SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

Theo triết học Phật giáo Đại thừa, chúng ta lang thang trong thế giới này vô mục đích, không thấy được sức mạnh nội tại có thể giải thoát chúng ta. Tâm chúng ta tạo tác tham muốn, ghét bỏ; và giống như người say, chúng ta nhảy nhót lung tung vì bị điều khiển bởi vô minh, bám chấp và thù hận. Hạnh phúc thì thoáng qua, sự không hài lòng lại săn lùng chúng ta. Tất cả giống như một cơn ác mộng. Chừng nào còn tin vào giấc mơ là thật, chúng ta còn là nô lệ của nó.

Để thức tỉnh, ta phải xua tan những đám mây khỏi bản tánh chân thật của tâm ta. Nhiều thế kỷ trước, một hoàng tử là Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm (Sidharta Gautama) đã từ bỏ quyền lợi hoàng tộc, và sau khi thiền định lâu dài và sâu xa, Ngài thấu biết chân lý đời sống đúng như nó thực sự đang hiện hữu. Ngài được biết đến như là một vị Phật. Trong Phạn ngữ, từ Phật có nghĩa là thức tỉnh.

Chúng ta cũng có thể thức tỉnh. Quá trình chữa lành là thức tỉnh sức mạnh của tâm ta.

TÂM LÀ NHÂN TỐ CHÍNH

Giống như người thầy thuốc, chúng ta phải chẩn đoán ra bệnh, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc để chữa lành bệnh. Ngài Vô Trước (Asanga), người đặt nền tảng cho học phái Duy thức của đạo Phật đã viết:

Cần phải chẩn đoán bệnh, để loại bỏ nguyên nhân của nó,

Và dùng thuốc để đạt được khỏe mạnh.

Đau khổ phải được nhận biết, nguyên nhân phải được loại bỏ,

Phương thuốc để dứt bệnh phải được áp dụng, và đạt được sự chấm dứt (diệt đế).

Trong đạo Phật, việc chẩn bệnh và phương thuốc được hàm chứa trong Bốn chân lý: Chân lý rằng chúng ta đang khổ đau, chân lý về tại sao chúng ta khổ đau, chân lý rằng ta có thể chấm dứt sự khổ đau, và chân lý về con đường dẫn đến giải thoát. Chúng ta có thể chọn đi theo con đường này. Ngay khi đối phó với những khó khăn hằng ngày, chúng ta có thể cải thiện đời sống mình. Tâm là chìa khóa. Bằng sự hướng dẫn và tu tâm thích hợp, chúng ta có thể kinh nghiệm được sức mạnh chữa lành. Kinh Pháp cú (Dharmapada) nói:

Tâm dẫn dắt mọi hiện tượng.

Tâm là nhân tố chính, đi trước mọi hành vi.

Nếu nói hay làm với một tâm độc ác,

Khốn khổ sẽ theo sau, giống như xe theo sau do ngựa kéo.

Mọi hiện tượng do tâm dẫn dắt.

Tâm là nhân tố chính, đi trước mọi hành vi.

Nếu nói hay làm với một tâm thanh tịnh,

Hạnh phúc theo sau, như bóng theo hình.

Hạnh phúc thật sự và trường cửu không đến từ môi trường vật chất hay bên ngoài, mà qua sự bằng lòng và sức mạnh của tâm. Ngài Dodrupchen viết:

Người có học nhận ra rằng mọi hạnh phúc và đau khổ đều tùy thuộc vào tâm, do vậy, phải tìm hạnh phúc từ chính tâm. Bởi vì họ hiểu rằng mọi nguyên nhân của hạnh phúc hoàn toàn ở trong ta, nên họ không dựa vào những nguồn bên ngoài. Nếu chúng ta thấu biết điều này thì dù có đối mặt với những vấn đề khó khăn gây ra bởi người hoặc sự vật, chúng cũng không thể làm thương tổn ta. Hơn thế nữa, chính sức mạnh của tâm này cũng sẽ ở với ta để cung cấp cho ta an vui và hạnh phúc vào lúc chết.

Thật tánh của tâm chúng ta là an bình. Học cách buông bỏ những lo nghĩ, căng thẳng không cần thiết là ta đã để cho hạnh phúc có cơ hội tỏa sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ta. Đạo Phật tin rằng tâm thức có thể chuyển hóa cảm xúc, và hạnh phúc không chỉ có thể đạt được mà là thuộc quyền của chúng ta. Chúng ta không cần phải để sự lo nghĩ làm chủ. Buông bỏ là một phương thức thông thường, nó không phải là một thái độ lạ thường nằm riêng trong một tôn giáo hay triết học nào, như trong Kinh Thánh (Eccles 30:5) nói:

Không nên buông thả mình cho buồn rầu,

và tự hành hạ mình vì lo nghĩ.

Sự vui vẻ của lòng là đời sống của mọi người,

niềm vui là cái làm cho cuộc sống kéo dài.

Cẩn thận với sơ suất, an ủi lòng mình,

xua tan phiền muộn;

Vì phiền muộn là sự hủy hoại của nhiều người

và không ích lợi gì cho ai.

Ghen tỵ và thù hận làm ngắn đi cuộc sống,

lo nghĩ chỉ đem lại già sớm.

Một trái tim vui vẻ chan hòa giúp ăn nhiều,

cho những ai muốn thưỏng thức bữa ăn ngon.

SỐNG NHƯ THẾ NÀO TRONG THẾ GIỚI

Một số người nghĩ đạo Phật là một tôn giáo cho những ai muốn đạt đến trạng thái an lạc và rồi biến mất vào một trạng thái không hiện hữu nào đó đối với những người khác. Đây không phải là hình ảnh chính xác của đạo Phật. Người Phật tử tin vào sự nhập cuộc hoàn toàn trong đời sống. Con đường chữa lành không loại trừ những vấn đề và khó khăn, mà nó ôm lấy chúng như là một phương tiện để chứng ngộ thật tánh của chúng ta.

Chúng ta có thể dùng một tiếp cận thực tế đối với những vấn đề có vẻ hoàn toàn tiêu cực. Nếu chúng ta đang ở trong hoàn cảnh căng thẳng, ta phải nhận ra và tự làm hòa với nó, nghĩ rằng: “Tệ thật, nhưng cũng tốt thôi”. Nếu chúng ta không trở nên cuồng loạn trong hoàn cảnh, tự kéo dài một chuỗi nhận thức tiêu cực, thì ảnh hưởng của chúng sẽ tiêu dần đi, vì giống như mọi sự trong cuộc sống, hoàn cảnh này là vô thường, không sớm thì muộn cũng sẽ thay đổi. Biết như vậy, chúng ta có thể an nhiên tiến đến bước kế tiếp của sự chữa lành, với một cảm nhận tự tin rằng những hoàn cảnh bên ngoài không thể chế ngự trí huệ nội tại của ta.

Con đường chữa lành không loại trừ những vấn đề và khó khăn, mà nó ôm lấy chúng như là một phương tiện để chứng ngộ thật tánh của chúng ta.

Trong quan điểm Phật giáo, sự rốt ráo là những cảm xúc không tốt cũng không xấu. Chúng ta phải chấp nhận và chào đón tất cả cảm xúc của ta. Đồng thời, chúng ta cần không bị chi phối bởi những cảm xúc cuồng nhiệt hay phá hoại. Nếu chúng ta bị tổn thương bởi sự thèm muốn, vướng mắc, rối ren hay sân hận, tốt hơn nên nghĩ về “cái đúng để tôi làm” hơn là về “cái tôi muốn làm”. Khi đi vào con đường chữa lành, ta nên làm mạnh mẽ những ý định của mình. Chúng ta phải để tâm trí hướng dẫn mọi cảm xúc.

Nếu dựa vào bất cứ những gì bên ngoài chúng ta như là nguồn thỏa mãn tối hậu, ta sẽ cảm thấy như trên con thuyền chòng chành giữa sự mãn nguyện và không thỏa mãn. Sự bám chấp phó mặc chúng ta cho sự luân chuyển mãi của bánh xe luân hồi, một thế giới thoáng qua của hoan lạc và đau khổ. Khi chúng ta buông bỏ bản ngã và tìm thấy trung tâm an bình thật sự của mình, ta thấy rằng không cần phải bám víu vào những ý niệm tốt, xấu, hạnh phúc, đau buồn, cái này hay cái kia, “tôi” và “họ”. Nhiều tôn giáo và triết học khuyên chống lại sự đồng hóa mạnh mẽ với bản ngã. Một bản văn nổi tiếng của Ấn Độ giáo là Áo nghĩa thư (Upanishads) đã so sánh sự tự đồng hóa này với một cái bẫy: “Khi nghĩ ‘đây là tôi’ và ‘đó là của tôi’, người ta đã tự trói buộc với bản ngã và hành động như con chim mắc bẫy.” Chăm sóc những nhu cầu thực sự của ta và người khác là con đường tìm thấy an bình, và khi làm điều này ta đã tham gia vào cuộc sống. Đấu tranh không phải là điều xấu. Chúng ta có thể học để thấy sự đấu tranh với đời sống là một thách thức thích thú. Tuy nhiên, phải nhận ra rằng, trong việc tìm kiếm bất kỳ một mục đích nào trần tục hay tâm linh nào, sự bám chấp sẽ làm mệt mỏi và trói buộc ta trong sự ích kỷ. Khi ta biết cái mình thực sự cần để sống, việc khéo léo sống trong một cách thế quân bình trở nên dễ dàng hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG CHO CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT
  3. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH