ADYASHANTI
Sự thức tỉnh – đúng nghĩa và chân thực, có phần là món quà tự do cho cả thế giới. Khi thức tỉnh, bạn được trao tặng tự do này. Tự do thực sự không chỉ đơn giản là “Tôi tự do”. Tự do thực sự là “Mọi thứ đều tự do”. Điều này có nghĩa là mọi người đều được tự do là chính mình – dù họ có thức tỉnh hay không, có bị ảo tưởng hay không.
Tự do là nhận thức rằng mọi thứ và mọi người phải được đúng là mình. Trừ phi chúng ta đi tới chỗ đó, nhận ra đây là cách thực tại nhìn mọi thứ, còn không tức là chúng ta đang che giấu sự thật khỏi thế giới. Chúng ta đang nhìn nó như một thứ sở hữu và chỉ quan tâm tới chính mình. Tôi có thể cảm thấy dễ chịu thế nào? Tôi có thể cảm thấy tự do đến đâu? Tự do thực sự là món quà cho tất cả và cho mọi người.
Vào lúc thức tỉnh, Đức Phật nói: “Ta và tất cả chúng sinh khắp nơi thảy đều chứng ngộ giải thoát”. Tư duy thông thường không thể hiểu nổi điều này. Sẽ có người thắc mắc: “Nếu tất cả đều thức tỉnh tại sao tôi lại chưa? Nếu Đức Phật nói đúng, rằng cả thế giới giác ngộ khi ngài giác ngộ, thế thì sao tôi chưa giác ngộ?”. Tôi không thể giải thích rõ tuyên ngôn của Đức Phật với tư duy thông thường. Điều Đức Phật ngụ ý là, không phải Phật là người thức tỉnh – không có một cá nhân thức tỉnh — mà là toàn thể đã thức tỉnh. Cái toàn thể đã biểu hiện sự thức tỉnh thông qua tồn tại của Đức Phật.
Điều quan trọng là cho phép toàn bộ thế giới được thức tỉnh. Một phần của sự cho phép này là nhận thức rằng toàn bộ thế giới đều tự do – mọi người tự do đúng với bản chất của mình. Chỉ khi nào toàn bộ thế giới này được tự do đồng ý hay phản đối bạn, chỉ khi nào bạn cho bất kỳ ai quyền tự do thích hay không thích bạn, yêu hay ghét bạn, nhìn mọi thứ theo cách của bạn hay khác bạn – chỉ khi bạn trao cho thế giới tự do của nó – còn nếu không bạn sẽ không bao giờ có tự do của mình.
Đây là một phần quan trọng của sự thức tỉnh, và là phần dễ bị bỏ qua. Tôi nhắc lại là, nếu chúng ta thức tỉnh hoàn toàn thì sẽ không thể bỏ qua nó, nhưng hầu hết mọi người không thức tỉnh trọn vẹn ngay lập tức. Dù sao, ý tưởng tự do là rất quan trọng. Tất cả chúng ta phải trở về đúng bản chất của mình. Chỉ khi nào ai cũng được phép là chính mình – khi bạn cho họ tự do đó, cái tự do mà họ đã có sẵn – bạn mới tìm thấy trong mình khả năng trung thực, thật và chân thật.
Chúng ta không thể chân thật nếu còn mong chờ hoặc muốn người khác đồng ý với mình. Điều đó sẽ khiến chúng ta vướng mắc – nhỡ họ không thích điều mình nói; nhỡ họ không đồng ý; nhờ họ không thích mình. Khi bảo vệ bản thân, chúng ta đang cầm giữ tự do của người khác. Khi nhận ra chúng ta là một Tâm Linh duy nhất biểu hiện ra vạn vật và mọi người, chúng ta nhận thức rằng có một tự do trọn vẹn cho tất cả.
Có một sự can đảm nhất định trong nhận thức này. Đôi khi người ta đến tìm tôi và nói: “Chà, Adya, vẫn còn có chỗ nào đó trong nội tâm – thường là từ hồi còn thơ ấu – sợ phải trở thành cái mà tôi biết là chân thật”. Và tất nhiên, tôi sẽ trả lời: “Bạn phải nhìn thẳng vào nó để thấy chính mình đã hình thành những hình mẫu niềm tin ấy như thế nào, dựa trên những gì xảy ra trong quá khứ. Bạn phải nhìn sâu vào nó và xem liệu những hình mẫu niềm tin này có thật sự chân thực không”. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý thức rằng ta không thể biết hay phỏng đoán được thế giới bên ngoài sẽ tiếp nhận mình như thế nào. Một phần của thức tỉnh là sự sẵn sàng chịu đóng đinh câu rút. Nếu tưởng rằng thức tỉnh nghĩa là cả thế giới sẽ đồng ý với mình thì ta đã hoàn toàn sai lầm.
Chúa Jesus đã chứng thực điều đó. Có một người đã thức tỉnh – Con của đức Chúa Trời, như người Cơ Đốc nói. Và điều gì đã xảy ra với con của Chúa Trời? Ngài bị đóng đinh lên thập giá vì dám bày tỏ điều mình biết là sự thật. Trong ý thức của con người có một điều cấm kỵ sâu sắc là không nên nhận thức bản chất của tồn tại. Tôi không nói về việc rao giảng sự thật mà là về sống đúng như ta nhận thức. Điều cấm kỵ này nói rằng: “Thế là không ổn. Mày sẽ bị đóng đinh lên thập giá vì điều đó; mày sẽ bị giết chết vì điều đó”. Tất nhiên, trong lịch sử nhân loại, đã từng có người bị giết vì điều đó. Nhiều xã hội có lịch sử lâu dài về việc xua đuổi hay giết hại những người giác ngộ thật sự, bởi vì giác ngộ thật sự không phù hợp với trạng thái mê. Thực tế là nhiều khi, trạng thái mê cảm thấy bị xúc phạm và đe dọa bởi giác ngộ thật sự, bởi bậc giác ngộ thực sự không thể điều khiển được. Ngay cả đe dọa về cái chết cũng không thể kiểm soát bậc giác ngộ. Đe dọa về cái chết đã không thể điều khiển được Jesus. Ngài sống cuộc đời mình đúng như định mệnh ngài đã vạch ra, cho dù điều đó có nghĩa là sống hay chết đối với ngài.
Như vậy, là con người, chúng ta không thể có ý tưởng trẻ con rằng giác ngộ nghĩa là “Mọi người đều yêu mình”. Có thể mọi người sẽ yêu bạn, nhưng nhiều khả năng là người có, người không. Khi bạn trao cho cả thế giới tự do của nó tức là bạn đã đi được một chặng đường dài để tìm thấy tự do của mình. Chúng gắn bó chặt chẽ với nhau.