INAMORI KAZUO
Nguồn: Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế; Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch; NXB. Trẻ; 2017
Inamori Kazuo thành lập công ty Kyoto Ceramic (Công ty Kyocera ngày nay) và đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng quản trị, từ năm 1997 thì giữ chức Nhà sáng lập và Chủ tịch Danh dự. Năm 1984, ông thành lập công ty Daini Denden (công ty KDDI ngày nay) và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó, từ năm 2001 ông trở thành Cố vấn Danh dự; đồng thời ông thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng “Kyoto” để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Ông còn giữ chức hiệu trưởng trường tư thục quản lý “Seiwa juku” là nơi tụ hội các doanh nhân trẻ. Nguyên chủ tịch của JAL (Hàng Không Quốc gia Nhật Bản)
——–???——–
LỢI THA LÀ TOA THUỐC HIỆN ĐẠI
Saigo vốn là con cháu nhà sỹ tộc (1) cấp thấp ở Kagoshima. Lúc nhỏ, ông có biệt danh Udo (2) , xuất phát từ quán ngữ “Udo no taiboku”, vì Saigo có thân hình to lớn, mắt to, ít nói, không mẫn tiệp, chẳng nhanh nhẹn, lại thô kệch.
Một đứa bé như vậy nhưng đã nên nghiệp lớn. Làm sao Saigo có thể trở thành người như vậy. Đó là vì ông lớn lên dưới sự dìu dắt của danh tướng lừng lẫy Shimazu Nariakira và từng nhiều lần trải qua khổ nạn.
Ông đã nếm mùi vị cay đắng qua hai lần chịu hình phạt đày ra đảo. Ở độ tuổi 30, ông bị đày ra đảo Okinozerabu cách xa Kagoshima hơn 500km về phía Tây Nam, chịu nhốt trong một nhà giam xây cất tam bợ, mưa rát mặt, nắng cháy da, cùng cực tưởng không gì hơn. Thấy vậy, Tsuchimochi Masateru – vốn là lính canh ở đó, đã không cầm lòng báo lên quan trên nên Saigo được chuyển sang nhà giam có che chắn, không bị mưa tạt. Nhờ sự giúp đỡ của người dân ở đảo mà Saigo như chết đi sống lại. Để đền ơn, ông dạy văn chương cổ điển Trung Hoa như Tứ thư – Ngũ kinh (3) cho trẻ con ở đó.
Có lần, Saigo hỏi mấy đứa trẻ đang tập trung ở chỗ mình:
– Để một gia đình hòa thuận thì phải làm thế nào?
Đám trẻ hiếu học nhao nhao trả lời:
– Trung nghĩa với vua, hiếu hạnh với song thân, phu phụ hòa thuận, anh em sum vầy, bạn bè thân thiện ạ.
Đương nhiên câu trả lời đúng với “ngũ luân ngũ thường” (4) của nho giáo.
Thế nhưng Saigo nói:
– Đúng là vậy. Các con trả lời đúng với “ngũ luân ngũ thường” là không sai. Nhưng đó chỉ là lời răn dạy. Các con có biết để thực hiện được điều đó khó như thế nào không?
Rồi ông lại hỏi:
– Có cách mà ai cũng có thể thực hiện được ngay. Các con có biết không?
Bọn trẻ không trả lời được.
– Đó là tránh xa ham muốn.
Saigo đã nói như vậy. Chỉ cần mỗi người vứt bỏ lòng ham muốn quá độ, mọi việc sẽ suôn sẻ. Nhưng trên thực tế, mọi người đều là một khối ham muốn nên gia đình và xã hội đều như không mong muốn. Tôi bị thuyết phục bởi cách nhìn này của Saigo.
Nếu nhìn những nhiễu nhương, khủng hoảng hiện nay là những vấn đề phát sinh từ lòng tham quá độ của mỗi cá nhân, chúng ta sẽ có cách giải quyết. Chỉ cần từng người chúng ta gọt bớt lòng tham của mình, chịu tổn thất một chút, hay chỉ cần chúng ta dũng cảm nhường chút lợi của mình cho người khác, mọi việc sẽ lại suôn sẻ, trôi chảy. Tuy nhiên, thực tế, thực hiện được điều này rất khó. Saigo biết rõ điều này, vì vậy ông đã nói “tránh xa ham muốn”.
Tránh xa ham muốn, mài giũa lòng thành, cống hiến cho người. Đó chính là phương thuốc cho thời đại đang bệnh tật này. Có thể nói đây chính là triết học để mọi người sống đúng đắn, là đạo đức chân chính.
ĐÈ NÉN LÒNG THAM, SỰ GIẬN DỮ, LỜI CHÊ BAI BẰNG SỨC MẠNH Ý CHÍ
Đương nhiên một trái tim mưu cầu lợi ích là cần thiết đối với hoạt động của con người và sự nghiệp. Nhưng không được để lòng ham muốn đó thái quá.
Nếu chỉ với nguyện vọng mãnh liệt, lòng ham muốn kiếm tiền mạnh mẽ thì kinh doanh sẽ phát triển. Nhưng nhìn dài lâu thì nhất định không suôn sẻ. Chỉ phó thác cho sự ham muốn, tức ích kỷ quá độ thì sẽ đến lúc nào đó phải đón nhận sự phá sản.
Một khi đã tiến hành công việc điều hành một công ty, dù chỉ tuyển 1, 2 nhân viên thôi vẫn có nghĩa là anh đang làm vì người khác, vì thế gian. Nếu anh làm việc chăm chỉ, hướng trái tim đến điều thiện và thực hành điều thiện, cuộc đời anh sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
Con người vốn mang trong mình những suy nghĩ hướng thiện, mong muốn làm việc gì đó cho đời, cho người. Lao động vì gia đình, giúp đỡ bạn bè, hiếu thảo với cha mẹ – những hành động sâu sắc vì người khác của từng cá nhân sẽ trở thành những hành động “lợi tha” với quy mô lớn hơn, vì công ty, vì đất nước, vì thế giới.
Cách suy nghĩ kiềm chế ham muốn cá nhân, làm lợi cho người chính là hạt nhân trong lời răn dạy “Kính Thiên Ái Nhân” của Saigo Nanshu.
- Điều Di Huấn Thứ 21
Đạo là đạo lý căn bản, tự thân trong trời đất nên để đạt được sự tận cùng của học vấn, phải luôn tâm niệm lấy câu “Kính Thiên Ái Nhân” làm mục tiêu tu thân. Mục tiêu thật sự của việc kiềm chế bản thân nằm trong câu “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” (5) (Luận ngữ). Mọi người ở đời đều thành công nếu kiềm chế được bản thân, nhưng sẽ thất bại nếu quá yêu bản thân mình. Hãy nhìn lại các nhân vật trong lịch sử, hầu hết họ thường đi đến bảy, tám phần thành công trên con đường gầy dựng sự nghiệp nhưng ít ai đi trọn hai, ba phần đường còn lại. Bởi ban đầu họ biết kiềm chế bản thân, thận trọng trong công việc nên thành công, tạo nên danh tiếng. Nhưng cùng với thành công và sự nổi tiếng, trái tim yêu cái tôi trỗi dậy, ý thức cảnh giác, thận trọng trở nên yếu đi, tư tưởng cao ngạo mạnh lên, lộng ngôn cho rằng mình có thể làm bất kỳ việc gì, để rồi gánh chịu thất bại. Đó là kết quả do chính bản thân tạo ra. Vì vậy phải thường xuyên chiến thắng bản thân mình, ngay cả những lúc không có ai theo dõi, nhắc nhở, hỏi han, quan trọng là phải luôn cảnh giác với bản thân.
“Đạo” mà Saigo đề cập là thiên đạo, tức “thành”. Trong Trung dung có viết “Thành là đạo của trời. Con người ở đời phải thực thi thành”. Thành thật, thành tâm là đạo lý, đi theo đạo lý đó mới phải đạo làm người.
“Giảng học” là chuyên tâm con đường học vấn. Mục đích của việc chuyên tâm học vấn là “Kính Thiên Ái Nhân” – Saigo nói vậy. Thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất, gìn giữ đạo lý thành thật, yêu người không toan tính là mục đích của học vấn.
Hơn nữa, để đi con đường “Kính Thiên Ái Nhân”, phải tu dưỡng tâm hồn mình. Để tu dưỡng bản thân, phải trước sau như một, kiên trì “khắc kỷ”. Nếu để tôi nói theo cách của mình thì “khắc kỷ” là chiến thắng hay đè nén bản thân khi sắp bị cuốn vào phiền não. Nếu bỏ mặc, những ham muốn trong trái tim con người sẽ thường xuyên trỗi dậy. Những ham muốn ấy là do tạo hóa ban cho con người, gọi đó là bản năng. Một khi đã sống ở đời, con người ai cũng có “phiền não”. Đó chính là yếu tố không thể thiếu để duy trì cơ thể một con người.
Nghĩa là khi đói bụng, “thực vọng” – ham muốn cái ăn trỗi dậy; hay khi đối mặt với kẻ thù, sự căm ghét, giận dữ trong lòng xuất hiện. Hoặc con người tỏ ra ngu si khi vô tri mông muội. Những ham muốn, sự giận dữ, hay ngu si là những thứ mạnh nhất trong các phiền não, trong Phật giáo gọi là “tam độc”. Nếu cứ bỏ mặc, tam độc này sẽ phát tán trong trái tim ta.
Chính việc đè nén các phiền não này là khắc kỷ. Khắc kỷ là đè nén các phiền não thường xuyên có mặt trong tâm hồn, đặc biệt là “tam độc” bằng chính sức mạnh ý chí bản thân.
Tiếp theo Saigo nói “những ai khắc kỷ được đều thành công”. Kỷ ở đây là cái tôi tham vọng, đầy tà niệm. Chỉ cần thắng được nó thì dù là công việc hay cuộc sống đời thường đều suôn sẻ. Nghĩa là, cái tôi đầy ham muốn có liên hệ chặt chẽ với việc người đó có kiềm chế được cái tôi đó không, từ đó sẽ có kết quả thành công hay không – Saigo nói vậy.
Việc này cực kỳ quan trọng. Con người bắt đầu sự nghiệp, họ cố gắng hết sức mình cho sự nghiệp và đạt được bảy, tám phần thành công. Thế nhưng, số người đạt hết hai, ba phần thành công còn lại thì rất ít.
Thời gian đầu, họ thận trọng, khiêm tốn, ra sức tu thân, theo đạo lý, thành thật, nỗ lực hết mình. Nhờ vậy họ thành công, trở nên nổi tiếng nhưng đi theo thành công, nổi tiếng là thái độ lơ là với việc tu thân, không kiềm chế cái tôi, tự đề cao và chỉ yêu bản thân. Tinh thần khắc kỷ, kiềm chế cái tôi thật nghiêm khắc lâu nay dần chuyển sang thái độ tự tán thưởng bản thân.
Không phải được người khác khen ngợi, mà là chính họ tự khen mình “tôi đã cố gắng, vượt qua gian khổ, tôi thật giỏi”, tự đánh mất tính khiêm tốn. Suy nghĩ này chắc chắn xuất hiện cùng lúc với thành công và sự nổi tiếng.
Và suy nghĩ ban đầu “công ty là của mọi người, vì mọi người” nay trở thành “công ty này của mình, vì mình”, từ đó bắt nguồn cho sự sa sút. Saigo cho rằng tất cả là do bản thân mình tạo ra.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO TÀI GIỎI ĐẾN MẤY VẪN CÓ THỂ SAI LẦM
“Mọi người ở đời đều thành công nếu kiềm chế được bản thân nhưng sẽ thất bại nếu quá yêu bản thân mình”.
Đây là điều người lãnh đạo cần khắc cốt ghi tâm. Như phần trên tôi đã trình bày, thời gian đầu lập chí ai cũng thận trọng, khiêm tốn, nỗ lực trong công việc. Nhưng khi có được một, hai lần thành công, họ trở nên kiêu ngạo, tự mãn mà chính họ cũng không nhận ra. Thế rồi, giữa đường ý chí bị bẻ gãy, rốt cuộc kết thúc với thất bại.
Ông Aoyama Masaji là một ân nhân cỡ tuổi cha tôi. Quan hệ giữa chúng tôi là quan hệ giữa cấp trên và thuộc cấp, khi tôi mới tốt nghiệp đại học, vào làm cho hãng chế tạo ống cách điện Shofu Kogyo ở Kyoto. Khi tôi rời Shofu Kogyo, ông Aoyama cũng nghỉ việc, cùng tôi sáng lập Kyocera.
Vì đây là công việc sản xuất sản phẩm đơn lẻ nên tôi muốn mau chóng đưa công ty đi vào ổn định, từ đó liên tục mở rộng sản xuất nhiều sản phẩm mới nhưng ông Aoyama đã rất sốt ruột vì điều đó.
Có lần chúng tôi cùng đi công tác. Buổi tối, chuẩn bị đi ngủ thì ông bắt chuyện.
– Cậu Inamori này, nói chuyện chút được không?
“Ông Shofu Kajo, người sáng lập Shofu Kogyo là một nhà kinh doanh hàng đầu. Ông ấy đã tạo nên sự lớn mạnh của công ty bằng việc cung cấp ống cách điện cho dòng điện cao áp, lại có niềm tự hào với kỹ thuật, văn hóa làm gốm truyền thống Kyomizuyaki của Kyoto.
Thời chiến, Shofu đã chế tạo đường ống lọc nước bằng đồ gốm nung thô. Quân đội Nhật đương thời di chuyển từ cựu Mãn Châu (nay là vùng Đông Bắc Trung Quốc) tiến sâu vào Trung Quốc, gặp khó khăn khi tìm nguồn nước uống. Nghe vậy, ông ấy đã cho chất đầy ống lọc nước lên xe tải, dùng máy bơm tạo áp lực vào nguồn nước lấy từ sông để lọc nước thông qua các lỗ nhỏ trong ống gốm, nhờ vậy quân đội có được nguồn nước uống an toàn. Từ đó, ống gốm trở thành quân yếu phẩm trong thời chiến.
Không biết có phải muốn mở rộng công ty đang trên đà thắng lợi hay không mà ông ấy đã mua núi quặng nhưng đào mãi, khai phá mãi mà chẳng thấy gì, tức bị lừa đấy. Từ đó, công ty bắt đầu sa sút. Ông mất trong lúc còn gánh một khoản nợ lớn, công ty Shofu Kogyo cũng tụt dốc, liên tục thua lỗ”.
Một lời giáo huấn rõ ràng rằng dù có tài kinh doanh, lãnh đạo sắc sảo đến đâu đi nữa mà quên mất sự thận trọng khiêm tốn sẽ dễ dàng sa sút.
Ông Aoyama đã lấy ví dụ đó nhắc nhở tôi thận trọng. Từ đó về sau, vừa tích cực triển khai sự nghiệp, tôi vừa cẩn thận, không tham gia vào các vụ làm ăn không kế hoạch và hơn ai hết, tôi luôn tự nhủ trong lòng không được cao ngạo, nhờ vậy mà công ty tiếp tục phát triển thuận lợi.
DUY TRÌ THÀNH CÔNG KHÓ HƠN ĐẠT ĐƯỢC THÀNH CÔNG
Tôi từng được phóng viên truyền hình nổi tiếng Chikushi Tetsuya (1935 – 2008) mời giảng tại một lớp cao học tại trường Đại học Waseda do ông phụ trách. Tôi đã nói về triết lý kinh doanh của mình, sau đó họ gửi cảm tưởng của sinh viên sau giờ học đến cho tôi. Theo đó, tôi được biết sinh viên đã tranh luận sôi nổi đề tài “triết lý kinh doanh của Inamori Kazuo và Horie Takafumi (6) , ai đúng?” Lúc ấy chưa xảy ra sự kiện Livedoor và có lẽ giám đốc (đương thời) Horie Takafumi cũng đã đến giảng tại lớp đó.
Hai nhà kinh doanh, hai cách suy nghĩ, lập trường hoàn toàn trái ngược nhau. Một cho rằng chỉ cần có tiền là có thể làm được bất kỳ việc gì; một cho rằng phải lấy yếu tố con người làm trọng, chứ không phải tiền. Mục tiêu hướng đến “lợi kỷ”, “lợi tha” cũng đối lập nhau. Đương thời, ông Horie cũng được xem là thành công, Inamori Kazuo cũng thành công. Dù suy nghĩ đối lập nhưng cả hai đều đạt được thành công nhất định trong kinh doanh. Vậy ai đúng, ai sai?
Nếu chỉ xem xét trong giai đoạn ngắn thì không thể nhận ra sự khác biệt. Nhưng vấn đề là có duy trì được sự thành công đó trong thời gian dài không?
Nếu chỉ cần ưu tú, nhiệt huyết tràn trề, không ngại nỗ lực, cố gắng làm việc, khởi nghiệp và gặp chút may mắn thì có khá nhiều người thành công. Tuy nhiên, từ một thành công nho nhỏ mà nảy sinh ngạo mạn, trở nên kiêu căng tự đắc – có không ít các ví dụ cho việc phá tan sự nghiệp vì chuyện này.
Duy trì thành công còn khó hơn đạt được thành công. Cho dù chỉ xuất phát từ động cơ muốn trở nên giàu có, muốn sống phú quý, muốn nổi tiếng, muốn quyền thế thì có thể nắm bắt được thành công nhất định. Ban đầu như vậy cũng được đi. Nhưng nếu chỉ giữ mục tiêu như vậy thì việc duy trì thành công lâu dài không hề dễ dàng.
Thành công trong kinh doanh, hay chính trị, học vấn không có gì là vĩ đại cả. Không tự mãn với thành công, biết khiêm tốn, luôn tu thân lập chí, chiến thắng bản thân mới là con người vĩ đại thật sự. Những người như vậy lại rất cứng đầu, người khác nhìn vào sẽ thấy chẳng có gì thú vị. Nhưng phải là một người “chẳng có gì hay ho” như vậy mới duy trì được thành công.
Thắng được bản thân mình không phải là việc đơn giản. Chính vì vậy, cần phải có triết học để nâng đỡ tâm hồn. Saigo đã nói như thế này về “khắc kỷ”.
- Điều Di Huấn Thứ 22
Vì cố gắng chiến thắng bản thân mình chỉ trong một thời điểm, trong một tình huống nên khó lòng thành công. Phải luôn luôn phấn đấu tu thân khắc kỷ từ tinh thần.
Điều 22 này bổ sung cho điều 21. Điều 21 có viết để tu thân thì phải khắc phục lòng ham muốn, tà niệm của chính mình. Và con người ta khi nghe như vậy thường nghĩ “rồi, hiểu rồi. Nếu xảy ra vấn đề như vậy thì sẽ lưu ý”.
Thế nhưng, thực ra cho dù xảy ra tình trạng như vậy thì không dễ gì ứng phó một cách bất ngờ như vậy được.
Cho nên, điều 22 có viết “khắc kỷ cũng như kiềm chế khí tượng”. Việc kiềm chế bản thân không chỉ là nghĩ trong đầu mà phải được huấn luyện hằng ngày bằng ý chí của chính mình, tập đè nén ham muốn và những suy nghĩ không tốt. Hơn thế nữa, phải biến việc kiềm chế đó thành tính cách của mình. Với nghĩa đó mà Saigo đã dùng từ “khí tượng”.
Nếu thói quen đó không trở thành tính cách, nói cách khác, không chảy trong máu thịt của mình thì khi xảy ra chuyện, con người dù muốn kiềm chế cũng không thể được. Vì vậy, phải tập luyện hằng ngày, thường xuyên nỗ lực kiềm chế bản thân, ham muốn.
KHÔNG CHỈ SỬ DỤNG QUÂN TỬ MÀ SỬ DỤNG CẢ TIỂU NHÂN ĐỂ LÀM VIỆC LỚN
Thông thường, các công ty, xí nghiệp tuyển người tốt nghiệp đại học hạng ưu, tức chọn những người có thành tích xuất sắc. Sau đó, vào công ty rồi thì sẽ đánh giá con người theo tiêu chuẩn “làm được việc”, “có năng lực” từ đó tuần tự cho nâng bậc, lên chức, có thể làm cả giám đốc.
Đương nhiên người có năng lực tốt hơn người không có năng lực. Tuy nhiên, lối suy nghĩ công nhận giá trị một người chỉ qua tài năng, xếp nhân cách một người vào hạng hai thì tổ chức đó có thể bị ăn mòn. Saigo đã nói như thế này về vấn đề tuyển dụng nhân sự.
- Điều Di Huấn Thứ 6
Nếu nghiêm khắc mà quá phân biệt quân tử (người có đầy đủ đức hạnh) và tiểu nhân (người có nhân cách thấp kém) trong tuyển dụng thì ngược lại, sẽ gặp họa. Bởi từ thuở khai thiên lập địa, ở đời mười người thì hết bảy, tám người là tiểu nhân. Nên chỉ cần nghĩ đến tâm tư của họ, tận dụng sở trường, giao việc để họ phát huy tài năng và kỹ nghệ của họ. Fujita Toko (7) tiên sinh đã nói thế này: “tiểu nhân có tài năng và kỹ nghệ nên phải giao việc cho họ làm. Nhưng không vì vậy mà giao chức vụ bên trên, trọng trách cho họ, có thể họ sẽ phá hoại quốc gia. Nhất định không để họ lên trên”.
Tôi luôn nhắc đi nhắc lại khi tuyển dụng, phải xem xét chính người đó hơn là tài năng. Nhưng điều đó không có nghĩa là không dùng người có năng lực.
Trong di huấn có từ “quân tử”. “Quân tử” là người có đức, có lòng tin. Và là người có năng lực tuyệt vời. Saigo dành từ “quân tử” cho những người vừa có tính tình tốt đẹp, được người đời tin cậy, trọng vọng, vừa có tài năng ưu tú.
Còn “tiểu nhân” có thể hiểu là những người có tài năng xuất sắc nhưng chưa chín về con đường tu tập bản thân, không phải là người xấu nhưng vẫn chưa là người tốt.
Quan sát chung quanh ta, hay nhìn trong xã hội, có thể bắt gặp trường hợp những tiểu nhân như vậy làm lãnh đạo. Dù là công ty theo chế độ “sống lâu lên lão làng” hay xí nghiệp theo chủ nghĩa thực lực, nhưng một khi đã đánh giá theo năng lực thì chúng ta sẽ thường cảm nhận được sự mâu thuẫn giữa địa vị và nhân cách.
Thật ra, nhân cách và địa vị song song nhau. Tức lẽ ra người có nhân cách tốt phải ở địa vị cao nhưng khó khăn là trong thực tế, người quân tử thì ít, còn tiểu nhân thì quá nhiều. Có thể nói đó là tình trạng “có người nhưng thiếu người”.
Trong tình trạng như vậy mà không tuyển tiểu nhân không dùng đến họ thì không thể tạo ra một tổ chức, và không thể làm việc. Tuy nhân cách không được vẹn toàn nhưng người có tài năng, năng lực vẫn có thể phát huy sức mạnh của họ và ta vẫn phải dùng họ – Saigo nói vậy.
Dù không muốn dùng tiểu nhân nhưng không dùng họ thì không làm được việc lớn. Sau khi nhìn được khuyết điểm đó, phải tìm cách phát huy sở trường, năng lực của họ cho tổ chức – đó là công việc quan trọng của người lãnh đạo.
ĐẶT NHỮNG NGƯỜI TUY KHÔNG NỔI BẬT NHƯNG ĐẦY ĐỦ PHẨM CHẤT LÊN HÀNG ĐẦU
Tôi xin phép nói chuyện về việc tuyển dụng giám đốc ở công ty Daini Denden (nay là KDDI).
Thời kỳ công ty Denden Kosha (nay là NTT) độc chiếm thị trường điện thoại, cước phí điện thoại rất đắt đỏ so với Âu Mỹ. Để có giá cước rẻ cần phải có một công ty điện thoại cạnh tranh với Denden Kosha. Đương thời, tôi đã từng kỳ vọng với việc tự do hóa viễn thông, các công ty lớn sẽ bắt tay liên kết với nhau nhưng không có công ty nào xuất hiện. Tôi đành phải xuất đầu lộ diện, xưng tên. Tôi mời chừng mười mấy kỹ sư trẻ của Denden Kosha về công ty, khởi đầu sự nghiệp của Daini Denden với những con người đầy đủ tài năng này làm trung tâm.
Thế là Nippon Telecom và Nihon Kosoku Tsushin cùng lúc tham chiến. Nippon Telecom có Kokutetsu (nay là công ty đường sắt JR), Nihon Kosoku Tsushin có Bộ Xây dựng (nay là Bộ Giao thông) và công ty xe hơi Toyota hỗ trợ đều là những đối thủ cạnh tranh mạnh. Cùng thời điểm, Denden Kosha khổng lồ cũng tồn tại với tên gọi mới NTT. Daini Denden đã bắt đầu cuộc chiến đầy cam go với 3 đối thủ mạnh nhưng sau đó vẫn phát triển thuận lợi.
Sau đó KDD và IDO kết hợp, Daini Denden thành KDDI, hướng đến sự phát triển cao hơn nữa. Lúc đó, tôi đã chọn giám đốc là một người ban đầu không có gì nổi bật, nhưng là người hội đủ tiêu chuẩn về “đức” phù hợp với vị trí lãnh đạo, được mọi người trong công ty tin cậy, tôn trọng và đánh giá cao.
Cũng có người tài năng xuất chúng, có cống hiến lớn nhưng tôi mạnh dạn bỏ qua. Với những cống hiến đó, tôi đã để họ nắm giữ cổ phiếu trước khi Daini Denden lên sàn chứng khoán, ưu tiên đầy đủ về mặt vật chất nhưng không đặt vào vị trí lãnh đạo.
Trong Điều Di Huấn Thứ 1, “thưởng cho người có công”, với những người như vậy, tặng thưởng bổng lộc, tức trả công bằng tiền nhưng không được trả công bằng chức vụ.
Đã không thể chọn toàn người quân tử mà còn không dùng đến tiểu nhân thì không thể điều hành doanh nghiệp. Nhưng không phải cứ có tài, làm được việc là đặt tiểu nhân vào vị trí lãnh đạo, điều đó sẽ dẫn doanh nghiệp đến con đường sụp đổ.
Phải phát hiện người có phẩm chất đạo đức, và đặt người đó vào chức vụ quan trọng.
YÊU MÌNH KHÔNG PHÁT SINH VIỆC TỐT
- Điều Di Huấn Thứ 26
Yêu mình, hay nói cách khác, chỉ cần biết có mình, còn người khác thế nào cũng được là việc tồi tệ nhất. Không học hành tới nơi được, không thành công trong sự nghiệp, không tránh được thất bại, cao ngạo tự mãn với thành tích bản thân, hết thảy đều phát sinh từ một tâm hồn vị kỷ, chỉ yêu bản thân. Vì vậy nhất định không được làm những việc chỉ có lợi cho bản thân.
Con người ta thường cho mình là quan trọng nhất, đáng yêu nhất. Cho nên con người ghét nhất là bị tổn thương hay thiệt hại phần mình. Họ cho rằng mình có năng lực, làm được việc nên tự khen mình, trở nên cao ngạo. Saigo dùng từ “yêu mình” để chỉ những việc đó.
Ham danh vọng, ham địa vị, ham tài sản – như Saigo nói, là những ham muốn xuất phát từ việc cho mình là người quan trọng. Hoặc việc không thành cũng là do người ta yêu cái tôi của mình. Vì hành động với suy nghĩ chỉ biết có mình, tự cho mình là trung tâm nên họ không có được sự hợp tác từ người khác.
Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” – chỉ biết có mình sang “lợi tha” – vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội, ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.
Hơn thế nữa, nếu nghĩ “làm lợi cho người khác” và tận lực, hành động tích cực theo suy nghĩ đó thì không chỉ chung quanh mà đến cả trời đất cũng sẽ đứng về phía ta mà giúp đỡ. Chắc chắn ta sẽ thành công.
- Điều Di Huấn Thứ 24
“Đạo” là lẽ tự nhiên của đất trời, con người phải đi theo đúng con đường đó, trước tiên phải lấy mục đích kính Thiên. Trời ban tình yêu cho mọi người rất công bằng nên hãy luôn nhớ lấy trái tim yêu mình để yêu người giống như vậy.
Lời răn của Saigo bao gồm cả sự kính trọng trước một sự tồn tại vĩ đại. Vì đất trời vĩ đại yêu hết thảy một cách công bằng, vô tư nên chúng ta cũng phải yêu mọi người bằng chính trái tim yêu bản thân mình.
Thoạt nghe “lấy trái tim yêu mình để yêu người” có vẻ mâu thuẫn với điều 26 đã đề cập – “Yêu bản thân là việc tồi tệ nhất”, nhưng thật ra không phải như vậy. Tình yêu ở đây không phải là tình yêu ích kỷ, quá xem trọng bản thân mình mà là tình yêu dành cho người bằng cách tiếp xúc đầy tình yêu thương, từ bi.
Điều này tương tự trong kinh doanh. Ví dụ chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của chúng ta, nhưng thật ra không nên vậy. Cũng như Ishida Baigan (8) thuyết giảng về đạo đức kinh doanh thời Edo như sau “Người kinh doanh thực thụ phải nghĩ về khách hàng và nghĩ về mình”, tức phải kiếm tiền thế nào mà khách hàng/đối tác cũng cảm thấy vui – lời giáo huấn sắc bén, đỉnh cao trong kinh doanh.
Nếu muốn kiếm tiền, phải làm sao cho đối tượng kinh doanh của mình, tức khách hàng cảm thấy vui vẻ. Rồi chắc chắn kết quả tốt đẹp sẽ quay lại với mình. Lời nói của Saigo “yêu người bằng trái tim yêu mình” quả thật rất quan trọng trong cả lĩnh vực kinh doanh.
- Điều di huấn thứ 25
Hãy thường xuyên lấy “Thiên”, đừng lấy “Nhân” làm đối tượng. Lấy Thiên làm đối tượng để dốc hết lòng thành, không trách cứ người đời mà luôn tự vấn lòng thành bản thân.
Đây cũng là giáo huấn quan trọng trong kinh doanh. Ngay cả những lúc đàm phán kinh doanh, hãy lấy Trời làm đối tượng, chứ không phải người, nghĩa là phải có lòng thành, trái tim chân chính, nói cách khác phải có chính đạo.
Thời kỳ kinh tế bong bóng, từ người kinh doanh bất động sản cho đến trưởng chi nhánh các ngân hàng lớn đều nhiệt tình khuyến khích “mua bất động sản”. Toàn nước Nhật trong thời kỳ bong bóng, mua đất, đất tăng giá; mua cổ phiếu, giá cũng tăng theo, ngân hàng cũng đầu tư để mua đất đai và cổ phiếu, thu về lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy khắp nước Nhật điên cuồng chạy theo việc mua bán, đầu tư bất động sản, cổ phiếu. Thế rồi bong bóng vỡ, nhiều người lâm vào cảnh khốn khó. Đó là vì mọi người đã lấy con người làm đối tượng. Họ không có lòng thành, không thành tâm, không tự vấn rằng điều này có đúng với đạo làm người, có hợp đạo lý không.
Khi nghe chuyện kiếm tiền dễ như trở bàn tay, ta thử nghĩ xem có phạm phải đạo lý không. Thử nghĩ xem việc không cần đổ mồ hôi sôi nước mắt, quay qua quay lại mà có được một đống tiền đó có đúng đắn không. Đương thời, ít người nghĩ thấu đáo như vậy. Mọi người chỉ biết đua theo những câu chuyện kiếm chác mà đối tượng là con người.
Khi nền kinh tế bong bóng vỡ cũng vậy. Đất đai, cổ phiếu rớt giá, mọi người chịu tổn thất và quay sang trách móc người đã mời mọc, khuyến khích mình mua đất đai, cổ phiếu đấy. “Tôi đâu có muốn mua, chỉ tại anh nói mua đi, mua đi, lại còn nói cho mượn tiền nên tôi mới mua”.
Đâu phải vậy. Như Saigo đã nói “lấy Thiên làm đối tượng, dốc hết lòng thành, không trách cứ người đời, luôn tự vấn lòng thành bản thân”, phải thấy rằng vì bản thân ta lúc ấy không thấu đáo, lòng thành không đủ nên mới phải chịu thất bại, đổ lỗi cho người khác thì thật không chấp nhận được.
Đáng tiếc là trên thực tế, số người có thể nghĩ và nâng tâm hồn như vậy không nhiều, cho nên hồn ma của nền kinh tế bong bóng lại xuất hiện trước mặt chúng ta đấy thôi. Đó chính là thế giới hiện tại của con người
——–???——–
Chú thích:
(1) Các nhà có người làm quan trở thành một giai cấp đặc thù có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn thứ dân.
(2) Udo là một loại cây thân to, cao đến 2m nhưng lại mềm nên không sử dụng làm vật liệu được. Câu này ám chỉ người có thân hình to cao nhưng không làm được việc gì có ích.
(3) Tứ thư và Ngũ kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của nho giáo. Sự học của nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng chú trọng ở luân thường đạo lý, chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế, nên không bàn đến những cái viễn vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế.
(4) Ngũ luân là năm mối quan hệ cơ bản: vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bè-bạn. Ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
(5) Không áp đặt ý của mình để đánh giá, không nhất thiết miễn cưỡng, không cố chấp, không nghĩ đến cái tôi.
(6) Nguyên giám đốc, CEO công ty Livedoor mau chóng nổi tiếng như một nhà kinh doanh trẻ tài năng tại Nhật vào những năm 2001-2006. Sau đó, bị kết tội và bắt giam vì tổ chức kết toán ảo, báo cáo khống.
(7) Fujita Toko (1806 – 1855): Học giả phái Mito học, thời kỳ Bakumatsu.
(8) Ishida Baigan (1685 – 1744): Nhà tư tưởng, triết gia thời Edo (là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1868).