CÓ CẦN TIẾT KIỆM CHO TUỔI GIÀ ?

CASS R. SUNSTEIN

RICHARD THALER

Trích: Cú Hích; NXB Trẻ & cty First News

Sự thật là vẫn có nhiều người Mỹ không muốn dành dụm cho tuổi nghỉ hưu. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề mà hệ thống an sinh xã hội Mỹ đang gặp phải. Có lẽ người Mỹ sẽ có cuộc sống tốt hơn khi về già, nếu họ chịu tham gia các chương trình tiết kiệm hưu bổng tự chọn. Nhận thức rõ điều đó, chính phủ Mỹ đã ban hành những đạo luật khuyến khích người dân lập các quỹ tiết kiệm cá nhân hay tham gia các quỹ hưu bằng cách miễn giảm thuế cho các khoản này.

Theo kinh tế học thì các chương trình tiết kiệm hưu bổng rất đơn giản và hiệu quả. Người tham gia chỉ cần tính toán khoản tiền mình muốn có và số tuổi khi nghỉ hưu, sau đó đăng ký vào một chương trình tự chọn, như thế là họ có thể an tâm về một tuổi già không thiếu thốn sau này. Tuy nhiên, có hai vấn đề phát sinh. Một là giả định rằng tất cả mọi người đều có khả năng giải được những bài toán phức tạp để biết sẽ phải tiết kiệm bao nhiêu. Không có sự trợ giúp của phần mềm thì ngay cả các chuyên gia kinh tế giỏi cũng khó tính toán thông suốt được. Vấn đề thứ hai là giả định rằng mọi người có đủ ý chí để theo đuổi chương trình tới cùng. Theo lý thuyết chuẩn thì những chiếc xe hơi thể thao sang trọng hay những kỳ nghỉ mát xa xỉ không bao giờ chi phối được họ, làm họ xa rời kế hoạch tiết kiệm vì sự bình yên tuổi già. Nói ngắn gọn, lý thuyết chuẩn chỉ đúng với Econ, chứ không đúng với con người.

Trong hầu như suốt cuộc đời mình, con người không phải lo lắng nhiều về việc dành dụm cho tuổi già, vì đa số họ không sống đủ lâu đến mức cần phải thu xếp trước một kế hoạch tiết kiệm hưu bổng hoành tráng. Trước đây, người già thường được con cái chăm sóc. Ở thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng cao, trong khi các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách nhau về mặt địa lý. Sự kết hợp đó làm cho người ta nghĩ rằng họ phải tự thu xếp cuộc sống cho riêng mình chứ đừng trông nhờ vào bọn trẻ. Cả chính phủ lẫn các chủ sử dụng lao động đều thực hiện những bước đi thích hợp để giải quyết vấn đề này. Về mặt kiến trúc lựa chọn, các chương trình hưu bổng mang một ý nghĩa tốt đẹp, nhân bản đối với người tham gia, thậm chí cả những con người vô tâm nhất về sự bình an của mình. Tuy nhiên, những người làm công ăn lương phải thực hiện quá nhiều bước, từ đăng ký tham gia, tính toán tuổi hưu và số tiền tiết kiệm kỳ vọng, cho đến quản lý danh mục đầu tư tới ngày về hưu… Đối với một bộ phận lớn trong số họ, quy trình này thật phức tạp và phiền toái. Thực tế, đã có nhiều người rối tung cả lên vì những chương trình hưu bổng mà họ đã “trót” tham gia.

Chúng ta đã tiết kiệm thỏa đáng?

Tất nhiên, vấn đề chính yếu là con người có tiết kiệm đủ không? Đây là một câu hỏi khó và gây tranh cãi. Trước hết, các nhà kinh tế học không đồng ý ở điểm tiết kiệm bao nhiêu là đủ, bởi vì họ không tán thành mức thu nhập cố định kỳ vọng sau khi nghỉ hưu. Vài người trong số họ tranh luận rằng người ta cần xác định rõ ràng khoản tiền hàng tháng họ muốn có sau khi nghỉ hưu, và khoản này ít nhất phải bằng mức thu nhập khi họ còn làm việc (đủ đáp ứng nhu cầu du lịch thường xuyên vì lúc đó họ có rất nhiều thời gian nhàn rỗi). Sau đó, những người nghỉ hưu cũng cần chú ý đến chi phí chăm sóc sức khỏe mỗi ngày một tăng lên theo tuổi tác. Nhiều người nói rằng những người nghỉ hưu có thể sử dụng thời gian của mình để sống một cuộc sống tiết kiệm hơn: không phải mất tiền mua sắm trang phục đi làm, mua sắm có cân nhắc, tự nấu ăn và hưởng những ưu đãi dành cho người già.

Chúng tôi không phản đối quan điểm trên, nhưng hãy xem xét một vài khía cạnh. Rõ ràng chi phí cho những khoản tiết kiệm ít ỏi thực ra lại cao hơn chi phí cho những khoản tiết kiệm lớn. Có nhiều cách làm tiêu tán nhanh những khoản dành dụm lớn, như nghỉ hưu sớm hơn, tham gia câu lạc bộ golf, du lịch châu Âu thường xuyên, hay mua những món quà đắt tiền cho lũ cháu nhỏ yêu dấu. Cho nên, sống tiết kiệm quả là không vui. Song, có những người tiết kiệm quá ít, họ chính là những người không hề tham gia bất cứ chương trình tiết kiệm hưu bổng nào, hoặc dành rất ít thu nhập để gửi tiết kiệm sau tuổi 40. Có lẽ những người này cần một cú hích.

Cú hích nào để khuyến khích tiết kiệm?

Tại Hoa Kỳ, để tiết kiệm, đầu tiên người ta phải đăng ký tham gia một chương trình nào đó, như chương trình 401(k) – Chương trình Tiết kiệm Hưu bổng dành cho những người làm công ăn lương ở Mỹ. Đa số người tham gia chương trình 401(k) đều cho rằng chương trình này hấp dẫn do các khoản đóng góp định kỳ vào tài khoản tiết kiệm đều được miễn thuế, các khoản lợi nhuận lũy kế được hoãn thuế và đôi khi các chủ sử dụng lao động còn đóng góp đối chứng vào quỹ hưu cho nhân viên. Chẳng hạn, người sử dụng lao động có thể đóng 50% trong tổng số tiền nhân viên trích ra để lập quỹ hưu, nếu con số này không quá 6% thu nhập hàng tháng của nhân viên.

Việc đóng góp đối chứng hoàn toàn không gây tốn kém thêm cho nhân viên, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính cho họ. Tận dụng tối đa ưu đãi này là điều không cần phải suy nghĩ đối với tất cả mọi người, trừ những người thiếu kiên nhẫn nhất và những gia đình đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, tỉ lệ đăng ký tham gia vẫn rất thấp. Có đến 30% những người đủ điều kiện tham gia chương trình 401(k) không muốn đăng ký. Cụ thể, đó là những người trẻ tuổi, học vấn thấp, thu nhập thấp, đôi khi những người học vấn cao cũng không muốn tham gia, như trường hợp Tony Snow, cựu nhân viên Nhà Trắng, đã nói ở trên.

Không chỉ ở Mỹ, ngay cả ở Anh, người ta cũng không mặn mà với các quỹ hưu bổng, dù ở một số quỹ các công ty Anh đóng góp 100% cho nhân viên của họ (nhân viên không phải đóng đồng nào cả!). Tất cả những gì nhân viên cần làm chỉ đơn giản là ghi danh. Thế mà trong số 25 quỹ được khảo sát, chỉ có 51% nhân viên đủ tiêu chuẩn muốn đăng ký tham gia, có nghĩa là một nửa trong số họ chỉ muốn nhận tiền ngay hàng tháng, chứ không muốn để dành cho tương lai!

Những người làm công ăn lương có tuổi ở Mỹ cũng thích được nhận tiền và chính phủ xử lý vấn đề này bằng cách đưa ra ba điều kiện: Một là họ phải hơn 59,5 tuổi để không bị phạt tiền thuế khi rút tiền từ tài khoản hưu bổng; hai là công ty của họ có đóng góp đối chứng cho nhân viên; ba là công ty của họ đồng ý cho nhân viên được phép rút tiền trong khi còn đang làm việc. Ba điều kiện trên hoàn toàn thuận lợi cho nhân viên và vì lợi ích lâu dài của họ, ấy thế mà chỉ có 40% nhân viên chịu tham gia!

Những ví dụ nói trên cho thấy sự ngớ ngẩn của con người trước những lợi ích “dọn sẵn” cho họ. Và những người tham gia các chương trình trên đa phần là những người biết vượt qua tính chây ỳ, trì trệ của mình hơn là đã có những quyết định đầy lý trí trong vấn đề sử dụng tiền bạc một cách hiệu quả hơn. Làm thế nào chúng ta có thể hích họ đây?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHÂN QUẢ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
  2. 9 VIỆC LÀM HAO TỔN PHƯỚC ĐỨC CỦA BẢN THÂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP