TONY BUZAN
Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội; Biên Dịch: TriBookers; NXB Tổng Hợp TP HCM
“Nếu ai đó không đồng ý với tôi, việc của tôi là thay đổi suy nghĩ của anh ta? Không! Việc của tôi là cứ để anh ta làm vậy.”
– Andrew Matthews
Con người ai cũng có mục tiêu là đắc nhân tâm (biết cách đối nhân xử thế và thu phục lòng người), được biết đến, thực hiện những cuộc thương lượng thành công và xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Thương lượng là một kỹ năng Trí tuệ Xã hội quan trọng. Nhắc đến hai từ này, hầu hết mọi người thường liên tưởng ngay đến kinh doanh và công việc, nhưng thương lượng cũng rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Mục tiêu của mọi cuộc thương lượng là kết thúc với một thỏa thuận chung giữa những bên có liên quan, tất cả mọi người đều vui vẻ ra về với kết quả đạt được. Không dừng ở đó, cách làm này cũng có thể áp dụng trong việc giải quyết vướng mắc giữa cha mẹ và con trẻ vị thành niên (như được phép đi dự tiệc và về trễ đến mấy giờ), cũng như trong các cuộc đàm phán về tiền lương, điều kiện làm việc giữa công đoàn và nhà quản lý. Trí tuệ Xã hội đều được cần đến trong những tình huống như thế này.
Sau đây là một câu chuyện khó tin về thương lượng và hợp tác từ thế giới loài vật.
Một câu chuyện đáng ngạc nhiên về loài vật
Một đoàn làm phim về lịch sử tự nhiên Canada quyết định quay một bộ phim chưa từng được thực hiện trước đó – một năm về cuộc sống của một bầy sói. Họ sử dụng cả máy bay trực thăng để có thể ghi hình từ trên không cuộc di trú hàng năm của bầy sói cùng với “nguồn thực phẩm” chính của chúng, những con hươu.
Ngạc nhiên lớn đầu tiên khi đoàn làm phim quan sát mối quan hệ giữa bầy hươu và bầy sói là hành vi mang tính xã hội của chúng.
Có giả định cho rằng trong cuộc di trú, bầy hươu phải tự quản lý và bảo vệ bầy đàn; còn đàn sói cứ “lẽo đẽo” theo sau, thường tấn công một cách “lén lút”, “hèn nhát” vào những lúc bầy hươu đuối sức nhất.
Tuy nhiên, thật ra là bầy hươu và bầy sói … cùng nhau di trú! Không chỉ vậy, chúng thực sự là … những người bạn! Suốt nhiều ngày liên tục, chúng chạy cùng nhau, vờn nhau và cùng nghỉ ngơi.
Chỉ đến khi đám sói bắt đầu đói bụng thì mối quan hệ mới thay đổi, thậm chí đây cũng là một thỏa thuận ngầm giữa đôi bên. Con sói đầu đàn, một con sói cái, sẽ bất ngờ dừng lại, ra dấu cho những “gã thợ săn” của nó rằng cuộc săn đuổi bắt đầu. Đám hươu bình tĩnh gom đàn lại, và chờ đàn sói ra hiệu – “Chạy”. Ngay khi có tín hiệu, mọi sự liền diễn ra theo mô thức mang tính xã hội đã được thỏa thuận. Đàn sói chỉ chọn một con hươu làm mục tiêu săn đuổi – thường là con yếu hơn cả, nhưng thỉnh thoảng sẽ là một con bình thường nào đó trong bầy.
Cuộc săn đuổi thường kéo dài tối đa là 10 phút, và hầu như lúc nào đàn sói cũng thành công. Một khi mục tiêu đã được chọn, những con hươu còn lại cứ nhởn nha như bình thường.
Tuy nhiên, cứ khoảng năm lần thì có một lần con hươu khỏe mạnh, kiên cường chạy thoát được và quay trở về đàn. Liệu đàn sói có tiếp tục đuổi bắt và chọn một con hươu ít kiên cường hơn? Không! Chúng tuân thủ “thỏa thuận” và chấp nhận nhịn đói trong một hay hai ngày tới.
Cho đến khi đàn sói sẵn sàng kiếm ăn lần nữa, không thì trước đó bầy hươu và bầy sói vẫn sống hòa bình bên nhau như bạn đồng hành – đàn sói bảo vệ bầy hươu trước những kẻ săn mỗi khác, và bầy hươu cung cấp … nguồn thực phẩm tươi sống, bổ dưỡng cho đàn sói.
Khám phá này thật đáng kinh ngạc, nhưng sẽ còn nhiều điều kỳ thú khác đang chờ phía trước!
Một ngày nọ, máy bay trực thăng dẫn đầu đoàn làm phim thông báo rằng đàn sói đang tiến đến hưởng xác của một con hươu sừng tấm. Điều đặc biệt khiến viên phi công thấy thú vị là hai con thú khác – gấu xám và chồn Bắc Mỹ — cũng đánh hơi thấy thịt của con hươu này, và đang tiến đến từ hai hướng khác nhau. Mặc dù tương đối nhỏ con nhưng chồn Bắc Mỹ được xem là một trong những loài hiếu chiến nhất thế giới, sẵn sàng chiến đấu giành giật từng miếng mồi. Với móng vuốt và răng của mình, chúng có thể dễ dàng xé nát túp lều, và chỉ một cú đớp thôi cũng có thể xơi gọn hai lon thực phẩm.
Con sói đầu đàn tách khỏi bầy để điều tra mùi hương trêu ngươi kia, và viên phi công trực thăng hăm hở dự đoán thể nào cũng nổ ra một trận “thư hùng” giữa các loài với nhau – một cảnh tượng chưa từng được ghi hình.
Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra?
Những gì mà bộ phim trình chiếu thật khác thường và hoàn toàn không dự đoán trước được. Ba loài hiếu chiến tề tựu ở vạt rừng trống đó gần như cùng lúc, mỗi bên cũng đã bắt đầu nhận thức được sự có mặt của đối thủ. Nhưng thay vì tỏ ra hung hãn và ngay lập tức xông trận, mỗi bên vẫn bình tĩnh quan sát lẫn nhau. Chúng chờ đợi và quan sát …
Con sói cái, trong tư thế như một con mèo đang rình rập một chú chim, nhẹ nhàng bước một chân về phía trước, dừng lại, ngó chừng hai con thú kia. Nhận thấy mọi chuyện đều ổn, nó bước thêm một bước nữa. Nó cứ từ từ di chuyển như thế, trông chậm chạp đến là khổ sở, cho đến khi tiến đến xác con hươu.
Tại đó, “ả” tiếp tục quan sát động thái của đối thủ để đảm bảo mọi thứ vẫn ổn, rồi mới hết sức từ tốn táp một miếng thịt lớn. Và cũng không cho phép mình bất cần một giây phút nào, nó từ từ quay trở lại vị trí ban đầu.
Ngay khi con sói cái vừa trở về vị trí cũ, “gã” gấu cũng thực hiện chính xác những bước như vậy, và sau đó đến lượt “tên” chốn Bắc Mỹ!
Chúng lập lại quy trình ấy nhiều lần. Mỗi con liên tục ngó chừng động tĩnh của những con còn lại và lần lượt hưởng phần – mỗi lượt chỉ được lấy “phần chia công bằng” của mình mà thôi!
Đó là một điệu vũ giao hòa chậm, đẹp đến hoàn hảo giữa trời đông tuyết giá!
Nhưng tại sao ba “chiến binh” dũng mãnh nhất trong vương quốc loài vật lại bỏ qua cơ hội “tranh hùng xưng bá”? Bởi vì, không giống như những kẻ hiếu thắng sẵn sàng lao vào cuộc chiến, chúng “thông minh” – về mặt xã hội – hơn! Qua kinh nghiệm và khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể tinh tế, từng con đã nhận thức được nhu cầu và lượng biết được sức mạnh của đối phương.
Tự thân chúng biết mình có thế mạnh và kỹ năng chiến đấu để giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Bên cạnh đó, chúng cũng nhận thấy trong cuộc chiến ấy, ngay cả khi chiến thắng thì chắc chắn chúng sẽ bị thương nặng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Do vậy tất cả đều đưa ra một quyết định sáng suốt: nhận biết nhu cầu của đối phương, chia sẻ nguồn thức ăn, giữ sức và bảo toàn nguyên vẹn tính mạng của mình hơn là hứng chịu những vết thương nghiêm trọng.
Khi từng con đã thỏa mãn nhu cầu, bạn gần như có thể cảm nhận chúng gật đầu ra hiệu cho nhau, sau đó chầm chậm quay đi và trở về với nơi chúng đã đến. Sau khi chứng kiến những điều tuyệt vời ngoài mong đợi, viên phi công trực thăng đã sững sờ nín lặng.
Giải pháp “cùng có lợi”
Trong cuộc “thương lượng”, những con vật trong câu chuyện trên đã chọn giải pháp “cùng có lợi” – giải pháp mà những người ra về đều cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được.
Một cuộc thương lượng đúng nghĩa diễn ra khi có sự tôn trọng giữa các bên, tôn trọng quan điểm của nhau và tham gia thảo luận với tinh thần tích cực. Nếu bạn quả quyết rằng giải pháp của bạn là đúng hoặc bạn chịu thua thiệt, để mình bị áp đặt thì đó không phải là thương lượng, đó là sự độc tài.
Nếu bạn có đủ quyền uy để gây ảnh hưởng trong trường hợp này, bạn sẽ có khả năng áp đặt giải pháp của bạn. Nhưng chắc chắn đối phương không cảm thấy hài lòng và sẽ làm tất cả những gì có thể để phá hỏng kế hoạch tương lai của bạn. Gieo thù chuốc oán không phải là cách làm thông minh!