KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA TÔI

AJAHN BRAHM

Trích: Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất; Nguyên tác: The Art of Disappearing; Việt dịch: Trần Thị Hương Lan; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty First News – Trí Việt; 2018

Thiền sư Ajahn Brahm

Khi bạn hành thiền, lắng Tâm nhìn cuộc đời, bạn dần nhận ra rằng nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Bất kể cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát thì không phải là việc của bạn. Đó là câu chú tuyệt vời, ngắn gọn tôi áp dụng trong khi hành thiền, và tôi cũng khuyến khích người khác sử dụng câu niệm đấy. Bất kể bạn đang trải nghiệm cái gì, bất kể bạn đang tu tập ở trong thiền viện hay bất kỳ nơi nào, hãy nói: “Không phải việc của tôi”. Bất kể điều gì xảy ra với nguồn nước, với chuyện người đến rồi đi, với thức ăn được cho, với thời tiết, hãy cứ nói: “Không phải việc của tôi”. Bạn không việc gì phải lo lắng ai làm gì và nói gì với bạn; đó là việc của họ, Nghiệp (kamma) của họ chẳng liên quan gì đến bạn.

Nếu bạn nhạy cảm với lời nói của người khác và cho phép họ làm tổn thương bạn hoặc bắt nạt bạn, hãy nhớ đến lời Đức Phật răn dạy con trai Rahula (La Hầu La): Hãy như Trái đất. Chúng sinh tiểu tiện và đại tiện vào Trái đất; họ ói mửa vào Trái đất; họ đốt Trái đất. Chúng sinh xả xuống Trái đất đủ mọi thứ rác rưởi, nhưng Trái đất không bao giờ phàn nàn, mà chỉ đón nhận tất cả. Chúng sinh cũng làm biết bao điều tốt đẹp với Trái đất, họ trồng hoa, trồng vườn, thậm chí họ xây tu viện lên Trái đất, nhưng Trái đất không phản ứng – cho dù có chuyện gì xảy ra với nó chăng nữa.

Vậy, hãy giống như Trái đất. Bất kể người ta nói gì hay làm gì, cứ bất di bất dịch. Nếu người ta tâng bốc bạn hay chỉ trích bạn, đó là việc của họ. Bạn không cần phải bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác, dù là nói tốt hay xấu. Khi bạn có thái độ “Không phải việc của tôi”, nó sẽ không bao giờ làm cho bạn tức giận.

Tương tự như vậy đối với cơn đau thể xác và với bệnh tật. Khi bạn hành thiền, hãy tự nhắc bản thân đấy không phải là việc của bạn; đấy là việc của cơ thể – hãy để cơ thể tự chăm sóc chúng. Suy nghĩ như thế có uy lực rất mạnh mẽ, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Thật lạ là ta càng lo lắng cho cơ thể thì nó càng rệu tệ đi. Nếu bạn thoát ly khỏi cơ thể – ngồi tĩnh lặng, cứ cho phép cơ thể biến mất – thì nó có khuynh hướng tự chữa lành. Thông thường, khi ta cố kiểm soát và tổ chức sắp xếp mọi thứ thì chúng chỉ có tệ đi mà thôi. Với cơ thể ta cũng vậy, đôi khi bạn cứ bỏ mặc nó và thư giãn, cơ thể bạn sẽ trở nên khoan khoái, thoải mái và tự chữa lành. Vì vậy, hãy buông nó ra và quên nó đi.

Tôi biết nhiều vị chân tu có thể khiến cho bệnh tật biến mất qua uy lực của hành thiền. Lần đầu tiên tôi chứng kiến điều đó là với Ajahn Tate. Đó là lần đầu tiên tôi tới Thái Lan năm 1974, thầy nằm viện do bệnh ung thư không thể chữa khỏi. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bằng những phương tiện tốt nhất, nhưng đều vô vọng, vì vậy họ gửi thầy về lại tu viện chờ chết. Và thầy lìa đời sau… 25 năm. Đó là một ví dụ về những gì xảy ra khi thầy tu “về lại tu viện chờ chết”. Họ trở về và sống lâu. Họ thoát ly mọi thứ – đạt tới Tuệ nibbida, Tâm dứt bỏ. Khi Tâm đã nhận đủ, nó thậm chí không muốn nhìn vào vạn vật nữa, và ta thấy vạn vật biến dần đi.

Khi ta đạt tới Tuệ nibbida, ta thật sự “không tạo nên” thế gian của mình.

Bạn sẽ đọc được về tiến trình này trong những lời răn dạy của Đức Phật. Theo đó, Tuệ nibbida dẫn tới viraga (sự phai biến), vạn vật biến dần đi. Khi bạn xem cái gì đó “Không phải việc của tôi”, nó sẽ biến dần khỏi thế giới của bạn. Ý thức không nối kết với nó nữa – bạn không thấy, không nghe, không biết về nó. Phương thức vận hành của vạn vật trong vũ trụ giống như sau đây: Bất kể cái gì bạn dính líu, tham dự đều là những thứ bám chặt vào Tâm của bạn – Tâm là nơi ý thức bám rễ để mọc lên. Bạn đang xây những dinh thự tinh thần trong Tâm. Ở cương vị một thiền sư, tôi thấy rõ ràng là chính ta gầy tạo nên thế giới của mình. Nhưng khi buông dứt, ta không còn việc gì ở thế gian nữa, và vì ta không quan tâm tới nó, tất cả mọi thứ sẽ biến mất khỏi ý thức. Khi ta đạt tới Tuệ nibbida, ta thật sự “không tạo nên” thế gian của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH