NHỮNG BÀI VĂN KHẤN TRONG VĂN HÓA TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI VIỆT

SƯU TẦM

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng trong năm của người Việt Nam, và là dịp để con cháu ở phương xa về sum vầy cùng gia đình, dòng tộc.
 
Những phong tục tập quán đã được hình thành và lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời đã dần hình thành nên nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt trong những ngày Tết. Những phong tục này cũng chính là thay cho lời chúc một năm mới may mắn, bình an.
 
Nhân dịp một mùa xuân mới lại về trên đất nước Việt Nam, BBT Cùng Sống An Vui đã tổng hợp và trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả một số phong tục lễ nghi trong dịp Tết cổ truyền và những bài văn khấn đi kèm theo những nghi lễ này, đã được lưu truyền từ lâu đời trong văn hóa dân gian.

NGHI LỄ ĐƯA ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO VỀ TRỜI

Theo truyền thống của người Việt, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng.

Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời.

Bài văn khấn lễ ông Táo về trời (23 tháng Chạp):

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.

Tín chủ chúng con là: ……………………………………………………………………………….

Ngụ tại: ………………………………………………………………………………………………..

Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời:

Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án  thụ hưởng lễ vật

Phỏng theo lệ cũ ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.

Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

Giữ tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo

 (Trích: “Văn khấn Nôm truyền thống”, TT. Thích Viên Thành, NXB Văn hóa dân tộc, 2010)

NGHI LỄ TẢO MỘ TRƯỚC TẾT

Hàng năm, cứ từ khoảng 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, mỗi gia đình Việt Nam lại thực hiện lễ nghi tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất.

Vì thế, những ngày này, các gia đình, dòng họ đều cùng nhau sửa sang, dọn dẹp phần mộ. Người ta phát quang cỏ dại, lau chùi xung quanh mộ phần để tránh những gì không tốt xâm phạm đến linh hồn người đã khuất. Nhiều gia đình còn cho tu bổ lại những nấm mồ thấp, chưa đẹp. Sau đó, họ đem hương, hoa, lễ vật đến thắp hương để mời gọi những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Tục tảo mộ ngày Tết có ý nghĩa sửa sang lại phần mộ cho sạch đẹp, giãi bày tâm tư, tình cảm với những người đã khuất về những sự việc xảy ra trong một năm qua; đồng thời, mời gọi hương hồn những người đã khuất về nhà ăn Tết cùng con cháu. Tảo mộ còn có ý nghĩa để thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Việc làm này cũng góp phần tạo nên sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”.

Đây cũng còn gọi là lễ Chạp, người thân trong gia đình thường ra mộ lễ tạ thổ thần bồi bổ long mạch, xin rước vong linh gia tiên về nhà hoặc từ đường để đón năm mới.

Bài văn khấn tạ mộ vào ngày 30 Tết để mời vong linh gia tiên về ăn Tết cùng gia đình:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

– Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

– Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.

– Ngài Bản xứ thần linh Thổ đại tôn thần.

– Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ long mạch Tôn thần Tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả Thanh long, hữu Bạch hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản trong xứ này.

– Kính lạy hương linh cụ: ………………………………………………………………………………………

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.

Chúng con là: ……………………………………………………………………………………………………..

Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:…………………………………………………………………….

Có phần mộ tại đây về với gia đình đón mừng năm mới, để con cháu con phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thẩm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, phủ thùy doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén hương, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo

 (Trích: “Văn khấn Nôm truyền thống”, TT. Thích Viên Thành, NXB Văn hóa dân tộc, 2010)

GIAO THỪA

Thời điểm giao thừa người ta thường cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.

Tại sao lại có tục dâng hương cúng lễ ngoài trời vào thời điểm giao thừa?

Tục xưa tin rằng “Mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì vị Thần này bàn giao công việc cho vị Thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa Thần cũ, đón rước Thần mới”.

Thời điểm bàn giao công việc giữa hai vị Hành khiển cùng các Phán quan  (giúp việc cho quan Hành khiển) diễn ra hết sức khẩn trương, hơn nữa các vị này là các vị thần cai quản không phải riêng cho một gia đình nào đó mà là mọi công việc dưới trần gian, nên việc làm lễ “Tống cựu nghênh tân” các vị Hành khiển và Phán quan giữa năm cũ và năm mới phải được tiến hành không phải ở trong nhà mà là ở ngoài trời (sân, cửa). Có 12 vị Hành khiển – hay còn gọi là các vị thần Thời gian. Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.

Năm Tý: Chu Vương Hành khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào Phán quan.

Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Tam thập lục phương hành binh chi thần, Khúc Tào Phán quan.

Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh chi thần, Tiêu Tào Phán quan.

Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Thạch Tinh chi thần, Liễu Tào Phán quan.

Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh chi thần, Biểu Tào Phán quan.

Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hải chi thần, Hứa Tào Phán quan.

Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Thiên Hao chi thần, Nhân Tào Phán quan.

Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo chi thần, Lâm Tào Phán quan.

Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Ngũ Miếu chi thần, Tống Tào Phán quan.

Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Ngũ Nhạc chi thần, Cựu Tào Phán quan.

Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thiên Bá chi thần, Thành Tào Phán quan.

Năm Hợi: Lưu Vương Hành khiển, Ngũ Ôn chi thần, Nguyễn Tào Phán quan.

Trong các bài văn khấn giao thừa khi dâng hương ngoài trời, đều khấn danh vị của các vị quan Hành khiển cùng các vị Phán quan nói trên. Năm nào thì khấn danh vị của vị ấy.

Văn khấn lễ giao thừa ngoài trời:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

– Đức Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật.

– Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chi vị Tôn Thần.

– Ngài Cựu niên Đương cai Hành khiển.

– Đương niên Thiên quan ……………………………………………..Năm ……………………..

– Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.

– Nay là phút giao thừa năm: …………………………………………………………………………………

Chúng con là: ……………………………………………………………………………………………………..

Ngụ tại: ………………………………………………………………………………………………..

Phút thiêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái; vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, Ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần; Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ thần linh thổ địa, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các bản gia Táo quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo

 (Trích: “Văn khấn Nôm truyền thống”, TT. Thích Viên Thành, NXB Văn hóa dân tộc, 2010)

BBT Cùng Sống An Vui sưu tầm và tổng hợp

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẾT VIỆT NAM, TẾT DI LẶC
  2. NGHĨA TÌNH PHU THÊ ẨN SÂU SAU SỰ TÍCH ÔNG CÔNG ÔNG TÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ