BUỔI BÌNH MINH TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG

VICKI MACKENZIE

Trích: Ẩn Tu Nơi Núi Tuyết – Hành trình tìm giác ngộ của một phụ nữ phương Tây; Biên dịch: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh; Nhà xuất bản Phương Đông

Hội tụ Tri Thức

  • 12 năm sống và thiền định trên rặng Himalaya, trong đó có hơn ba năm ẩn tu.
  • Một huyền thoại Phật giáo Tây Tạng.
  • Khát vọng tâm linh của phụ nữ.
  • Quyết tâm đạt Giác ngộ trong thân nữ…
  • Năm 2008 Đức Gyalwang Drukpa đã phong tặng cho bà danh hiệu Jetsunma (Đạo sư cao quý).
  • Những điều trên sẽ khiến bạn liên tưởng tới một phụ nữ phương Tây- Tenzin Palmo. Nhưng làm thế nào một người phụ nữ người Anh – con gái của một chủ cửa hàng bán cá ở vùng phía Đông London – đã trở thành một huyền thoại Phật giáo và một biểu tượng đấu tranh cho quyền tự do của phụ nữ để đạt thành tựu trên con đường tâm linh? Ẩn tu nơi núi tuyết không chỉ giúp trả lời câu hỏi trên mà còn cho thấy khát vọng tìm câu chân lý và quyết tâm đạt Giác ngộ của một người phụ nữ phi thường.

Sự khám phá tình cờ xảy ra khi Tenzin Palmo và mẹ đang trên đường đi tới Đức trong kỳ nghỉ Giáng sinh với Mervyn, anh trai cô, người đã gia nhập Không quân Hoàng gia Anh và đang đóng quân tại đây. Đó là năm 1961, khi Tenzin Palmo 18 tuổi. Cô đã rời trường phổ thông trung học một năm trước và đã bắt đầu làm việc tại Thư viện Hackney, một công việc tốt, yên tĩnh đúng như các thầy cô giáo của cô đã khuyên. Nó hợp với tâm hồn tỉ mỉ và cẩn thận cũng như tình yêu đáng ngưỡng mộ đối với sách vở. Cô đã hy vọng vào đại học để học môn tiếng Anh và triết học nhưng bà Lee không thể lo đủ tiền chu cấp cho việc học đại học và Tenzin Palmo đành tự an ủi mình rằng việc đi làm để kiếm tiền sẽ giúp đỡ cô rời khỏi Anh quốc sớm hơn. Cô nói: “Lúc đó, tôi nhớ quê hương phương Đông da diết”. Cô mang theo ba cuốn sách từ thư viện để đọc trong kỳ nghỉ tại Đức này: một cuốn của Sartre, một cuốn của Camus và một cuốn mà cô vơ theo vào phút cuối chỉ vì ai đó mới mang trả lại. Bìa sách có một bức ảnh đức Phật thật đẹp, nhưng điều làm cô thú hút lại chính là tiêu đề của cuốn sách Unshakeable Mind (Tâm hồn không lay động). Ở Đức, cô đọc hai cuốn của Sartre và Camus, và vì một vài lý do cô bỏ qua cuốn sách đạo Phật. Nhưng ở sân bay trên đường về nhà, chuyến bay bị trễ tám tiếng đồng hồ và vì đây là căn cứ quân sự nên không có cửa hàng hay trò giải trí gì, cô không có sự lựa chọn nào để giải khuây ngoài việc mở cuốn sách ra đọc. Cô đọc được nửa cuốn và quay sang mẹ cô thầm thì với giọng ngạc nhiên: “Con chính là một Phật tử”. Bà Lee trả lời thực tế như phong cách của bà: “Ồ con, tốt đấy, hãy đọc xong cuốn sách và sau đó con có thể nói hết về nó cho mẹ”. Tenzin Palmo thì không thân thiện như vậy.

“Đối với tôi, đó là một điều rất ngạc nhiên. Tất cả những điều tôi từng tin tưởng đều có trong đó. Sách diễn tả rõ ràng hơn bất kỳ điều gì tôi có thể trình bày cho bản thân tôi, tất nhiên rồi, nhưng tuy nhiên! Quan điểm của nó! Đó chính xác là những gì tôi nghĩ và cảm nhận. Và cùng với nó là một con đường hoàn toàn rõ ràng và hợp lý để mang chúng ta trở về với sự hoàn thiện bên trong của mình”.

Những gì cô tìm thấy trong sách chính là sự đối diện của đức Phật với chính những câu hỏi đó, những câu hỏi đã thu hút sự chú ý của cô khi cô nhìn thấy mọi người trên chiếc xe buýt năm nào – vấn đề phổ quát của già, ốm và chết. “Tôi cũng rất thích lời dạy về tái sinh và chân lý rằng không có một Thượng đế bên ngoài nào điều khiển mọi sự. Khi tôi tìm hiểu về đạo Hindu, đạo này nhấn mạnh rất nhiều vào linh hồn (atman) và sự liên hệ của nó đối với thần thánh. Khi lần đầu tiên nghe thấy từ “atman”, tôi cảm thấy rất khó chịu – một sự khiếp sợ mặc dù đó chỉ là một danh từ. Ngược lại, đạo Phật nói về vô ngã (non-atman). Không có một cái gì là thực thể tồn tại độc lập mà nó là “Ngã” [cái tôi] với những chữ cái viết hoa và ánh sáng rực rỡ. Đối với tôi, đó thực sự là giải thoát. Đó là một điều tuyệt vời vì cuối cùng tôi đã tìm ra một tôn giáo, một con đường tâm linh bắt nguồn từ quan điểm đó”. Vì còn khá nhiều những sự ưa thích kỳ lạ khác trong cuộc đời cô, nên sự khó chịu không thể giải thích được của cô đối với từ “atman” sẽ được làm rõ sau.

Nhưng cuối cùng thì cô cũng đã tìm được nó. Cô nói tiếp: “Cuốn sách đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Tôi nhớ ba ngày sau khi vừa đi bộ đi làm vừa nghĩ: “Mình đã là Phật tử được bao lâu rồi? Ba ngày ư? Không, từ nhiều đời nhiều kiếp rồi”. Cô không biết sau đó cô đã cảm thấy đúng đắn như thế nào khi suy nghĩ như vậy.

Khi đã tìm ra con đường đi cho mình, Tenzin Palmo không chần chừ để bước chân trên con đường đó. Phương châm hành động trong suốt cuộc đời cô là: “Nếu bạn dự định làm một điều gì, bạn cũng cần nỗ lực thích đáng để làm nó”. Ở Anh, vào năm 1961, điều đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngày nay, đạo Phật đã phát triển mạnh, với hàng trăm đầu sách được xuất bản, hàng trăm trung tâm thiền mọc lên khắp mọi nơi (ngay cả trạm cứu hỏa cũ Bethmal Green cũng biến thành một ngôi đền đạo Phật đẹp đẽ, một ốc đảo cho sự bình yên giữa những náo nhiệt của cuộc sống xung quanh), nhưng khi Tenzin Plamo tình cờ gặp thông điệp của đức Phật lần đầu tiên thì cô chỉ có một mình. Nhưng, cô đã khám phá với niềm say mê và sự ngây thơ của một người mới bước chân trên đường đạo.

“Tôi đọc tiếp rằng điều quan trọng chính trong đạo Phật là không có ham muốn, do đó tôi nghĩ “đúng rồi”. Tôi tiếp tục bằng việc đưa tất cả quần áo của tôi cho mẹ tôi để bà vứt bỏ chúng đi và bắt đầu đi ra ngoài trong một áo choàng màu vàng kiểu Hy Lạp. Sau đó, tôi mặc nó cùng với một cái dây lưng và một đôi bít tất dài màu đen.” Cô nói và cười khi nhắc lại những kỷ niệm đó. “Tôi không trang điểm nữa, kéo tóc ra sau, đi những chiếc giầy thoải mái, không hợp mốt và không đi chơi với các cậu con trai nữa. Tôi đang liều lĩnh để cố trở nên không còn ham muốn nữa”.

Giai đoạn này kéo dài không lâu. Một thời gian ngắn sau đó, cô khám phá ra Hội Phật tử tại quảng trường Eccleston, ngay sau nhà ga Victoria, được thẩm phán Christmas Humphreys thành lập năm 1924. Có thể nói rằng Humphreays là người có nhiều công lao nhất trong việc giới thiệu tư tưởng tâm linh phương Đông đến với người dân Anh. Ông có tính cách hấp dẫn, là người kết hợp được một sự nghiệp xuất sắc tại tòa án với niềm đam mê độc đáo đối với ngành dược, chiêm tinh học, Anh ngữ chuyên ngành và đạo Phật. Ông thường giao du với những doanh nhân như C.G. Jung, thiền sư tiến sĩ D.T. Suzuki và hoàng gia Thái Lan, và là một trong những người đầu tiên được gặp gỡ và đón tiếp đức Đạt lai Lạt ma khi ngài mới rời khỏi quê hương mình. Khi Tenzen Palmo tìm đến với Hội Phật tử thì đó là hội Phật tử lâu đời nhất và đông đảo nhất ở phương Tây. Ngày nay, nó chỉ còn là một nhóm nhỏ với số lượng thành viên hạn chế.

“Tôi đi vào và nhận ra rằng tất cả mọi người ở đây đều không mặc áo choàng màu vàng”. Tôi nghĩ: “Mình đã nhầm lẫn ở đâu đó. Có thể là mình đã sai khi bỏ đi tất cả quần áo của mình”. Tôi bảo với mẹ tôi và bà đưa cho một chiếc chìa khóa tủ nơi mà bà đã cho tất cả quần áo của tôi vào đó và khóa lại. Bà đã không bỏ một thử nào cả. Bà không hề nói gì mà chỉ chờ đợi. Rõ ràng là bà rất tinh ý”.

Tại quảng trường Eccleston, Tenzin Palmo đắm mình vào trong kho tàng giáo lý của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada Buddhism) hay “Nam Tông” – một nhánh của đạo Phật đã tồn tại tại Sri Lanka, Mianma, Thái Lan, [Miền Nam] Việt Nam và Campuchia. Cô học về Tứ Diệu Đế của đức Phật, sự phân tích sâu sắc và hợp lý của ngài về thân phận con người và phương thuốc dành cho nó: chân lý về đau khổ, chân lý về con đường giải thoát. Đó là những tinh túy của sự khám phá vĩ đại dưới gốc cây bồ đề khi ngài giác ngộ. Cô khám phá Bát Chánh Đạo của ngài: quan điểm chân chính, tư duy chân chính, ngôn ngữ chân chính, hành động chân chính, kiếm sống chân chính, nỗ lực chân chính, tập trung chân chính, thiền quán chân chính (Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Định, Chánh Niệm), bản kế hoạch chi tiết của đức Phật để hướng dẫn cho cả đời sống thế tục lẫn đời sống trầm tư mặc tưởng (quán niệm). Đó là những điều rất cơ bản của con đường (Đạo). Tenzin Palmo tin tưởng chúng. Cô nói: “Nó giống như một cơn mưa rào sau thời kỳ hạn hán vậy. Zen (Thiền Tông), với sự tu luyện trí tuệ bí hiểm và lanh lợi của nó, một hình thức khác của đạo Phật cũng phổ biến vào thời điểm đó, đã làm cho cô thất vọng. Cô nói: “Tôi vẫn nhớ đã nằm trên giường khóc nức nở bởi vì nó hoàn toàn xa lạ đối với tôi! Nó đầy dẫy những nghịch lý. Giờ đây tôi thích Zen, nhưng nếu nó là cuốn sách đầu tiên tôi đọc thì tôi đã không bao giờ có thể tiến bước được”.

Cảm thấy mình đang tiến bộ, cô tự tạo cho mình một bàn thờ, phủ một chiếc khăn tắm màu vàng mao lương và để trên đó một bức tượng Phật mà một người phụ nữ đã cho cô, khi cô mua của bà ta hai con mèo xiêm. [Việc cho bức tượng] là ví dụ điển hình cho cách thức mà mọi thứ xảy đến với cô vào thời điểm đó. Bức tượng do chồng bà ta, một doanh nhân, mang về từ Mianma và được bày trên bệ lò sưởi và bà đã tự nguyện tặng nó cho cô khi biết rằng cô là một Phật tử thực thụ. Trước bàn thờ của mình, cô lạy một cách tự nhiên và hăng hái với niềm vui lớn. Cô nói: “Khi lần đầu tiên với Hội Phật tử và nhìn thấy một điện thờ, sự thôi thúc đầu tiên của tôi là muốn phủ phục xuống lạy. Sau đó tôi nghĩ: “Ồ, không nên. Không ai có thể làm điều đó. Các Phật tử sẽ không làm một điều tương tự như vậy”. Sau đó tôi đã không quỳ lạy, nhưng thấy rất khổ sở. Sau này tôi thấy những bức ảnh người phương Đông quỳ lạy trước hình tượng đức Phật và tôi rất hạnh phúc. Tôi quỳ lạy, quỳ lạy và quỳ lạy. Và cảm thấy mình đang làm đúng”.

Đôi khi cô cũng niệm thần chú Tây Tạng “Om Mani Padme Hung”, kêu gọi lòng Từ Bi của đức Phật – Quan Thế Âm và bắt đầu niệm nó theo cách riêng của cô với những kết quả bất ngờ.

Cô nói: “Tôi không hiểu biết gì về thần chú này cả. Tôi nghĩ mình phải niệm thần chú này mọi nơi mọi lúc, do đó tôi bắt đầu niệm nó liên tục, ban đầu ra tiếng và sau đó niệm thầm trong tâm. Thực sự nó rất giống với người Nga trong phim The Way of a Pilgrim (Con đường của một người hành hương) nói về Người Cầu nguyện chúa Giê-su, mặc dù lúc đó tôi không biết gì về anh ta. Tôi chỉ duy trì việc niệm thần chú trong tâm mình mà thôi. Hiệu quả rất thú vị và nhanh chóng. Mặc dù khi đó tôi đang làm việc, tôi nhận ra rằng tôi có thể làm việc rất tốt trong khi vẫn niệm thần chú trong tâm. Tâm trí tôi được chia tách nhờ đó tôi có một kiểu ý thức quan sát điều gì đang vang lên với “Om Mani Padme Hung”. Nó cho tôi không gian để tôi có thể phát triển nhận thức về điều gì đang diễn ra hơn là chỉ ở trong điều [đang diễn ra] đó”.

Nhưng có điều gì đó vẫn chưa thực sự đúng lắm. trong khi cô biết mình không có chút nghi ngờ nào về đạo Phật, nhưng vẫn có nhiều khía cạnh của Nam Tông làm cô lo lắng. Cô hơi bối rối với quả vị A la hán, những người anh hùng vĩ đại đã đạt tới Niết bàn, đã vĩnh viễn nhổ tận gốc rễ mọi mầm mống của vô minh, tham dục và thù hận. Do đó, họ sẽ không bao giờ tái sinh trở lại vào cõi đời đau khổ này nữa. Họ đã tự do! Đấy có lẽ là điều sau này Tenzin Palmo sẽ đạt tới, nhưng điều đó không bao giờ hấp dẫn cô.

“Không có những bài giảng về tình thương trong đó. Tôi yêu đức Phật và sẽ bật khóc với lòng sùng kính mỗi khi tôi nghĩ đến ngài. Tôi muốn được trở thành giống như đức Phật nhưng tôi không muốn giống như các vị A la hán. Dường như họ khá lạnh lùng. Thực sự tôi nghĩ rằng đó là một sự hiểu nhầm và hiện nay tôi có tình cảm hơn với các vị A la hán; nhưng vào thời điểm đó, điều này thực sự làm tôi lo lắng. Vấn đề giống như là bạn có một chiếc bánh pía mà bạn lại không thích mùi sầu riêng vậy. Do đó, mặc dù tôi yêu đạo Phật nhưng tôi không thích con đường của Phật giáo Nguyên thủy. Đó không phải là con đường mà tôi muốn đi. Nó thiếu một cái gì đó mà tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết vào thời điểm đó chỉ là Phật giáo Nguyên thủy không phải là con đường dành cho tôi”.

Cô tiếp tục tìm kiếm con đường chính xác phù hợp với nhu cầu của mình. Một vài tháng sau, cô đọc một cuốn sách của Long Thọ Bồ tát, bậc thánh và triết gia Phật giáo nổi tiếng vào thế kỷ thứ II và tìm thấy trong đó khái niệm về Bồ tát, “người anh hùng tâm linh” chọn từ bỏ Niết bàn để có thể quay trở lại nhiều lần với thế giới này để giúp toàn thể chúng sinh được giải thoát. “Ngay lập tức tôi biết: Đó chính là điều tôi muốn! Đó chính là mục tiêu! Thực hành đạo không chỉ cho cá nhân mình mà vì lòng Từ Bi cho tất cả chúng sinh. Ý tưởng là một Bồ tát thực sự làm tôi rung động”.

Tuy nhiên, khám phá ra con đường chính xác mà cô muốn, để rồi đi trên đó là một khó khăn lớn. Long Thọ Bồ tát, người sáng lập ra Phật giáo Đại thừa, chủ yếu được tôn sùng và noi theo tại Tây Tạng. Và vào những năm 1960, Phật giáo Tây Tạng hầu như không được biết đến và những gì được biết tới thì lại không được tốt đẹp cho lắm. Những câu chuyện về Tây Tạng hồi đó do những người lữ hành dũng cảm kể lại, những người đã lén xâm nhập vào Vùng đất cấm bị đóng cửa với bên ngoài – những câu chuyện về những điều phi thường, huyền bí về tâm linh và trở nên kỳ bí hơn khi được kể lại. Các lạt ma có thể “bay”, có thể biến đổi các sự vật hoặc đảo ngược quá trình này theo ý muốn, họ có thể biến bản thân mình thành các con vật hoặc bất kỳ dạng hình nào họ mong ước, họ có thể vượt qua những khoảng cách tận đâu đâu mà không mất chút thời gian nào bởi một phương pháp nhảy trong trạng thái như xuất thần kỳ lạ [khinh công: lung-gom]. Ở Tây Tạng có những linh hồn, thần linh và thần có hình dáng kỳ lạ với nhiều tay, chân, răng nanh và mắt ốc nhồi. Kết quả là Phật giáo Tây Tạng bị phần lớn các thành viên trí thức của Hội Phật tử Luân Đôn bỏ qua vì coi nó như là một thứ phù thủy, bí hiểm và về cơ bản là thoái hóa. Không giống như phương pháp giản dị, trong sáng của Thiền Tông và giáo lý chân thật, không phức tạp của Nguyên thủy, Phật giáo Tây Tạng là quá kỳ cục, quá khác thường. Không ai nghĩ rằng nó sẽ được mọi người tiếp nhận.

Về điểm này, Tenzin Palmo, một thành viên mới và nhiệt thành của Hội Phật tử, ngay lập tức chuyển sang Phật giáo Tây Tạng và tất cả những quan điểm của nó. Nhưng điều đó cũng không dễ dàng. Khi đang xem qua một cuốn sách khác, cô đọc được một đoạn miêu tả ngắn gọn về bốn tông phái của Phật giáo Tây Tạng: Nyingmapa, Sakya, Gelugpa và Kargyupa. “Khi tôi đọc từ “Kargyupa”, có một tiếng nói bên trong bảo tôi rằng: “Bạn chính là Kargyu”. Và tôi hỏi “Kargyupa là gì?” và giọng nói đó bảo: “Không hề gì, bạn là Kargyu”. Và trái tim tôi đập mạnh. Mong ước cuối cùng của tôi là trở thành một Phật tử Tây Tạng”.

Trong câu chuyện của Tenzin Palmo, giọng nói này xuất hiện nhiều lần vào những thời điểm quan trọng nhất. Nó hướng dẫn cô, cảnh báo cô, mách bảo cô đi đúng hướng. Cô luôn luôn lưu ý đến nó, mà không quan tâm đến điều mà lý trí đang nói với cô. Cô nói: “Thực sự là rất khó để bỏ qua nó – rõ ràng là nó giúp tôi mạnh mẽ lên nhiều lần”.

Tuân theo những chỉ dẫn của Giọng nói, Tenzin Palmo liên lạc với người duy nhất ở Luân Đôn mà cô biết có chút kiến thức về Phật giáo Tây Tạng, người sau một buổi uống trà chiều, đã đưa cho cô cuốn sách do Evan-West viết, nói về tiểu sử của Milarepa, bậc thánh và nhà thơ Tây Tạng được yêu thích nhất, thiền giả xuất sắc ẩn tu trong hang động, và là người sáng lập tông Kargyupa. Đó là một tài năng cực kỳ hấp dẫn. Milarepa là một anh hùng tâm linh điển hình của thế kỷ XI, người đã có thời trai trẻ đặc biệt bất hảo, khi ông dùng tà thuật để trả thù cho gia đình mình, và giết nhiều người vì việc này. Cuối cùng, khi nhận ra sai lầm của mình, ông đã tìm thấy một vị thầy tâm linh, Đại Dịch giả nổi tiếng Marpa, người đã mang những văn bản Phật giáo từ Ấn Độ về, cầu xin thầy trao cho ông Chân lý Cứu rỗi. Marpa liếc qua người thanh niên tội lỗi đang đứng trước mặt mình và ngay lập tức sai anh ta phải hoàn thành một nhiệm vụ vô cùng khó khăn – xây dựng một ngôi tháp cao bằng đá. Khi nhiệm vụ được hoàn thành, Marpa đến xem xét kết quả và thô lỗ bảo Milarepa phá hủy nó và đem trả các tảng đá về đúng vị trí ban đầu của chúng. Việc này được lặp lại tới bốn lần cho đến khi Milarepa, người đầy thương tích và gần như kiệt sức, đã đền tội xong cho những lỗi lầm và chứng tỏ được lòng quyết tâm của mình. Marpa giờ đây ban cho ông lễ nhập môn bí mật và những lời dạy mà ông mong ước.

Chỉ với những lời dạy đó, cùng một cây gậy, một áo choàng, một cái bát, ngoài ra không còn bất kỳ tài sản gì khác, ông biến vào trong núi sống cô độc, với cái lạnh băng giá và không có gì để ăn ngoài cây tầm ma, thân thể ông trở nên gầy trơ xương và da thịt của ông hoàn toàn chuyển sang màu xanh. Tuy nhiên, việc thiền quán của ông đạt kết quả, bởi vì ông học được cách phát triển lửa tam muội, giúp giữ ấm cho ông trong nhiệt độ dưới không, và những người nông dân nói họ nhìn thấy ông bay trên các thung lũng. Sau nhiều năm tận tâm nỗ lực, cuối cùng ông quay trở lại để giảng dạy, với mưa hoa rơi xuống và cầu vồng xuất hiện trên bầu trời.

“Tất cả mọi theo đuổi thế gian đều có một kết thúc không thể tránh khỏi và chắc chắn xảy ra là sự thất vọng.

Được kết thúc trong mất; xây dựng kết thức trong đổ vỡ; gặp gỡ kết thúc trong chia ly; sinh kết thúc trong tử.

Biết được điều này, ngay từ đầu người ta phải từ bỏ tất cả các ý tưởng về thu nhận, về xây cất, về gặp gỡ.

Và hãy trung thành với lời dạy của một vị Đạo sư kiệt xuất, bắt đầu nhận thức chân lý siêu việt sinh tử.

Chỉ có điều đó mới là tri thức tốt nhất”.

Những lời dạy của ông được ghi lại bởi người đệ tử trung thành Rechungpa, người đóng một phần quan trọng trong cuộc đời của Tenzin Palmo về sau.

Khi Tenzin Palmo đặt cuốn sách xuống, cô đã thay đổi hẳn. Trong khi các thành viên đáng kính và coi trọng truyền thống của Hội Phật tử có thể ghét bỏ yếu tố bí truyền như vậy, thì Tenzin Palmo lại thấy nó phù hợp với mình. Cô nói: “Những lời nói về các cõi Tịnh độ, về các vương quốc tâm linh, về thiên đường và địa ngục mà tôi thấy trong cuốn sách làm tâm hồn tôi xúc động. Có nhiều dạng sống mà tôi biết nhờ những buổi lên đồng ở nhà tôi. Sau hết, tôi đã được mang trên chiếc bàn và bay khắp phòng! Đối với tôi những khái niệm như việc Milarepa bay lượn là hoàn toàn có thể vì bản thân tôi cũng đã từng làm điều đó khi còn là một đứa trẻ những khi tôi bị ốm và thoát ra ngoài cơ thể. Nhưng những điều này hoàn toàn vắng bóng trong Phật giáo Nguyên thủy và Thiền Tông. Những con đường đó là duy lý và nó làm tôi thấy nhàm chán. Không ai đề cập đến các linh hồn. Tôi không phải là người cả tin, nhưng khi tôi tình cờ thấy các biểu hiện xác thực về những dạng sống cao hơn con người thì tôi đón nhận khả năng ấy”.

Bước tiếp theo rõ ràng là tôi cần tìm cho mình một vị thầy, một “Đạo sư kiệt xuất” như Milarepa nói, để được hướng dẫn như ông đã từng được Marpa hướng dẫn. Cô nói: “Tôi biết tôi cần tìm một vị thầy, không phải bất kỳ một vị thầy nào, mà là một vị [dành riêng cho tôi]. Tôi luôn chắc chắn rằng tôi sẽ tìm thấy ông ta, một Kargyu và ông sẽ ở Ấn Độ bởi vì đó là nơi mà tất cả những người tị nạn Tây Tạng tới. Tôi suy nghĩ rằng tôi sẽ tới đó để tìm kiếm ông ta”. Nhưng phải vài năm sau điều đó mới xảy ra.

Trong thời gian đó, cuộc đời cô không chỉ có toàn những câu hỏi tâm linh nghiêm trọng. Tenzin Palmo cũng có vài quan tâm khác. Cô đang tuổi thiếu niên, xinh đẹp, có mái tóc xoăn dài và được những người quen biết miêu tả như một “búp bê”. Khi lớn lên nữa, cô trở thành một cô gái và bắt đầu chủ động tận hưởng tuổi thanh xuân của mình. Cô tìm hiểu bọn con trai và dĩ nhiên họ cũng tìm hiểu cô. Đời sống tại một thành phố như Luân Đôn khá vui nhộn. Đó là đầu những năm 1960, thời kỳ của Elvis Presley, Ricky Nelson, Beatniks, Radio Luxembourg và nhạc rock ‘n’ roll. Sự đam mê của tuổi trẻ chỉ mới bắt đầu, và Tenzin Palmo ném mình vào trong đó với tất cả sự nhiệt tình mà cô có thể tập trung được.

“Tôi đi giày cao gót, và mặc quần áo đẹp, đến câu lạc bộ nhạc jazz và thích nhảy. Tôi là một fan hâm mộ nhiệt tình của Elvis Presley (ông ấy là sự từ bỏ lớn nhất của tôi khi tôi trở thành Phật tử). Trên thực tế, tôi có một đời sống xã hội rất sôi nổi và có nhiều bạn trai, đặc biệt là người châu Á. Điều lạ lùng là tôi không bao giờ bị thu hút bởi đàn ông phương Tây. Tôi luôn luôn chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ muốn lập gia đình. Tôi rất rõ ràng về điều đó. Tôi có thể nhớ khi tôi 16 tuổi và đi làm phù dâu lần thứ ba – một người bạn bảo tôi: “Đừng nhận lời! Làm phù dâu ba lần thì sẽ không bao giờ kết hôn được”. Và tôi trả lời: “Đó là sự mê tín ngớ ngẩn. Nhưng tôi hy vọng là nó đúng. Nó sẽ càng thêm thú vị”. Tôi muốn được tự do. Tôi không muốn đầu óc tôi bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của một người khác”.

Hai mặt mâu thuẫn không thể tránh được của Tenzin Palmo ném cô vào một cuộc tranh chấp nội tâm không thể giải quyết được trong vòng vài năm. Cô nói: “Một mặt tôi là một cô gái trẻ vui tươi, yêu đời và nhẹ dạ; còn một mặt thì tôi là một người nghiêm nghị và “có xu hướng tâm linh”. Tôi sẽ dao động giữa việc mặc váy xòe và váy dài, đi tất đen và đi giày bằng. Hai xu hướng trái ngược này đang tranh đấu với nhau. Vào giai đoạn này, tôi lo ngại rằng xu thế nhẹ dạ sẽ chiến thắng. “Sự phân chia nội tâm này cũng gây ra những khó khăn khác”. Tôi có những người bạn ở cả hai bên và họ chưa bao giờ giao tiếp với nhau. Một ngày, tôi mời và đến chỗ hẹn với cả hai nhóm bạn này. Tôi đến muộn và khi đi ngang qua cửa thì thấy tất cả bọn họ đã lúng túng bởi vì họ chỉ có một điểm chung duy nhất là tôi trong khi dường như họ đang hoàn toàn nói về những con người khác nhau. Điều đó làm cho tôi thấy ý nghĩa thực sự của vấn đề. Tôi tự hỏi làm sao mình có thể giải quyết được nó. Và vào thời điểm đó tôi lại nghe Giọng nói bên trong nói với tôi: “Đừng lo lắng về điều đó. Khi nào cần từ bỏ, thì bạn sẽ từ bỏ. bạn đang còn trẻ, hãy cứ hưởng thụ cuộc sống! Sau đó khi đến thời điểm thích hợp bạn sẽ thực sự có thứ để từ bỏ”. Nghe theo đó, tôi bớt căng thẳng đi”.

Cô tiếp tục hẹn hò với các bạn trai, đi nhảy và một lần còn uống rượu vang Ý trong một ngày lễ của Ý. Tuy nhiên bên dưới sự nhẹ dạ đó, cô không bao giờ quên việc tìm kiếm một vị Đạo sư của mình. Theo thông tin giữa những người Phật tử, cô biết rằng có một người phụ nữ Anh tên là Freda Bedi, lấy chồng người Ấn Độ, trở thành một Phật tử, và đang khởi công xây dựng một tu viện nhỏ cho các ni sư dòng Kargyupa, cũng như một trường học cho các lạt ma tái sinh trẻ tại Dalhousie, miền bắc Ấn Độ. Dù sao đó cũng là một điểm khởi đầu tốt đẹp cho việc tìm kiếm của cô. Tenzin Palmo viết ngay thư cho Freda Bedi giải thích rằng cô cũng là Kargyu và muốn nhận sự giúp đỡ của bà trong chừng mực mà bà có thể, mặc dù cô chỉ là một thủ thư tập sự và thực sự không biết cô có thể làm gì. Freda Bedi viết thư trả lời: “Hãy đến đây. Đừng lo lắng gì, chỉ cần cô đến đây thôi”.

Cánh cửa đã mở nhưng bước qua nó khá khó khăn. Số tiền mà cô đã tích cóp được từ khi đi làm tại Thư viện Hackney chưa đủ để đi Ấn Độ. Cô quyết định tìm một công việc được trả lương cao hơn. Cô chưa bao giờ có tham vọng theo chiều hướng thế tục – sự nghiệp, thành công, tình cảm cá nhân chẳng có nghĩa lý gì đối với cô. Cô nói: “Tôi chưa bao giờ xác định sẽ chứng tỏ bản thân mình trong những lĩnh vực đó”. Trong hành trình tâm linh của cô, một lần nữa số phận hay karma (nghiệp) lại đóng vai trò chính.

“Gần như ngay sau đó, tôi thấy quảng cáo về một công việc tại Trường Oriental and African Studies ở Bloomsbury và đi dự buổi phỏng vấn với ông Pearson, Giám đốc thư viện. Ông vừa quay về từ Mianma và Ấn Độ, do đó tôi hoàn toàn thích thú và hỏi dồn dập ông những vướng mắc của mình. Ông hỏi liệu tôi có sẵn dàng thi vào làm tại thư viện hay không và tôi nói: “Không, bởi vì tôi sẽ đi Ấn Độ để giúp những người tị nạn Tây Tạng”. Vì thế tôi nghĩ mình sẽ không xin được việc. Sau đó, ông Pearson hỏi tôi khi nào tôi định đi. Tôi trả lời: “Ngay sau khi tôi tiết kiệm được đủ tiền, trong một hay hai năm”. Khi đi ra ngoài văn phòng, tôi thấy tất cả những người khác đang xếp hàng chờ phỏng vấn. Một vài ngày sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Đó là ông Pearson. Ông nói: “Ồ, chúng ta đã có một cuộc phỏng vấn thú vị và tôi quên không nói về những điều như cô cần bao nhiêu tiền và làm việc bao nhiêu lâu. Chúng tôi rất vui được chào đón cô đến với thư viện của chúng tôi”.

Ông Pearson rõ ràng đã mang đến cho Tenzin Palmo công việc mà cô yêu thích. Khi cô đến thư viện nhận việc, ông sắp xếp cho cô học về Tây Tạng với nhà Tây Tạng học nổi tiếng Davida Snellgrove, với chi phí của trường và thời gian của thư viện. Snellgrove là một trong những người hiếm hoi đã thực sự đến Tây Tạng trong những năm 1950. Về sau, những bài học cơ bản này đã rất có giá trị với Tenzin, khi cô sống trong một cộng đồng toàn người Tây Tạng và chỉ có các văn bản Tây Tạng. Tuy nhiên, vào lúc đó, ân huệ ngoài mong đợi này cũng có đôi điều kinh khủng. “Snellgrove thật đáng khiếp sợ. Ông thường đứng trước chúng tôi và nói những lời thóa mạ. Tôi thường run sợ trước khi đi vào lớp. Điều hay là ông có ba lạt ma theo phái Bon (một tôn giáo cổ có ở Tây Tạng trước khi đạo Phật đến đây) ở cùng với ông ta. Họ là những lạt ma Tây Tạng đầu tiên mà tôi biết”.

Trong năm tiếp theo, có một số lạt ma Tây Tạng khác dần dần tới Anh, những lạt ma dẫn đầu làn sóng đầu tiên của việc ghi dấu đạo Phật Tây tạng vào phương Tây. Tenzin Palmo, một trong những người phương Tây đầu tiên đi theo niềm tin chưa thời thượng này, đã có một vị thế hoàn hảo để gặp gỡ họ. Mẹ cô, bà Lee, luôn thích thú với những điều mới và cởi mở với các ý tưởng lạ, đặc biệt trong vấn đề tâm linh, đã mời họ về nhà ăn trưa hay ăn tối, và họ, khi không quen biết ai ở mảnh đất xa lạ này, cũng quá hạnh phúc được gặp gỡ những người bày tỏ sự quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng.

Trong số họ có Rato Rinpoche (người hiện đang điều hành Tibet House tại New York và là ngôi sao trong bộ phim The Little Buddha (đức Phật nhỏ) của Bertolucci; và một lạt ma thông minh, có sức lôi cuốn và nhiều tai tiếng về sau là Choygam Trungpa. Trungpa xây dựng danh tiếng cho bản thân theo nhiều cách: ông không chỉ viết một số sách về đạo Phật bán chạy bao gồm: Cutting through Spiritual Materialism (Xuyên qua Chủ nghĩa vật chất tâm linh) và Journey without Goal (Hành trình không mục đích), mà ông còn xây dựng trung tâm thiền và ẩn tu đầu tiên theo truyền thống Tây Tạng thuộc Anh, thiền viện “Samye Ling” tại Scotland. Sau đó ông chuyển tới Mỹ, nơi ông sáng lập thành công Viện Naropa hiện vẫn còn phát triển ở Boulder, Colorado, nơi đã đào tạo một số bậc thầy Phật giáo xuất chúng nhất của Mỹ. Là một lạt ma cao cấp, một thiền sư đầy đủ tài năng, một học giả thông minh và diễn giả có tài, nhưng Choygam Trungpa trong những năm sau này cũng bị tai tiếng vì những hành vi xì căng đan và vi phạm giới luật, khiến cho các tổ chứ do ông bảo trợ rơi vào hỗn loạn.

Nhưng khi Tenzin Palmo gặp nhà sư trẻ còn đang vô danh Choygam Trungpa, thì tất cả những điều trên đều chưa xảy ra. Giống như các lạt ma khác vào thời điểm đó, ông đang sống nay đây mai đó, bị mọi người bỏ qua và phớt lờ, không ai để ý đến năng lực của những bậc thầy đang sống bên cạnh học. Nhưng Tenzin Palmo đã vượt qua được những điều này.

“Chỉ một thời gian ngắn sau khi tôi gặp ông ta, ông ta quay về phía tôi và nói: “Cô có thể không tin, nhưng thực sự khi ở Tây Tạng tôi là một lạt ma ở địa vị rất cao và tôi không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra nhưng tôi có thể dạy thiền cho cô được không? Tôi phải có một đệ tử”.

Tenzin Palmo rất hào hứng. Cô trở thành một học trò riêng của thầy Trungpa tài năng. Bây giờ thay cho việc chỉ có một vài cuốn sách để hướng dẫn, cô đã có một nguồn hướng dẫn sống động. Cô khá vui thích. Cô nói: “Tôi cảm thấy, rốt cuộc đó là một điều chân thật, mặc dù Trungpa không giống với những gì tôi tưởng tượng về một vị sư hay lạt ma. Ông ta không hoàn hảo. Ông rất ngay thẳng và không biết nhiều tiếng Anh nhưng ông có năng lực thực sự”.

Trong những tháng tiếp theo, Trungpa thể hiện một số khả năng đáng chú ý. Tenzin Palmo kể lại: “Một lần ông bắt đầu nói về năng lực “hô mưa gọi gió” của các lạt ma Tây Tạng, quả quyết rằng thật dễ dàng để có thể mang tới một cơn dông nhưng không dễ để ngăn nó lại một khi nó đã được thực hiện. Chúng tôi thấy bị mê hoặc bởi điều đó. Tuần sau khi mẹ tôi và tôi đến thăm ông ở Oxford. Đó là một ngày nắng ấm vào giữa tháng Bảy, với bầu trời xanh cao rực rỡ, và khi chúng tôi chào từ biệt ông, thì đám mây đen nhỏ di chuyển nhanh một mình và một phút sau chúng tôi đã ở giữa một cơn dông nhỏ ngay trên đầu mình”.

Ở một mức độ quan trọng hơn, ông ở đây để giải đáp những câu hỏi thắc mắc của cô và tham gia vào những cuộc tranh luận sôi nổi về những vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Ông nói nhiều điều mà khi đó cô không hiểu chút nào, nhưng về sau chúng lại có ý nghĩa. Và ông dạy cho cô những bài học thiền đầu tiên, dạy cô cách quan sát nội tâm, làm sao để vừa thư giãn vừa tu sửa nó cùng một lúc. Tenzin Palmo đang ở trong đúng môi trường của mình. Cô nói: “Tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời. Tôi luôn cảm thấy thiền quán là cốt tủy của con đường và tôi rất tin tưởng vào Trungpa”. Khi đó cô không thể đủ khả năng để nói chính xác tại sao thiền quán lại quan trọng như vậy, hay nó làm được điều gì. Giờ đây sau 30 năm thực hành liên tục, cô có thể giải thích chính xác việc “nhìn vào bên trong” [nội quán] là cái gì: “Tâm chúng ta không được thuần dưỡng, nằm ngoài tầm kiểm soát, liên tục tạo ra các ký ức, thành kiến, bình luận. Đối với đa số mọi người, nó hoạt động hỗn loạn. Một sự hỗn loạn bên trong. Chúng ta không có cách nào để lựa chọn mình nghĩ như thế nào và những cảm xúc gì nhận chìm mình. Thiền quán là nơi mà bạn bắt đầu làm dịu đi trận bão tố đó, dừng những hoạt động luyên thuyên bất tận của tâm trí. Một khi đạt được điều đó bạn có thể đi vào những mức nhận thức sâu hơn về những gì tồn tại ẩn sau sự hỗn loạn trên bề mặt đó. Cùng với đó là sự dần dần bớt gắn bó chặt chẽ với tư tưởng và cảm xúc của chúng ta. Bạn thấy bản chất trong sáng của chúng và không lâu sau hoàn toàn tin tưởng vào chúng. Điều đó tạo ra một sự hài hòa trong tâm mà bạn có thể mang nó vào trong đời sống hàng ngày của mình”.

Nhưng Tenzin Palmo cũng trực tiếp kinh nghiệm những mặt trái của Trungpa. Cô không bao giờ bị đảo lộn hay bị tổn thương (không như những học trò sau này của Trungpa), và cũng không quá kỳ vọng vào Trungpa. Ngược lại. Cô vừa cười vừa kể lại: “Tôi có thể nhớ lần đầu tiên tôi gặp ông ấy. Khi tôi đi vào phòng, ông vỗ nhẹ xuống chỗ ngồi bên cạnh ông trên ghế xô-pha, ra hiệu cho tôi đến ngồi cạnh ông ta. Chúng tôi đang trong thời gian uống chè buổi chiều, ăn bánh sandwich với dưa chuột và nói về những đề tại sâu sắc của đạo Phật thì bất thình lình tôi cảm thấy bàn tay của ông ấy đặt lên váy của tôi. Tôi không kêu lên nhưng tôi giẫm chiếc giày cao gót của mình vào bàn chân Trungpa (ông đi xăng-đan). Ông ấy cũng không kêu lên, nhưng nhanh chóng bỏ bàn tay của mình xuống”.

Trungpa không nhụt chí. Cô kể tiếp: “Ông ấy luôn đề nghị tôi ngủ với ông ta. Và tôi luôn nói “Không thể được”. Sự thực là ông ấy không thành thực. Ông ấy tự giới thiệu bản thân mình là một nhà sư đức hạnh và nói rằng việc gặp gỡ tôi đã lôi kéo ông ra khỏi vị thế đáng kính của mình… một điều tôi nghĩ là thật vớ vẩn, mặc dù tôi nghĩ ông là người “đức hạnh” bởi vì tôi không thể hiểu làm sao một lạt ma Tây Tạng cao cấp có thể có cơ hội để làm khác đi. Và rõ ràng tôi không muốn trở thành nguyên nhân khiến bất kỳ vị sư nào đánh mất lời nguyện của mình. Tôi không muốn làm bất kỳ điều gì có hại đối với Phật giáo Đại thừa. Nếu như ông ta nói với tôi: “Nhìn này, con thân mến, ta đã gặp phụ nữ từ năm 13 tuổi và ta có một đứa con trai, đừng lo về điều đó”, nếu như đó là sự thật thì tôi sẽ nói: “Đồng ý” bởi vì còn điều gì hấp dẫn hơn việc thực hành với Trungpa? Không ai trong số những người đàn ông tôi biết giống ông ta”. Cô nói với sự vô tư đáng ngạc nhiên, liên hệ đến sự thực rằng trong những giai đoạn cao hơn của Phật giáo Tây Tạng, hành giả có một người phối ngẫu để nâng cao hiểu biết tâm linh của mình. Cô nói thêm: “Do đó, ông ta thất bại vì trình bày một hình ảnh không thỏa đáng”.

Mặc dù có những bất đồng nhỏ về vấn đề tình dục, Tenzin Palmo và Choygam Trungpa vẫn duy trì tình bạn tốt đẹp. “Ông ấy thực sự có điều gì đó. Mặc dù ông rất cẩu thả và rõ ràng không bao giờ cư xử như cách mà tôi nghĩ một lạt ma sẽ cư xử, nhưng ông ấy khá đặc biệt”. Cô thừa nhận. Ông cũng là nhân duyên khuyến khích Tenzin Palmo đi Ấn Độ để tìm vị đạo sư của mình. Tháng 2 năm 1964, Tenzin Palmo, giờ đây 20 tuổi, đã tiết kiệm đủ 90 bảng cần thiết cho chuyến vượt biển tới Ấn Độ. Đó là con đường rẻ nhất mà cô có thể tìm được, nhưng vì chỉ tiết kiệm được 8 bảng một tuần nên đó quả là một quá trình chậm chạp. Con tàu của cô, mang tên Le Viet Nam, đi từ Marseill miền Nam nước Pháp. Cô phải đi tàu, sau đó vượt qua eo biển nối giữa Anh và Pháp, rồi bắt một chuyến tàu nữa trước khi bắt đầu chuyến vượt biển đó. Trungpa có mặt trong đám đông tới nhà ga Victoria chào tạm biệt cô.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHẬT GIÁO TRUYỀN KHẮP QUỐC TẾ
  2. NGỌN ĐÈN KHÔNG TẮT

Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯNG BÀO CHỮA CHO CHÍNH MÌNH ĐỂ THỰC SỰ TIẾN BỘ
  2. TENZIN PALMO BÀN VỀ CHÁNH NIỆM
  3. PHỤ NỮ GIÁC NGỘ: ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP