TRẦN HÂN
Sol năm nay 3 tuổi, hôm nay là ngày đầu tiên cậu đi học Mẫu giáo. Khi bước vào lớp, cậu không hề tỏ ra căng thẳng, rụt rè, bởi cậu nhận được rất nhiều tràng pháo tay hoan nghênh của các bạn. Cô giáo giải thích với bố mẹ của Sol: “Mỗi bạn nhỏ lần đầu tiên đặt chân vào lớp, chúng tôi đều dành những tràng pháo tay nhiệt liệt nhất, để các em nghĩ rằng học tập là một việc vui”.
Được sự hướng dẫn của cô giáo, Sol tìm đến chỗ của mình và ngồi xuống. Khi cậu mở cuốn sách trên bàn ra, bất ngờ có hai quả nho pha lê lăn xuống. Sol nhìn hai quả nho mỉm cười vui vẻ, lúc này, cô giáo ngồi xuống bên cạnh nhẹ nhàng hỏi: “Sol, em có biết sách vở của em có mùi gì không?”
Sol đứng dậy nhún nhảy nói: “Thưa cô, em biết rồi ạ. Sách vở rất ngọt giống như hai quả nho này”. Cô giáo nghe xong mỉm cười hài lòng, sau đó vỗ tay khen ngợi Sol.
Trong cộng đồng người Do Thái, không riêng gì giáo viên dạy trẻ sách vở là ngọt ngào, thậm chí trong gia đình Do Thái, khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, cha mẹ sẽ chọn dịp mở cuốn “Kinh Thánh” ra, mỗi trang sách nhỏ một giọt mật ong, sau đó bảo trẻ thơm lên đó. “Nói có sách mách có chứng”, người Do Thái dùng cách thức đặc biệt này để nói với trẻ rằng: Sách vở luôn ngọt ngào!
Người Do Thái không chỉ biết sách vở là ngọt ngào từ nhỏ mà họ còn vô cùng yêu quý sách. Họ có một truyền thống rất hay đó là luôn phải đặt tủ sách ở đầu giường, không được đặt ở cuối giường. Cách làm này có hai dụng ý: Một là để tiện cho việc đọc sách, hai là thể hiện thái độ sùng kính với sách. Ngoài ra, người Do Thái còn là một dân tộc không cấm lưu hành sách báo, cho dù đó là một cuốn sách công kích và chế giễu người Do Thái nhưng họ vẫn có thể tự do truyền tay nhau đọc.
Để chứng minh người Do Thái yêu quý sách thế nào, Tổ chức Unesco đã tiến hành điều tra vào năm 1988, kết quả thu được cho thấy: Tại Israel (đất nước có phần đông dân số là người Do Thái) những công dân ở độ tuổi trên 14, mỗi tháng đọc một cuốn sách; có hơn 1000 thư viện công cộng và thư viện ở các trường đại học trên 4,5 triệu dân (Dân số Israel), bình quân cứ 4500 người có một thư viện; ở đây, công dân làm thẻ đọc sách đã đạt hơn 1 triệu người; đặc biệt, hàng năm tỉ lệ số người đọc sách và số thư viện đều tăng lên và luôn đứng đầu thế giới.
Người Do Thái sở dĩ dạy con quý trọng sách vở bởi vì họ quan niệm trong sách không chỉ quý về nội dung, đẹp về hình thức mà còn có thể dạy trẻ rất nhiều đạo lí, nên bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái ham đọc sách từ nhỏ. Vậy cha mẹ làm thế nào để con cái yêu thích đọc sách ngay từ bây giờ? Dưới đây là những tuyệt chiêu của các bậc cha mẹ Do Thái.
Người Do Thái vì muốn trẻ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở, nên tình nguyện làm “người đọc sách” cho trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đóng vai là “người đọc”, mỗi buổi tối đều đọc cho trẻ nghe một vài truyện cổ tích, truyện ký danh nhân, khoa học thường thức… Khi trẻ đã biết đọc, cha mẹ sẽ trở thành “người cùng đọc” với trẻ, lúc này cha mẹ sẽ cùng trẻ đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những bài luận văn khoa học hoặc tùy bút đặc sắc. Trong khi trẻ đọc sách, cha mẹ thường xuyên cổ vũ trẻ và tận tâm hướng dẫn trẻ. Sau khi trẻ đã đọc tốt, cha mẹ sẽ trở thành người “bạn đọc sách” thực thụ của trẻ. Để thỏa mãn đam mê và tính hiếu kỳ trong việc đọc sách của trẻ, họ thường xuyên cùng trẻ đi mua sách hoặc dẫn trẻ đến các thư viện đọc sách.
Tóm lại, cha mẹ Do Thái giống như người làm vườn chăm chỉ chăm chồi cây non, họ sẽ phân loại tri thức theo hứng thú và sở thích của con ở từng giai đoạn rồi mới truyền thụ cho trẻ, giúp trẻ tiếp thu nhẹ nhàng và hiệu quả, kỳ công như thế nhưng con cái họ ngày sau như cái cây được chăm bón tốt sẽ có thể “nở ra những bông hoa đẹp nhất”.
Cha mẹ là tấm gương và giáo dục gây sốc
Người xưa có câu: “Hét khản giọng dạy con không bằng làm gương cho con học tập”. Cha mẹ Do Thái luôn là tấm gương dạy con. Ví dụ, để dạy trẻ yêu thích đọc sách, cha mẹ sẽ làm mẫu trước, hàng ngày họ sẽ nghiêm túc đọc sách và ghi chép, sau đó khi trẻ đã thích đọc sách người lớn càng phải giữ uy tín và là tấm gương điển hình trước mặt trẻ. Lúc này, cách làm thông thường của cha mẹ Do Thái sẽ tổ chức một cuộc “hội thảo” dành cho những người đọc sách, trong đó họ sẽ cho con trẻ xem danh sách những cuốn sách họ đã đọc và những ghi chú họ ghi lại trong quá trình đọc sách, thông thường, khi trẻ nhìn thấy số đầu sách và lượng ghi chép khổng lồ của bố mẹ thì sẽ cảm thấy bị “sốc”. Cách làm này của cha mẹ Do Thái rất có tác dụng kích thích hứng thú đọc sách của trẻ, từ đó khiến trẻ thực sự yêu thích sách.
Có kế hoạch bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ
Ham muốn đọc sách có thể là nhất thời, nếu muốn trẻ giữ được đam mê này, cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ. Phương pháp mà cha mẹ Do Thái thường dùng là đặt ra những kế hoạch khả thi, chẳng hạn:
(1) Vào mỗi buổi tối, không vì lí do đặc biệt nào, cả gia đình sẽ ngồi yên lặng đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.
(2) Đặt mua định kỳ hàng năm cho trẻ một số đầu báo hoặc tạp chí, đồng thời đôn đốc trẻ đọc chúng.
(3) Mỗi tuần dành thời gian một ngày để cùng đọc báo với trẻ, sau đó cùng thảo luận sôi nổi về một chủ đề đôi bên cùng quan tâm.
(4) Hàng tuần nhất định phải dành thời gian dẫn trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm… tham quan, giúp làm tăng kiến thức và nâng cao hứng thú đọc cho trẻ.
Tóm lại, bất kể là sử dụng biện pháp nào thì mục đích cuối cùng của cha mẹ Do Thái vẫn là khiến trẻ ham đọc sách, yêu tri thức, tôn sùng trí tuệ, làm cho con ham đọc sách là nhiệm vụ không thể trốn tránh của mỗi bậc cha mẹ Do Thái.