SHIN DOHYEON & YUN NARU
Trích: Sức Mạnh Của Ngôn Từ; V-BTS Vietnamese Fanpage dịch; NXB. Thanh Niên
Chí nhân dụng tâm như một tấm gương: Việc gì qua cứ qua, việc gì đến cứ đến. Không che giấu và tránh né.
– Trang Tử
Muốn có được cảm tình của đối phương, bạn phải biết lắng nghe. Khi đối phương giãi bày tâm sự, không nhất thiết phải trả lời mà trước tiên cứ lắng nghe. Chỉ lắng nghe cũng có thể giải tỏa nỗi buồn ở một mức độ nhất định.
Hãy xem câu nói của Trang Tử. Chí nhân ở đây là kiểu người sống tự do mà Trang Tử mơ ước, suy nghĩ của chí nhân như một tấm gương. Nỗi buồn đến, họ buồn y như y vậy; niềm vui đến, họ vui y như vậy, không hơn không kém. Như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của sự vật và khi sự vật đó biến mất, hình ảnh cũng không còn. Việc dụng tâm cũng tương tự.
Lắng nghe cũng phải giống một tấm gương. Lắng nghe không đơn thuần là giữ im lặng, nó bao gồm ảnh mắt, cử chỉ và các phản ứng phù hợp với lời nói của đối phương. Như vậy mới cho thấy bạn đang thực sự tập trung và đối phương sẽ nhận ra bạn đang lắng nghe họ. Do đó, lắng nghe giống một tấm gương phản chiếu y hệt đối phương.
Cũng như việc nhìn thấy khuôn mặt của mình qua gương, lắng nghe chính là trở thành tấm gương của đối phương, cho thấy cảm xúc và tình huống mà họ đang đối mặt. Phương pháp này trước hết giúp chỉ ra những cảm xúc mà họ không nhận thấy. Đặc biệt là trong trường hợp cảm xúc phức tạp. Nếu bạn chú ý lắng nghe, đối phương sẽ chia sẻ những câu chuyện của họ với bạn và trong quá trình đó, họ sẽ thấy những cảm xúc mà họ chưa từng cảm nhận.
Thứ hai, đối phương có thể khách quan nhận định tình huống mà họ đang đối mặt. Dưới chân đèn thì tối, không phải ai cũng có thể khách quan với bản thân. Khi đó, các câu hỏi đơn giản và tóm tắt tình huống có thể giúp họ đối diện với chính mình. Phương pháp “lắng nghe như tấm gương” trong tư vấn tâm lý học được gọi là “kỹ thuật gương”.