TÙY HỶ LÀ THUỐC GIẢI CỦA ĐỐ KỴ

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Giao Tiếp Bằng Trái Tim/ HT. Thích Thánh Nghiêm; NXB. Phương Đông; Thaihabooks; 2010.

HT. Thánh Nghiêm

HT. Thánh Nghiêm

—–❤❤❤-—-

“Chúc mừng bạn, bạn thật tuyệt vời, giỏi giang, tôi cảm thấy vinh dự khi được quen bạn” đấy là câu bạn nên nói thầm, nên nhắc nhủ chính mình khi bạn thấy người khác gặt hái thành công. Tuy nhiên bạn cũng đừng biến nó thành câu chót lưỡi đầu môi, miệng nói thế nhưng lòng đắng như ngậm bồ hòn và bạn cứ tự hỏi “tại sao việc tốt cứ đến với người khác mà lại lánh xa mình?”. Có thể lòng đố kỵ đó chỉ len lỏi dấy lên trong lòng nhưng đấy cũng là dấu hiệu cho thấy lòng đố kỵ ghen ghét đang manh nha trong bạn.

Thực ra con người rất dễ sinh lòng đố kỵ, có thể nói nó đến bất chợt và có mặt mọi lúc mọi nơi, chẳng qua là do mình chưa thực sự nhìn thấu bản chất của nó. Các bậc thánh mới giữ lòng mình bình thản còn người thường không ít thì nhiều bất kỳ lúc nào cũng thấy vị chua chát trong lòng khi thấy người khác thành công.

Tâm lý đố kỵ ghen tức được xếp vào loại phiền não ngấm ngầm khó trị, có người hiểu rất rõ rằng có thể suốt đời cũng không thể gặt hái được thành quả tốt đẹp như họ nhưng vẫn không chịu “nó có gì là ghê gớm lắm đâu, chẳng qua nó gặp may, có quan hệ tốt, từ nhỏ nó đã được bố mẹ toàn tâm toàn lực bồi dưỡng, xây đắp”. Những gì mình chưa thể hoặc không thể có được thì luôn luôn cảm thấy bất an, không cam tâm chút nào đấy chính là đố kỵ.

Có người thấy người khác thăng quan tiến chức cũng ghen ghét, cho là người đó nhờ nịnh nọt nên được như thế. Trong thực tế cuộc sống không nhất định thăng quan tiến chức đều nhờ nịnh bợ; bạn thử nghĩ kỹ xem tại sao họ “nịnh hót thành công” còn bạn thì không? Sao người ta có gia cảnh tốt đẹp, tại sao người khác được nhiều người yêu quý ủng hộ còn bạn thì không?

Có người từng kể với tôi về việc cấp trên của vị đó hỏi về một đồng nghiệp thế nào, vị này nghĩ bụng chắc ông chủ đang có ý đề bạt, nên dù rất muốn trả lời “anh ấy là người ưu tú, không những tận tâm tận trách trong công việc mà còn rất tốt với bạn bè, đồng nghiệp”. Tuy nhiên vị này cho rằng, nếu mình nói thật như thế e rằng ông chủ sẽ chỉ chú ý đến người kia và sẽ quên hẳn mình đi thế là đành nói “xét về mặt biểu hiện, anh ấy là người tốt, nhưng theo nhận xét của một số đồng nghiệp khác thì ngược lại, mặc dù vậy, theo nhận xét của cá nhân tôi, anh ấy là người tốt. Có điều nhiều lúc anh ấy ghen tức với tôi, tôi nhận thấy anh ấy có điều gì đó thiếu sót về cách sống và ứng xử với bạn bè đồng nghiệp”. Cuối cùng ông chủ vẫn quyết định cho người kia thăng chức chứ không phải vị này. Thật ra, ông chủ chỉ muốn thử lòng vị này xem có đủ tiêu chuẩn để giữ trọng trách hay không nên mới hỏi vậy.

Nếu lúc đó, vị này lòng dạ quảng đại, biết cách phát hiện ưu điểm và khen ngợi người khác thì người thăng chức có lẽ không phải người kia mà chính là vị này. Nhưng qua cách trả lời cho thấy vị này lòng dạ hẹp hòi, không đủ tư cách giữ trọng trách, từ đó chúng ta thấy, lòng đố kỵ, ghen tức đã đánh mất cơ hội cho vị này. Khi bạn thấy lòng đố kỵ trong mình nổi dậy, bạn cần đề cao cảnh giác, lập tức nghĩ đến hạnh tùy hỷ “người khác được điều tốt cũng như mình có được” để hóa giải lòng đố kỵ, ghen ghét. Chúng ta hãy học cách tán dương, khen ngợi người khác, thấy người khác thành công mình vui như chính mình đang thành công.

Trường hợp có người cho rằng, khen ngợi, tán dương khi thấy người khác thành công phải chăng là việc “giúp họ thêm cơ hội thành công?”. Tục ngữ có câu “đã giúp thì giúp đến cùng”, nếu bạn tự thấy bản thân không thể làm được nhưng có người đã làm tốt thì bạn nên giúp đỡ, ủng hộ hết mình. Làm thế nghĩa là bạn đang tích phúc, bạn giúp mình hóa giải đố kỵ, ghen ghét và làm người khác vui mừng. Trong thi đấu cũng thế, khi bản thân mình không giành được huy chương nào nhưng các bạn trong đội giành được thì bạn cũng được thơm lây. Nếu bạn có thái độ đối nhân xử thế theo tinh thần này, biết cách khen ngợi ưu điểm và tìm cách học tập ưu điểm đó của người khác chắc chắn bạn sẽ tiến bộ không ngừng và tâm lý đố kỵ, ghen tức cũng sẽ không còn trong bạn nữa.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ DIỆT TRỪ LÒNG ĐỐ K

Có người khi thấy người khác thành công, vinh dự, tốt đẹp thường khen ngợi, tán dương nhưng trong lòng lại không phục; có người lại nghĩ bụng “người kia chẳng có tài cán gì”, đấy chính là biểu hiện của lòng đố kỵ đang dấy khởi. Đố kỵ, ghen ghét là tâm lý phổ biến của con người, thậm chí là người tu hành cũng không tránh được lòng đố kỵ, chỉ khác ở điểm là mức độ đố kỵ, ghen ghét ít hay nhiều, lớn hay nhỏ mà thôi!

Đố kỵ khiến người ta mê mờ, nghi hoặc, đánh mất cơ hội nhìn lại bản thân đồng thời còn là vật cản lớn trên con đường thành công của mỗi con người. Tâm lý đố kỵ gần giống với sự ích kỷ, hẹp hòi vì chúng đều có đặc điểm chung là “nếu mình không có được thì người khác cũng không thể có”. Ví dụ chàng trai theo đuổi một cô gái xinh đẹp nhưng cô gái đã có người yêu nên chàng trai kia theo đuổi trong vô vọng. Vì không có được tình cảm của cô gái, người kia liền nghĩ đến việc phá hoại hạnh phúc của đôi này, sở dĩ người kia làm như vậy là vì lòng đố kỵ, ghen ghét trong lòng anh ta quá lớn. Ví dụ nữa, mình vẫn vui vẻ làm việc nhưng do lòng đố kỵ khởi lên, luôn nghĩ đến đối tượng mà mình ghen tức, từ đó hàng loạt “tội chứng” và những từ ngữ trách móc nung nấu trong lòng khiến mình cảm thấy bất an, không thể làm việc tập trung, cứ như thế dần dần sẽ trở thành sự oán hận.

Xét từ quan điểm Phật pháp, đố kỵ là một trong những món phiền não nặng nề, nó có liên quan mật thiết đến tâm sân hận. Tam độc mà Phật giáo thường nhắc đến chỉ cho lòng tham lam, sân hận và ngu si nhưng cũng có một số kinh luận khác lại cho rằng tam độc gồm tham dục, tật đố (tức ghen ghét, đố kỵ, trong Phật giáo thường để từ Tật Đố) và tà kiến. Theo quan điểm này, tật đố (ghen ghét, đố kị) được xếp vào một trong ba độc lớn nhất của con người. Tật đố là biểu hiện của sân hận. Vì thế, tật đố chính là mặt khác của sân hận, chúng có cùng tính bất thiện chung là đều hại người, hại mình.

Vậy làm thế nào để hóa giải lòng đố kỵ ghen ghét? Có hai con đường hóa giải lòng đố kị, một là không nên đố kỵ, ghen ghét người khác, hai là không được làm bản thân thành đối tượng đố kỵ, ghen ghét của người khác. Phương pháp hóa giải đố kỵ hữu hiệu nhất là thực hiện hạnh nguyện thứ năm trong mười nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền là “tùy hỷ công đức — công đức có được nhờ sự tán thán, vui vẻ như chính bản thân mình có được khi thấy người khác thành công”. Thêm một ý nghĩa của tùy hỷ công đức nữa là khi bạn thành công, bạn phải hồi hướng, chia đều hạnh phúc thành công đến tất cả mọi người, không nghĩ đó là thành công của riêng bản thân.

Có lần trong lễ tuyên dương, trao giải thưởng “ái tâm — tình thương” cho mười gương mặt tiêu biểu về sự nghiệp từ thiện xã hội, trong đó có tôi, tôi đã thay mặt những người còn lại phát biểu cảm tưởng với ý rằng, “tôi được tuyên dương và nhận giải thưởng ái tâm không có nghĩa là trong xã hội chỉ có mười người có tình thương, mười người làm từ thiện mà chúng tôi chỉ là những người đại diện cho tất cả những người làm sự nghiệp từ thiện trong xã hội, hơn nữa chúng tôi chỉ là người may mắn được người khác đề cử nhận giải mà thôi. Thật ra còn có nhiều người âm thầm cống hiến, họ vĩ đại và đáng được biểu dương hơn chúng tôi nhiều”. Vả lại, đây là giải thưởng không dành riêng cho mỗi cá nhân tôi mà là giải thưởng chung cho sự cống hiến, nỗ lực của tín chúng Bồ-tát và nghĩa công Bồ-tát (1) trong hội Pháp cổ Sơn. Vì thế, khi thấy tôi nhận giải thưởng này mọi người không khởi tâm đố kỵ vì đây là sự nghiệp chung của mọi người chứ chẳng phải của cá nhân tôi. Giải thưởng này có ý nghĩa khích lệ động viên tất cả mọi người hãy làm điều thiện, cống hiến sức mình cho xã hội.

Khi làm được một việc gì đó thành công chúng ta không nên có tâm lý kiêu căng, thấy mình vĩ đại, vì một khi bạn khởi tâm nghĩ rằng, đây là điều vinh dự, đáng được tự hào thì sẽ gây tâm lý đố kỵ, ghen ghét của người khác. Bạn làm việc với sự khiêm tốn, lễ độ sẽ giúp người khác không khởi tâm đố kỵ với bạn.

—–❤❤❤—–

Chú thích: Nghĩa công Bồ tát chỉ cho những người tham gia lao động công ích, giúp đỡ mọi người mà không nhận tiền thù lao, tín chúng Bồ tát chỉ cho những người đóng góp tiền của sức lực để làm từ thiện. (ND)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHI CÁI TỐT VÀ CÁI XẤU HỘI NGỘ
  2. HỌC CÁCH THA THỨ VÀ KHOAN DUNG
  3. BIẾN LÒNG ĐỐ KỴ TRỞ NÊN “THANH THẢN”

Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH