng ta hòa nhịp với những năng lượng xung quanh mình và trải nghiệm chúng theo đúng bản chất của chúng. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể biết được điều gì đó trước khi khám phá ra điều đó bằng bộ não của mình.
Bạn có thể đồng cảm với một số ví dụ trên – khi mọi thứ có vẻ không có chút ý nghĩa logic nào, nhưng chúng ta lại có cảm giác về điều gì đó, và đã được chứng minh là đúng, mặc dù chúng ta không có cách nào để giải thích nó. Những điều này xảy ra với tất cả mọi người, mọi lúc, như biết là mẹ bạn sắp gọi điện cho bạn trước khi bà gọi đến, hoặc có cảm giác bạn sẽ gặp một ai đó vào một ngày cụ thể, và bạn đã gặp được.
Chúng ta có thể cứ tiếp tục chối bỏ trực giác, hoặc có thể mở ra và trải nghiệm tính đồng hiện của cuộc sống. Chúng ta có thể nói về nó, học hỏi về nó, làm việc với nó và tuôn chảy cùng nó. Đây là những gì mà Chữa lành bằng Năng lượng nhắm tới – nhận thức về những điều đang diễn ra ngay bây giờ ở xung quanh, bên trong và bên ngoài chúng ta, ngay cả khi chúng ta không có lời giải thích hợp lý lẽ cho điều đó. Chữa lành là việc nhận chân bản chất sự việc và tiếp nhận điều đó như chính nó, thay vì sử dụng suy luận của chúng ta để biến nó thành một thứ khác. Khi chúng ta học cách giải phóng suy nghĩ của mình về nó, cho phép bản thân cảm nhận và chấp nhận nó, chúng ta cho phép nó đi qua chúng ta, làm thay đổi chúng ta. Chúng ta được làm giàu thêm nhờ trải nghiệm sự việc ấy, và qua đó trở thành những con người tốt đẹp hơn.