VÔ THƯỜNG, Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ

TAISEN DESHIMARU

Trích “Hỏi Thiền”
Lê Thanh Lộc
NXB Hồng Đức, 2016
HỎI THIỀN – THIỀN SƯ TAISEN DESHIMARU (Thái Tiên Đệ Tử Hoàn) (1914 – 1982)
– Ngài có thể giải thích ở đây và bây giờ?
– Đó là ý thức về thời gian và không gian. Điều đang xảy ra ở đây và bây giờ là quan trọng. Đừng nghĩ tới quá khứ hay tương lai. Bạn phải chú tâm vào ở đây và bây giờ. Khi bạn tiểu tiện, hãy chỉ tiểu tiện thôi; khi bạn ngủ, hãy ngủ; để ăn uống, tọa thiền, đi đứng, yêu đương thì cũng thế. Chỉ chú tâm vào hành vi hiện tại.
– Tầm thời gian của bây giờ là bao nhiêu, có phải là một giờ, một phút?
– Khoảnh khắc. Khoảnh khắc bây giờ đã trôi qua, nó không thật sự tồn tại.
Tôi nói “bây giờ là điểm quan trọng”. Tọa thiền bây giờ, không phải tối nay, không phải sau này. Trong lúc tọa thiền cũng vậy: thở bây giờ, tập trung bây giờ. Nhưng khoảnh khắc bây giờ không tồn tại. Nếu bạn nghĩ tới nó, nó đã trôi qua. Cái bây giờ thật sự không tồn tại, vậy quan trọng nhất là chú tâm vào thời điểm này, và chính sự kết nối thời điểm này với những thời điểm khác tạo thành thời gian của sự chú tâm ở đây và bây giờ, như một hàng những điểm tạo thành một đường trong hình học.
– Trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, Shobogenzo, có một đoạn về Uji. Ngài có thể nói về chuyện đó không?
– Uji là triết lý về thời gian. U là hiện hữu, Ji là thời gian.
Đạo Nguyên Hy Huyền đã viết những điều rất thâm sâu về Uji: Tất cả các hiện hữu là thời gian và thời gian là toàn bộ các hiện hữu. Thời gian không thể trở lại. Ở đây, chúng ta có thể trở lại, nhưng bây giờ không bao giờ có thể trở lại. Đã qua rồi.
Nếu tất cả thời điểm trong cuộc đời chúng ta tạo thành một đường gãy, cuộc đời chúng ta rắc rối và dựa trên sai lầm. Nhưng nếu chúng ta chú tâm vào bây giờ, đường đó được vạch rất thẳng, hài hòa và đẹp.
Con người lúc nào cũng quan tâm tới đường quá khứ hoặc đường tương lai. Họ ít khi chú tâm vào điểm bây giờ.
Ngay cả khi tọa thiền, vài người nghĩ như thế này: “Năm ngoái, mình đã làm việc đó, ngày mai, mình sẽ làm việc này…” Họ không chú tâm vào tư thế đang uể oải của họ.
Bây giờ, phải chú tâm. Đó là điều có giá trị cho cả cuộc đời bạn. Rất đơn giản và rất sâu sắc.
– Thế giới hiện hữu nhưng không có thật, ngài nghĩ sao?
– Tôi luôn nói về ‘ku’, không. Ku là hiện hữu không có thực tướng. Hiện hữu nhưng không hiện hữu. Không có bản chất. Tôi hiện hữu, nhưng điều đó có nghĩa gì? Tôi, có phải là cái đó, đầu, chân, da?… Không. Tế bào của tôi, thân thể của tôi, da của tôi không ngừng thay đổi. Cứ bảy năm tất cả tế bào của cơ thể hoàn toàn đổi mới. Tôi ở đâu? Đối với thế giới cũng vậy, nó không có thực tướng, nó là ku.
– Nhưng cái gì có thật?
– Thế giới này hiện hữu. Hiện hữu hay không hiện hữu vẫn là một vấn đề siêu hình. Thực tại là một vấn đề vật lý. Và khó so sánh hai sự việc. Các tôn giáo đôi khi sai lầm về điểm này và tạo ra sự lẫn lộn. Trong thiền chân chính không hề có bất cứ bình luận nào về những vấn đề siêu hình. Trong Phật giáo cũng không, hay trong kinh Phật, trong triết lý của Long Thọ Bồ-tát, cũng không. Không thể giải quyết vấn đề này: trước khi sinh, sau khi chết… Không thể giải quyết vấn đề ấy bằng những khái niệm, cũng như bằng khoa học. Muốn hình dung sự sống sau cái chết là phi lý. Việc đó làm bận tâm nhất những người vị ngã ước mơ bất tử. Họ dễ bị lôi cuốn bởi trí tưởng tượng và những tôn giáo vị ngã: nếu bạn cúng tế nhiều, chắc chắn bạn sẽ lên thiên đường…
Vấn đề này không thể được giải quyết bằng siêu hình học cũng như bằng tư tưởng và chỉ óc tưởng tượng mới cho ta câu trả lời. Đạo Nguyên Hy Huyền có nói trong chương Genjo-Koan, Hiện thành công án. Thế giới hiện hữu hay không hiện hữu là tùy bạn. Nếu bạn bấm nút máy vô tuyến truyền hình, một thực tại xuất hiện trên màn ảnh. Bạn bấm nút và nó không hiện hữu nữa. Cũng giống như cái chết.
Khi chúng ta chết, thế giới vẫn tiếp tục hiện hữu. Nhưng lúc đó vũ trụ của chúng ta biến mất. Tuy nhiên nghiệp của chúng ta tiếp tục… Máu của chúng ta trở thành đất và mây… Như vậy chúng ta không bao giờ kết thúc. Thân và tâm là một…
Nhưng không ai có thể xác nhận những vấn đề siêu hình. Tôn giáo chân chính không đề cập các vấn đề này và cũng không bình luận. Chỉ những người vị ngã mới nghĩ tới sự sống vĩnh cửu.
– Tại sao có những hiện tượng trong vũ trụ?
Các hiện tượng luôn hiện hữu: sông, núi, tinh tú là những hiện tượng của vũ trụ vì khởi thủy, vũ trụ là hỗn mang. Các hiện tượng xuất hiện và biến đổi liên tục. Đó là lực vũ trụ cơ bản. Ku trở thành hiện tượng.
– Trong Shin Jin Mei, Tín Tâm Minh, người ta nói về vô thường. Phật, đạo, vũ trụ đẳng cũng vô thường ư?
– Vâng, tất cả là vô thường, kể cả vũ trụ đẳng. Tất cả biến đổi. Nếu bạn hiểu điều này, bạn đã giác ngộ.
Người châu Âu lúc nào cũng muốn lập những phạm trù với ý thức cá nhân của họ và không chấp nhận các mâu thuẫn.
Tất cả là thường tại, nếu bạn chỉ nhìn khía cạnh thường tại. Tất cả là vô thường nếu bạn chỉ nhìn khía cạnh vô thường. Hai khía cạnh này đều đúng. Lúc nào bạn cũng phải hiểu cả hai khía cạnh và không chỉ chọn một khía cạnh. Thân là vô thường: người ta sinh ra, chết đi, như một bọt nước xuất hiện và biến mất trên mặt dòng nước. Nhưng cái cốt yếu, dòng nước, không bao giờ thay đổi.
Cha và mẹ gặp nhau. Đứa trẻ sinh ra và trở thành năng lượng. Nó lớn lên, có thể lấy vợ lấy chồng, có một ngôi nhà, một chiếc xe, vv. và, cuối cùng, nó chết. Nó đi vào quan tài. Các thành phần cấu tạo nên thân thể nó trở lại với đất – cho dầu người ta hỏa táng nó – và trở thành năng lượng. Chẳng có sự thay đổi thật sự nào cả, chỉ có sự thay đổi biểu kiến ở mức độ hình tướng. Có sự thường tại. – Hai trạng thái đều quan trọng. Đó không phải là một vấn đề ý nghĩa, mà là một vấn đề trí tuệ.
Câu hỏi hay. Bạn sẽ có thể phát triển trí thông minh và tạo ra trí tuệ thật sự.
Nhất là đừng lập những phạm trù với ý thức cá nhân của bạn, vì trong trường hợp này, bạn luôn luôn lầm một nửa.
– Cái gì không phải là mê hoặc, hiện tượng?
– Không và sắc là một thứ. Chính các hiện tượng cũng là sự thật.
Trong khi tọa thiền, bạn không được dứt bỏ tư tưởng mà cũng không được trì níu nó. Nếu bạn chú tâm vào tư thế thì không cần tìm cách có ý thức về giác ngộ.
Trong khi tọa thiền, chắc chắn nhiều mê hoặc quay lại. Các mê hoặc này là gì? Cái gì là tốt? Cái gì là xấu? Khó thiết lập chuẩn mực. “Mình phải đẹp, mình phải tốt, mình không được nghĩ tới chuyện xấu… tới tình dục.” Tất cả là hiện tượng. Vì vậy, nếu bạn tập trung vào tư thế, hiện tượng này trở thành một tấm gương. Các mê hoặc, tư tưởng đi qua trước gương. Gương phản chiếu nhiều sự việc, nhưng chính nó không thay đổi. Các mê hoặc tự chúng là sự thật. Đó là cái được viết trong Bát Nhã Tâm Kinh: ku trở thành hiện tượng, hiện tượng trở thành ku. Không phân biệt.
– Tôi có thể hiểu, nhưng dầu sao đó vẫn là một khái niệm tương liên và tương liên với cái gì?
– Sắc, đó là mê hoặc. Nhưng mê hoặc tự thân và sự thật. Nó bao hàm tất cả.Trong lúc tọa thiền, không cần cắt đứt các mê hoặc. Cả các việc xấu cũng phải đi qua. Đứng hoài công phân tách mê hoặc và giác ngộ. Mê hoặc tự nó là giác ngộ.
Bạn không được phân biệt thiện với ác. Đôi khi quỷ trở thành Chúa và Chúa trở thành quỷ. Mặt của chúng ta cũng như vậy! Con người đôi khi là Chúa hay Phật, và đôi khi là quỷ. Nó không chỉ, và luôn luôn, là Chúa hay Phật! – Trong lúc tọa thiền, người ta không suy nghĩ, nhưng mê hoặc quay lại. Và với thói quen, khi người ta không đau khổ nữa, người ta còn suy nghĩ nhiều hơn. Người mới nhập môn suy nghĩ ít hơn: họ tập trung vào tư thế, họ đau gối, đau lưng. Nhưng với thói quen, tư tưởng tự động trở lại. Nhưng không nên duy trì tư tưởng đó. Phải chú tâm và như vậy người ta trở lại tấm gương.
– Không có khả năng đi tới ku, tới trống rỗng, bằng tư tưởng sao?
Nhưng ku không phải là ý thức cái trống rỗng. Ku là hiện hữu không thực tướng. Tôi hiện hữu, cái bàn hiện hữu trong bếp, nhưng nó không có thực tướng. Tôi cũng vậy, tôi hiện hữu nhưng tôi không có thực tướng.
Rốt cuộc, thực tướng là gì? Đó là nguồn cội của cuộc đời. – Nguồn cội của cuộc đời là gì? Hiện nay có hai thuyết: thuyết cơ giới và thuyết sinh lực. Chưa ai giải quyết vấn đề này. Về phần tôi, tôi nghiêng về tính hoạt động, năng lượng. Đó là yếu tánh của chúng ta, tính độc đáo riêng mỗi người mỗi khác như gương mặt, cá tính, màu tóc. Tôi là cái gì? Rốt cuộc, người ta không có thực tướng. Đó là ku, trống không. Đó không phải là tôi. Không có gì là tôi cả. Các đặc trưng của chúng ta là ảnh hưởng của nghiệp, của di truyền, của dòng máu chúng ta. Chúng ta chỉ là những thể tập hợp của nghiệp tính từ tổ tiên chúng ta, từ hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta thay đổi luôn. Tế bào, cơ thể thay đổi liên tục. Rốt cuộc, chúng ta không có thực tướng. Điều này làm vài người ngạc nhiên, nhưng đó là ý nghĩa đích xác của ku.
Nếu người ta hiểu điều đó, người ta hiểu cái ngã. Cái ngã hiện hữu, nhưng nó chỉ là nghiệp và sự tương thuộc. Yếu tính của cái bàn là gỗ. Yếu tính của gỗ là cây. Thí dụ, đóa hoa rất đẹp. Yếu tính của nó là gì? Cho dầu người ta mổ xẻ nó ra, người ta cũng không tìm thấy, không khác gì người ta không thể tìm thấy thực tướng trong cơ thể chúng ta. Cuối cùng, người ta nói: “Có lẽ đó là hoạt động và rồi người ta khám phá ra rằng hoạt động của chúng ta liên kết sự tương thuộc của chúng ta với vũ trụ, thế là người ta có thể thấy rằng Chúa hoặc Phật chính là yếu tính của chúng ta” Phật đã nói: “Yếu tính của chúng ta là ku” Chúa Kitô đã nói: “Yếu tính của chúng ta là Chúa Trời” Đó là hoạt động của vũ trụ, hoạt động của tất cả các hệ thống vũ trụ. Chúng ta tìm thấy cơ chế đó ở khắp nơi: các ngôi sao, cơ thể của chúng ta, tế bào của chúng ta – đại vũ trụ, tiểu vũ trụ – có cùng một cấu trúc. Phải nhận thức hệ thống vũ trụ này: nếu đi theo nó, chúng ta tự do; nếu chống lại nó, cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn.
Khi người ta nhìn vào kính hiển vi, tất cả được cấu tạo cùng một cách: nguyên tử, neutron, cuối cùng không còn gì nữa. Không có hình tướng, không có thực tướng, tiểu vũ trụ, đại vũ trụ, tất cả giống nhau, ku. Đó là giác ngộ.
– Mu (Vô) là gì?
– Là tọa thiền. Mu có nghĩa “không có gì cả, nhưng đó không phải là một khái niệm tiêu cực. Mu không liên quan tới sự kiện hiện hữu: đó là “không gì cả”. Điều này rất khó giải thích.
Mu là gì? Không gì cả và là tất cả. Đó là một công án lớn; vài người suy nghĩ về nó ba năm, năm năm. Sáng nào các đại sự trong thiền phái Lâm Tế cũng quán tưởng về nó và các môn đồ nghĩ về nó trong khi tọa thiền và việc đó kéo dài nhiều năm. Mu không hiện hữu. Mu hiện hữu nhưng không có thực tướng. Một công án lớn. Nếu bạn tiếp tục tọa thiền, bạn sẽ có thể hiểu nó.
☀☀☀

Bình luận


Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ