STEPHEN R. COVEY
Trích: 7 Thói quen để Thành đạt - Stephen R. Covey; Nxb Trẻ; Cty Sách First News
TÌM KIẾM MỘT PHƯƠNG ÁN THỨ BA
Để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của các cấp độ giao tiếp đến tính hiệu quả của mối quan hệ tương thuộc, hãy hình dung một kịch bản sau đây.
Vào dịp nghỉ hè, người chồng muốn đưa cả gia đình đi nghỉ tại một vùng quê ven hồ để cắm trại và câu cá. Với anh ấy, đây là sự kiện quan trọng được chuẩn bị cả năm trời. Bọn trẻ cũng đang rất háo hức với chuyến đi này.
Tuy nhiên, người vợ lại muốn tranh thủ kỳ nghỉ này để đi thăm mẹ. Bà ngoại của bọn trẻ đang ốm và ở cách họ khoảng 400 km. Cô ấy ít có dịp đi thăm mẹ nên chuyến đi này rất quan trọng với cô.
Hai sự lựa chọn khác biệt này có thể là mầm mống cho những bất hòa tiếp theo.
“Kế hoạch đã đâu vào đấy cả. Các con đều rất trông mong đến kỳ nghỉ này. Chúng ta đi cắm trại thôi”, người chồng nói.
“Nhưng em muốn được ở cạnh mẹ lúc này. Mẹ đang ốm và chúng ta không biết mẹ còn sống được bao lâu nữa”, vợ anh trả lời, “Đây là cơ hội duy nhất trong năm để cả nhà đi thăm mẹ”.
“Nhưng còn bọn trẻ, chúng sẽ ủ rũ suốt cả tuần lễ ở nhà ngoại và sẽ làm mọi người phiền toái. Vả lại, mẹ đâu có bệnh nặng đến mức như vậy. Và bà còn có chị gái em, chị ấy ở cách đó chưa đến một dặm mà!”
“Em cũng là con. Em muốn ở bên mẹ.”
“Em có thể gọi điện thoại hàng ngày vào buổi tối. Và chúng ta cũng có kế hoạch đi thăm bà vào Giáng sinh này. Em nhớ chứ?”
“Việc đó còn hơn năm tháng nữa. Chưa biết bà có còn sống đến lúc đó hay không. Ngoài ra, mẹ đang muốn có em, mẹ cần có em bên cạnh.”
“Bà đang được chăm sóc tốt. Bọn trẻ và anh cũng cần có em nữa.”
“Mẹ em quan trọng hơn là đi cắm trại.”
“Chồng và các con của em cũng quan trọng không kém mẹ em.”
Cuộc tranh cãi tưởng như không có hồi kết. Nhưng cuối cùng, họ cũng tìm ra một giải pháp: người chồng dẫn các con đi cắm trại và câu cá, còn người vợ về thăm mẹ, mặc dù ít nhiều cả hai đều cảm thấy có lỗi và mất vui.
Với lựa chọn khác, người chồng có thể chiều ý vợ, nhưng sẽ rất miễn cưỡng. Và dù hữu ý hay vô tình, anh cũng có thể vin vào đó để minh chứng cho lời tiên đoán của mình là kỳ nghỉ này rốt cuộc chẳng vui vẻ gì cả.
Người vợ cũng có thể chiều theo ý chồng, nhưng cô ấy cũng cảm thấy bị ép buộc. Nếu như mẹ cô ấy bị bệnh nặng thực sự hoặc qua đời trong lúc họ đi cắm trại thì người chồng sẽ phải ân hận và cô sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ấy.
Vấn đề ở đây là cái nhìn của hai vợ chồng rất khác nhau. Sự khác biệt đó có thể là nguyên nhân làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Nhưng nếu cả hai biết khai thác các thói quen của sự tương thuộc một cách có hiệu quả, họ sẽ có cách xử lý vấn đề theo một mô thức hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, sự gắn bó giữa họ sẽ ở mức cao hơn.
Vì có một tài khoản tình cảm ở mức cao nên hai vợ chồng sẽ có được sự tin cậy và sự giao tiếp cởi mở trong quan hệ hôn nhân. Vì có tư duy cùng thắng nên họ sẽ tin vào giải pháp thứ ba – giải pháp các bên cùng có lợi – ưu việt hơn hẳn mọi giải pháp mà mỗi bên đưa ra ban đầu. Vì biết lắng nghe thấu hiểu nên họ sẽ tạo ra được bên trong bản thân một bức tranh toàn diện về những giá trị và mối quan tâm chung cần phải được tính đến khi đưa ra quyết định.
Sự kết hợp các thành phần này – tài khoản tình cảm ở mức độ cao, tư duy cùng thắng và tinh thần lắng nghe thấu hiểu – sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho sự đồng tâm hiệp lực.
Phật giáo gọi đây là “giải pháp trung dung”. Nhưng ở đây, nó có ý nghĩa mang tầm cao hơn sự thỏa hiệp. Để tìm kiếm “giải pháp trung dung”, người chồng và người vợ trong câu chuyện trên cần nhận thức rằng tình yêu, mối quan hệ của họ là một phần của sự đồng tâm hiệp lực.
Khi nói chuyện với nhau, người chồng sẽ thật sự cảm nhận và chia sẻ nguyện vọng của vợ. Anh ấy sẽ hiểu rằng vợ mình muốn san sẻ gánh nặng với người chị trong việc chăm sóc mẹ. Anh ấy sẽ hiểu đúng là điều đó quan trọng hơn việc đi cắm trại.
Và người vợ cũng sẽ hiểu rõ hơn mong muốn của chồng: anh ấy muốn gia đình sum họp và tạo không khí thoải mái cho bọn trẻ vui chơi. Cô ấy sẽ nhận ra sự chuẩn bị công phu của chồng cho kỳ nghỉ và cảm nhận được tầm quan trọng của việc tạo ra những kỷ niệm tốt đẹp giữa họ.
Do vậy, họ sẽ không còn mâu thuẫn nhau trong cách giải quyết vấn đề nữa. Họ sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp thứ ba, đáp ứng các nguyện vọng của cả hai bên.
“Có thể chúng ta thu xếp dịp khác trong tháng này để em về thăm mẹ”, người chồng gợi ý, “Anh sẽ lo việc nhà vào ngày nghỉ cuối tuần và thu xếp để em có thể đi. Anh hiểu, em cần có thời gian cho chuyến đi này.”
Hoặc:
“Chúng ta có thể tìm địa điểm cắm trại và câu cá gần chỗ mẹ em. Địa điểm đó có thể không được đẹp lắm, nhưng bọn trẻ vẫn có thể vui chơi ngoài trời. Chúng ta có thể mời các anh em họ, các dì các cậu của chúng tham gia. Như thế lại càng vui.”
Họ đồng tâm hiệp lực với nhau, trao đổi và thấu hiểu nhau cho đến khi tìm ra một giải pháp chung. Đó là giải pháp giúp xây dựng P và PC. Thay vì giao tiếp giải quyết vụ việc, nó biến thành giao tiếp tạo sự chuyển biến, trong đó cả hai đều nhận được cái mình muốn, đồng thời vun đắp được mối quan hệ hôn nhân.