JIDDU KRISHNAMURTI
Trước tiên, không những chúng ta cần tìm hiểu tôn giáo mà còn cả ý nghĩ và tư duy là gì? Vì tất cả mọi sinh hoạt, trí tưởng tượng của con người, và những gì được ghi chép trong Áo nghĩa thư (Upanishads), hoặc các kinh điển tôn giáo đều được ý nghĩ tạo ra. Ngay cả khoa kiến trúc, nền kỹ thuật phi thường của thế giới, cũng như các đền đài và những gì được chứa đựng bên trong, dù đó là đền thờ Ấn giáo, hay Hồi giáo, hoặc một thánh đường Thiên chúa giáo, cũng đều là sản phẩm của ý nghĩ. Mọi lễ nghi, cúng tế, thờ phượng đều do ý nghĩ đặt ra. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Tất cả quan hệ của con người đều đặt trên ý nghĩ; tất cả các định chế chính trị của nhân loại đều đặt trên ý nghĩ; mọi cơ cấu kinh tế, mọi sự phân định thành các quốc gia đều là kết quả của ý nghĩ. Các bạn thấy đấy, chúng ta luôn luôn tìm hiểu các sự kiện ngoại quan nhưng hầu như chưa bao giờ tự hỏi: Tư duy là gì? Nguồn gốc và hệ quả của tư duy là gì? Không phải cái mà các bạn nghĩ về, mà là hành vi tư duy, cũng không phải hậu quả của tư duy, là cái khác với sự tìm hiểu tự thân tư duy. Chắc các bạn hiểu điều tôi muốn nói?
Tư duy là điều chung nhất cho toàn thể nhân loại. Ý nghĩ không phải của tôi, mà đơn thuần chỉ có ý nghĩ, chẳng phải theo lề thói Đông phương cũng không phải phong cách Tây phương, mà chỉ có tư duy.
Chúng ta sẽ giải thích tư duy là gì, nhưng sự giải thích thì không phải là sự thấy biết thực sự ý nghĩ sinh khởi như thế nào trong chính các bạn. Diễn giả có thể đi sâu vào vấn đề ý nghĩ, và mô tả ý nghĩ như thế nào nhưng sự giải thích của diễn giả thì không phải là sự hiểu biết của chính các bạn về nguồn gốc của ý nghĩ. Những gì mô tả bằng ngôn từ đều không phải là phát hiện thực sự của chính các bạn; nhưng nhờ giải thích và qua truyền đạt bằng ngôn từ thì chính các bạn có thể phát hiện sự hình thành của ý nghĩ. Điều này quan trọng hơn là sự giải thích của diễn giả.
Diễn giả đã thuyết giảng khá nhiều ở khắp nơi trên thế giới suốt sáu mươi năm qua. Vì thế người ta đã đẻ ra một cái tựa gọi là “giáo huấn của người” [có tiếng cười]. Hãy cho tôi một phút. Giáo huấn không phải là cái gì đó trong kinh sách; những gì mà giáo huấn muốn nói là: “Hãy quan sát chính bạn, hãy đi vào chính bạn, tìm xem những gì trong bạn, hiểu nó, và vượt ra khỏi nó,” vân vân. Giáo huấn chỉ là phương tiện chỉ đường, dẫn giải; điều các bạn phải hiểu rõ không phải là giáo huấn, mà là chính các bạn. Các bạn rõ chứ? Vậy đừng cố tìm hiểu những gì diễn giả đang nói, mà nên hiểu rằng những gì diễn giả trình bày cũng giống như một tấm gương mà qua đó các bạn nhìn thấy chính mình. Khi đã quan sát chính mình một cách tường tận thì cái gương kia không cần thiết nữa mà nên quẳng nó đi. Đó là điều chúng ta sẽ làm.
Ý nghĩ là gì mà con người tùy thuộc vào nó để sống, để ứng xử trong mọi quan hệ cũng như để tìm kiếm một cái gì đó siêu vượt khỏi chính nó? Hiểu được bản chất của ý nghĩ là điều rất quan trọng. Diễn giả đã từng thảo luận vấn đề này với nhiều khoa học gia Tây phương chuyên nghiên cứu về bộ óc con người. Chúng ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của bộ óc. Các bạn có thể quan sát điều này trong chính mình nếu các bạn đã đi vào vấn đề, mà đây cũng là một phần của thiền, để tìm ra cho chính mình xem có phải toàn thể bộ óc hay chỉ một phần nhỏ của nó hoạt động. Đây là một trong những vấn đề. Ý nghĩ là phản ứng của ký ức, ký ức được lưu giữ qua kiến thức, kiến thức được huân tập qua kinh nghiệm. Có nghĩa là kinh nghiệm, kiến thức, ký ức được lưu giữ trong bộ óc, rồi ý nghĩ khởi sinh, rồi đến hành động; từ hành động các bạn biết thêm – có nghĩa là các bạn tích lũy thêm kinh nghiệm, thêm kiến thức và lưu giữ thêm ký ức trong bộ óc, rồi hành động, và từ hành động đó các bạn lại biết thêm. Như vậy toàn thể tiến trình được đặt trên sự vận hành sau: kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, ý nghĩ, hành động.
Đó là mô thức của cuộc sống, tức là ý nghĩ. Không có gì phải tranh cãi về điều này. Chúng ta thu thập vô số thông tin qua kinh nghiệm của chính mình, hoặc qua kinh nghiệm của người khác, và lưu giữ kiến thức đó trong bộ óc, rồi từ đó ý nghĩ khởi sinh và hành động. Con người đã làm điều này suốt cả triệu năm qua, vướng mắc trong cái chu trình này, tức là sự vận hành của ý nghĩ. Trong lĩnh vực này, dĩ nhiên con người vẫn có sự lựa chọn, chúng ta có thể đi từ góc này sang góc khác và bảo: “Đây là sự lựa chọn của ta, đây là sự di chuyển tự do của ta,” nhưng nó vẫn ở trong phạm vi hữu hạn của kiến thức. Như thế chúng ta luôn luôn hành hoạt trong phạm vi của những gì đã biết, mà kiến thức bao giờ cũng đi cùng với vô minh vì chẳng bao giờ có kiến thức trọn vẹn về một cái gì. Vì vậy chúng ta thường xuyên ở trong trạng thái mâu thuẫn: kiến thức và vô minh. Ý nghĩ thì không bao giờ trọn vẹn và vụn vặt, vì kiến thức không bao giờ có thể trọn vẹn, do đó ý nghĩ bao giờ cũng hữu hạn và bị điều kiện hóa. Và ý nghĩ đã tạo ra vô số vấn đề cho chúng ta.