AKONG TULKU RINPOCHE
Sự điều phục tâm thức tán trợ cho hạnh phúc
Đức Phật Thích Ca
Tâm thức là chìa khóa của mọi kinh nghiệm của chúng ta, vì chính nó quyết định cái nhìn của chúng ta về thế giới, mặc dầu thường thì người ta không biết điều đó. Không biết cái cơ cấu vận hành này làm cho chúng ta có một tri giác khá lầm lộn về những sự vật, bởi vì tính chủ quan của chúng ta có khuynh hướng làm méo mó đáng kể thực tại, cũng hơi giống với những người bị những rối loạn thị giác hay những người mắc chứng hoang tưởng luôn luôn tin rằng mọi người đều tấn công mình. Hiện thời, nơi phần đông chúng ta, tâm thức giống như một con cọp hoang dã gieo rắc kinh hoàng và tàn phá cho những thôn làng. Chúng ta hoàn toàn bị cái tâm trí điên cuồng này thống trị, nó lôi kéo chúng ta đi mọi hướng, theo những tham muốn và những ghét bỏ của nó, phá nát trên đường đi mọi cái có thể ngăn ngại nó, không ý thức gì về những xung động của riêng nó cũng như thực tại bao quanh nó. Nó dẫn dắt cuộc múa nhảy theo ý nó và chúng ta phải trả đền cho những đổ vỡ, không hiểu điều gì đã xảy ra: chính nó là nơi chúng ta phải tìm kiếm lý do cho những khổ nhọc và những thất vọng của chúng ta.
Để tìm thấy lại sự tự do đã bị giam hãm, phải bắt con cọp hoang dã này và thuần hóa nó: nó phải phục vụ chúng ta mà không phải ngược lại. Điều đó không dễ dàng gì, vì trước tiên phải tìm ra vị trí của nó, và thường thường người ta phải quá đỗi mù quáng để biết rằng con cọp đang xỏ mũi chúng ta kéo đi. Phải biết mình đã bị bệnh trước khi quyết định tự chăm sóc mình. Vậy mà người ta không biết chút gì về tình trạng rối loạn mà người ta đang lâm vào. Khi những sự việc xấu đi, người ta đặt nguyên nhân của sự việc lên lưng của những người khác hay những hoàn cảnh, nhưng người ta không bao giờ nghĩ đến việc quét tước trước cánh cổng của chính mình – nhìn vào chính mình. Khi người ta muốn thoát khỏi thế lực của cái tâm thức hoang dã này mà những trò ngông cuồng của nó làm cuộc đời nhiễm độc, phải bắt đầu bằng cách xem thẳng mặt nó. Điều đó sẽ khó khăn và nhọc mệt lúc đầu, nhưng chúng ta bắt buộc phải đi qua nó. Phải phóng tới, dầu người ta không cảm thấy có đủ tầm cỡ để chạm trán với nó, bởi vì chính làm như thế mà người ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tiếp tục.
Nghệ thuật nuôi dạy con cọp bên trong nhằm giúp đỡ những ai muốn có chủ quyền đối với cái tâm thức nổi loạn này mà những trở chứng của nó gây ra biết bao tai hại trong đời chúng ta. Đó không phải là một cuốn sách dành riêng cho những người Phật giáo và người Đông phương, cho dù tôi là một người như vậy. Những vấn đề và những khó nhọc của cuộc đời là như nhau một cách căn bản cho tất cả, không liên hệ gì đến màu da, dòng giống hay tín ngưỡng của họ, bởi vì sự kiện chỉ hiện hữu thôi đã tự động phơi bày chúng ta cho sự khổ đau. Bản chất con người là phổ quát: từ ái hay ác độc, cũng gây ra những phản ứng không sai chạy trong bất cứ xã hội nào, vì những tình cảm là như nhau, dẫu mỗi nền văn hóa diễn tả mỗi khác. Tâm thức thì chẳng phải Tây phương, Đông phương, vàng, đen hay trắng, nó là nhân loại: mỗi chúng ta đều muốn hạnh phúc và tránh khổ đau.
Cuộc đời một người thường theo cái luận lý của tham muốn: tôi muốn, tôi ham thích, tôi không muốn, tôi ghét. Những tham muốn của chúng ta mâu thuẫn hay không thỏa mãn làm sao, và người ta cảm thấy bị lừa dối và bất hạnh; nhưng ngay dù người ta có thể có cái người ta muốn, hạnh phúc đó cũng quá ngắn ngủi, vì người ta đã muốn một cái khác. Tham muốn là không thể thỏa mãn, không có giới hạn: khi người ta thỏa mãn nó, nó mang lấy một hình thức khác và lao vào một đối tượng khác. Và tuy nhiên, người ta không bao giờ từ chối ý nghĩ phải thỏa mãn nó một ngày nào đó: đứa trẻ chạy theo mống cầu vồng để bắt những màu sắc đẹp đẽ của nó, nhưng càng đến gần, mống cầu càng có vẻ rời xa và thoát khỏi tầm tay.
Tham muốn là động cơ của cuộc sống chúng ta, luôn luôn thay đổi và thường trực được làm mới. Khi người ta còn nhỏ, người ta muốn cái đồ chơi ấy, rồi khi có nó, phải có một cái khác, rồi một cái khác nữa, để lại chuyển qua một cái khác. Về sau người ta sưu tầm giữ lấy và nuối tiếc những đồ chơi khác: bạn bè, bằng cấp, du lịch, áo quần, xe cộ, âm nhạc, truyền hình, rượu, những bữa ăn ngon, những chế độ ăn uống… Điều đó không cùng.
Tham muốn luôn luôn mâu thuẫn: vừa khi có cái người ta muốn người ta lại không mong có nó. Chẳng hạn khi đói, người ta muốn bất cứ giá nào lấp đầy bao tử trống rỗng, nhưng khi đã ăn – thường là quá nhiều – người ta lại muốn trở lại cái bụng trống. Đấy là vì luôn luôn có một tham muốn mới lập tức đến thay thế tham muốn cũ: một khi thỏa mãn tham muốn được cảm thấy no nê, tức thì nó được thay thế bằng tham muốn được cảm thấy nhẹ nhõm. Tham muốn cũng là một con tắc kè đổi màu rất ranh mãnh: người ta có thể muốn vẫn đẹp đẽ, trẻ trung và hấp dẫn suốt cuộc đời, nhưng người ta cũng có thể để cho ngã bệnh để lôi kéo sự chú ý và những chăm sóc của những người khác vào chính mình; và nếu người ta đã thành công làm cho mình bệnh, người ta chỉ còn nghĩ đến một cuộc phục hồi kỳ diệu. Và cứ như thế… Hãy chú ý, một tham muốn luôn luôn che giấu một tham muốn khác, như những con búp bê Nga. Vả lại không có cái gì thoát khỏi sự thèm ăn không thể thỏa mãn được này: cho đến cơn khao khát tâm linh cũng có thể là một hình thức vi tế do tham muốn bao bọc, nó thúc đẩy chúng ta sưu tầm – mà không thực hành – những giáo huấn có nhiệm vụ giải tỏa bí mật công việc tìm cầu huyễn mộng này về một hạnh phúc không thể nào tìm thấy…
Không thể tìm thấy, bởi vì thật ra có sự lộn sòng. Ý tưởng người ta có về hạnh phúc y cứ trên một lầm lộn điên đảo: người ta chờ đợi thấy nó ở bên ngoài mình, mà không hề biết rằng nó bắt đầu ở chính trong mình. Người ta có thể tìm cách thỏa mãn cho những tham cầu của mình đến vô tận, nhưng chẳng bao giờ thỏa mãn, vì sự thỏa mãn không đến từ bên ngoài, mà là từ bên trong. Đó là một vấn đề thái độ: tham muốn thì không cùng, và không phải cứ để cho nó dẫn dắt không cùng mà người ta sẽ tìm ra hạnh phúc. Để có được thái độ đúng, cần thiết phải học nhận diện sự có mặt của tham muốn trong mình và chấp nhận nó – sự đè nén không phải là một giải pháp – mà không hiến dâng cho nó cả thể xác và tâm hồn.
Nếu tham muốn là không cùng, đó chính bởi vì mạch nguồn của nó cũng thế: tham muốn xuất phát từ tâm thức mà bản thân tâm thức thì thoát khỏi mọi giới hạn, mọi định nghĩa theo không gian hay thời gian. Tham muốn chỉ là một hiện tượng phụ, một biểu lộ của tâm thức, nếu người ta muốn thoát khỏi sự chuyên chế của nó, phải đi ngược lại đến nguồn cội, bởi vì không phải chăm sóc cho những triệu chứng một căn bệnh mà người ta có thể chữa lành nguyên nhân gây bệnh. Chúng ta hãy biết nhận diện chính xác con cọp gieo rắc kinh hoàng trong cuộc sống của chúng ta: không phải là bản thân tham muốn, mà chính là tâm thức làm phát sanh tham muốn một cách liên tục. Không có cái gì có thể dùng để đè nén một cách hệ thống tất cả những tham muốn; có lẽ người ta sai lầm khi tin rằng giải thoát được khỏi chúng, cho đến một ngày nào tất cả những tham muốn bị dồn nén này nhảy lên trên bề mặt với sự hung dữ còn mạnh hơn. Vô ích khi cắt những cỏ dại trong vườn, chúng sẽ tiếp tục mọc chừng nào người ta chưa nhổ sạch gốc. Thế nên chỉ có một cách để ra khỏi tình trạng không thỏa mãn thường trực mà tham muốn ném chúng ta vào: chế ngự con cọp tâm thức này chừng nào nó còn không biết bản tánh thực sự của nó.
Sẽ sai lầm khi nói rằng chúng ta không có sự điều phục tâm thức nào, vì chúng ta đều có một hiểu biết về một quá trình tập sự dài lâu. Thật vậy có một thế giới kinh nghiệm giữa em bé khóc oa oa theo bản năng thuần túy và người lớn chúng ta: người ta đã thâu hóa mọi cái cần thiết cho sự sống của con người, rồi cuộc sống trong xã hội. Lớn lên, người ta học tự biết chính mình ít nhiều và xử sự với chung quanh tốt hơn. Trong một nghĩa nào đó, người ta đã bắt đầu một ít huấn luyện con cọp, nhưng rất bề mặt, vì người ta chưa thấy tận mặt nó. Bản chất hoang dã của nó vẫn không được chế ngự, tuy nhiên người ta có thể làm cho nó chấp nhận tạm thời, một thỏa hiệp ngấm ngầm và giới hạn, chẳng hạn như không ăn thịt những người trong vườn nhà chúng ta: một loại quy ước chừng mực, nó không đặt vấn đề với sự thống trị của con cọp.
Người ta không thể hy vọng thuần dưỡng được một con cọp mà không biết khía cạnh hoang dã của bản chất nó; như thế sẽ nguy hiểm cũng như không hiệu quả. Sự việc như vậy cũng đúng với chúng ta: cần phải tự thấy mình và tự chấp nhận như mình là vậy. Tố cáo, buộc tội toàn thể thế giới là nguyên nhân của những rắc rối khó khăn của chúng ta thì chẳng có nghĩa gì cả: đến một lúc nào người ta phải tự nhìn mình mặt đối mặt và đảm trách chính mình như mình thực sự là, toàn khối, không ma mãnh chọn lựa giữ lấy cái hình ảnh mà người ta thích thấy về chính mình và che giấu mọi thứ còn lại. Người ta không thể ném tất cả những thứ mình không thích vào một bao rác và giấu nó vào một góc: cái bao sẽ đầy ứ đến độ nổ bùng. Sự dồn nén có hệ thống không bao giờ là một giải pháp, mà ngược lại: nó có thể thành một nguyên nhân của tâm bệnh. Phải chơi thẳng thắn với chính mình: người ta đặt tất cả lá bài của mình trên bàn – cái tốt và cái kém tốt, cái tốt nhất và cái rất đáng ghét. Vâng, chắc chắn đó không phải là những con bài lý tưởng, những con bài người ta chọn lựa cho một ván bài ngon lành; mà đấy chỉ là những cái người ta thật sự có trong tay, và chính đối với chúng ta mà phải chơi phần mình, dù có ra sao. Dù sao, không có ai khác làm điều đó nơi chỗ ngồi của bạn, và chính bạn phải sống trò chơi đó trong bàn tay.
Người ta bắt đầu trưởng thành khi thôi tạo những ảo tưởng và chạy theo những giấc mộng hão huyền, thôi cho những tham muốn của mình là những thực tại. Người ta có nhận xét đơn giản: “Tôi là thế đó; điều này không làm tôi khoái, nhưng đó là tất cả những gì tôi có. Tốt hơn tự xoay sở để rút ra phần tốt nhất có thể có từ cái trò chơi khập khiễng này.” Nếu người ta có thể tự chấp nhận mình như người ta là vậy, người ta sẽ có thể chấp nhận mọi cái còn lại – những người khác, thế giới, cuộc đời. Dù sao, không có cái gì là mãi mãi lý tưởng: mỗi thời, mỗi hoàn cảnh đều có những khó khăn của nó: tuổi nhỏ, thiếu niên, trưởng thành và tuổi già. Vậy thì không phải là nổi loạn với hoàn cảnh của chúng ta mà sự việc trở nên tốt hơn: nguồn của hạnh phúc và khổ đau không nằm ở đâu khác ngoài chính mình, người ta đã thấy điều đó. Khi chấp nhận hoàn cảnh như nó là, người ta tác động lên thực tế của những sự việc, thay vì bì bõm trong những ý niệm thành kiến. Phần lớn thì người ta không thể thay đổi gì cả những hoàn cảnh, vì chúng độc lập với ý chí của chúng ta. Cái mà chúng ta có thể thay đổi chính là cách phản ứng của chúng ta.
Nếu người ta không hiểu lầm, chúng ta không đang tán dương cho sự thụ động! Có một sự quân bình giữa sự không hoạt động có hệ thống và sự hoạt động cưỡng bách: sẽ là ngu si nếu không cải thiện cái có thể làm, nhưng cũng vô ích để hết thời gian chạy theo những điều kiện lý tưởng của cuộc sống mà dù sao cũng chỉ hiện hữu trong đầu óc chúng ta: danh từ “lý tưởng” chẳng phải đến từ danh từ “ý tưởng” sao? Ý thức rõ ràng hoàn cảnh con người và những giới hạn của nó, người ta chấp nhận chúng. Tiếp theo, người ta đối mặt với cái hàng ngày theo cách tốt nhất người ta có thể mà không chờ đợi thế giới phù hợp với những tham muốn hay những ước mong của chúng ta. Đã biết chỗ của con cọp và ý thức bản chất hoang dã của nó, người ta sắp học cách nuôi dạy nó.
Dù người ta so sánh tâm thức không trưởng thành với một con cọp hay một con ngựa hoang, như Gurdjieff ví von, thì những nguyên tắc nuôi dạy vẫn như nhau: người dạy phải tìm thấy chỗ ở giữa của cái quá độ bắt buộc và quyền uy, và quá tự do, như chúng ta sẽ thấy chi tiết khi nói đến sự phát triển chú tâm. Nhưng cũng phải yêu thương nó, biểu lộ thiện cảm với nó, nếu không nó không để cho chúng ta nuôi dạy. Chắc hẳn người ta biết rằng con cọp chịu trách nhiệm về mọi vấn đề khó khăn của chúng ta, nếu không người ta chẳng cần huấn luyện nó làm gì. Nhưng không phải với sự cau có gắt gỏng và hiềm oán mà chúng ta nuôi dạy nó; phải tỏ ra thông hiểu, chấp nhận nó như nó là, với những phẩm tính và những khuyết điểm của nó, và tiềm năng người ta cảm thấy nơi nó. Như vậy, chúng ta biết rằng chính tâm thức chúng ta là nguồn của tham muốn, nguyên nhân của sự không thỏa mãn căn đế và những khổ đau của chúng ta. Điều đó không có nghĩa là người ta cảm thấy phạm tội và tự trừng phạt mình, mà chỉ là có được đủ sự nắm quyền trên tâm thức để không gây ra những khổ đau cho riêng mình nữa, chứ chưa nói đến những khổ đau của người khác. Phải tỏ ra thông cảm với chính mình. Loại chấp nhận với tình thương này phát xuất từ lòng bi, một trong những động cơ chính yếu của sự tiến bộ tâm linh, như người ta sẽ thấy, và chính trước tiên với chính mình mà người ta áp dụng lòng bi đó: sự nhân từ có trật tự phải bắt đầu từ chính mình… Rồi nhờ kinh nghiệm có được khi thuần hóa con cọp của mình, người ta sẽ hiểu sự cần thiết tất yếu biểu lộ cùng một lòng bi ấy và cùng một sự thông cảm ấy đối với những người khác.
Sự nuôi dạy con cọp bên trong là một công việc dài hơi mà người ta không thể dấn mình sơ sài. Đó không phải là có một kỹ thuật ngoại quốc, như một đồ vật đẹp người ta để trong tủ kính, giữa những chiến lợi phẩm và những bộ sưu tập khác. Trái lại, người ta chấp nhận ngừng sưu tập, chơi đùa và đi quanh co để nhìn thẳng vào mắt con cọp. Để tự nhìn mình. Người ta có thể hoàn toàn có văn hóa và bằng cấp, và có một huyết thống tốt đẹp về nghề nghiệp, nhưng điều đó không khỏi có lúc họ thấy hoàn toàn không có vũ khí và bất lực đối mặt với những vấn đề của cuộc sống cá nhân, bởi vì kiến thức và những danh hiệu cuộc đời không ích lợi gì lắm trong việc thuần hóa con cọp bên trong. Đó là cả một nghệ thuật, nó đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và kiên trì để tìm ra chỗ con cọp, nhiều can đảm và khôn khéo để giáp mặt với nó, nhiều sáng suốt để nhìn rõ nó và học cách nhận biết nó. Phải luân phiên chuyển đổi cách êm dịu rồi mạnh mẽ, theo từng lúc, nhưng luôn luôn đầy đủ sự kính trọng và tình thương để tạo thành những mối liên hệ bạn bè với nhau và để cho con cọp chấp nhận người dạy nó và điều người dạy muốn làm với nó. Một ngày kia nó sẽ được thuần hóa đến nỗi người ta sẽ tự hỏi làm thế nào mà người ta đã có thể sợ nó như vậy…