VÌ SAO MUỐN TRƯỞNG THÀNH PHẢI TRẢI QUA ĐẤU TRANH NỘI TÂM

MARK MANSON

Được chuyển ngữ từ bài viết “Why Growth Requires Struggles” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả, Tham khảo chính từ bản dịch của Vietcetera.

Tôi nhận được câu hỏi từ rất nhiều độc giả về nỗi đau, tổn thương, thử thách và đấu tranh nội tâm. Đa số chúng là những biến thể khác nhau của ba vấn đề: “Chấn thương là gì?”, “Có khi nào một người phải chịu quá nhiều đau thương?” và “Có tình huống nào nỗi đau không mang lại lợi ích gì mà chỉ gây tổn thương?”.

Đây đều là những câu hỏi hay, mà tôi sẽ trả lời trong bài này bằng cách đào sâu vào nỗi đau, chấn thương và phục hồi tâm lý.

Liệu có nỗi đau nào là “vừa sức chịu đựng”?

Bạn không thể ăn một bát cháo quá nóng, bởi bạn sẽ bị bỏng mồm. Nhưng bạn cũng khó mà nuốt được một bát cháo lạnh tanh, bởi khi đó nó chẳng còn gì ngon lành. Một bát cháo ngon sẽ ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.

Nỗi đau cũng tương tự như vậy. Quá nhiều đau thương sẽ dẫn đến chấn thương và bất lực. Nhưng quá ít nỗi đau cũng dẫn tới tính vụ lợi và ích kỷ. Nhưng khi chịu đau ở mức độ vừa phải, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống. Từ đó, bạn xây dựng ý thức tự chủ và giá trị cá nhân – nền móng của một tinh thần khỏe mạnh và hạnh phúc.

Vậy làm sao để xác định ngưỡng chịu đau của bản thân? Nói cách khác, bạn cần “đau” bao nhiêu là vừa đủ?

Các nghiên cứu nhìn chung đồng tình rằng, khi gặp thử thách mà bạn tin mình có thể vượt qua, chúng sẽ tiếp thêm cho bạn động lực, dẫn đến cảm giác về ý nghĩa và thành tựu. Nhưng với những khó khăn khiến bạn bất lực, bạn sẽ mất tinh thần. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn sẽ gặp chấn thương tâm lý.

Nguyên tắc “rèn luyện” tâm lý

Để hiểu được giá trị của đấu tranh nội tâm, bạn có thể so sánh nó với việc tập thể dục như sau:

Nếu bạn ít vận động hoặc tập các động tác căng cơ, bạn sẽ yếu và dễ bị chấn thương. Sức mạnh thể chất của bạn cũng không cao, trong khi đây là cái giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh.

Tương tự như vậy, nếu không bao giờ thử thách bản thân về tinh thần hay cảm xúc, bạn cũng sẽ trở nên mong manh. Bạn sẽ hay buồn bực và dễ bị kích động bởi thế giới xung quanh. Tâm lý bạn cũng không đủ vững vàng để giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh.

Nhưng ở thái cực ngược lại, việc tập thể dục quá nhiều hay quá sức (chẳng hạn nâng tạ quá nặng) cũng không tốt, bởi nó cũng làm bạn bị chấn thương. Nếu nghiêm trọng, chấn thương sẽ khiến bạn gặp di chứng lâu dài và không thể cử động bộ phận đó bình thường như trước.

Tương tự, khi gặp trở ngại vượt quá khả năng xử lý, bạn dễ bị chấn thương tâm lý. Nó gây ra nỗi đau kéo dài, làm suy yếu tinh thần bạn ở một (hoặc nhiều) lĩnh vực trong cuộc sống.

Vì vậy để tăng cường sức mạnh thể chất, bạn phải tập luyện từ từ. Khởi đầu với những bài tập dễ, rồi nâng dần cấp độ lên từng chút một. Trong quá trình này, cơ thể bạn sẽ thích nghi để trở nên dẻo dai, linh hoạt và bền bỉ hơn. Như vậy bạn không chỉ “mở khóa” được thêm nhiều khả năng của chính mình, mà còn bảo vệ bản thân và người khác tốt hơn.

Cũng như vậy, để rèn sức bền cho tâm lý, bạn cần đối mặt với những trải nghiệm vừa mang tính thử thách, song không đi quá xa khỏi ngưỡng chịu đựng và xử lý của bạn. Dần dần, tâm lý bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và phục hồi tốt hơn. Bạn sẽ cảm thấy chủ động hơn trong cuộc sống, vững vàng và kiên cường trước mọi viên gạch mà đời “ném” vào bạn.

 

Trong suốt lịch sử phát triển, con người đã sai lầm khi luôn làm khổ lẫn nhau. Có lẽ bởi họ đã phải chịu đựng quá nhiều thứ, từ chiến tranh, nạn đói đến chế độ nô lệ và những vị hôn quân tàn bạo. Một thời gian dài, chúng được coi là bình thường trong cuộc sống. Chúng vắt kiệt khả năng cảm thông, khiến con người ta khắt khe với con cái, tàn nhẫn với người khác.

Khoảng một thế kỷ trước, những điều này đã thay đổi nhờ sự xuất hiện của Sigmund Freud và ngành tâm lý/phân tâm học. Giờ đây người ta có thể tranh luận ngược lại rằng, theo một cách nào đó, con người đang quá mềm yếu. Tôi cho rằng điều này xảy ra do chúng ta hay nhầm lẫn giữa cảm thông(sympathy) và lòng trắc ẩn (compassion).

Cảm thông và trắc ẩn khác nhau thế nào?

Cảm thông (hay đồng cảm) là cảm giác tồi tệ khi người khác gặp chuyện tồi tệ, và bạn ước rằng họ không gặp phải điều tồi tệ đó.

Nhìn bề ngoài thì sự cảm thông mang lại cảm giác cao thượng (“mọi người nên bớt đau khổ hơn”). Nhưng sâu thẳm bên trong, nó là cách để bạn tự xoa dịu cảm xúc của mình (“mọi người nên bớt đau khổ hơn, vì tôi không muốn cảm thấy tệ cho ai nữa”).

Lòng trắc ẩn giống cảm thông ở chỗ, nó cũng là cảm giác tồi tệ khi người khác gặp chuyện không may. Nhưng thay vì đơn thuần mong muốn họ không buồn nữa, lòng trắc ẩn khiến bạn sẵn sàng chịu khổ cùng họ, để họ có thể vượt qua nỗi buồn này.

Cảm thông là gửi lời chia buồn đến một người bạn vừa mất đi người thân. Trắc ẩn là bạn đến tận nhà họ, và để họ dựa đầu vào vai bạn mà khóc.

Cảm thông là cho một đứa trẻ ăn vạ món đồ chơi nó muốn, để nó thôi không khóc nữa. Còn trắc ẩn là bạn để đứa trẻ khóc, bởi sẽ tốt hơn nếu nó hiểu rằng không phải lúc nào nó cũng có được điều mình muốn.

Cảm thông là đổi hình đại diện trên mạng xã hội cho một quỹ từ thiện, hoặc tưởng niệm nạn nhân của một tai họa. Trắc ẩn là bạn thực sự ủng hộ nạn nhân bằng tiền, hiện vật hoặc thời gian làm thiện nguyện, lắng nghe và giúp họ xây dựng lại cuộc sống.

Sự cảm thông là một điều tốt, và chúng ta cần nó trên đời. Nhưng nó cũng là thứ quá dễ đạt được, bởi vậy nó ngắn hạn và có phần thiển cận. Nó tập trung nhiều vào cảm xúc của bạn hơn là người bạn đang nghĩ về (“tôi hy vọng họ cảm thấy tốt hơn”).

Còn lòng trắc ẩn tập trung vào con người (“tôi không chỉ hy vọng họ thấy tốt hơn, mà tôi mong họ trở nên tốt hơn”). Nó cần sự dấn thân và nỗ lực nhiều hơn, cả về tinh thần và cảm xúc.

Cảm thông là khi bạn cố gắng loại bỏ căng thẳng và đấu tranh nội tâm, càng nhiều càng tốt. Trắc ẩn là khi bạn cố gắng giúp người khác vượt qua khó khăn ở mức kiểm soát được, để họ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Tôi cho rằng văn hóa đại chúng hiện nay đề cao sự cảm thông quá mức cần thiết, trong khi không nói nhiều về lòng trắc ẩn. Mạng xã hội là nguyên nhân lớn nhất, nhưng không phải là toàn bộ lý do.

Sự cảm thông có thể dễ dàng truyền đạt giữa người với người, thậm chí online. Lòng trắc ẩn thì không dễ truyền đạt như vậy, và cũng không thể hiện rõ rệt trong tương tác như cảm thông.

Chúng ta tối ưu hóa sự cảm thông có lẽ cũng bởi nó dễ cân đong và nghiên cứu hơn. Ta dễ nhìn vào cách một người cảm thông với người khác để biết độ tốt/xấu của họ. Nhưng thật khó để đo lường sự trưởng thành của một người.

“Vật lý trị liệu” cho tinh thần

Quay trở lại phép so sánh ẩn dụ giữa thể chất và tinh thần. Câu hỏi chung cho cả hai là: khi bị thương, phải làm gì để hồi phục và cải thiện cơ thể?

Với vết thương thể chất, bạn sẽ cần kết hợp giữa thuốc và vật lý trị liệu – những bài tập phục hồi với cấp độ tăng dần. Bộ phận bị thương rồi cũng sẽ lành lại và khôi phục chức năng, thậm chí dẻo dai hơn xưa. Nhưng đó là một quá trình lâu dài và đau đớn.

Đối đầu với chấn thương tinh thần cũng vậy. Giống như vật lý trị liệu, bạn phải tăng dần lượng thử thách từ nhỏ đến lớn, từng chút một. Bởi nếu bạn gãy lưng, bạn đâu thể chạy được cả giải marathon. Bạn phải ngồi dậy được, bước một bước, rồi hai bước, rồi đi bộ nhẹ nhàng… trước khi có thể chạy lại. Quá trình này cần diễn ra liên tục, có khi mất đến hàng năm trời.

Nhưng vấn đề lớn hơn ở đây là, chấn thương tâm lý khó phát hiện và chẩn đoán hơn nhiều so với chấn thương thể chất.

Thật khó để đo lường được độ sâu và phạm vi của nỗi đau tinh thần. Chưa kể giờ đây định nghĩa “chấn thương” được mở rộng và áp dụng với bất kỳ ai bị kích động bởi bất cứ cái gì, dù nó có thực sự liên quan hay không.

Vì vậy, thực sự rất khó để biết chính xác xem với một người, “đau” bao nhiêu là vừa sức, và bao nhiêu là quá sức chịu đựng. Đây là lý do vì sao sự tự nhận thức đóng vai trò quan trọng. Đó là còn chưa kể đến việc quản trị khía cạnh cảm xúc của trưởng thành, chẳng hạn cách xử lý cảm xúc khi bị kích động, tổn thương và khó chịu.


Được chuyển ngữ từ bài viết “Why Growth Requires Struggles” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Tham khảo chính từ bản dịch của Vietcetera.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỖI ĐAU LÀ MỘT PHẦN TẤT YẾU CỦA QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN
  2. BẠN CÓ BIẾT “BÍ QUYẾT” THỰC SỰ DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC
  3. CÓ PHẢI CỨ THÀNH CÔNG THÌ BẠN SẼ TỰ TIN ?

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP