SỰ QUAN HỆ GIỮA THÂN VÀ Ý NGHĨ LÀ GÌ?

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Về Tâm Và Ý; Vũ Toàn dịch; NXB Phương Đông.

Hỏi: Sự quan hệ giữa thân và ý nghĩ là gì?

Krishnamurti: Nếu không có thân xác, liệu con người có thể tư duy? Nếu không có thân xác, nếu không có tất cả các cơ phận với hệ thần kinh, và tính nhạy cảm của nó, cùng với các quy trình máy móc có tính cách điều hành của hệ vật lý, nếu không có những thứ đó thì liệu có tư duy? Nếu không có bộ óc và các tế bào lưu trữ các ký ức, nối kết khắp cơ thể bằng hệ thần kinh, thì liệu ta có thể tư duy?
Khi thân xác này chết đi, chuyện gì sẽ xảy ra cho những ý nghĩ mà chúng ta đã tạo ra? Ta đã sống ba mươi, năm mươi, hay một trăm năm, với hầu hết thời gian vùi đầu trong sở làm kiếm sống, tranh giành, gây gỗ, cãi vã, ghen ghét, lo âu – chỉ có Trời biết tại sao. Các bạn biết đấy, cuộc sống của ta – nỗi khốn khổ mà ta sống. Tất cả cái đó là ta. Vậy cái “ta” đó có khác với thân xác này? Hãy đi vào, đề một cách thận trọng. Liệu cái “ta” đó có khác với cái công cụ chuyên chở nó? Rõ ràng là khác. Cái “ta” là kết quả của sự ghi nhớ những xúc phạm, đau đớn, khoái lạc, tất cả những thứ đó, tức là ký ức được lưu giữ trong các tế bào não thành ý nghĩ. Liệu ý nghĩ có tiếp tục hoạt động sau khi thân xác chết đi? Ông bạn đặt câu hỏi: Khi em tôi, hoặc bạn tôi – người mà tôi đã nhớ, đã thương yêu, người mà tôi đã cùng đi dạo và thưởng thức nhiều điều – chết đi thì liệu tôi có nhớ người đó và liệu người đó còn tồn tại? Tôi đã ràng buộc mình với em tôi và không muốn mất chú ấy. Tôi đã mất đi người em tôi về phương diện vật lý nhưng tôi không muốn mất anh ta. Thử xem chuyện gì xảy ra. Tôi không muốn mất chú ấy, tôi có cả một ký ức đầy những kinh nghiệm, thích thú, và khổ đau về chú ấy. Tôi ràng buộc mình với những hoài niệm đó và tôi bám bíu vào chúng.

Thế là ý nghĩ xen vào: “Chú ấy còn sống, mình sẽ gặp lại nhau kiếp sau, hoặc trên thiên đàng.” Tôi thích ý nghĩ đó, nó làm tôi cảm thấy được an ủi. Thế rồi bạn đến và nói rằng: “Rõ nhảm, ông đúng là một ông già mê tín,” và tôi chống lại vì ý nghĩ gặp lại người thân làm tôi cảm thấy an tâm. Như thế cái mà tôi tìm kiếm là sự an tâm, không phải sự thật về một điều gì đó, mà là sự an tâm. Bây giờ, nếu tôi không tìm kiếm sự an tâm dưới bất cứ hình thức nào, thì thực tế là gì? Nếu chỉ sống một cuộc sống tầm thường với những ghen ghét và lo sợ như hàng triệu người trên thế gian này, thì tôi có gì đáng kể. Cũng bao nhiêu kẻ khác trong biển nhân sinh, rồi tôi sẽ chết đi. Nhưng tôi vẫn bám víu vào cuộc đời nhỏ bé của tôi, muốn nó tiếp tục, với hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được sung sướng. Và tôi chết đi với ý nghĩ đó. Cũng giống như hàng triệu người khác tôi lặn ngụp trong cái biển mênh mông của đời sống, vô nghĩa, tầm thường, xấu xa và hư dối này. Nếu tâm thoát ra khỏi giòng chảy mênh mông đó, mà phải là như thế, thì lúc đó sẽ là một cảnh giới hoàn toàn khác biệt. Và đó mới là tất cả tiến trình của sự sống – thoát ra khỏi cái giòng mênh mông đầy xấu xa và tàn bạo này. Vì không thể làm chuyện đó, vì không đủ nghị lực, vì không có sinh lực mãnh liệt, và tình yêu tha thiết, chúng ta buông trôi theo giòng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN