JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG ; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; Công ty sách Thời Đại & NXB Thời Đại
Một nền giáo dục chân chính mới quan tâm đến sự tự do của cá nhân, mà chỉ cá nhân tự do mới có thể đem lại một sự hợp tác chân thực và hoàn toàn với nhiều người, nhưng sự tự do này không thể thực hiện được bằng cách theo đuổi sự thành đạt và gia tăng quyền lực, chức tước, địa vị. Tự do đến cùng với sự tự tri, khi trí não vượt lên trên và vượt thoát mọi chướng ngại do nó tự tạo để thỏa mãn khát vọng an toàn.
Nhiệm vụ hay chức năng của giáo dục là giúp từng cá nhân phát hiện hay nhận ra mọi chướng ngại tâm lý ấy và không áp đặt lên cá nhân những mô hình mới về đức hạnh, những phương thức mới về tư tưởng. Những áp đặt như thế sẽ không bao giờ đánh thức được trí tuệ hay trí thông minh, tức là động-thái-thấu-hiểu sáng tạo mà chỉ sẽ qui định cá nhân thêm thôi. Chắc chắn sự thể này đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và đó là lý do tại sao các vấn đề của chúng ta cứ nối tiếp và gia tăng mãi.
Chỉ khi nào ta thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống con người rằng có thể có một nền giáo dục chân chính, nhưng để thấu hiểu trí não phải bằng trí tuệ, thoát khỏi ý muốn được ban thưởng khiến sinh sợ hãi và ý muốn tuân thủ rập khuôn bắt chước. Nếu ta xem con cái ta như là tài sản của riêng ta, nếu với ta, chúng là sự nối tiếp của những cái “tôi” nhỏ nhen của ta và sự thực hiện những tham vọng của ta, bấy giờ, ta sẽ tạo dựng một trường, một cấu trúc xã hội, trong đó, tuyệt đối không có tình yêu mà chỉ có sự theo đuổi những lợi lạc xoay quanh cái tôi.
Một trường học thành công trong ý nghĩa thế tục thông thường không hơn gì sự phá sản của một trung tâm giáo dục. Một học viện rộng lớn và hưng thịnh trong đó hàng trăm trẻ con được giáo dục chung với nhau, đi kèm là những màn phô trương và sự thành công, có thể đào tạo những cán bộ ngân hàng và nhân viên bán hàng siêu đẳng, những nhà quản lý công nghiệp hay chủ tịch hội đồng, những con người nông cạn hời hợt có hiệu suất cao về mặt công nghệ; nhưng chỉ duy trong cá nhân hợp nhất mới có hy vọng, mà chỉ những trường học có qui mô nhỏ mới có thể giúp đào tạo những cá nhân ấy. Vì lý do đó, điều quan trọng hơn cả là có những trường học với số em trai em gái hạn chế, với những nhà giáo dục chân chính, hơn là áp dụng các phương pháp mới nhất và tốt nhất trong những trường viện rộng lớn.
Nhưng tiếc thay, một trong những chỗ khó khăn gây rối cho ta là ta nghĩ ta phải hoạt động một cách đại trà. Phần đông chúng ta muốn có những ngôi trường lớn lao với nhiều tòa nhà cao tầng, dù ta biết rất rõ chúng không phải là những trung tâm giáo dục chân chính, bởi vì ta muốn làm thay đổi hay tác động vào điều ta gọi quần chúng.
Nhưng ai là quần chúng? Bạn và tôi. Ta đừng để sa vào mê hồn trận, rằng quần chúng cũng phải được giáo dục một cách đúng đắn. Nghĩ về quần chúng là một hình thức lẫn trốn để khỏi phải hành động tức thì. Giáo dục chân chính sẽ trở thành phổ biến nếu ta bắt đầu với cái hành động tức thì này, nếu ta tri giác chính ta trong quan hệ của ta với bọn trẻ, với bạn bè và hàng xóm của ta. Chính hành động riêng tư của ta trong thế giới ta sống, trong thế giới của gia đình ta và của bằng hữu, sẽ mở rộng ảnh hưởng và hiệu quả.
Bằng cách tri giác chính ta hoàn toàn trong mọi mối quan hệ giao tiếp của ta, ta sẽ bắt đầu phát hiện các sự hỗn loạn và giới hạn bên trong ta mà đến tận bây giờ ta không biết; và nhờ tri giác chúng ta sẽ thấu hiểu và đánh tan chúng. Không có sự tỉnh giác này và sự tự tri do giác mang lại, bất kỳ công cuộc cải tạo nào trong giáo dục hay trong các lĩnh vực khác sẽ chỉ dẫn đến tình trạng đối địch và đau khổ mới khác.
Xây dựng các học viện khổng lồ và sử dụng nhà giáo tùy thuộc vào một hệ thống giáo dục, thay vì tỉnh thức, cảnh giác và quan sát trong quan hệ của mình với cá nhân người sinh viên học sinh, ta chỉ khuyến khích việc tích lũy những sự kiện, phát triển khả năng và thói quen tư duy một cách máy móc tập theo một mô hình, chắc chắn không có việc làm nào kể trên giúp người sinh viên học sinh lớn lên thành một con người hợp nhất. Các cơ chế, hệ thống có thể có chỗ dùng giới hạn trong tay các nhà giáo tỉnh thức và cảnh giác, nhưng các thứ ấy không tạo ra trí thông minh được. Tuy thế, lạ lùng thay, các từ như “hệ thống giáo dục”, “học viện” đã trở nên hết sức quan trọng đối với ta. Các biểu tượng đã thay chỗ cho thực tại và ta ưng ý rằng mọi sự phải như vậy. Bởi vì thực tại hay hiện thực gây phiền nhiễu, trong khi bóng tối cho cảm giác dễ chịu.
Không có bất kỳ giá trị cơ bản nào có thể thực hiện được qua việc giáo dục quần chúng, nhưng chỉ bằng cách thận trọng xem xét và thấu hiểu mọi khó khăn, khuynh hướng và khả năng của từng đứa trẻ và những ai tri giác điều này và tha thiết muốn tự thấu hiểu chính họ, sẽ phải đến với nhau, chung tay bắt đầu xây dựng một trường học có ý nghĩa sinh tử đối với đời sống của trẻ bằng cách giúp trẻ sống hợp nhất và trí tuệ. Để khởi động một ngôi trường như thế, người ta không cần phải chờ đợi cho đến khi có đầy đủ phương tiện cần thiết. Ta có thể là một giáo viên thực thụ tại gia và cơ hội sẽ đến với người thầy thực tâm tha thiết.
Những người yêu thương con trẻ của mình và con trẻ yêu thương họ, và do đó, thật tâm tha thiết, họ sẽ tìm thấy một ngôi trường đúng nghĩa như thế khởi động đâu đó quanh họ hoặc chính nhà họ. Lúc đó, tài chánh sẽ tới – khâu này coi như ít quan trọng nhất. Duy trì một ngôi trường nhỏ chân chính loại này tất nhiên là có khó khăn về mặt tài chánh; công việc chỉ có thể hưng thịnh, phát huy dựa trên tinh thần tự nguyện hy sinh, chứ không phải dựa trên một tài khoản béo bở ở ngân hàng. Tiền bạc chắc chắn sẽ làm bại hoại, ngoại trừ có tình yêu và trí tuệ. Nhưng nếu đó là một ngôi trường có giá trị thực sự, thì sự hỗ trợ cần thiết sẽ tìm thấy thôi. Khi có tình yêu đối với trẻ, mọi sự đều có thể.
(còn tiếp)