LÒNG TRẮC ẨN LÀ THUỐC GIẢI

VALERIE MASON - JOHN

Trích: Giải Thoát Thân Tâm- Detox Your Heart; Người dịch: Nguyên Tư Thắng; Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Tôi nhớ có lần mình tu ẩn và hỏi vị bác sĩ tâm linh của mình rằng lòng trắc ẩn là gì, bà trả lời: “Bạn sẽ chỉ biết lòng trắc ẩn là gì khi bạn bắt đầu cảm nhận nó hướng về chính mình”.

Tôi ra về với tâm trạng bối rối cũng như tức giận. Tôi thấy mình giận bà ta, vì vậy, tôi cố kìm nén những cảm giác này thay vì làm nó trầm trọng hơn thông qua việc đổ lỗi cho bà vì đã không đưa câu trả lời tôi muốn. Sau đó, tôi ý thức rằng mình đang kìm nén những giọt nước mắt. Tôi nhận ra cảm giác này: nó là một nút bấc quen thuộc và gây đau đớn trong cổ họng mình, nó ngăn nước mắt trào ra.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi để mặc nước mắt tuôn rơi, tôi tự hỏi, và cho phép mình khóc? Nó sẽ dẫn tới điều gì? Trong khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu hiểu ra lòng trắc ẩn. Tôi nhớ một điều tôi từng đọc về lòng trắc ẩn: “Lòng trắc ẩn là khi sự tử tế gặp gỡ nỗi đau”.

Tôi có thể tử tế với nỗi đau, sự chịu đựng của mình không? Tôi biết lúc đó mình phải tử tế với chính mình nếu tôi muốn tiếp tục trưởng thành và phát triển, nếu không, nút bấc trong cổ họng đó một ngày kia có thể làm tôi nghẹt thở tới chết. Từ đó, tôi cho phép nước mắt mình tuôn trào. Đôi khi, nó chỉ nhỏ giọt, đôi khi chúng đến từ một nơi sâu thẳm, nhưng rồi chúng vơi đi và không còn chảy nữa.

Mấy tháng sau, tôi nhận ra lòng trắc ẩn dành cho chính mình có nghĩa là tử tế với chính mình mỗi khi tôi bối rối. Thay vì tự đổ lỗi bằng cách nghe theo những kẻ xa lạ trong đầu mình, những ý tưởng độc hại, và sự kìm nén mỗi khi tôi làm một điều gì đó vụng về hoặc khi tôi không giữ cam kết tôi đã đưa ra, tôi hình dung mình gượng đứng dậy, tự cho mình một cái ôm đồng cảm, và tự nhủ: “Bạn ắt hẳn dễ bị tổn thương, buồn, và kinh hãi lắm”.

Nỗi tức giận của tôi sẽ tan biến, và tôi sẽ không còn gặp nguy cơ quay trở lại những thói quen ăn uống thiếu lành mạnh hoặc tự ghét bỏ mình nữa. Ngày mai trở thành một ngày tươi sáng hơn.

Lòng trắc ẩn có lẽ là thuốc giải độc mạnh mẽ nhất cho nỗi tức giận. Lòng trắc ẩn có thể chuyển hoá không chỉ ngọn lửa đang ngùn ngụt trong bạn, mà cả ngọn lửa trong những người khác.

Khi chúng ta động lòng trắc ẩn với chính mình, chúng ta không đưa mình vào những khoảnh khắc khó khăn nữa, không trừng phạt chính mình. Chúng ta cũng trắc ẩn với người khác. Khi chúng ta trắc ẩn với chính mình, người khác thường nhìn thấy điều này và không thể không tử tế với chúng ta. Lòng trắc ẩn cho phép chúng ta nhìn thấy rằng, trong khi chúng ta gánh chịu nỗi đau, người mà chúng ta đang có xung đột cũng đang chịu đựng nỗi đau. Lòng trắc ẩn giúp chúng ta nhận ra rằng không ai thực sự muốn chịu đựng.

Một điều kiện tiên quyết đối với lòng trắc ẩn dành cho người khác là nhìn mọi việc từ quan điểm của họ, cảm thông với họ. Khi chúng ta mở lòng lắng nghe quan điểm của người kia, chúng ta có thể thừa nhận rằng nếu chúng ta chịu đựng nỗi đau, thì ngay cả người xa lạ ngồi bên cạnh mình vừa có hành vi xấu xa có lẽ cũng đang chịu đựng nỗi đau.

Chúng ta không hiểu người ta mang gì trong tâm trí họ khi họ đi trên đường. Người đang lấn sang phần đường của chúng ta có thể đang rất vội vì họ vừa nhận được một tin xấu. Người nói chuyện cọc cằn với chúng ta có thể đang bị bệnh ở giai đoạn cuối. Người tài xế vượt lên chúng ta có thể vừa nghe tin về một cuộc khủng hoảng. Nếu chúng ta có thể nhớ điều này trong lần sau khi bạn cảm thấy dễ bị tổn thương, hoặc khi ai đó nói lời cọc cằn với mình, hoặc vô tâm, thì chúng ta có thể đáp lại với lòng trắc ẩn, thay vì phản ứng và châm dầu vào lửa. Dù điều trên là đúng hay không, chính sự thấu cảm sẽ chuyển hoả chúng ta và giúp thay đổi toàn bộ hoàn cảnh.

Tuy nhiên, động lòng trắc ẩn không có nghĩa là bạn phải qui thuận, cũng không có nghĩa là người ta không bao giờ làm một điều gì đó vụng về mà mình cảm thấy đau. Trên thực tế, chung quanh chúng ta luôn có những sự vụng về. Động lòng trắc ẩn có nghĩa là hành động. Nó có nghĩa là mở lòng ra mà không bị lợi dụng và lạm dụng. Lòng trắc ẩn có nghĩa là đứng lên vì chính mình mà không lạm dụng người khác. Nó có nghĩa là nhận biết những nhu cầu của mình và người khác. Khi chúng ta biết nhu cầu của mình, chúng ta động lòng trắc ẩn với chính mình. Khi chúng ta không biết mình cần gì người ta có thể lạm dụng sự tử tế và sự hiểu biết của chúng ta.

Một câu chuyện truyền thống có thể minh họa cho điều trên. Ngày xưa, có một người thầy tâm linh sống trong một ngôi đền. Sau mấy tháng, một con rắn hổ mang bò vào sân đền. Người thầy trụ trì này tỏ ra lo lắng vì con rắn sẽ cắn khách thập phương, vì vậy họ sẽ không tới viếng đền nữa. Thầy quyết định thuyết phục con rắn đừng cắn khách viếng đền nữa vì họ đến thăm với thành ý. Cuối cùng, con rắn đồng ý, và dần dần những khách thập phương cũng quay trở lại ngôi đền. Thầy rất hài lòng nên tìm con rắn và cám ơn nó. Ông lấy làm sốc khi ông thấy con rắn bị bệnh và có nhiều vết thương. Con rắn đã đi từ một chú rắn khoẻ mạnh thành ra một chú rắn buồn bã, vô vọng, và khốn khổ.

“Chuyện gì đã xảy ra cho mi?”, thầy hỏi.

“Không ai sợ tôi nữa từ khi tôi không cắn người”, nó giải thích. “Con nít ném đá vào tôi và kéo đuôi tôi đi khắp nơi”.

Người thầy thất kinh. “Ta chỉ xin mi đừng cắn khách thập phương chứ ta không bảo mi dừng phát ra tiếng phì phò”.

Buông bỏ nỗi tức giận không có nghĩa chúng ta phải bỏ qua việc bảo vệ chính mình. Buông bỏ nỗi tức giận có nghĩa là nhận biết nó để chúng ta có thể chuyển hoá nó thông qua hành vi tích cực và lòng trắc ẩn.

—–o0o—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. YÊU KẺ THÙ
  2. SỰ TỬ TẾ DÀNH CHO NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT
  3. MỞ LÒNG ĐỂ ĐÓN NHẬN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH