BÀI HỌC QUA TỪNG KIẾP SỐNG – MUÔN KIẾP NHÂN SINH

NGUYÊN PHONG

Trích: Muôn Kiếp Nhân Sinh, Many Lives Many Times; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH-ST Trí Việt – First News, 2020

Ông Kris ngừng lại nhìn tôi, mỉm cười nói thêm:

Hiện nay, trong các khu rừng rậm tại Châu Phi và Nam Mỹ, còn có vô số kim tự tháp tương tự như ở Ai Cập mới được khám phá. Các bộ lạc sống ở vùng đó đều nói đó là đền thờ của tổ tiên họ, nơi thực hành các nghi thức tôn giáo chứ có ai nói đó là mồ mả chôn cất vua chúa đâu. Tại sao các nhà khảo cổ tin rằng kim tự tháp Ai Cập là lăng tẩm của vua chúa, trong khi kim tự tháp Nam Mỹ chỉ là nơi chốn thờ phụng? Đã có ai biết hỏi tại sao lại có sự khác biệt như thế không?

Ông hãy nghĩ xem, những bộ lạc bán khai, sống trong những túp lều cất bằng cây lá, không hề biết gì về kiến trúc hay toán học, thì làm sao tổ tiên của họ lại có thể xây cất những kim tự tháp bằng những tảng đá khổng lồ như thế? Trừ phi là những kiến thức này xuất phát từ một nền văn minh hưng thịnh hay một chủng người nào đó mà nay đã biến mất trên bề mặt địa cầu.

Như ông đã biết, để tránh nạn đại hồng thủy, người Atlantis đã đóng thuyền đi định cư khắp thế giới và mang nền tôn giáo của họ theo. Nếu để ý thì ông sẽ thấy tất cả nơi nào có kim tự tháp đều tôn thờ thần Thái Dương, hay biểu tượng mặt trời. Tại sao ở những nơi xa xôi vạn dặm mà người dân nơi đó không thờ thần linh nào khác mà đều tôn thờ thần Mặt Trời nếu nó không xuất phát từ một nguồn gốc chung?

Nghe ông Kris trình bày kỹ như thế, tôi mới nhận thấy quả là có những khác biệt rõ ràng trong các giả thuyết của các nhà khảo cổ, mà ngày nay đa số mọi người đều tin chứ không kiểm chứng xem các giả thuyết đó đúng hay sai. Có lẽ chỉ khi nào người ta có thể đi ngược dòng thời gian, trở lại quá khứ, thì mới có thể hiểu rõ ý nghĩa tồn tại của các kim tự tháp này.

 

Tôi thắc mắc:

Khi trước tôi nhớ lại kiếp sống tại Atlantis, còn bây giờ lại trải nghiệm một kiếp sống khác nữa ở Ai Cập. Thời gian ở Atlantis xảy ra khoảng hơn mười hai ngàn năm trước Công nguyên, rồi đến Ai Cập khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên, vậy thì chuyện gì xảy ra giữa hai kiếp sống đó? Liệu tôi còn sống ở những đâu nữa không?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi nghiêm nghị hỏi:

Ông có thực sự muốn biết chuyện đó không? Liệu ông có can đảm chấp nhận sự thật không?

Tôi ngạc nhiên:

Tại sao lại không? Nếu con người chết đi rồi tái sinh vào một kiếp sống khác thì thời gian ở giữa hai kiếp sống kéo dài bao lâu?

Ông Kris ngần ngại nhìn tôi, rồi giải thích:

Này ông bạn, khi trước chúng ta đã nói về luật Luân hồi. Con người sinh ra rồi chết đi, chết rồi tái sinh trở lại, quanh quẩn mãi trong vòng luân hồi – nhưng không phải ai cũng tái sinh trở lại thành người đâu. Tùy theo những nguyên nhân phức tạp mà có khi tái sinh thành loài vật, loài ma quỷ, hay các sinh vật khác nữa. Ông nên biết cõi giới chúng ta đang sống không phải là cõi giới duy nhất, còn có những cõi giới của các sinh vật khác mà chúng ta không nhìn thấy đó thôi. Ta có thể gọi đó là những chiều không gian khác nhau hay thế giới vô hình cũng được vì các giác quan hiện nay của chúng ta không thể cảm nhận được hết tất cả những thế giới này. Tuy nhiên, không nhìn thấy được không có nghĩa là chúng không đang tồn tại cùng với chúng ta.

Khi trước tôi đã nói về sự thay đổi hay tiến hóa từ loài kim thạch qua loài thảo mộc, rồi đến sinh vật cấp thấp (như côn trùng). Các loài này có một kho kinh nghiệm chung nên hành động y hệt như nhau. Cái kho này tích lũy những kinh nghiệm học hỏi được cho loài côn trùng, rồi sau đó chúng chuyển kiếp tiến hóa lên thành những loài vật như chim chóc, rồi tiến lên loài bò sát, rồi loài dã thú v.v… Sau đó, kinh nghiệm này được cá nhân hóa thành những sinh vật thông minh như gia súc hay trâu bò, chó mèo v.v… Sự hiểu biết đã được cá nhân hóa này giúp sinh vật tiếp tục tiến hóa và chuyển kiếp thành loài người với bộ óc thông minh biết suy nghĩ và phân biệt. Sự thay đổi từ loài vật cấp thấp lên đến loài người được khoa học ngày nay gọi là luật tiến hóa.

Ông Kris nhìn tôi như để chắc rằng tôi hiểu rõ những điều ông nói, rồi tiếp tục:

Tuy nhiên, có tiến hóa thì cũng phải có thoái hóa, nghĩa là thay đổi từ loài thông minh thành những loài cấp thấp. Một sự thông minh lớn có thể biến thành nhiều sự thông minh nhỏ. Do đó, khi một người thoái hóa thành loài thú, sự hiểu biết cũng đi theo những sự hóa kiếp đó, chẳng phải trở thành một con thú duy nhất mà thường trở thành nhiều con thú. Nếu không như thế thì chẳng lẽ một con thú cũng thông minh như người hay sao?

Hãy lấy ví dụ về một người chuyển kiếp thành mười con chó, mỗi con chỉ có một phần mười sự thông minh của người đó thôi vì sự thông minh đã bị phân tán ra thành mười phần. Trong quá trình chia cắt này, sự hiểu biết phải kém đi, do đó những con chó này không thể thông minh như người được.

Trải qua hàng triệu năm, phát triển từ loài cấp thấp lên đến loài người, sinh vật phải trải qua biết bao nhiêu kiếp, học biết bao nhiêu thứ, thanh lọc biết bao nhiêu điều mới chuyển kiếp được thành người. Con người với đầu óc thông minh, biết phân biệt điều hay lẽ phải, phải tiếp tục học hỏi để tiến lên những vị trí cao hơn, để trở thành các bậc tiên thánh. Điều đáng tiếc là thay vì học hỏi để hiểu biết nhiều hơn, họ lại hành động thiếu hiểu biết nên phải chuyển kiếp trở lại để học thêm những bài học mà họ còn thiếu sót.

Ông Kris ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp:

Luân hồi có thể tạm coi như là một trường học lớn, trong đó mọi sinh vật đều phải học cho đến khi tiến đến sự hiểu biết toàn vẹn. Sự tiến hóa hay thoái hóa là yếu tố quan trọng để chắc rằng sinh vật ấy đã tiếp thu được bài học nếu chưa học được thông suốt thì phải học lại và đó là nguyên tắc của luật Nhân quả. Gieo nhân nào thì gặp quả đó. Bất cứ một hành động nào xảy ra đều có kết quả phản hồi lại, có khi xảy ra ngay lập tức, có khi xảy ra sau đó, trong kiếp sống khác.

Người thông minh sẽ nhanh chóng học được từ những sai lầm của mình, rồi tự thay đổi để không tái phạm nữa. Những người không biết học từ sai lầm sẽ phải học đi học lại mãi, trải qua nhiều kiếp sống, cho đến khi học được bài học mà họ phải học. Người thiếu hiểu biết sẽ sống bằng bản năng thay vì sử dụng bộ óc thông minh, họ thường chuyển kiếp trở lại thành những loài thú. Vì đầu óc của họ chưa phát triển đầy đủ, chưa học được bài học rõ ràng, nên phải tiếp tục học hỏi trong nhiều kiếp làm các loài vật khác nhau trước khi trở lại làm người.

Tuy nhiên khi một người chuyển kiếp thành nhiều con thú, sự thông minh bị phân chia ra thành mười, thành trăm, thành ngàn, hay thành triệu phần thì sự hiểu biết cũng theo đó mà giảm đi, nên họ phải trải qua biết bao nhiêu kiếp sống để học thì mới có thể chuyển kiếp trở lại thành người được. Sự hiểu biết từ kinh nghiệm học hỏi khi xưa càng giảm đi chừng nào thì sinh vật càng ngu dốt thêm chừng nấy, trăm ngàn vạn kiếp sống vất vưởng, nay làm con vật này, mai làm con vật khác, cứ thế trôi nổi trong kiếp súc sinh, không dễ gì quay lại đầu thai vào thân xác con người. Vì sự hiểu biết đã bị phân tách ra thành hàng trăm, hàng ngàn mảnh thì đâu dễ gì hợp lại được nữa?

Ví dụ như những người tham lam thường chuyển kiếp trở thành loài giòi bọ, ăn hút ở những chỗ dơ bẩn, thì sự hiểu biết đã bị chia ra cho hàng triệu con giòi con bọ ấy, thử hỏi những con côn trùng ngu si này còn biết được gì nữa đây? Do đó, chúng sẽ phải trải qua biết bao kiếp sống, đi từ loài thú này qua loài thú khác để phát triển sự hiểu biết, rồi mới có thể tiến hóa lên thành người. Đối với những con côn trùng, sâu bọ thì kiếp sống của chúng chỉ kéo dài vài ngày nên chúng sẽ phải trải qua trăm ngàn kiếp sống côn trùng, lâu lắm mới có thể lấy lại sự hiểu biết để chuyển kiếp thành người. Ông nên biết trở thành người không dễ dàng chút nào và khi đã đánh mất thân xác con người thì rất khó quay trở lại. Đây là một điều hết sức quan trọng mà không mấy người được biết.

Tôi hỏi lại:

Vậy trường hợp của tôi thì thế nào? Sau kiếp sống tại Atlantis, tôi đã đi đâu và làm gì?

Ông Kris giải thích:

Sở dĩ tôi chưa trả lời câu hỏi của ông ngay vì phải giải thích sơ lược về luật Luân hồi, với hai yếu tố chính là tiến hóa và thoái hóa, để ông có thể hiểu rõ những điều tôi sắp nói sau đây.

Ông Kris nhìn tôi với vẻ thương xót, rồi nói tiếp:

Trong kiếp làm người tại Atlantis, nơi mà sự hiểu biết về khoa học rất cao nhưng chưa mấy ai biết học hỏi hay phát triển tình thương. Do sự thiếu sót này nên ông cũng như mọi người khi đó, đều sống một cách vô cảm, ích kỷ, tham lam, chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Ông được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp cao, có quyền bóc lột chiếm đoạt những thứ của người thuộc tầng lớp thấp hơn. Đó là luật của kẻ mạnh trong xã hội Atlantis thời đó. Do vậy, ông không ý thức về việc làm của mình. Ông gây đau khổ, thiệt thòi cho người khác nên ông đã tạo ra những ác nghiệp, vì thế phải lãnh chịu hậu quả.

Trong trường hợp của ông, khi nhìn thấy đôi chân trần của Kor, ông mê đắm và muốn chiếm đoạt cô này. Ý nghĩ tham lam ấy dẫn đến một tư tưởng điên cuồng, khởi đầu cho những hành động xấu xa sau đó. Mặc dù được huấn luyện để trở thành y sĩ, nhưng ông lại thực hành những pháp môn tà đạo của xứ Og – như giết hại loài vật để cúng tế thần linh, dùng bùa chú làm mê hoặc nhân tâm, sử dụng dược chất để đạt được những ham muốn về tình dục, vì sự hiểu biết mù quáng này nên đầu óc của ông trở nên điên đảo và tạo ra ác nghiệp rất lớn. Ông có muốn tôi nói thêm nữa không?

Tôi nhìn ông Kris, đôi mắt ông bừng sáng lạ thường, toàn thân ông toát ra một khí chất nghiêm nghị. Tôi thở mạnh:

Vâng, xin ông cứ nói. Tôi sẵn sàng nghe đây.

Ông Kris nói tiếp bằng một giọng oai nghiêm:

Ông đã sử dụng tà thuật để chiếm đoạt người nữ tu trong trắng trong đền thờ Thái Dương, do đó ông phải gánh chịu hậu quả và chuyển kiếp trở thành một loài sâu bọ chuyên hút máu mủ trong các bàn chân phụ nữ. Nguyên nhân là vì ông say mê đôi chân trần của Kor nên tư tưởng của ông cứ theo đuổi, bám víu lấy những bàn chân phụ nữ. Sau khi chết trong cơn đại hồng thủy, ông đã chuyển kiếp trở thành hàng triệu con sâu bọ, sống chui rúc trong bàn chân ghẻ lở của phụ nữ. Ông đã phải trải qua hàng triệu kiếp làm côn trùng chỉ vì cái tư tưởng si mê mù quáng kia. Chắc hẳn ông đã biết, người ta thích gì thì có tư tưởng ham muốn cái đó, vì say mê bàn chân phụ nữ cho nên nó ám ảnh ông trong thời gian mấy ngàn năm làm sâu bọ.

Lời của ông Kris là một tiếng sấm ngang tai, khiến tôi choáng váng, không nói được gì trong một lúc lâu. Ông Kris im lặng, chăm chú nhìn tôi, ánh mắt ông trở nên dịu dàng hơn.

Đến khi tôi lấy lại được bình tĩnh, ông Kris thong thả nói:

Ông đã trải qua rất nhiều kiếp sống trên con đường tiến hóa từ loài côn trùng cho đến các loài vật trước khi được quay trở lại thể xác con người. Tuy nhiên, kiếp sống tại Atlantis không phải là kiếp sống đầu tiên của ông đâu, còn có rất nhiều kiếp sống trước đó mà hiện nay ông không nhớ được đấy thôi. Trong những kiếp đó, ông đã giúp đỡ rất nhiều người, gieo rất nhiều nghiệp lành. Nhờ những nhân duyên đặc biệt này nên khi chuyển kiếp trở lại thành người, ông được làm Pharaoh cai trị một vương quốc lớn, hưởng thụ mọi sự vui sướng. Tuy nhiên, trong tâm của ông vẫn còn những nét hung ác bắt nguồn từ kiếp sống tại Atlantis, nên ông trở thành một nhà cai trị độc tài. Trước khi qua đời tại Atlantis, trong tâm ông phát ra sự hối hận và nảy sinh tình thương đối với Kor. Đây là một năng lực chuyển hóa rất mạnh vì người Atlantis lúc đó chưa hề biết hối hận hay thương yêu. Chính cái nhân duyên hãn hữu này nên sau khi trải qua nhiều kiếp thú, ông được tái sinh thành người tại Ai Cập để tiếp tục bài học mà ông cần học.

Tôi ngập ngừng hỏi:

Vậy thì tôi đã học được gì khi tái sinh ở Ai Cập?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi:

Ông được sinh ra vào triều đại thứ hai mươi ba trong giai đoạn cuối cùng của các vua chúa thời cổ đại ở Ai Cập. Lúc đó, Ai Cập đã suy thoái và kiệt quệ như là hậu quả của việc xây cất các lăng tẩm, mồ mả cho các Pharaoh trước đó. Vào lúc này, phần lớn các Pharaoh không mấy ai ngồi trên ngai vàng được lâu vì những tranh chấp giữa phe giáo sĩ và các Pharaoh. Trong giai đoạn cuối, văn hóa xứ này suy đồi; dân tình nghèo đói, khốn khổ; quan lại tham nhũng; cường hào ác bá nổi lên chiếm đoạt tài sản, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân; pháp môn phù thủy thịnh hành; giới giáo sĩ nắm quyền sinh sát; các Pharaoh bất tài, chẳng ai cai trị được lâu.

Tôi thắc mắc:

Như trường hợp của tôi thì sao? Làm sao tôi có thể nhớ lại tiền kiếp của mình ở Ai Cập?

Ông Kris mỉm cười:

Tối hôm nay, khi đầu óc của ông thảnh thơi, tôi sẽ giúp ông quay trở lại ký ức của kiếp đó. Bây giờ ông nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng vì ông đã mệt mỏi khi lái phi cơ đến đây rồi.

Buổi tối hôm đó, sau khi dùng ít trái cây, ông Kris yêu cầu tôi ngồi yên trên ghế bành tĩnh tâm một lúc, rồi bước đến nói nhỏ vào tai tôi một câu với ngôn ngữ lạ lùng khiến tôi thiếp đi và trở lại với ký ức khi xưa ở Ai Cập.

——- ??? ——-
Về tác giả
Tác giả Nguyên Phong tên thật là Vũ Văn Du, sinh năm 1950 tại Hà Nội. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Carnergie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ về lĩnh vực kỹ nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể: Hành Trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn,  Hoa sen trên tuyết, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Minh Triết trong đời sống, Đường mây qua xứ tuyết…
Đam mê thiền học, nghiên cứu sâu sắc các vấn đề tâm linh dưới góc nhìn của khoa học, những tác phẩm của ông, phần lớn là phóng tác, giúp người đọc tiếp cận các tác phẩm gốc thuận lợi hơn, lý giải được những vấn đề còn nhiều ẩn số bằng cái nhìn minh triết.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LỜI GIỚI THIỆU HÀNH TRÌNH MUÔN KIẾP NHÂN SINH

Bài viết khác của tác giả

  1. CON ĐƯỜNG THỨC TỈNH – MUÔN KIẾP NHÂN SINH
  2. BÍ ẨN NHỮNG CÕI GIỚI KHÁC – MUÔN KIẾP NHÂN SINH
  3. CON NGƯỜI HỌC GÌ QUA TỪNG KIẾP SỐNG? – MUÔN KIẾP NHÂN SINH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH