VIKTOR E. FRANKL
Việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống ở con người là một động lực cơ bản chứ không phải là một động lực “duy lý thứ cấp” theo bản năng. Ý nghĩa này mang tính duy nhất và mang dấu ấn đặc thù của cá nhân; và chỉ như vậy nó mới đáp ứng những tiêu chuẩn về ý nghĩa cuộc sống theo quan niệm của cá nhân đó. Có một vài tác giả cho rằng ý nghĩa và giá trị của cuộc sống “chẳng là gì khác ngoài các cơ chế phòng thủ, các hình thái phản ứng và sự thăng hoa”. Nhưng đối với tôi, tôi sẽ không sống đơn thuần chỉ vì “các cơ chế phòng thủ” và cũng không muốn chết chỉ vì “các hình thái phản ứng” của mình. Tuy nhiên, con người có thể sống và thậm chí hy sinh vì lý tưởng và các giá trị của mình!
Một cuộc khảo sát ý kiến công chúng đã được thực hiện nhiều năm trước ở Pháp. Kết quả cho thấy có 89% người thừa nhận rằng con người cần “một điều gì đó” để sống. Ngoài ra, 61% người cho rằng có một điều gì đó, một người nào đó trong cuộc đời mà họ sẵn sàng chết cho điều ấy/người ấy. Tôi lặp lại khảo sát này trong phòng khám ở Vienna với các bệnh nhân và nhân viên trong viện, và kết quả thực tế cũng giống như kết quả mà hàng ngàn người ở Pháp đã được khảo sát; chỉ có 2% khác biệt.
Một cuộc khảo sát khác được tiến hành với 7.948 sinh viên ở 48 trường đại học đã được các nhà khoa học xã hội của Đại học Johns Hopkins thực hiện. Báo cáo sơ bộ của họ là một phần trong nghiên cứu kéo dài 2 năm được Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tài trợ. Khi được hỏi điều gì là “quan trọng nhất” ở hiện tại, có 16% sinh viên đã đánh dấu vào ô “kiếm được nhiều tiền”; 78% cho rằng mục tiêu đầu tiên của họ là “tìm được mục đích và ý nghĩa của cuộc sống”.
Dĩ nhiên cũng có một vài trường hợp mà con người quan tâm tới các giá trị nhằm che đậy những mâu thuẫn bên trong. Nếu vậy, đó chỉ là những trường hợp ngoài quy luật. Trong các trường hợp này, chúng ta đang thực sự đối mặt với các giá trị giả tạo, và cần phải lột bỏ chúng. Tuy nhiên, việc này sẽ chấm dứt ngay khi người ấy phải đương đầu với những giá trị đích thực và chân chính của con người, chẳng hạn như khát khao về một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu việc đó không dừng lại, điều duy nhất mà “một chuyên gia tâm lý gỡ mặt nạ” cần phải làm là lột bỏ “động cơ tiềm ẩn” của người đó – tức nhu cầu vô thức của người ấy trong việc xem nhẹ sự chân thực, hạ thấp những giá trị đích thực trong con người mình.