SỰ SỐNG LẠI – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU - Một Viễn Cảnh Phật Giáo Về Những Lời Dạy của Đức Giêsu; Nguyên tác: LE DALAI LAMA PARLE DE JÉSUS Éditions Brepols, Paris. 1996; Người dịch : VĨNH AN; NXB: THIỆN TRI THỨC, 2003;

“Kế đó, các môn đệ lại trở về nơi họ ở. Tuy nhiên Maria đứng sát bên mộ phía ngoài mà khóc, bà vừa cúi người nhìn vào trong mộ ; bấy giờ bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng một người ngồi đằng đầu, một người ngồi đằng chân nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu. Họ nói với bà : “Này bà tại sao bà khóc ?” Bà nói với họ : “Tại vì người ta đã lấy Chúa tôi đi và tôi không biết họ đã đặt Ngài ở đâu ?” Nói thế rồi, bà quay lại và trông thấy Đức Giêsu đang đứng nhưng không nhận ra Ngài. Đức Giêsu nói với bà : “Này bà, tại sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Tưởng đó là người làm vườn, bà nói với Ngài : “Thưa ông, nếu chính ông đã đem Ngài đi, xin ông cho biết ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến lấy Ngài” Đức Giêsu nói với bà : “Maria !” Bà quay lại nói bằng tiếng Hi-pri với Ngài : “Rabbuni !” có nghĩa là “Lạy Thầy !” Đức Giêsu nói với bà : “Đừng giữ Ta lại vì Ta chưa lên cùng Cha ; nhưng hãy đi tìm anh em Ta và nói với họ : Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha các ngươi, Thiên Chúa của Ta và cũng là Thiên Chúa của các ngươi” Maria người Magdala đi đem tin cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa và đây là những lời Ngài đã nói với tôi.” [Gio-an 20, 10-18]

Đức Đạt Lai Lạt Ma : “Đoạn Phúc Âm này hoàn toàn phù hợp cho buổi họp bế mạc cuộc hội thảo. Cái pari nirvana, hay vô dư niết bàn của Đức Phật được coi như hành động vĩ đại sau cùng của cuộc đời Ngài và đoạn trích Phúc Âm của Thánh Gio-an dường như có một ý nghĩa tương tự.

“Đối với một người đã tin ở sự sống lại, nói về sự chết, cũng là nói về sự sống lại. Sự sống lại chỉ có thể xảy đến nếu khi cái chết đã đến trước. Hôm nay chúng ta đã có một cuộc bàn cãi ngắn về đề tài này – một lần nữa dường như hầu hết các tôn giáo lớn đều giống nhau ở chỗ đời sống các vị tôn sư sáng lập đạo chứng tỏ sự quan trọng của việc các ngài đón nhận kinh nghiệm đau khổ và thừa nhận giá trị của nó.

“Trong cuộc thảo luận của tôi và cha Laurence hôm nay, cha có nhắc lại rằng Bede Griffiths đã phân biệt giữa thể xác vật lý, thể xác vi tế và thể xác tâm linh của Đức Giêsu. Trước cái chết của Đức Giêsu, đó là thân thể vật lý của Người : trong lúc sống lại, trước khi lên cùng với Chúa Cha, đó là thân thể vi tế, và sau khi lên trời, đó là thân thể tâm linh. Trong Phật giáo người ta đã tranh luận nhiều về các loại thân thể, như thân thể vi tếthân thể tinh thần và thân thể tâm linhTuy nhiên, giữa thân thể vi tế của Đức Giêsu với thân thể vi tế mà các sách luận Phật giáo mô tả có một sự khác nhau to lớn. Những mô tả của Phật giáo về mức độ ngày càng vi tế của hóa hiện quy chiếu theo các giai đoạn tiến hóa tâm linh của con người, từ tình trạng bình thường cho đến sự giác ngộ trọn vẹn, trong khi ở trường hợp Đức Giêsu chúng ta đối diện với một con người độc nhất, Con Thiên Chúa. Vì thế tiến trình qua nhiều giai đoạn không áp dụng được. Đức Giêsu không đi qua một loạt các giai đoạn tâm linh, phải thế không ?

Cha Laurence : Không, sự sống lại không phải là sự đầu thai lại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Chúng ta không nói về sự đầu thai lại ở đây. Chúng ta đang nói về một cá nhân hành đạo. Người này càng có nhiều tiến bộ tâm linh thì thân thể vật lý của người ấy càng trở nên vi tế.

Cha Laurence : Trước khi chết, Đức Giêsu hiện diện với các môn đệ và với thế gian một cách nào đó, và sau khi chết, Người hiện diện với thế gian một cách khác. Chúng tôi nhìn thấy trong sự hiện diện lịch sử của Người ở thế gian, trong sự gặp gỡ của Người ví dụ như với Maria, một sự hiện diện phải được thừa nhận. Còn có một cách thức mới mà người hành đạo phải tri giác để nhận ra sự hiện diện mới của Đức Giêsu. Phúc Âm đã trình bày cho chúng tôi một giai đoạn trung gian giữa một mặt là sự chết và Sống lại và mặt khác là sự Thăng Thiên của Người. Và cách thức mà ngày nay Đức Giêsu hiện diện trong thế gian còn khác với sự mô tả ấy. Ngày nay, chúng tôi nói rằng Người hiện diện bởi Chúa Thánh Thần.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Trong lòng của Phật giáomột lần nữa, vẫn còn có những quan điểm khác nhau khi hiểu về vô dư niết bàn của Đức Phật. Một trường phái tư tưởng – chủ yếu là phái vaibhasika, một trường phái Ấn Độ cổ xưa – khẳng định niết bàn của Đức Phật tạo thành sự hoàn thành của cuộc đời Đức Phật. Tất cả như thể sự xuất hiện của Đức Phật đã là một sự kiện lịch sử, sự biến mất của Ngài đã là một sự kiện lịch sử ; cuộc đời Đức Phật có một khởi điểm và một chung cuộcVô dư niết bàn được coi như giây phút cuối cùng của một ngọn lửa. Khi bạn dập tắt ngọn lửa, đó là lúc cuối của nó ; đó là hư vô toàn diện. Ngay cả dòng tâm thức liên tục của Đức Phật cũng phải chấm dứt. Các môn đệ trường phái vaibhasika tuyên bố rằng tâm thức mặc dù không có khởi đầu, phải có chung cuộcTâm thức có thể ngừng hiện hữu.

Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra đối với các môn đệ của Đức Phật là phải tìm hiểu đâu là ý nghĩa của việc tôn thờ, dâng cúng và cầu nguyện Đức Phật ? Để được lợi ích gì ? Tại sao lại làm mọi điều đó khi mà Đức Phật không còn nữa ? Câu trả lời của truyền thống này là sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật là kết quả của sự tích lũy công đức và trí huệ qua vô lượng kiếp. Suốt cả thời gian đó, Đức Phật đã phát triển và vun trồng một ý hướng vị tha rất mạnh mẽ để phục vụ và mang lại lợi ích cho mọi ngườiSức mạnh của năng lượng ấy và của chân lý ấy vẫn còn mãi ở giữa chúng ta. Và sức mạnh ấy sẽ đến phù trợ chúng ta khi thờ phụng và tôn kính Đức PhậtTuy nhiên những gì liên quan đến con người lịch sử của Đức Phật đã kết thúc.

Quan điểm ấy không phải là quan điểm của một số truyền thống Phật giáo khác, trong đó có Phật giáo Tây Tạng. Theo trường phái này, Phật tính hay sự giác ngộ viên mãn được quan niệm trong bối cảnh của học thuyết tam thân (ba kayas). Đức Phật Thích Ca rõ ràng là một nhân vật lịch sử –Ngài đã sống ở một thời kỳ nhất định tại một địa điểm, một bối cảnh và một môi trường nhất định – và vô dư niết bàn của Ngài ở Kushinagar là một biến cố lịch sử. Nhưng tâm thức và dòng tâm thức của Đức Phật đã tiếp tục và luôn luôn hiện diệnĐức Phật, như một thực thể hóa hiện dưới hình thức nhân loại đã ngừng tồn tại, nhưng Đức Phật luôn luôn hiện diện dưới hình thức sambhogakaya (Báo thân), tình trạng hoan hỷ trọn vẹn. Và Ngài tiếp tục hóa hiện và biểu hiện dưới những hình thức khác nhau thích ứng tốt nhất và có lợi nhất cho chúng sinh. Từ quan điểm này, nếu Đức Phật Thích Ca như một khuôn mặt lịch sử đã ngừng hiện hữu thì sự hiện diện của Đức Phật vẫn còn. Theo truyền thống này, tâm thức thì vô thủy, vô chung bởi lẽ nó liên tục.

Đối với một Phật tử hành giảvô dư niết bàn của Đức Phật có một ý nghĩa rất tượng trưng bởi những lời cuối cùng của Đức Phật hướng về học thuyết vô thường và bản chất giả tạm của mọi vật. Ngài tuyên bố rằng mọi vật và mọi biến cố đều giả tạm, vô thường. Ngài cũng tuyên bố thân thể của một đấng toàn giác – Đức Phật, hay Như Lai (Tathagata) – thì cũng vô thường và chịu chung những quy luật. Nói xong những lời này, Ngài tịch diệt. Đối với một Phật tử hành giảvô dư niết bàn của Đức Phật, hiện thể lịch sử đã tịch diệt tái khẳng định sự quan trọng của việc thực hành tính vô thường.

Tôi phải suy nghĩ về câu nói trong Phúc Âm của Đức Giêsu : “Ta chưa lên cùng Cha”. Tôi tò mò muốn biết thần học Kitô giáo giải thích như thế nào về sự Thăng Thiên.

Cha Laurence : Trước kia. Trong Phúc Âm của Thánh Gio-an, Đức Giêsu đã nói : “Ta biết ta từ đâu đến và ta biết ta sẽ về đâu” Người diễn tả cuộc đời Người, sứ mạng của Người như sự trở về suối nguồn của Người. Khắp mọi nơi, Người nói : “Ta đến từ Chúa Cha…” Sự Thăng Thiên của Người là sự hội nhập lại nhân tính đã được triển khai trọn vẹn vào suối nguồn của nó trong Cha, trong Thiên Chúa. Trong một ý nghĩa nhất địnhThăng Thiên là sự hội nhập toàn diện của Thiên tính và nhân tính Đức Giêsu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma : Phật giáo nghĩ rằng một quan hệ đặc biệt kết hợp sự hóa hiện và sức mạnh hóa hiện và một hóa hiện chấm dứt khi đã hoàn thành số phận của mình. Người ta thấy ý tưởng hóa hiện được hấp thu lại về suối nguồn của mình, mặc dù trong một số trường hợp hóa hiện sẵn lòng biến mất. Như thế trong trường hợp Đức Phật Thích Ca lịch sử, sau khi nhập niết bàn thân thể vật lý của Ngài vẫn còn hiện diện ; thân thể này đã được thiêu ra tro, và mọi người có thể thấy. Một Phật tử hành giả sẽ nói tâm thức của Đức Phậttinh thần siêu việt của riêng Ngài đã hội nhập hay hấp thu vào trạng thái dharmakaya (Pháp thân). Một số văn bản cũng tham chiếu một loại hiện tượng khác – hiện tượng các hữu thể tinh thần phát triển cao có khả năng tiếp xúc với những thế giới thuần túy khác và không cần tách khỏi thân thể vật lý của họ.

Cha Laurence : Đấy là những điểm đại cương tráng lệ để hiểu sự sống lại theo ý nghĩa Kitô giáo và thật là phấn khởi. Tôi nghĩ rằng khi Kitô hữu hiểu về sự Phục sinh, sự lĩnh hội ấy cũng bao hàm một chiều kích vũ trụ. Đức Giêsu là sự nhập thể của Thiên Chúa trong hình thể nhân loại, và qua Ngôi Lời của Thiên Chúa đã sinh ra sự Sáng tạo hay Vũ trụ. Lúc mà hình thể nhân loại của Đức Giêsu chết, xảy ra một sự biến đổi mở ra viễn ảnh những gì sẽ xảy đến cho toàn bộ vũ trụ. Thân xác nhân loại của Đức Giêsu trong toàn bộ năng lượng và hình thể vật lý của Người, được hấp thu vào trung tâm của suối nguồn vũ trụ, trong Thiên Chúa. Điều này sau cùng sẽ xảy ra cho toàn bộ vũ trụ. Tất cả trong vũ trụ đã từ Thiên Chúa mà đến, là một sự hóa hiện của Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Vì thế, tôi nghĩ trong sự sống lạichúng ta nhìn thấy một sự biến đổi của vật chất đang trở lại suối nguồn nguyên thủy điều này xảy ra cho thân xác của Đức Giêsu dưới hình thể nhân loại – thể xác, tinh thần và tâm hồn – nhưng đó cũng là một viễn ảnh, một sự tham dự trước của điều sẽ xảy đến cho vũ trụ khi đến giờ của nó, ở thời kỳ sau rốt.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN