PHỤNG SỰ NHỮNG NGƯỜI KHÁC

SHANTIDEVA (TỊCH THIÊN)

Trích: Một Tia Sấm Chớp Sáng Trong Đêm Tối (Bồ Tát Hạnh Của Shantideva); Đức Dalai Lama giảng giải; Việt dịch: Đoàn Phụng Mệnh; NXB. Thiện Tri Thức, 1999

Nếu không có sự hàng phục cái ta,
Thì buồn đau như vậy không thể tránh được.
Như một người sẽ không tránh khỏi bị thiêu đốt
Nếu nó không tránh xa khỏi ngọn lửa.

Để giải thoát chính bạn khỏi tổn hại
Và những người khác khỏi khổ đau của họ,
Hãy hiến chính bạn cho những người khác,
Xem những người khác thân thiết như bạn đang làm với chính mình.

“Bây giờ ta đã ở dưới quyền của tất cả”
Hỡi tâm, điều này phải là sự xác tín của ngươi;
Từ nay ngươi không còn ấp ủ một ý tưởng nào
Mà chỉ toan tính sự lợi lạc cho chúng sanh.

Mắt tôi và những giác quan, từ nay là tài sản của những người khác –
Dùng chúng cho chính tôi là không hợp pháp.
Huống gì là được phép dùng
Những khả năng ấy của tôi để chống lại những chủ nhân chính thức của chúng.

Đức Dalai Lama giảng giải:

“Vì chúng ta đã phát nguyện tận hiến chính chúng ta chỉ để giúp đỡ những chúng sanh khác và từ những chiều sâu của lòng mình, chúng ta đã đem cho họ mọi sự, chúng ta phải xem thân thể chúng ta không còn thuộc về chúng ta nữa mà bây giờ đã thuộc về tất cả chúng sanh. Thế nên chúng ta phải không bao giờ dùng một phần nào của thân thể chúng ta để làm điều gì mà không giúp đỡ chúng sanh. Bất cứ cái gì chúng ta thấy trong chúng ta là tốt đẹp, hãy rút nó ra khỏi chúng ta và dùng nó để phụng sự những người khác.”

Bây giờ chúng ta đến một thực hành đặc biệt trong Bồ Tát Hạnh :

Hãy nghĩ về những người thấp kém như là chính bạn,
Và đồng hóa chính bạn với những người khác,
Bấy giờ, tâm bạn gỡ khỏi những ngại ngùng,
Hãy trau dồi một cảm giác ganh tỵ, kiêu hãnh và đua tranh.

Ở đây chúng ta bắt đầu bằng cách đánh giá những phẩm tính tốt và xấu của chúng ta, và trên nền tảng này, so sánh chúng ta với những người khác, phân biệt những người bằng chúng ta, những người hơn chúng ta và những người kém chúng ta. Làm điều này chúng ta phân biệt giữa mặt mới, mặt tốt của chúng ta – nó đã thấy sai lầm khi xem chúng ta quan trọng hơn những người khác và những lợi lạc khi nhìn những người khác thì quan trọng hơn chúng ta – và mặt cũ, mặt xấu của chúng ta, cái “tôi” ích kỷ. Cái “tôi” mới bây giờ đồng hóa chính nó với những người khác và nhận lấy phía của họ. Cái “tôi” cũ có ba phương diện : hơn, bằng và kém. Và cái “tôi” mới, nó hiện giờ đồng hóa với những người khác, cũng có đủ ba phương diện này. Chúng ta sẽ dùng hai cái “tôi” tách biệt này để phát triển lần lượt một cảm giác ghen tỵ, đua tranh và kiêu hãnh.

Trước tiên, chúng ta nhìn vào những phẩm tính mà chúng ta hơn những người khác. Đồng hóa chúng ta (cái “tôi” mới của chúng ta) với những người thấp kém này, chúng ta làm cho chính mình ghen tỵ với những phẩm tính hơn người của cái “tôi” cũ, ích kỷ. Thật không công bằng, chúng ta la lên, khi nó được kính trọng trong khi chúng ta thì không!

Nó là trung tâm của sự chú ý; còn tôi chẳng là gì cả!
Nó thì giàu, tôi thì nghèo, không tài sản;
Mọi người tôn trọng nó, khinh thường tôi;
Tất cả đều tốt đẹp cho nó; với tôi thì chỉ có đắng cay.

Tất cả những gì tôi có là mồ hôi và vất vả,
Trong khi nó ngồi thoải mái, tiện nghi.
Nó là lớn lao, được kính trọng trong thế gian;
Tôi là kẻ hạ tiện, một kẻ vô danh.

Nếu chúng ta thấy sự so sánh này quá thấp kém, chúng ta không nên nản lòng vì sự thiếu những phẩm tính tốt của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ rằng tất cả chúng sanh đều có tiềm năng giác ngộ và rằng chúng ta có thể đạt được Phật tánh nếu chúng ta cố gắng. Bởi thế, không có lý do nào để thất vọng.

Sao! Một người chẳng ra gì, quá mờ nhạt?
Không đúng! Tôi cũng có vài phẩm tính tốt.
Nó không phải là người nhất, nó còn ở dưới một số người
Trong khi, so sánh với một số người tôi là tuyệt hảo!”

Chúng ta thấp kém, đó không phải là lỗi của chúng ta, mà là lỗi của những tình thức tiêu cực. Những ý niệm về cao thấp, hơn kém này hoàn toàn tương đối. Chúng ta nói với cái tôi cũ: Ngươi chỉ hơn bởi vì ta kém, bởi thế nếu ngươi muốn ở cao hơn, ngươi sẽ phải chịu thua ta khi ta cố gắng cho giác ngộ. Những phẩm tính tốt đẹp của ngươi có ích lợi gì nếu nó không làm lợi lạc được cho ta? Theo cách này, khi chúng ta thấy những phẩm tính nơi chúng ta chúng làm cho chúng ta tốt hơn những người khác, chúng ta cần trao đổi địa vị và hủy diệt những cảm giác của chúng ta về sự trội hơn.

Tiếp theo chúng ta đồng hóa với những người bằng chúng ta, và lại ở về phía họ, chúng ta phát triển một cảm giác đua tranh với cái “tôi” cũ, chỉ nghĩ đến phải tốt hơn nó và làm cho nó khốn khổ.

Tôi sẽ phô trương bằng mọi phương tiện
Những phẩm tính của tôi cho tất cả thế giới,

Bảo đảm rằng bất cứ phẩm tính nào mà nó có
Đều chìm nghỉm không ai được biết.

Những lỗi lầm của tôi, tôi sẽ che dấu.
Tôi, chứ không phải nó, sẽ là đối tượng của hâm mộ;
Tôi, chớ không phải nó, sẽ có tài sản và tiếng tăm;
Tôi sẽ là trung tâm của sự chú ý.

Tôi sẽ nhìn hoài với sự thỏa mãn
Vào sự nhục nhã và thất sủng của nó ;
Tôi sẽ làm cho nó bị khinh khi
Là sự chế diễu và trò cười cho thiên hạ.

Cuối cùng, chúng ta nghĩ đến những phương diện trong đó chúng ta thua kém những người khác, và rồi nhìn vào cái “tôi” cũ của chúng ta qua đôi mắt của những người khác, chúng ta phát triển một cảm giác kiêu hãnh.

Tiếng đồn rằng kẻ khốn khổ bất hạnh này
Đang cố gắng tranh đua với tôi!
Làm sao nó có thể giống như tôi trong trí thông minh,
Trong học vấn, sắc đẹp, giàu có hay dòng dõi?

Ôi, sự vui sướng, làm run rẩy cả xương sống,
Tôi đã có và say sưa khi nghe
Rằng mọi người đang nói
Về tôi tài giỏi như thế nào!

Tốt lắm, nếu nó có một thứ gì,
Tôi là người nó phải phục dịch cho!
Nó chỉ có đủ để sống còn;
Tôi là chúa tể, và tất cả những thứ gì còn lại là của tôi!

Tôi sẽ làm hao mòn hạnh phúc của nó;
Tôi sẽ luôn luôn làm thương tổn và chửi mắng nó.
Nó là người ở trong sanh tử
Đã làm cho tôi thiệt hại bằng cả ngàn lần!

Đặt chính chúng ta vào chỗ của những người khác là rất ích lợi để thấy những lỗi lầm của cái “tôi” ích kỷ, và chúng ta trở nên ghê tởm sâu sắc nó. Khi chúng ta thực hành như đây, dùng ghen tỵ như một dụng cụ, chúng ta hãy tưởng tượng rằng cái “tôi” cũ của chúng ta là rất ưa nhìn, ăn mặc đẹp, mạnh khỏe, quyền uy và có mọi thứ nó cần. Rồi chúng ta tưởng tượng chính chúng ta như một khán giả khách quan ở giữa một đám đông những người bần cùng, ăn mặc rách rưới, đáy cùng của xã hội. Bây giờ hãy quan sát cái “tôi’ cũ, từ thời vô thủy nó đã chỉ nghĩ đến mình nó và không bao giờ có một tư tưởng nào cho những người khác. Để tăng thêm quyền lợi của riêng nó, nó đã bắt những người khác hầu hạ mình và không ngần ngại giết, trộm cướp, nói dối, vu khống và tà dâm. Nó đã chẳng là gì ngoài một gánh nặng cho cuộc đời những người khác. Khi chúng ta nhìn vào cái “tôi” ích kỷ theo lối này, sự ghê tởm thật sự dâng trào trong lòng chúng ta. Và vì chúng ta đồng hóa chúng ta với những chúng sanh khác này, trong sự khốn cùng của họ, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi với họ, và lòng mong muốn giúp đỡ họ sẽ tăng lên.

Chúng ta nên làm cho thực hành về ganh đua và kiêu hãnh đều được sống động và thực sự. Chúng ta hãy tự nhớ lại mọi hành động tiêu cực mà cái “tôi” đã khiến chúng ta làm, mọi sự tổn hại nó đã làm cho chúng ta, gây cho chúng ta khổ đau và cũng gây ra khổ đau không cùng cho những người khác. Đây là kẻ thù thực sự của chúng ta. Không tuyệt vời sao khi làm cho nó phải khổ đau hơn chúng ta đau khổ, hay làm cho nó biến mất hoàn toàn? Chúng ta không kiêu hãnh chân chính sao nếu chúng ta có thể đập vỡ nó và làm cho nó bại liệt?

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. TIỂU SỬ TÔN GIẢ TỊCH THIÊN (SHANTIDEVA)
  2. TÁM BÀI KỆ CHUYỂN HÓA TÂM
  3. TÂM BỒ ĐỀ – NHẬP BỒ TÁT HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. KHỔ ĐAU CŨNG CÓ GIÁ TRỊ CỦA NÓ
  2. CÁI GÌ CŨNG TÙY THUỘC VÀO THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA
  3. ÔM LẤY BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH