CHUẨN BỊ SẴN SÀNG CHO VIỆC ẨN TU

LAMA YESHE

Trích: Con Đường Kim Cang Thừa Về Sự Tịnh Hoá; Dịch Việt: Kiến Không; NXB. Thiện Tri Thức 1999

Một người cần những tiêu chuẩn nào để ẩn tu theo yoga maha-anuttara về Vajrasattva? Yêu cầu cơ bản là bạn là một hành giả chân thật, nghiêm túc, thiết tha kiên định muốn có sự chứng đắc giác ngộ vĩnh viễn, an lạc, và bạn không phải là kẻ đạo đức giả. Và bạn phải nên thực hành những gì người thầy chỉ cho bạn – không có sự hiểu sai, lý giải lệch lạc bởi tâm thức ý niệm sai lầm của riêng bạn.

Kinh nghiệm của các thiền giả nam và nữ trong truyền thống Tây Tạng như thế này: như là một tiêu chuẩn chung, bạn phải đã nhận được những giáo huấn về “con đường có thứ bậc để đạt tới giác ngộ” và bạn phải hiểu biết trọn vẹn, và đã, đang thể hiện những hiểu biết đó vào thực hành. Còn đối với tiêu chuẩn đặc biệt, bạn phải đã được quán đảnh nhập môn vào tantra yoga maha-anuttara của Vajrasattva. Nếu bạn đã có được các tiêu chuẩn đó, bạn có thể thực hiện sự thực hành này.

Kiến thức và kinh nghiệm của “con đường có thứ bậc đưa tới giác ngộ” là rất cốt lõi, tối quan trọng bởi vì ba phạm trù chính yếu của nó là buông bỏ, phát Bồ đề tâm và thấu hiểu đúng đắn về tánh Không, là những tiên đề không thể thiếu được để đạt đến những chứng ngộ về Kim Cương thừa. Không có ba tiên đề này, việc thực hành phương pháp yoga sẽ không có hiệu quả. Nó chỉ thuần trí thức và cạn cợt và sẽ không bao giờ nhập một được với tâm của bạn. Với ba tiên đề đó và nếu bạn nhận được quán đảnh cần thiết từ một vị thầy đạo hạnh toàn mỹ thì bạn được trang bị đầy đủ để thực hiện thành công việc ẩn tu theo Heruka Vajrasattva, và như vậy bạn rất may mắn để có thể làm được điều ấy.

☘️ Ẩn tu ở đâu?

Một người đã thỏa đáng các tiêu chuẩn rồi, thì nên ẩn tu ở đâu? Có phải là nơi nào cũng được hay không? Không. Phải tu ở nơi sẽ khiến bạn có cảm giác về thực tại, chứ không phải nơi rất mê ảo, một phóng chiếu ô nhiễm của tâm mê lầm.

Đôi khi chúng ta không khôn ngoan; chúng ta cố gắng thiền định ở một nơi như, chẳng hạn, trước lò sưởi và chúng ta than phiền là không thiền định được lâu. Nếu bạn cho ngón tay vào lửa, ngón tay sẽ bị bỏng. Bạn không thể bực mình nói: “ngón tay tôi bị bỏng rồi”. Bản chất của lửa làm làm bỏng. Tùy bạn chọn một mạn đà la thích hợp cho cách mà bạn muốn triển khai… y như việc chọn đôi giày vừa với chân của bạn.

Dĩ nhiên nếu bạn có được sự điều phục tốt cái tâm thì bạn có thể đi bất cứ nơi nào cũng được và những rung động được kiểm soát tốt của bạn thậm chí sẽ có ảnh hưởng đến người khác. Nhưng nếu bạn yếu, thì rung động không thể kiểm soát được của những người xung quanh sẽ ảnh hưởng đến bạn, ngay cả tia sáng trí huệ như một đèn cầy nhỏ sẽ bị thổi tắt, và bạn sẽ kết thúc như trong một siêu thị tạp nhạp luân hồi sanh tử. Thực tế khi ẩn tu chúng ta cố kiểm soát được tâm chúng ta – nhưng chúng ta là những “đứa bé” khi chúng ta đến nơi ẩn tu, chúng ta cần phải có thời gian dài để tu tập. Và, tâm “đứa bé” đòi hỏi các điều kiện lý tưởng.

Theo kinh nghiệm của các vị lama nơi lý tưởng là một vùng thiên nhiên, đẹp, ở đó có bầu không khí yên tĩnh, thanh bình, dễ thư giãn, bạn có thể trông thấy núi tuyết, có hoa dại, những cây thuốc tỏa mùi hương thiên nhiên khoan khoái và có nước mát, sạch. Bạn phải nên tránh những nơi dơ bẩn, gần đường cái, xe cộ, con người, hoặc nơi nguy hiểm, hay nơi có những cây chất độc đang mọc. Bạn không nên ẩn tu nơi mà bạn dễ bị căng thẳng thần kinh, hay cảm thấy không an toàn.

Những nơi có các vị thánh nhân sống thì tuyệt vời nhất, các vị có rung động tốt mà tôi chắc chắn các bạn Tây phương, những người rất nhạy cảm, có thể sẽ cảm thấy được. Những nơi lý tưởng như vậy thường rất xa vắng, cô tịch. Ở Tây Tạng, chúng tôi trước đây đã từng nghiên cứu kinh điển trong các tu viện và trau dồi để phù hợp với những tiêu chuẩn ẩn tu nói ở trên, và rồi đi đến một nơi cô quạnh để thiền định. Những nơi này hết sức đơn giản, chứ không phải những “nơi ẩn cư” rất sang trọng của người Tây phương khi các triệu phú đến đó để lánh mặt không muốn tiếp xúc ai cả. Người Tây phương thực sự biết thưởng thức cuộc sống, ngay cả trong đơn độc! Tuy nhiên, điều đó chỉ được làm do từ sự yêu chuộng bản thân mình. Những chỗ ẩn tu khổ hạnh chắc chắn là cái đối nghịch lại.

Bạn cũng có thể ẩn tu tại tu viện hay ở một trung tâm học pháp. Ở Đông phương, nhiều thiền giả đã từng ẩn tu gần nghĩa địa. Ở nghĩa địa thì thường yên tĩnh. Bạn dựng một cái chòi xa nghĩa địa một ít để khỏi có ai đến, và bạn ẩn tu trong sự thấu hiểu sâu sắc về sự vô thường và cái chết. Nơi mà bạn đã chọn để ẩn tu rất quan trọng.

Không phải bất kỳ ai cũng phải cần thiết chọn một nơi ẩn tu thích hợp, nhưng đối với chúng ta, nơi ẩn tu hết sức quan trọng. Tâm chúng ta giống như tâm của một đứa bé: các điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến rất dễ. Thực ra tâm chúng ta còn tệ hơn tâm đứa bé. Đứa bé chỉ biết chộp lấy bất cứ cái gì nó thấy, còn chúng ta không chỉ chộp lấy cái gì chúng ta thấy mà chúng ta cũng còn trí thức hóa nó nữa. Trí huệ của chúng ta bị giới hạn. Do đó, chúng ta phải tự đặt mình vào một môi trường thích hợp. Nếu tâm chúng ta thoát khỏi mê muội, nhầm lẫn thì chúng ta không cần thiết lo đi chọn môi trường, điều kiện sống… ; thậm chí chúng ta cũng chẳng cần ẩn tu theo Vajrasattva nữa!

Do đó việc suy nghĩ cẩn thận để tìm một nơi cho việc ẩn tu là hết sức quan trọng – nơi đó không chỉ cho bạn sắp ẩn tu nhưng cũng còn là nơi bạn sắp sống ở đó. Hãy quyết định xem bạn muốn học hỏi điều gì và hãy sống nơi bạn được dạy điều đó. Trong các thành phố Tây phương bạn có thể chọn nơi sinh sống cho bạn một cách dễ dàng. Nếu bạn muốn dành thời gian cho phim ảnh, bạn có thể sống gần rạp chiếu bóng. Bạn có quyền tự do để làm điều đó. Nói cách khác bạn kiểm soát, điều khiển được phần nào các nghiệp quả của bạn, tức là cái cách mà cuộc sống của bạn đang phát triển. Bạn không thể nói rằng bạn bất lực không thể chọn lựa gì cả vì tất cả đều tùy thuộc vào nghiệp. Chính bạn tạo ra nghiệp. Hoàn cảnh sống của bạn tùy thuộc vào nghiệp của bạn và bạn có khả năng hướng dẫn nó. Chẳng hạn, nếu bạn muốn đi ẩn tu bạn sẽ thu xếp các ngoại cảnh, các điều kiện sinh hoạt ra sao cho bạn có thể đi ẩn cư. Đó là việc tạo nghiệp. Và kết quả là, bạn có được cơ hội để ẩn tu và phát triển trí huệ.

Kết luận lại, bạn phải chọn nơi ẩn tu hết sức cẩn thận. Nơi tốt nhất là nơi mà theo sự hiểu biết của bạn, bạn cảm thấy an tâm từ lúc khởi sự đến khi kết thúc đợt ẩn tu, và không có điều gì làm phân tán tâm bạn. Dĩ nhiên trong cuộc sống luân hồi sanh tử này chẳng có nơi nào thực sự an ninh nhưng trong một chừng mực nào đó, bạn nên cảm thấy rằng nơi bạn chọn là tốt nhất trong khả năng của bạn và rằng bạn sẽ ẩn tu ở đó có hiệu quả tốt.

☘️ Khi nào bắt đầu ẩn tu

Nói chung, loại hình và mục đích của đợt ẩn tu quyết định thời điểm khởi sự. Bởi vì Heruka Vajrasattva là một tantra mẹ (mother tantra) nên việc ẩn tu theo hóa thần bổn tôn này phải bắt đầu vào ngày mười hay ngày hai mươi lăm của lịch Tây Tạng. Hai ngày này trong tháng là những ngày đặc biệt tốt lành đối với yoga Kim Cương thừa vì có nhiều sự di chuyển của daka, dakini và hệ thần kinh của bạn dễ nhận được ân phước ban cho. Vì năng lực daka-dakini trong hai ngày đó rất mạnh, nên bạn có thể khám phá năng lực phúc lạc vĩnh cửu trong các luân xa của hệ thần kinh của bạn một cách trọn vẹn thông qua việc bắt đầu ẩn tu vào một trong hai ngày đó. Và cũng vì lý do đó, tốt nhất bạn khởi sự ẩn tu về các vị hóa thần đó của dòng tantra mẹ vào buổi tối sau mặt trời lặn.

☘️ Một số chuẩn bị chung

Nếu bạn ẩn tu một mình, bạn có thể cần một người giúp bạn đi chợ và nấu thức ăn. Người giúp đỡ bạn phải hoàn toàn thiện cảm với bạn và với việc bạn đang làm, và bạn nên có mối quan hệ tốt với người này. Nếu người đó nghĩ rằng bạn là người kỳ quặc hoặc bạn đang làm việc xấu, thì như vậy bạn sẽ phân tán tâm bạn. Tương tự, nếu bạn ẩn tu với một nhóm, thì đừng nên có người bạn không hợp ở trong nhóm đó. Điều rất quan trọng là bạn tạo nên những điều kiện tốt nhất theo khả năng cho việc ẩn tu.

Nếu bạn không có người giúp đỡ hoặc không ở trong một nhóm có người lo nấu, đi chợ, thì bạn nên cố gắng để dành được phần lớn thức ăn mà bạn cần trong thời gian ẩn tu trước mắt. Đừng để dành quá nhiều; thà là bạn tự giới hạn đối với những thứ cơ bản càng nhiều càng tốt. Đó là cách chúng tôi đã từng áp dụng ở Tây Tạng.

Trước khi khởi sự ẩn tu bạn nên cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài và buông bỏ tất cả những mong đợi ở nó. Mặc dù bạn đang ẩn tu để đoạn tận vô minh, nhưng việc cắt đứt ở nội tâm này là một tiến trình từng bước bắt đầu từ việc bạn tách mình khỏi thế giới bên ngoài. Do đó bạn phải từ bỏ mọi mong đợi được bạn bè thăm viếng, mong thư, hay mong nhận chô-cô-la từ gia đình, hay đại loại như vậy. Thêm vào đó, trước khi ẩn tu bạn phải quyết định rằng ai là người mà bạn sẽ trực tiếp gặp, và từ chỗ ẩn tu đến chỗ gặp là xa bao nhiêu. Như vậy, có lẽ bạn quyết định: “Trong suốt đợt ẩn tu này tôi chỉ nói với cha mẹ mà thôi” hay “Trong suốt đợt ẩn tu này tôi chỉ đi xa nhất là tới dòng suối để rửa ráy mà thôi”. Những quyết định như thế rất có ích lợi cho tâm bạn. Ở Tây Tạng gọi kiểu đó là tsam war gyu (sắp xếp ẩn tu), có nghĩa là bạn sẽ chỉ gặp một vài người đã định trước, khi cần ngoài ra không gặp ai khác. Nếu bạn gặp càng nhiều người từ thế giới bên ngoài thì bạn càng thu nhập nhiều thông tin của vòng sanh tử, và như vậy bạn sẽ bị ô nhiễm tâm linh thay vì có trí huệ.

Tương tự, bạn phải ngưng mọi việc viết thư và mọi công việc khác, trước khi bạn bắt đầu ẩn tu, nếu không việc ẩn tu của bạn sẽ không ngừng bị loạn động bởi những tâm niệm phân tán, như: “Tôi phải làm việc này”, “Thực ra tôi nên làm việc kia…”. Phải bảo đảm rằng trong khi thân của bạn ở trong phòng ẩn tu, tâm của bạn không đi lang thang trên đường trở lại quê nhà.

Nhiều hành giả Du-già (yogis) Tây Tạng rời bỏ thế giới bên ngoài trong nhiều năm – thậm chí cả đời – để tự mình đảm bảo được có những điều kiện ẩn tu hoàn mỹ. Một số tự giam mình trong những hang động không có cửa, chỉ nhận thức ăn nhờ vào một cái lỗ nhỏ ở tường.

Một trong những sự chuẩn bị quan trọng nhất là việc bạn cương quyết đạt tới thành công. Bạn nên cảm nhận: “Tôi rất may mắn đã có được cuộc sống con người hoàn hảo này, và trong đời người này tôi có cơ hội nhận được những chứng ngộ của Heruka Vajrasattva phúc lạc và vĩnh cửu. Do đó, trong suốt kỳ nhập thất này cho dù tôi có kinh qua những chuyện thuộc luân hồi sanh tử, dù cái đó tốt hay xấu, tôi cũng sẽ kiểm soát điều khiển được tâm tôi”. Do vậy, nếu bạn có kinh qua việc vui sướng hay khó khăn có tính luân hồi sanh tử, bạn cũng không phản ứng quá đáng mà bạn chọn cách “trung đạo”.

Chẳng hạn vào một buổi sáng bạn thức dậy thấy đau đầu, bạn nghĩ bị đau thế này chắc không thể thực hiện thời khóa được. Một cơn đau đầu nhẹ không thể giết chết bạn được! Bạn ở nơi này để nhập thất ẩn tu. Điều đó có nghĩa rằng bạn phải thực hiện sự điều tâm. Bạn có thể thiền định trong khi bị đau đầu. Hoặc có lẽ một món quà đẹp, kích lộ ra cái ngã, món quà đó từ cha mẹ bất thần hiện diện trước mặt làm cho bạn bỏ mất sự điều tâm và bạn quá phấn khởi: “Tôi đã chờ đợi cái này hơn một năm nay, tôi phải dùng nó ngay”. Bạn không nên làm như vậy. Bạn đừng phấn khởi. Nó chẳng là gì cả. Bạn hãy tự điều phục.

☘️ Bạn ăn gì

Khi bạn thực hiện một cuộc nhập thất tantra theo kriya, thì sự kiêng cữ thức ăn hoàn toàn nghiêm ngặt. Trong cuộc nhập thất tantra maha-anuttara bạn có hơi tự do hơn, nhưng bạn phải nên tránh dùng những thức ăn gọi là “đen” – thịt (nhất là thịt gà, heo, cá), trứng, tỏi, hành và củ cải. Tỏi rất nặng trược và làm xáo trộn hệ thần kinh của bạn vì làm cho thần kinh bị “đầy” hoặc gây ra quá nhiều sự chuyển động trong hệ thần kinh. Nếu hành không quá hăng thì được. Trở ngại ở củ cải là nó tạo ra “hơi” nhiều và làm cho bạn rối loạn khí. Trái cây và rau thì tốt và cũng được gọi thức ăn “trắng”, cũng như sữa, gia-ua, phô-ma, vì chúng được coi là tinh khiết. Bạn cũng có thể dùng muesli, chô-cô-la, và vegemite dù màu của chúng không phải là thức ăn “trắng”. Tôi khuyên bạn hãy tự giữ bản thân càng khỏe mạnh càng tốt. Có người nghĩ rằng: “Ồ! Tôi đang tu tập Pháp ; tôi chẳng cần cái gì cả”. Như vậy là sai. Khi bạn nhập thất ẩn cư để cố gắng phát triển trí huệ Pháp thì việc nuôi dưỡng thân thể cho tốt hơn lúc thường là một việc làm có ý nghĩa – và bạn biết bạn thường bỏ ra bao nhiêu công sức để chăm sóc cái thân sanh tử của bạn.

Đôi khi người nhập thất kinh qua một sự lạc và hỷ trong thời thiền đến nỗi họ họ chỉ muốn tiếp tục thiền và không muốn ngưng lại để ăn uống. Đó là ý muốn của “tâm đứa bé” của bạn. Đừng tin vào nó. Hãy ăn uống như theo lịch trình sẵn. Trong khi bữa sáng, bữa trưa không có gì phải nói, thì bữa ăn chiều vẫn còn là vấn đề có nên hay không nên. Tốt hơn bạn đừng ăn bữa chiều vì khi bao tử no sẽ cản trở việc tập trung. Việc này tùy thuộc vào từng cá nhân. Mỗi người chúng ta đều khác nhau. Người nào quen ăn ít ở mỗi bữa ăn thì có thể phải ăn thêm ở bữa chiều. Người nào có thể ăn nhiều ở bữa sáng, bữa trưa thì nên ăn nhẹ vào bữa chiều hay không ăn bữa chiều. Hãy hết sức linh động uyển chuyển. Thức ăn không phải quan trọng hơn tất cả. Chỉ việc giữ sao cho thân thể khỏe mạnh.

Đôi khi người ta giữ tám điều giới Đại thừa trong khi nhập thất. Vào những ngày giữ giới đó, dĩ nhiên bạn không thể ăn sáng và ăn chiều. Bạn có thể chọn hoặc giữ giới tất cả các ngày hay là không, việc này tùy thuộc ở bạn. Theo ý của tôi, những ngày giữ giới tốt nhất là trăng tròn và ngày bắt đầu có trăng. Giữ giới sẽ cho bạn năng lực lớn, và là một cách để thể hiện việc tịnh hóa bằng hành động.

☘️Dọn dẹp sạch sẽ nơi ẩn tu

Bởi vì bạn sắp sửa tự dọn sạch nội tâm mình, nên bạn cũng phải dọn sạch bên ngoài. Nơi nhập thất của bạn phải hết sức sạch, và sắp xếp gọn ghẽ thứ tự. Đừng treo hay vứt bừa bãi đồ đạc khắp mọi nơi. Rung động lộn xộn lung tung của đồ đạc chỉ làm xáo động tâm bạn mà thôi. Bạn không nên làm phân tán tâm của bạn vì những thứ gây bám luyến ở nơi ẩn tu. Không cho súc vật, kể cả chó, vào trong đó. Sau khi dọn sạch sẽ phòng bạn có thể rắc, vẩy cây nghệ tây (saffron), trầm hương (sanda-lwood), nước hoa hồng, hay bất kỳ loại nước hoa nào chung quanh phòng sao cho nó bốc mùi thơm và không còn mùi hôi nào cả. Thay vì bạn xức nước hoa dính vào người bạn, bạn hãy vẩy nước hoa quanh phòng sao cho khi bước chân vào, bạn cảm thấy được một kinh nghiệm phúc lạc hoàn toàn. Bạn cũng nên lấy nước cam lồ đã cúng khi thực hiện sự “cúng dường bên trong”, rắc vẩy quanh phòng. Hãy làm như vậy trước khi bạn khởi sự nhập thất và mỗi buổi sáng sớm.

☘️ Chỗ ngồi thiền định

Việc kế tiếp là chuẩn bị một chỗ ngồi thiền. Nó phải được thuận lợi càng nhiều càng tốt tới mức bạn cảm thấy rằng bạn có thể ngồi ở trên nó suốt hai mươi bốn giờ không hề ngắt quãng, chỉ trải nghiệm phúc lạc. Chỗ ngồi không được xẹp lép, bạn phải có một cái gối nhỏ kê dưới mông sao cho mông phải cao hơn đầu gối (khi ngồi). Điều này giúp cho lưng được thẳng đứng và khiến cho bạn không thấy như có kim đâm vào chân (bị tê chân). Không phải cần một chỗ ngồi gồ ghề, không êm, không có đệm lót để chứng tỏ sự buông bỏ.

Ngay dưới chỗ ngồi phải nên vẽ hình chữ vạn, vẽ lên trên nền nhà bằng phấn hay gạo, hay vẽ lên tờ giấy. Chữ vạn là dấu hiệu của người Ấn Độ cổ, biểu tượng sự tốt lành thịnh vượng. Nó có nguồn gốc tiếng Sanskrit “svasti”, có nghĩa thịnh vượng. Nó cũng biểu hiện cho chỗ ngồi không thể hủy hoại được, như kim cương mà Đức Phật đã ngồi ở Bồ đề Đạo tràng (Bodhgaya) khi Ngài giác ngộ. Thật không dễ để đạt tới giác ngộ. Bạn không thể có được giác ngộ ở bất cứ nơi nào. Các vị Phật ở kiếp may mắn này đạt được giác ngộ ở Bodhgaya. Bởi vì chúng ta đang nhập thất để đạt tới giác ngộ, chúng ta cũng phải có một chỗ ngồi vững như kim cương chứ không phải chỗ ngồi bất thường, nay chỗ này mai chỗ khác. Nếu chúng ta ở trên thuyền bạn cũng sẽ bị dồi lên tụt xuống với sóng biển. Chỗ ngồi thiền của bạn không thể giống như vậy. Vì chúng ta không thể để kim cương thực sự ở dưới chỗ ngồi, chúng ta phải sử dụng dấu hiệu bằng phấn vẽ này. Sự kết hợp một chỗ ngồi không thể hủy hoại được với thái độ sáng tỏ, trong sạch, không thể hủy hoại, sự kết hợp đó làm cho việc nhập thất có giá trị thực sự.

Bạn cũng đặt hai loại cỏ ở dưới chỗ ngồi. Một loại là kusha, người Ấn Độ dùng làm cây chổi. Cần phải đặt phần gốc nhánh cỏ ở dưới trung tâm chữ vạn, phần ngọn quay ra ngoài. Ở Bodhgaya, Đức Phật đã ngồi trên một tấm đệm bằng cỏ kusha. Việc dùng lại cùng thứ cỏ kusha để nhắc cho chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm thiền định của Đức Thế Tôn, đặc biệt là Ngài đã quyết định ngồi trên nệm cỏ cho đến khi nào đạt được giác ngộ bất chấp mọi khó khăn chướng ngại mà Ngài đã phải vượt qua. Cỏ kusha có hình dáng rất nhiều cọng nhỏ, mảnh mai nằm song song, rất đều đặn, sát lại với nhau hướng về một phía. Nó biểu tượng cho sự thiền định tập trung quyết liệt vào một điểm và sự quán tưởng rõ ràng – tất cả năng lực của bạn đang tuôn theo một hướng.

Một loại cỏ khác là cỏ tsa dur-wa tiếng Tây Tạng. Nó giống cỏ kikuyu. Việc sắp đặt loại cỏ này giống như loại đầu, phần nối nhánh hướng về tâm chữ vạn. Nên tìm cỏ này thứ có nhiều mắt. Loại cỏ này tượng trưng cho sự tốt lành sống lâu.

Một khi bạn đã xếp đặt xong chỗ ngồi, bạn không thể vì lý do gì mà dời đổi chỗ ngồi đó. Người Tây phương luôn luôn muốn giũ đập bụi cái nệm lót mông hay đem ra phơi nắng, nhưng ở trong chỗ ẩn tu bạn không được làm thế. Bạn cũng không được dời chỗ ngồi một khi việc ẩn tu bắt đầu. Bạn phải kiểm soát, điều khiển “tâm thức mang bệnh phân liệt” của bạn.

Ở trong việc ẩn tu cả nhóm, phải nên có khoảng hở rộng giữa chỗ ngồi của hai người kế tiếp nhau. Bạn đừng ngồi chen chúc nhau như trong buổi lễ puja ở Tây Tạng. Tôi nhớ có một hành giả nhập thất đã gặp trở ngại vì ông ta đã chọn chỗ ngồi trên một nơi ẩm ướt của nền nhà và tấm nệm bị mốc meo và rữa mục. Bởi thế bạn phải cẩn thận lúc bắt đầu, phải biết nên đặt chỗ thích hợp để đặt tấm nệm lót ngồi.

Ở nhà cũng vậy bạn nên có một chỗ ngồi thiền định riêng biệt, tốt hơn đừng ở trong phòng ngủ vì thường có xu hướng có những rung động luân hồi sanh tử rất mạnh. Nếu bạn lập được một bàn thờ ở trong một phòng riêng, hay ở một nơi nhất định trong nhà chỉ để dùng thiền định thì như vậy sẽ có lợi cho bạn. Con đường Đạo Pháp và con đường luân hồi sanh tử hoàn toàn khác nhau, hai nẻo đường này không thể đi cùng với nhau trừ phi bạn có được sự đại chứng ngộ về Bồ đề tâm.

Ở trước mặt bạn nên có một cái bàn nhỏ để đặt (chày) kim cương, chuông, damaru, cái tách “kapala” và nếu cần một bản văn sadhana. Kapala chứa đựng chất nước đã được cúng dường bên trong, đó thường là nước trà đen với một viên thuốc đặc biệt được ban phước bởi cúng dường bên trong, hòa tan trong nước trà. Tuy nhiên nếu ẩn tu theo nhóm thì không cần mọi người đều có những thứ này. Chỉ một hay hai người trong nhóm có những thứ đó thôi. Nếu bạn không có kim cương thật và chuông thật thì bạn vẽ hình những thứ đó.

☘️ Xâu chuỗi

Bạn nên có một xâu chuỗi tràng hạt đặc biệt mà bạn chỉ dùng ở các nơi nhập thất và không được để người khác thấy. Một số nhập thất đòi hỏi bạn sử dụng xâu chuỗi tràng hạt làm bằng xương hay chất liệu đặc biệt khác. Xâu chuỗi cần được sử dụng với sự kính trọng, không được mang quanh cổ tay hay cổ. Một khi đợt nhập thất bắt đầu bạn không thể mang xâu chuỗi ra khỏi phòng, bạn phải để lại trên bàn. Bạn không được mang xâu chuỗi vào phòng tắm, vệ sinh. Trước khi bắt đầu nhập thất xâu chuỗi nên được một vị lama chú nguyện, và vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu thời thiền đầu tiên bạn tự chú nguyện xâu chuỗi với câu chú OM RUTSIRA MANI PRAWA TAYA HUM. Bạn đọc bảy lần và thổi vào xâu chuỗi.

☘️ Xếp đặt bàn thờ

Sau khi bạn đã dọn sạch phòng, bạn hãy sắp xếp bàn thờ. Hãy để tượng Heruka Vajrasattva trên bàn thờ, nếu là bức tranh, thì treo lên tường. Bạn không nên đặt tượng nào khác lên bàn thờ. Trong suốt kỳ nhập thất, Heruka Vajrasattva là vị Thánh thần quan trọng nhất – đó là sự biểu lộ của thực tại vũ trụ của bạn – và bạn không cần bất cứ hình tượng nào khác.

Lý tưởng nhất là bạn nên dùng ba loại bánh cúng dường (tormas). Ở Tây Tạng chúng tôi đã từng dùng bột lúa mạch rang để làm bánh (bột tsampa), nhưng ở Tây phương các bạn có thể dùng chô-cô-la, kẹo, bánh bít-quy, hay các loại thức ăn khác.

Bánh cúng dường (torma) chính là vật cúng dường của bạn cho Heruka Vajrasattva. Bạn chú nguyện nó với trí huệ siêu việt hỷ lạc của Heruka Vajrasattva thông qua các phương pháp yoga Kim Cương thừa và để nó ở trên bàn thờ cho đến cuối kỳ nhập thất. Khi chúng tôi làm bánh bằng bột tsampa chúng tôi thường thêm một ít rượu, bản chất của rượu có năng lực thấm lan tràn mạnh và làm nảy nở ra, mục đích là để tượng trưng cho sự nảy nở năng lực kundalini của thiền giả thông qua phương pháp yoga. Bánh torma chính này được để giữa bàn, trên cao nhất. Bánh torma thứ hai (để ngay dưới bánh thứ nhất) là cúng dường cho vị hộ pháp phẫn nộ đặc biệt của Heruka, hạnh của ngài là làm tĩnh lặng tất cả năng lực không được kiểm soát. Một khi bạn đặt bánh đó lên bàn thờ bạn đừng lấy nó đi cho đến khi bạn kết thúc kỳ nhập thất.

Cái bánh thứ ba, bất kể bạn nhập thất ở đâu cũng đều có các thần thổ địa, các linh hồn (shi-dak), họ chiếm giữ và cai quản vùng đó, để cho họ không chống đối việc bạn xâm nhập vào vùng của họ và để cho họ đừng hãm hại bạn, bạn nên cúng dường họ. Không nhất thiết bạn phải làm kiểu torma Tây Tạng, có thể dùng gạo hay những thứ thực phẩm đã nói ở trên. Bạn đặt bánh – phần torma thứ ba – này ở bên phải của bánh thứ hai. Bánh đó cũng để lại trên bàn thờ suốt kỳ nhập thất. Bạn hãy quán tưởng lễ vật cúng dường y như mọi thứ mà các hữu tình (được bạn dâng cúng) cần và sẽ hưởng thụ được và sẽ cảm thấy rằng bạn cũng đang cúng dường thân và khẩu của bạn cho các hữu tình đó, cũng như bạn đang hiến dâng bản thân mình vì lợi lạc của tất cả chúng sanh.

Trong khi bạn cúng dường các bánh torma, bạn hãy nghĩ như thế này: “Làm ơn, xin để cho con được làm ở nơi này những việc con phải làm là: tịnh hóa thân tâm con và dành được trí huệ và lòng từ bi vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Con không phải đang cố ý giật lấy nơi này khỏi tay các ngài, con chỉ dùng nơi này một thời gian ngắn thôi. Do đó, xin các ngài đừng ưu phiền hay tức giận, ganh tức, hay e ngại. Xin vì lòng từ bi, hãy giúp đỡ con và đừng gây trở ngại cho con. Xin hãy nhận lễ vật cúng dường này cũng như bất kể những gì các ngài cần”. Bạn hãy quán tưởng rằng các thần linh nhận lễ vật cúng dường, các ngài rất vui và hài lòng và cho phép bạn được sử dụng nơi này một cách an toàn. Trong kinh điển Tiểu thừa, Đức Phật giảng giải rằng, trước khi muốn xây một tu viện cần phải xin phép các vị thần thổ địa, thần cây cỏ, và các vị thần khác ở nơi đó. Nếu chúng ta không dâng lễ vật cúng dường các thần có thể tức giận và hãm hại chúng ta bằng tinh thần và vật chất. Thậm chí nếu các thần không thể hãm hại chúng ta vào ban ngày, họ cũng có thể gây cho chúng ta có những cơn ác mộng hay họ quấy nhiễu chúng ta bằng những cách khác vào ban đêm.

Các lễ vật cúng dường như chén, đèn cầy, đèn đốt bằng bơ, hay các vật cúng thắp sáng khác, hoa, thực phẩm đặt lên bàn thờ. Thay nước cúng và thắp nhang đốt đèn trước các thời thiền. Ánh sáng bạn cúng dường tượng trưng ánh sáng bên trong của trí huệ mà bạn đang cố gắng triển khai, nhang hương sẽ tượng trưng cho đạo đức trong sạch của bạn.

Tại sao bạn dâng cúng nhiều nước? Dĩ nhiên không phải vì ngài Heruka lúc nào cũng khát nước. Không có chuyện là một bổn tôn thực sự ăn uống các vật cúng dường như vậy đâu. Vấn đề là tại tính keo kiệt bủn xỉn của chúng ta. Chúng ta thường cho đi nhưng lại với tính khí tham luyến, và tính khí “giấu mặt” này, một cách nào đó, hòa hợp trọn vẹn với vật dâng tặng của chúng ta. Cho nên khi bạn dâng cúng nước, tự nhiên bạn không bám luyến gì và nhờ vào việc dâng cúng nước, bạn sẽ tập quen với việc cho đi mà không có ý tham tiếc hay mong cầu. Do đó, việc cúng dường bằng nước, rất có ích lợi; bạn chẳng tốn kém gì cả, bạn sẽ có được lợi lớn bằng một công việc nhỏ nhặt như vậy. Thêm vào đó, nước có phẩm chất quý báu, và nó chứa đựng năng lực của tất cả các loại trang sức quý hiếm ở trong. Bạn hãy chú nguyện nước cúng với câu chú OM AH HUM, biểu thị thân, khẩu, tâm giác ngộ của Vajrasattva. Do đó, mặc dầu bạn đang đặt tách nước cúng lên bàn thờ, nhưng thực ra, nhờ vào sự chuyển hóa bằng câu chú nguyện bạn đang dâng cúng cam lồ phúc lạc của trí huệ và lòng bi siêu việt.

Như tôi đề cập ở trước, việc dâng cúng các lễ vật thì rất có lợi lạc nếu được thực hiện rất thường xuyên, càng nhiều lần càng tốt. Khi tâm lười biếng, bạn nghĩ rằng: “Sự cúng dường thực sự chính là ở trong tâm nên tôi không cần phải làm các nghi lễ dâng cúng các lễ vật cụ thể lên bàn thờ”. Hãy đừng chịu thua tâm lười biếng – việc bạn dâng cúng các lễ vật là tốt hơn nhiều, trừ phi bạn đã hoàn toàn trong đại định (samadhi) – tôi có thể nói như vậy. Chỉ khi nào thường hằng trong đại định mới không làm sự cúng dường thường xuyên. Dùng thì giờ để đắm mình trong tập trung nhất tâm có thể quan trọng hơn. Nhưng khi bạn có đầy đủ thì giờ để làm những việc khác mà không có thì giờ sửa soạn cho một bàn thờ được tươm tất thì điều ấy nói lên những xét đoán giá trị của bạn đã sai lầm như thế nào.

Lại nữa, một phần nhỏ các thức ăn thức uống của bạn nên được chú nguyện và được cúng dường trước khi bạn dùng. Hãy cúng một ít nước trà buổi sáng trong một chén nhỏ, một phần bữa ăn trưa trong một cái dĩa. Việc làm như vậy rất có ích lợi để giảm bớt sự tham luyến, ích kỷ và để phát triển sự độ lượng, rộng rãi.

Vào cuối ngày, bạn lấy thức ăn đã cúng, đem đi khỏi bàn thờ, và bạn sẽ ăn nó vào ngày hôm sau. Bạn có thể dâng cúng những thứ khác ngoài những thứ mà tôi đã nói. Và, bằng tâm mình, bạn chuyển hóa những thứ dâng cúng thành ra những lễ vật cúng vô lượng, những thứ tốt nhất của các loại như cam lồ, hoa, nhang, đèn, nước hoa, thức ăn, âm thanh và những thứ khác nữa và cùng với những thứ dâng cúng này, mọi thứ trong vũ trụ cũng được chuyển hóa thành ra những lễ vật cúng phúc lạc tối thượng như chúng ta làm khi chúng ta dâng cúng mạn đà la.

Tất cả những việc làm này chưa hẳn là việc quan trọng nhất mà bạn có thể làm nhưng chúng rất có ích trong sự phát triển tâm linh của bạn.

—–o0o—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGHIỆP – CÙNG NHÂN SẼ CÓ CÙNG QUẢ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP