VẠN SỰ BẮT ĐẦU TỪ MỘT Ý NGHĨ

CAROLE BERGER

Trích: HO’OPONOPNO - Sống Như Người Hawaii: Chấp Nhận, Biết Ơn Và Tha Thứ; Hoàng Lan dịch; NXB Công Thương.

Vào cuối đời, Einstein đã nói thế này: “Trí tưởng tượng là tất cả. Nó cho ta hình dung về những hấp lực sẽ đến trong cuộc đời.” Chỉ riêng câu nói này đã tóm lược chính xác toàn bộ bản chất của luật hấp dẫn hay luật biểu hiện.

Các bậc trưởng lão Hawaii cũng như nhiều người đàn ông và phụ nữ thông thái khác trên toàn thế giới đều tin rằng khi chúng ta dồn sự chú ý vào chỗ nào thì năng lượng vũ trụ sẽ bị hút về chỗ ấy, và thứ năng lượng này sẽ phục vụ cho trải nghiệm mà ta đã yêu cầu, dù đó là trải nghiệm tích cực hay tiêu cực. Năng lượng vũ trụ không phán xét, hầu như nó chỉ thực thi tương ứng với những gì đã được yêu cầu.

Trí tưởng tượng làm dấy lên ý định,

ý định dẫn đến hành động,

hành động từ ấy tuân theo tiến trình của nó

để hiện thực hóa trí tưởng tượng.

Một ý nghĩa thu hút năng lượng để t biểu hiện trong thế giới hữu hình

Luật biểu hiện hay luật hấp dẫn là một luật đơn giản. Nó biểu đạt một ý tưởng đơn giản: ý nghĩ là một lực – thứ năng lượng cụ thể là chúng ta giải phóng vào vũ trụ. Những ý nghĩ giống như một thỏi nam châm. Chúng tạo ra một lực hấp dẫn lên mọi thứ. Chúng tác động đến thực tại của chúng ta. Mỗi ý nghĩ có một “tần số” riêng được năng lượng hồi đáp lại.

Hàng ngàn năm qua, đã có nhiều tín ngưỡng công nhận quy luật này. Người Hawaii gọi nó là kanawai moakaaka – luật biểu hiện hay “luật mỉm cười”. Ngày nay, nhiều đứa trẻ vẫn được nuôi dạy theo tín ngưỡng đó. Chúng tin rằng mọi điều đều có thể thành sự thật, rằng tâm trí là một nguồn lực mà nhờ nó, người ta có thể nhào nặn nên thực tại của mình.

Ý nghĩ được xem như một thứ sức mạnh mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận. Khi ai đó nói rằng “Tôi muốn…” thì năng lượng đã được tạo ra trong chủ định của họ. Do đó, toàn bộ ý nghĩ ấy sẽ thu hút khả năng thành hiện thực của nó! Chúng ta có trách nhiệm kiểm soát hết mức có thể những ý nghĩ của mình nhằm thay đổi những tiếng vọng mà ta phát ra, từ đó thu hút về phía ta những “điều tốt đẹp” – thứ sẽ cho phép ta tiến hóa và hướng tới nhiều niềm vui bên trong hơn.

Tức là chúng ta phải lội ngược dòng chảy của những lo toan thường nhật mà xã hội đã áp đặt lên chúng ta, không chấp nhận mù quáng đi theo khuynh hướng sa vào nỗi sợ hãi, sự thiếu chắc chắn hoặc nỗi buồn vốn đã trở thành tình trạng chung.

Nếu chúng ta định thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình, đều cốt lõi là phải nhận thức được những năng lượng mà bản thân đang phóng chiếu.

Chúng ta có luôn nhận thức được những ý nghĩ mà bản thân đang tạo ra không? Chúng ta có thể kiểm soát những ý nghĩ lướt qua tâm trí không? Chúng ta có thể tập thay đổi chúng để chúng thu hút những trải nghiệm tích cực về phía ta không? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này là “có”. Chúng ta có sức mạnh ấy! Nhưng để huy động nó, chúng ta cần nhẫn nại và có kỷ luật.

Chúng ta có khuynh hướng phó mặc cho luật biểu hiện tự ý hành động mà không tận dụng nó để đem lại lợi ích cho bản thân. Bởi vì chúng ta thường không nhận thức được sức mạnh của ý nghĩ, chúng ta mặc cho chúng trôi nổi tự do trong tâm trí, dù hầu hết là những ý nghĩ tiêu cực hoặc mang tính chỉ trích. Tất cả những ý nghĩ này đều phát ra một tiếng vọng đặc biệt chỉ liên quan tới duy nhất chúng ta. Tiếng vọng ấy là tổng hợp của mọi điều ta nghĩ, những niềm tin, trải nghiệm và phán xét của ta về mọi thứ.

Chúng ta thu hút các sự kiện và tình huống tương ứng với tiếng vọng này.

Nếu ta liên tục hành xử theo cùng một lối, luôn gặp cùng một kiểu người, thì những sự ấy đều là do tiếng vọng mà ta đã giải phóng vào vũ trụ, dù ta không hề hay biết về nó.

 Và cuối cùng, vì khuynh hướng “văn hóa” của chúng ta là nhìn thấy những điều tiêu cực và biểu hiện ra ngoài thứ năng lượng tiêu cực tương tự thông qua những ý nghĩ của bản thân, thế nên chúng ta tất “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Thực ra, việc nghĩ đến những điều không mong muốn hoặc chú tâm vào những thứ bị thiếu hụt là một khuynh hướng tự nhiên của phần đông mọi người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NĂNG LƯỢNG MẠNH MẼ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
  2. NĂNG LƯỢNG VÔ HẠN

Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG MẠNH MẼ CỦA LÒNG BIẾT ƠN
  2. ĐI THEO DẪN DẮT CỦA TRỰC GIÁC VÀ CẢM HỨNG
  3. GỠ BỎ NHỮNG “NÚT THẮT” CHÍNH

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN