SHANTIDEVA (TỊCH THIÊN)
Trích: Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối (Bồ Tát Hạnh); Việt dịch: Đoàn Phụng Mệnh; Thiện Tri Thức 1999
Chương này nói về nhẫn nhục, nó cùng với thiền định, chủ đề của chương thứ tám, tạo thành những phương diện then chốt của tu hành Bồ đề tâm. Những lời dạy chứa trong hai chương này là những trợ giúp rất mạnh mẽ cho thực hành.
1. Những hạnh lành tích tập trong một ngàn kiếp
Như công hạnh rộng lượng bố thí,
Hay cúng dường những bậc An Lạc –
Chỉ một tia chớp của sân hận làm vỡ tan tất cả.
2. Không cái xấu ác nào bằng sân giận,
Cũng không khổ hạnh nào so sánh được với nhẫn nhục.
Bởi thế hãy trầm mình trong nhẫn nhục
Trong mọi cách, khẩn cấp với lòng sốt sắng.
Không có cái gì mạnh hơn giận dữ. Một khoảnh khắc sân hận có thể hủy hoại mọi hành động tích cực đã tích tập trong ngàn kiếp với sự thực hành rộng lượng, cúng dường chư Phật, giữ giới… Thật vậy, không lỗi lầm nào nghiêm trọng bằng sân hận.
Ngược lại, nhẫn nhục như là một kỷ luật làm trung tính và ngăn ngừa chúng ta khỏi sụp đổ bởi giận dữ, thì không gì sánh. Qua nó, sự khổ đau chúng ta chứa đựng từ sức nóng của những thức tình tiêu cực được gỡ bỏ. Bởi thế, quan trọng nhất là chúng ta quyết định thực hành nhẫn nhục, lấy cảm hứng từ suy nghĩ về những lợi ích của nó và về những hậu quả khủng khiếp của giận dữ.
Ở đây, từ những hành động tích cực ám chỉ sự rộng lượng, cúng dường chư Phật chư Bồ tát, và giữ giới, như được giải thích trong Lối vào Trung Đạo. Nó không nhằm vào công đức có được qua sự chứng ngộ tánh Không. Sân hận không thể phá hủy loại công đức này. Sân hận của một trạng thái thấp của tâm thức cũng không thể phá hoại những hành động tích cực được tích tập với một trạng thái cao của tâm thức. Tóm lại, có hai loại công đức mà sân hận không thể phá hoại: công đức của sự chứng ngộ tánh Không và công đức của những phẩm tính tâm linh đến từ thiền định. Ngoài hai cái này, những kết quả tốt của mọi hành động tích cực bình thường khác đều có thể bị hủy hoại bởi sân hận. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào cường độ của sân hận, vào độ lớn lao của hành động tích cực, và vào người mà sân hận của chúng ta hướng đến. Theo cách này, một hành động tích cực có thể bị yếu đi hay hoàn toàn hủy hoại do sân hận.
Những hành động tích cực thì khó thực hiện và bởi thế không thường xảy ra. Khó mà có những tư tưởng tích cực khi tâm thức người ta bị ảnh hưởng bởi những thức tình và rối loạn bởi những hoàn cảnh đối nghịch. Những tư tưởng tiêu cực tự chúng khởi sanh, và khó làm cho những hành động của chúng ta thực sự tích cực khi ý định của chúng ta và cách thức chúng ta tiến hành chúng không hoàn toàn trong sạch. Kho chứa những hành động tích cực khó khăn mới có vốn nghèo nàn của chúng ta hóa thành vô hiệu trong khoảnh khắc sân hận. Sự thiệt hại thì vô cùng nghiêm trọng hơn là nếu chúng ta mất đi một cái gì dễ kiếm được.
3. Những người bị khổ đau của sân hành hạ
Sẽ không bao giờ biết được sự bình lặng của tâm thức
Xa lạ với mọi niềm vui và sung sướng
Giấc ngủ bỏ trốn họ; họ không bao giờ an nghỉ.
Khi người ta nổi sân, họ mất mọi cảm thức hạnh phúc. Dù nếu họ trông dễ coi và bình thường an bình, khuôn mặt của họ biến thành xám ngắt và xấu xí. Giận dữ làm xáo trộn sức khỏe thể xác và quấy rối sự nghỉ ngơi; nó phá hoại sự ngon miệng và làm cho già sớm. Hạnh phúc, an bình và giấc ngủ trốn khỏi họ và họ không còn tán thưởng người nào giúp đỡ họ và xứng đáng với sự tin tưởng và biết ơn của họ. Dưới ảnh hưởng của sân, người bình thường có tính khí tốt biến đổi hoàn toàn và không thể tin cậy được nữa. Họ bị hủy hoại bởi cơn giận của họ, và họ cũng hủy hoại những người khác nữa. Nhưng người nào để hết năng lực vào việc hủy diệt sân hận sẽ hạnh phúc trong đời này và trong những đời tới.
7. Được cái tôi không muốn.
Hay cái gì ngăn chặn tham muốn của tôi.
Bấy giờ tâm thức tôi tìm ra nhiên liệu cho sự khốn khổ.
Sân hận vọt lên từ đó và đánh đổ tôi.
Khi chúng ta nghĩ đến một người nào đã làm hại chúng ta hay họ đang làm (hay định làm) điều gì chúng ta hay bạn bè chúng ta không thích – lấy của chúng ta cái chúng ta muốn – tâm thức chúng ta mới bình an giây phút trước đó, bỗng trở nên lao xao dao động. Trạng thái này của tâm thức tiếp nhiên liệu cho những tư tưởng tiêu cực. Thật là một con người đáng ghê sợ! chúng ta nghĩ, và sự không thích chuyển thành căm giận. Chính giai đoạn đầu tiên này, cái cảm giác bất an thắp cháy sự giận dữ của chúng ta, mà chúng ta nên cố gắng thoát khỏi. Đó là lý do Shantideva nói:
8. Bởi thế tôi sẽ phá hủy hoàn toàn.
Chất nuôi dưỡng này cho kẻ thù của tôi.
Kẻ thù ấy chỉ có ý định duy nhất là
Đem buồn phiền lại cho tôi.
Chúng ta nên cố gắng dùng mọi phương cách để thoát khỏi cái cảm giác ban sơ của sự bất an này.
9. Điều gì có xảy ra, tôi cũng không bao giờ làm hại
Sự an vui của tâm thức.
Sự thất vọng chẳng bao giờ đem lại cho tôi điều tôi muốn;
Nên đức hạnh của tôi sẽ không bị hư hoại bởi nó.
10. Nếu có một cách cứu chữa khi rắc rối xảy đến,
Thì ích gì phải buồn?
Và nếu giải pháp không tìm ra được
Thì buồn phiền có lợi ích gì?
Chúng ta phải cố gắng ở trong một trạng thái buông xả của tâm thức. Bởi vì trừ phi chúng ta thoát khỏi cảm giác bất an này, nó sẽ nuôi dưỡng sự sân hận của chúng ta, làm cho sân hận lớn lên và cuối cùng hủy hoại chúng ta.
Giận dữ thì tệ hơn bất cứ kẻ thù bình thường nào. Dĩ nhiên, những kẻ thù bình thường làm hại chúng ta: đó là lý do tại sao chúng ta gọi họ là kẻ thù. Nhưng sự tổn hại họ gây cho chúng ta là nhắm đến giúp cho chính họ hay những người bạn của họ, chứ không hẳn là làm cho chúng ta mất hạnh phúc. Ngược lại, kẻ thù bên trong, sự sân hận, không có nhiệm vụ nào hơn là hủy hoại những hành động tích cực của chúng ta và làm chúng ta khổ đau. Đó là lý do Shantideva nói, “Kẻ thù của tôi chỉ có ý định duy nhất là đem lại buồn phiền cho tôi”. Từ lúc nó xuất hiện, nó hiện hữu chỉ với mục đích làm hại chúng ta. Bởi thế chúng ta cần đương đầu với nó với mọi phương tiện chúng ta có. Chúng ta hãy duy trì một trạng thái bình an của tâm thức và không rối loạn.
Cái chọc giận chúng ta trước tiên là điều chúng ta muốn không được đáp ứng. Nhưng rối loạn không làm được gì để đáp ứng cho những ý muốn đó. Như thế chúng ta không thỏa mãn được những ước muốn của chúng ta đã đành mà cũng không lấy lại được sự an vui của chúng ta! Trạng thái không bằng lòng này, từ đó giận dữ có thể lớn mạnh, là rất nguy hiểm. Chúng ta cố gắng không bao giờ để cho cơ cấu hạnh phúc của tâm thức bị rối loạn. Hoặc chúng ta đang khổ đau bây giờ hay đã khổ đau trong quá khứ, không có lý do gì để bất hạnh. Nếu chúng ta có thể chữa trị nó, tại sao lại bất hạnh? Và nếu chúng ta không thể, ích lợi gì khi thất vọng về nó? điều ấy chỉ tăng thêm bất hạnh và chẳng tốt đẹp tí nào.
Trạng thái không bằng lòng ban đầu này, nó làm giận dữ sanh ra, gây ra bởi những điều chúng ta không muốn. Chẳng hạn, chúng ta không muốn bạn bè chúng ta hay chính chúng ta khổ đau hay bị sỉ nhục, chỉ trích hay bị khinh miệt. Khi chúng ta không thể tránh những điều này, chúng ta trở nên buồn. Ngược lại, chúng ta cảm thấy hài lòng khi chính những kẻ thù của chúng ta khổ đau vì những điều như vậy, và chúng ta không vui lòng khi những điều tốt đẹp đến với họ.
12. Nguyên nhân của hạnh phúc thì hiếm khi đến,
Và nhiều thay là những hạt giống của khổ đau!
Nhưng nếu không đau khổ, tôi sẽ không bao giờ mong ngóng giải thoát.
Bởi thế, hỡi tâm ta, hãy vững vàng kiên nhẫn!
Nói chung, chúng ta phải làm nhiều cố gắng để có được hạnh phúc, trong khi khổ đau thì đến một cách tự nhiên. Chỉ sự kiện có một thân thể là đã bao gồm khổ đau không tránh được. Những khổ đau thì nhiều và nguyên nhân của chúng cũng rất lắm. Một người có trí có thể thành tựu hạnh phúc bằng cách chuyển hóa những nguyên nhân của bất hạnh thành những điều kiện thuận lợi. Chúng ta có thể dùng khổ đau như một phương tiện để tiến bộ. Như Shan-tideva nói, “Nếu không có đau khổ, tôi sẽ không bao giờ mong ngóng giải thoát”.
Chỉ là điều tự nhiên khi chúng ta ghét khổ đau. Nhưng nếu chúng ta có thể khai triển ý lực chịu đựng những khó khăn, bấy giờ chúng ta sẽ càng lúc càng khoan dung. Như có nói trong bản văn:
14. Không có cái gì mà không
Dễ dàng lớn lên qua thói quen.
Chịu đựng những rắc rối nho nhỏ
Sẽ sửa soạn cho tôi nhẫn chịu nhiều buồn phiền hơn.
16. Nóng và lạnh, gió và mưa
Bệnh tật, tù tội, đánh đập –
Tôi sẽ không bực bội với những thứ ấy,
Vì làm thế sẽ làm nặng thêm rối loạn cho tôi.
Nếu chúng ta rất nhẫn nhục, bấy giờ cái gì bình thường chúng ta xem là rất đau đớn sẽ không xuất hiện quá xấu lắm đâu. Nhưng không có kiên nhẫn chịu đựng, ngay cả một sự gì nhỏ nhất cũng không thể chịu nổi. Cái gì cũng tùy thuộc vào thái độ của chúng ta.
17. Khi thấy máu mình chảy,
Có những người lòng can đảm lại tăng thêm,
Trong khi một số người yếu đuối thì bất tỉnh
Chỉ vì thấy người khác bị đổ máu!
Tương tự, nếu chúng ta có thể khai triển nhẫn nhục, chúng ta sẽ có thể chịu đựng những khó khăn lớn lao gặp phải.
Nhẫn nhục nghĩa là ngay dù giáp mặt với khổ đau hay chướng ngại lớn lao chúng ta không để cho nó làm nhiễu loạn tâm thức. Dĩ nhiên, quả là khó xem được những khổ đau như là đáng ưa và chuyển hóa chúng thành những tình trạng thuận ý, tốt đẹp. Chúng ta phải kiên nhẫn vì chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh quyết định với những tình thức tiêu cực như sự thù ghét, kẻ thù xấu nhất. Chờ đợi sự thương tổn khi chiến đấu với một kẻ thù bình thường là tự nhiên, thì khi chiến đấu với kẻ thù chính yếu, sự thù ghét, chắc sẽ không dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta bất chấp mọi đe dọa như thế và chiến thắng những thức tình tiêu cực, bấy giờ chúng ta có thể thực sự được gọi là những anh hùng. Ngược lại, quy phục giận dữ và giết chết một kẻ thù bình thường thì không can đảm gì hơn đâm một người đã chết. Không có gì đặc biệt trong chuyện đó.