GYALWANG DRUKPA XII
Trích: Sức Mạnh Tình Yêu Thương; Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa; NXB Tôn Giáo
Như vậy, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu loại bỏ những xúc tình phiền não. Nếu không thể đoạn trừ hoàn toàn, ít nhất chúng ta cũng cần “vô hiệu hóa” để tránh bị chúng chi phối. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng trưởng dưỡng được tình yêu thương và tâm từ bi.
Xã hội bên ngoài thường nhắc nhiều tới tình yêu thương và lòng tốt. Không chỉ Phật tử mà cả những ai không theo Đạo Phật cũng thường đề cao những giá trị này. Tuy nhiên, rất ít người có thể trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn chân thật bền vững. Dù cố gắng song đa số chúng ta vẫn thất bại và gặp nhiều chướng ngại khó khăn trong việc viên mãn tâm nguyện tốt đẹp này.
Thay vào đó, chúng ta thường nuôi lớn bản ngã và tâm ích kỷ hẹp hòi. Đấy là lý do vì sao chúng ta gặp đủ loại khó khăn rắc rối. Mỗi năm một lần, các bạn thường thu xếp thời gian tham gia chuyến hành hương đầu xuân hay một khóa tu ngắn. Động cơ thúc đẩy các bạn lặn lội tới trụ xứ này có thể là vì tâm kính ngưỡng đối với tôi, vì mong chờ một sự gia trì, ban phúc, phép màu hay đơn giản là lòng hiếu kỳ. Tuy vậy, nếu chú tâm kiểm lại xem các khóa tu đã giúp bạn thay đổi thế nào, có thể bạn sẽ không thấy điều gì đáng kể. Nếu bạn chưa nhận ra nguồn gốc và nguyên nhân khổ đau, tình trạng đó còn không được cải thiện. Tôi không biết rõ động cơ của từng người, nhưng tôi nhận thấy điều thực sự đáng được quan tâm, điều lẽ ra phải là động cơ thực sự của mọi người, đó là tâm nguyện giải thoát khỏi mọi nhân khổ đau lại hoàn toàn không có.