NHIỀU TÁC GIẢ
Vào một buổi sáng mùa thu đẹp trời khoảng năm 1999, khi chúng tôi đang vừa đi, vừa đùa với những chiếc lá vàng dọc theo một lề đường ở thành phố Nữu Ước để đến nhà trẻ, Willa, đứa con gái 3 tuổi của tôi, thao thao về những thứ mà nó và các bạn ở trường thông thạo. “Abby quen hết các cô bảo mẫu,” nó tuyên bố, “còn con biết hết mấy con chó đấy. Darcy thì biết các mẹ đưa em xong tất cả sẽ về nhà”. Tôi nghĩ, biết nhiều nhưng cũng đáng nghi ngờ lắm, vì em của Abby chưa ra đời mà, còn Willa biết về chó chắc chỉ qua mấy cuốn sách của Clifford hay thi thoảng của chương trình Sesame Street. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất trong các hạng mục liệt kê của con gái là lòng tin vào chỗ dựa vững chắc nơi các bà mẹ. Đó là điều người ta thường trấn an Darcy vì ba của bé có lần không về nhà –ông bị bệnh nặng, không cứu chữa được và mất trong bệnh viện, nên đối với Darcy, cũng như bao đứa trẻ khác, là các bà mẹ luôn trở về nhà. Đó là lẽ tự nhiên, cũng như là lòng từ bi, chưa nói đó là cách dạy dỗ hợp lý, để khẳng định với trẻ em là chúng sẽ được bảo vệ, rằng sẽ luôn có người lo lắng, chăm sóc cho chúng bất kể điều gì xảy ra, và mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Trong nhiều trường hợp, trẻ em chấp nhận, tin tưởng điều này (như Willa, và có thể cả Darcy nữa đã tin), và điều tốt hơn cả là nhiều lúc chúng ta có thể thực hiện được điều này.
Nhưng, sớm hay muộn rồi chúng ta cũng không thể giữ được lời hứa này. Sự an toàn mà chúng ta bảo đảm với con trẻ và với bản thân -sự an toàn mà cha mẹ phải bảo đảm cho con cái trên thế giới này- không thể thực hiện được. Là Phật tử, chúng ta tụng kinh Upajjhatthana—Những Điều Quán Tưởng- như một sự kiểm kê thực tại đối với những thứ chắc chắn, bảo đảm và không bảo đảm trên thế gian và xã hội, văn hóa quanh ta: “Ta phải già, phải bệnh, phải chết . . .”. Và con cái chúng ta cũng thế. Bên cạnh đó, chúng còn có tánh hay cãi lại, sử dụng ma túy, lì lợm, trầm cảm, tự tử, và biết bao thứ khó hay không thể sửa đổi. Giống như các đề mục thiền quán, những điều này cũng vượt trên sự kiểm soát của chúng ta; chúng là di sản của chúng sanh và, đặc biệt, là của các bậc cha mẹ. Nhà văn Nicole Krauss đã tóm tắt tâm trạng của bậc cha mẹ qua tiếng nói của một nhân vật trong tiểu thuyết Great House (Đại Gia Đình) của bà. Bà đã viết, “Tôi dần hiểu rằng làm tròn chức năng của người mẹ, là một ảo vọng”. “Dầu có cố gắng đến thế nào, cuối cùng người mẹ cũng không thể bảo vệ con cái -khỏi bị đau đớn, khủng hoảng, sự kinh hoàng của bạo lực, tránh những chuyến tàu tốc độ đi lệch hướng, những hành vi sàm sỡ của kẻ lạ, các bẫy rập, hầm hố, lửa, mưa gió, sự may rủi . . .” Hay, như tôi được biết, từ đáy bùn đất của một hồ nước, nơi con gái của một người bạn thân đã chết cách đây không lâu, hay dưới các toa tàu điện ngầm nơi đầy những người trẻ cỡ tuổi đôi mươi say khướt ở thời điểm một, hai giờ sáng. Giờ thì chính con gái tôi cũng có thể có mặt ở một nơi như thế.
Đối với cha mẹ, thực tại của việc “tất cả mọi thứ đều không ổn” dồn góp thêm vào bao nỗi ưu tư của họ. Nhưng ưu tư, hay ít nhất một khía cạnh nào đó của nó, có thể là một cảm xúc rất giá trị theo quan điểm Phật giáo. Samvega, một thuật ngữ Pali ngắn để chỉ cho một trạng thái cực mãnh liệt của ưu tư, là cảm xúc đã chắn giữ cơn gió hiện sinh của vị thái tử trẻ Siddharta khi ngài rời kinh thành, và trực tiếp chứng kiến bệnh, già và chết. Nguyên gốc của từ Pali vega, có nghĩa là “sốc”, “bản năng”, hay “làn sóng”, và tính từ samvega được sử dụng trong kinh tạng để diễn tả nỗi sợ hãi của một sinh vật nhỏ bé khi nghe tiếng rống của sư tử. Theo tỳ kheo Thanissaro, đó là một thuật ngữ khó dịch chính xác “vì nó ám chỉ quá nhiều thứ -ít nhất có ba chuỗi cảm xúc trong đó”. . . Samvega đã khiến trái tim thái tử Siddhartha rung động, thúc đẩy ngài rời bỏ gia đình và vương quốc để theo đuổi không mệt mỏi con đường giác ngộ. Rất may, cho tất cả chúng ta, là Ngài đã thành công.
Phần đông chúng ta có thể nhớ lại hay kể về bao hoạn nạn –và động lực đưa đến- những kinh nghiệm của samvega: thí dụ cái chết của người ta thương yêu hay một sự phản bội tàn nhẫn, hay ý thức rằng không có sự thỏa mãn dài lâu nào sau nhiều năm quần quật theo đuổi một nghề nghiệp vô vị hay một mối liên hệ chẳng ra gì. Cũng như các cảm xúc khác, samvega cũng phát khởi rồi qua đi, và nó cũng có thể thay đổi theo thời gian. Có nhiều cấp độ của samvega, cũng như có nhiều mức độ của hơi thở hay của tuệ giác –các nhận thức này sẽ trở nên rõ ràng và vi tế hơn qua sự thực hành thiền định nhuần nhuyễn. Lúc khởi đầu, sự thật về già và chết, hay nỗi sợ phải sống một cuộc đời vô vị, không mục đích, có thể là khởi đầu của samvega, giống như chúng đã là như thế đối với Đức Phật. Sau đó, tâm bị phân tán và sự vô tâm do ái dục và khổ có thể đưa đến nỗi kinh hoàng này. Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài vun trồng samvega mỗi ngày. Là bậc cha mẹ, tôi thấy điều này rất dễ làm –tôi luôn chìm đắm trong đó.
Xin chớ hiểu lầm: tôi thực sự yêu thương con cái và luôn muốn được ở gần với chúng hơn với bất cứ ai khác. Tôi kết hợp công việc và đời sống cá nhân sao cho tôi có thể dành nhiều thời gian cho con cái, với hy vọng rằng tôi không thuộc các bà mẹ “chỉ vừa đủ tốt”. Nhưng việc nuôi dạy con cái –và chỉ riêng cái thực tại khắc nghiệt của việc trở thành một bà mẹ- theo kinh nghiệm của riêng tôi, cũng đủ là cách đưa đến samvega, cần gì đến đối mặt với xác chết. Đó là sự luôn phải đối mặt với cái bình thường và cái không bình thường, giữa lằn ranh của sống và chết . . .
Khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống của chúng trở nên phức tạp hơn, độc lập với tôi hơn, thì samvega mà tôi trải nghiệm với chúng cũng trải qua nhiều biến tướng. Hiện giờ thì ít vì cái chết bất ngờ trước mắt, mà vì những bất an bình thường khác -của chúng và của tôi. Đối với các thanh thiếu niên mới lớn, cũng như đối với chúng ta, những mối đe dọa khủng khiếp nhất là do tâm tạo và tâm dung dưỡng chúng. Và dầu các con tôi yêu thích cuộc sống, tôi thấy chúng cũng không tránh khỏi những căng thẳng và thất vọng. Việc học, việc làm, việc chạy qua chạy lại nơi chốn trú ngụ của cặp cha mẹ ly dị, sự cám dỗ giống như đánh bạc của những trò chơi trực tuyến và Facebook –tôi than thầm vì coi đó là sự xuống cấp về chất lượng của cuộc sống. Khi trách nhiệm của chúng tăng lên thì những sự lựa chọn dường như thu hẹp lại. Có lần tôi phỏng vấn một nhà thần kinh học trẻ em về những hậu quả tình cảm và tư duy của những trẻ em dành quá nhiều thì giờ trên máy tính hay Iphone: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng phải đối mặt với cạnh tranh trong một thế giới quá đông đúc –khi chúng thi vào các trường đại học, hay tìm việc, hay tìm kiếm hạnh phúc trên một trái đất đang dở chết vì đã cạn kiệt tài nguyên để nuôi sống bao tỉ người. Đức Phật đã dự báo về cảnh tình này khi diễn tả samvega trong bài kinh Attadanda (The Rod Embraced): Kinh Chấp Trượng:
Ta sẽ nói
Ta đã kinh nghiệm samvega Như thế nào
Khi nhìn chúng sanh vùng vẫy. Như cá trong vũng nước cạn, tranh đua nhau –
Khi nhìn thấy vậy, ta cảm thấy sợ hãi.
Thế giới này hoàn toàn không có bản chất. Tất cả mọi phương hướng đều lung lay. Chỉ muốn một thiên đường cho riêng mình, Ta không nhìn thấy gì chưa bị ai chiếm đoạt. Không thể nhìn thấy gì ngoài sự đấu tranh, giành giựt, Ta cảm thấy không vui.
—Kinh Nipata 4.15, Tỳ Kheo Thanissaro chuyển ngữ tiếng Anh.
Theo quan điểm của Phật giáo, hy vọng tìm được hạnh phúc qua con cái là sai lầm, là đi đến samvega không cách nào thối lui. Nhưng có phương thuốc chữa trị samvega, đó là pasada. Pasada là sự nhận thức rằng niềm hạnh phúc vô tận là điều có thể, rằng khi sống theo Bát chánh đạo, chúng ta có thể thoát khỏi, một lần và mãi mãi, địa ngục của luân hồi. Tỳ kheo Thanissaro cho rằng, Pasada là “điều khiến samvega không trở thành vô vọng”. Bài kệ của Đức Phật về samvega và những con cá nhỏ lăn lộn trong vũng nước được kết như sau:
Và rồi ta thấy
một mũi tên ở đây,
rất khó thấy,
vì nó ghim giữa trái tim.
Bị trúng tên đó
Chúng sanh chạy đi khắp hướng.
Nhưng chỉ cần bứng mũi tên ra,
Ngươi không phải chạy,
Ngươi không phải chìm sâu.
—Kinh Nipata 4.15, Tỳ Kheo Thanissaro chuyển ngữ tiếng Anh.
Pasada, của cha mẹ là nhìn con cái mình qua lăng kính của Tứ diệu đế -là chúng sanh, chúng phải khổ, ta không thể gánh vác cái khổ của chúng, mà chính bản thân chúng phải tự tỉnh thức. “Cuối cùng rồi cũng đến lúc . . . khi ta không thể chen giữa con cái và nỗi đau của chúng”, Betty Smith đã viết trong quyển tiểu thuyết, A Tree Grows in Brooklyn (Cây Mọc ở Brooklyn), nói về những thế hệ trẻ sống ở Nữu Ước. Thật ra, chúng ta chưa bao giờ đứng giữa con cái và nỗi đau -của chúng hay của ta. Tin tốt lành là Đức Phật đã chỉ cho ta con đường vượt thoát khỏi nỗi đau, vượt thoát khỏi samvega, khỏi khổ. Lời chúc tốt lành nhất ta có thể dành cho con cái mình là chúng cũng có thể tìm được con đường đó như ta.
(Trích dịch theo THE DISMAY OF MOTHERHOOD, tạp chí Tricycle Xuân 2014)