ĐẠI SƯ TRÍ QUANG
Trích: Tôi Làm Việc Tôi Hạnh Phúc; NXB Thái Hà Books
Nhắc tới hạnh phúc, người ta thường nghĩ nó gắn liền với sự giàu có nhất nhì một vùng, sự xuất sắc hơn người, tiếng tăm vang dậy xa gần; nói khác đi, đó chính là vinh, hoa, phú, quý.
Mọi chúng sinh đều theo đuổi vinh hoa phú quý. Vì nó, họ làm việc không quản ngày đêm. Thế nhưng, công việc lại mang đến biết bao phiền não: dù là một nông phu bận rộn việc cấy cày trồng trọt hay một nhà sáng lập khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, một công chức bôn ba từ cơ quan này sang cơ quan khác, tất cả đều phải đối mặt với muôn nỗi muộn sầu phát sinh trong lao động.
Để sinh tồn, con người phải làm việc, nhưng công việc luôn mang lại khổ đau; để cảm nhận sự ấm áp của tình người, con người phải chung sống với nhau, nhưng cuộc sống tập thể lại luôn song hành cùng mâu thuẫn; khát khao được người khác thấu hiểu và cảm thông, nhưng những gì nhận được chỉ là sự hiểu lầm và ánh mắt lạnh lùng.
Công sở là nơi mọi người cùng nhau làm việc, khó tránh khỏi nảy sinh vấn đề này hay vấn đề khác. Nếu phần lớn thời gian làm việc trong ngày bạn tự dày vò, dằn vặt mình thì hơn một nửa cuộc đời, bạn phải sống với nỗi đau triền miên không dứt.
Kết quả một cuộc điều tra trắc nghiệm cho thấy, “Vì cuộc sống mưu sinh” là đáp án được chọn nhiều nhất của câu hỏi “Mục đích của bạn khi đến công ty làm việc là gì?” Khó ai có thể đạt được cảnh giới “Tôi mong muốn được thể hiện mình và đúc rút nhiều bài học bổ ích qua cuộc sống
ởcông sở”. Có một thực tế là, càng làm việc lâu, con người càng mất đi lòng hăng say cống hiến, trong họ chỉ còn nỗi mệt mỏi vô cùng vô tận. “Đi làm vì cuộc sống mưu sinh”, tất nhiên đó là câu trả lời chính xác và thẳng thắn nhất, nhưng nếu chỉ dừng lại ở ý nghĩa ấy thì một ngày nào đó, bạn sẽ băn khoăn tự hỏi: “Rốt cuộc, mình sống trên đời là vì cái gì?”
Công việc nhiều khi khiến bạn bận rộn tới mức không còn đủ thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nỗi lo lắng vì chưa thể thấy sự nghiệp tương lai, nỗi muộn phiền vì mối quan hệ giữa người với người,
áp lực phải làm việc để được hưởng mức lương cao hơn và khát khao được đề bạt, nỗi dằn vặt vì không thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, sự khác biệt quá lớn giữa lý tưởng và hiện thực, tình cảnh tiến thoái lưỡng nan ở công ty, những khó khăn chưa thể tháo gỡ trong công việc, nỗi mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần do công việc nhiều và nặng… khiến con người chỉ muốn mau chóng thoát khỏi tình cảnh khó khăn ấy. Quá nhiều phiền não làm con người đánh mất tình yêu công việc, thậm chí vứt bỏ sự nghiệp; mâu thuẫn trong quan hệ xã hội khiến con người chọn cách xa rời tập thể; gánh nặng kinh tế làm con người không còn sức lực.
Nhưng sau khoảng thời gian dừng lại, nghỉ ngơi và điều chỉnh, con người vẫn sẽ chọn công việc, chọn cách kết giao với những người mới và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt. Tuy đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhưng họ chẳng những không thể giải quyết vấn đề mà còn rơi vào vòng quay đau khổ không dứt của nhân gian, để rồi cuối cùng lại cảm thấy mệt mỏi, chán chường, nản lòng và tuyệt vọng: “Chẳng nhẽ đây là tất cả ý nghĩa của cuộc sống sao?”
Chúng ta hãy cùng đi tìm nguyên nhân bên trong của tình trạng ấy. Mỗi khi đối diện với khó khăn, mâu thuẫn và đau khổ, bạn đừng vội oán trời trách người, mà trước tiên hãy xét hỏi lại bản thân mình. Bạn sẽ thấy rằng, trăm nỗi lòng đau khổ không phải do người khác mang đến mà là do chính bạn tự tạo mà thôi. Khi đã tìm được căn nguyên, bạn sẽ biết phải giải quyết sao cho thuận lợi.
Nếu phủ định mối liên hệ giữa cuộc sống nơi công sở với niềm hạnh phúc của bản thân mỗi người, chúng ta không thể có được cuộc sống hạnh phúc. Nếu bạn cho rằng làm việc chỉ vì mục đích kiếm tiền và dùng số tiền ấy để kiếm tìm hạnh phúc và tự do thì hạnh phúc và tự do – hai chữ ấy sẽ ngày càng rời xa bạn. Hãy vứt bỏ quan niệm “Hi sinh hôm nay cho ngày mai” để nỗ lực làm việc hơn nữa và cảm nhận niềm vui sướng hạnh phúc trong từng phút giây của hiện tại.