LÊ QUANG
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 20/02/2022
“Thời chúng tao, hôn nhân do sắp đặt chứ mấy ai được kết duyên theo ý mình, ấy mà cũng con đàn cháu đống với nhau đến đầu bạc răng long”. Thoạt nghe các cụ thở dài, nhất là khi lườm mấy đứa cháu đến tuổi cập kê còn son rỗi về quê ăn Tết, thấy cũng có lý: Lối sống ngày nay buông thả quá, tụi trẻ chưa biết cuộc tình nào rồi cũng có hồi kết, người ta sống với nhau vì nghĩa là chính, chứ si mê say đắm được mấy nả.
BẢN ĐỒ GENE NÓI KHÁC
Xin các cụ bỏ qua, nhưng không phải các cụ phán gì cũng đúng. Thời cha mẹ đặt đâu ngồi đấy cũng là thời mà tuổi thọ thấp, chăm sóc y tế kém, con cái bìu díu, ăn uống kham khổ nên ba chục tuổi (ranh) mà đầu đã bạc và răng đã long. Chưa kể áp lực xã hội phải “tam tòng tứ đức” cho đẹp mặt dòng họ hay lời dọa gọt đầu bôi vôi, nên có tình ý gì khác cũng quanh quẩn sau bụi tre làng mà thôi.
Ta tạm rời đường mòn đạo lý để ngó nghiêng trong thế giới khoa học, vì dù gì thì xã hội loài người vẫn có một bản đồ gene khá giống nhau đã được khoa học khám phá phần lớn và được cụ Charles Darwin khai thác một phần. Cụ phán: Giống người homo sapiens là loại sinh vật sống bằng săn bắn và hái lượm. Và thế là vô hình trung đã định vị đàn ông với sức khoẻ cơ bắp vượt trội phải vác gậy gộc đi săn bắt, còn việc trông nom con cái và nấu nướng ở nhà thì để phụ nữ lo.
Xin hãy coi đây là một nhận định hoàn toàn tách rời làn sóng lạm dụng khái niệm “phải đạo chính trị” (political corectness) đang lan ra thế giới, mà chỉ dựa trên các thuộc tính vật lý vốn cần thiết để sinh tồn, vì nói cho cùng, khi chạm trán con lợn lòi nặng một tạ rưỡi thì đây không phải thời điểm thích hợp để tranh luận về đạo đức hay bình đẳng giới.
Các nhà khoa học quan sát vai trò giới tính của giống chim sẻ ngô xanh và nhận thấy trong khi con trống chăm chỉ bắt sâu đem về tổ thì con mái che chở và sưởi ấm đàn con mới nở. Khi lũ chim non đã có tấm áo lông vũ lơ thơ, vai trò của phụ huynh thay đổi rất nhanh: bà mẹ cũng bay đi kiếm mồi như ông bố.
Cách hành xử phổ biến ấy cho thấy có sự tương tự như con người: đơn giản là một con chim không đủ khả năng vừa kiếm đủ mồi vừa sưởi ấm đàn con. Xuất phát điểm của mô hình gia đình ghép đôi ở nhiều giống loài khá dễ hiểu. Và một đôi có thời gian trải nghiệm đủ dài bên nhau sẽ tạo ra một tổ ấm theo đúng nghĩa đen, để con cái có điều kiện lý tưởng lớn lên.
Khi bầy con rời tổ, vợ chồng sẻ ngô xanh ai đi đường nấy, thậm chí không cùng kiếm chỗ tránh mùa đông. Nhưng khi xuân về, chúng có ý tìm lại bạn đời năm ngoái. Tuy nhiên, đời không phải là mơ. Trên đường đến xứ ấm và quay về, một nửa số chim rơi rụng đâu đó, và bộ não chim sẻ tuy nhỏ nhưng đủ để phỏng đoán là bạn đời đã gặp nạn. Vậy thì chúng quyết định tìm bạn mới, cũng có thể là một con uổng công mong ngóng bạn tình thuở xưa.
Cũng phải nói thêm là chúng không có nhiều lựa chọn hoặc phương án dự phòng. Con trống đắt giá là con đã dọn sẵn một ổ lót ấm áp ở một vị trí cao ráo, quan trọng là có giọng ca mùi mẫn. Lại một điểm nữa khiến ta liên tưởng đến loài người.
Tuy vậy cũng có sự lệch luồng, ví dụ vợ chồng sáo sậu thay nhau ấp trứng và con nào rảnh thì đi kiếm ăn về nuôi con đang ấp. Hay giống chim ó ở quần đảo núi lửa Galápagos (Ecuador): một con mái “nuôi” đến bảy con trống. Rốt cục nó cũng chỉ đẻ một đến tối đa ba quả trứng là bắt đầu ấp. Loài này chưa có công nghệ phân tích DNA nên con trống nào cũng tưởng mình là bố, và tất cả cùng hăng hái chăm sóc con.
Nếu toàn bộ các cách hành xử kể trên trong giới điểu cầm đều dựa trên cơ sở tự nguyện và công khai, thì ở động vật có vú – được coi là một bậc cao hơn về phát triển não bộ – hiện tượng “lập gia đình” dài lâu cũng đa dạng không kém.
Nhà khoa học Peter Kappeler, từ Trung tâm linh trưởng Đức thuộc Đại học Göttingen cùng Luca Pozzi ở University of Texas, nghiên cứu các hình thái bầy đàn của vượn người và xác nhận chừng 20% các giống khỉ và vượn ưa sống độc thân, phần áp đảo còn lại sống thành đàn với nhiều thành viên.
Nếu nhận định của Charles Darwin đúng, rằng con đực luôn có xu hướng mở rộng tiềm năng phát triển giống nòi, thì kết quả trên khá khó hiểu. Thiên nhiên đã tạo ra một sự lệch lạc lớn về vai trò giới tính, nhất là ở động vật có vú: một thời gian dài bào thai được bảo vệ trong cơ thể mẹ, sau đó chúng được bú sữa khá lâu. Nói cách khác, một mình giống cái gánh chịu hậu quả của sự duy trì nòi giống, vậy thì tại sao 80% kia không “tận dụng” lợi thế để sinh con đẻ cái nơi khác mà cứ trụ lại trong quan hệ đôi lứa bền vững?
Peter Kappeler kết luận: nhiều loài động vật có vú cần một không gian đủ lớn, khả dĩ kiếm đủ mồi để nuôi con. Nếu muốn có nhiều bạn tình, con đực phải làm nhiều cuộc “viễn du” khá vất vả, do đó mối gắn kết đôi thường được lựa chọn bởi lý do thực dụng. Khi sống thành đôi bền vững, con đực không chỉ dễ dàng giám sát sự chung thủy của bạn tình, mà còn dễ tham gia nuôi những đứa con mà nó tin là con nó. Khi xuất hiện tình địch, thường xảy ra hiện tượng mà khoa học gọi là “infanticide”: trước tiên nó giết những đứa con của con cái để tìm cách sinh ra con riêng. Gia đình đôi lứa là cách bảo vệ tốt nhất chống lại cuộc thảm sát đó.
ĐANG YÊU LẠI NÓI CHUYỆN CƯỚI LÀ SAO?
Từ nãy giờ ta mải mê truy xét căn nguyên khoa học của mô hình gia đình, giờ hãy nhìn nó qua lăng kính xã hội học.
Thế giới này biết nhiều dạng thức chung sống hoặc hôn phối lắm. Hôn nhân không nhất thiết lúc nào cũng gắn liền với lời thề thiêng liêng hay nghi lễ tôn giáo. Dân da đỏ Bắc Mỹ hầu như không biết đến lễ cưới, cứ chuyển đến một túp lều chung là trình làng rằng họ sẽ sống cùng nhau từ đó trở đi. Việc ly hôn cũng dễ dàng như vậy: chỉ việc phẩy tay, đi ra khỏi lều.
Ý tưởng về hôn nhân một vợ một chồng cũng không phổ biến như đa phu thê hay phức hôn. Ở nhiều dân tộc phía tây Himalaya, phụ nữ nhiều chồng khá phổ biến do thiếu đất. Mấy anh em kết hôn với một phụ nữ để hạn chế số lượng con cái. Hay một người đàn ông cưới nhiều phụ nữ cũng phổ biến từ châu Phi đến Melanesia.
Trong lịch sử, những cuộc hôn nhân như vậy cũng nảy sinh vì lý do khác, chẳng hạn, một người đàn ông kết hôn với người vợ góa của người anh trai đã qua đời của mình để chu cấp cho cô ta và con cái. Ở Melanesia, có những nền văn hóa mà cha ruột không đóng vai trò gì cả, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi anh trai của mẹ.
Thủ tục hôn nhân theo luật dân sự như tại các xứ “văn minh” cũng mới có 200 năm tuổi. Trong một thời gian dài, nhà thờ mới là nơi hợp thức hóa các cuộc hôn nhân. Hôn nhân vì thế cũng là một bí tích thiêng liêng, ai ly hôn cũng đồng thời bị rút phép thông công. Ngoại tình là một trọng tội mà cả Cựu ước và Tân ước đều đe dọa trừng phạt nghiêm khắc.
Hôn nhân dân sự thì có nghĩa là bạn gật đầu trước một công chức rằng từ nay sẽ chung sống với nhau. Tuyên bố chung này có các hệ quả pháp lý khác nhau ở các nước, từ giảm thuế đến yêu cầu cấp dưỡng chung trong trường hợp ly thân, quyền nuôi con chung và quyền làm cha mặc định của tất cả trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, cho đến quyền được hưởng một phần lương hưu của người đã mất.
Mặc dù cả một bộ máy dịch vụ siêu to khổng lồ ra sức biến ngày cưới thành “ngày đẹp nhất trong đời bạn”, chuyện cưới xin ngày càng ít được các cặp đôi quan tâm. Đối với hầu hết phụ nữ thời nay, một cuộc hôn nhân mà trong đó ông chồng kiếm tiền, bà vợ chìa tay xin tiền chợ búa không còn là một lựa chọn.
NGHĨ VỀ MỘT CHÍNH SÁCH VÌ CON NGƯỜI
Số lượng áp đảo của các tin ly tán xấu xí cho thấy bản thân hôn nhân, ngoài những hậu quả pháp lý của nó, không chỉ là tổ ấm của hòa bình và hạnh phúc. Đại từ sở hữu “vợ/chồng tôi” đã làm rõ ý nghĩa của nó: “em/anh là vật sở hữu của anh/em”. Nhiều phát ngôn khác nhau bắt nguồn từ quan hệ sở hữu ấy, bất kể về sự chung thủy, về người kia phải đảm đang chăm sóc mình… cho thấy rõ ràng không phải lúc nào các hành vi ấy cũng được thể hiện một cách tự nguyện. Không phải ngẫu nhiên mà bạo lực, và thậm chí giết người, lại xảy ra trong các cuộc hôn nhân vì những kỳ vọng lớn lao gắn liền với hôn nhân.
Tình yêu là biểu hiện tuyệt vời của cam kết tự nguyện. Người ta từ chối khẳng định lợi ích của riêng mình thay vì lợi ích chung của yêu thương. Nhưng không hiếm khi nó bị giảm xuống mức phi lý bằng chính các cuộc hôn nhân và hợp đồng hôn nhân. Mặt khác, bắt đầu một gia đình cũng là một thủ tục pháp lý đi đôi với nhiều quy định, và cuộc sống thường nhật cũng giết chết nhiều ước mơ lãng mạn. Nhiều hô hào đạo đức về hôn nhân như một thiết chế đáng được bảo vệ đặc biệt đang dần lỗi thời.
Đã từ lâu, cả ở các nước nặng nề Nho giáo cũng có những hình thức sống chung rất khác nhau. Xung quanh ta có vô số các cặp vợ chồng sống với nhau mà không có giấy đăng ký kết hôn, có hoặc không có con. Mọi người sống với nhau một thời gian rồi ly thân mà không từ bỏ việc chăm sóc chung cho các con. Mối quan hệ đồng giới được đánh dấu bằng tình yêu và trách nhiệm không kém những mối quan hệ khác. Trẻ em ngoại hôn được pháp luật các nước văn minh đối xử bình đẳng và được công nhận là con hợp pháp ngay cả khi không có giấy giá thú. Nhiều cặp đôi vẫn là bạn ngay cả sau khi chia tay.
Với thực tế ấy, việc bảo vệ và phát triển các cộng đồng này là nhiệm vụ của một chính sách tập trung vào con người chứ không phải các thiết chế xã hội truyền thống. Hôn nhân như thiết chế duy nhất để tổ chức cuộc sống chung có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đã đến lúc phát triển các dạng thức mới và hợp thời hơn.
Hôn nhân và nỗi oan phương Tây
Cái gọi là “lối sống phương Tây” cách đây chưa lâu còn bị các quốc gia chịu ảnh hưởng đạo Nho và đạo Hồi dè bỉu. Con số thống kê thực tế có cách biểu cảm khó chối cãi: Ở các nước Bắc Âu (Phần Lan, Estonia, Scandinavia) có đến 45% hộ gia đình là hộ một người, Đức nối đuôi với 42%, Áo 37% … Mô hình này thậm chí còn lan rộng ra thế giới.
Tờ Guardian số 5-2 vừa qua tung một phóng sự lạnh gáy về xu hướng lãnh đạm với tổ ấm gia đình ở Hàn Quốc: Năm 2020, tỉ lệ hộ gia đình một người ở Hàn Quốc tăng đến 31,7%, chủ yếu ở nhóm tuổi từ 20 – 30. Một thống kê khác của Bộ Nội vụ cho biết 8,77 triệu hộ đăng ký cư trú độc thân, tức 39% trong số 22,7 triệu hộ.
Còn ở ngay quê hương của Khổng Khâu thì sao? Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, quy mô gia đình ở Trung Quốc đang dần thu hẹp và xu hướng ấy ngày càng rõ nét hơn trong những năm gần đây. Vào năm 1953, trung bình mỗi gia đình có 4,33 thành viên; đến năm 2020, con số này còn có 2,62. Các hộ gia đình độc thân ở Trung Quốc chủ yếu gồm người rất già và người rất trẻ sống một mình.
Thanh niên Trung Quốc quyết định sống một mình khi bắt đầu sự nghiệp của họ, nhất là khi thoát ly khỏi quê nhà, song cũng vì sự khác biệt trong kế hoạch sống và thói quen. Trong một xã hội thay đổi vũ bão mấy thập niên qua, điều kiện sống của người Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, số người kết hôn muộn hoặc hoàn toàn độc thân ngày càng tăng. Các giá trị truyền thống như phụ nữ phải kết hôn trước tuổi 30, đàn ông lo mua nhà mua xe, trẻ con phải vào trường chuyên lớp chọn… cũng khiến giới trẻ ngần ngại. Gánh nặng tài chính như sở hữu căn hộ nhỏ ở Seoul hay Thượng Hải được coi là không tưởng đối với người mới lớn, dễ làm các con sẻ ngô xanh rùng mình.
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 20/02/2022