HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Phương pháp nào để giúp kiểm soát được cảm xúc tiêu cực? Dzogchen dạy rằng các thời khóa thiền định nên được tiến hành thường xuyên nhưng ngắn và vì thế rất sáng tỏ. Bạn nên thiền định trong một khoảng thời gian ngắn để duy trì chánh niệm sáng tỏ. Bắt đầu thời khóa với phần quy y, phát khởi Bồ Đề Tâm và sau đó hãy hoàn toàn chú tâm vào việc duy trì chánh niệm. Cuối thời khóa thì hồi hướng các công đức. Hãy làm mình thuần thục với nhịp độ này và hãy thực hành thường xuyên liên tục. Thậm chí sau các thời thiền, bạn nên duy trì chánh niệm trong tất cả các hoạt động hàng ngày. Bất cứ khi nào bạn có thời gian, dù rằng chỉ là một khoảng thời gian ngắn, thì hãy sử dụng thời gian đó để thiền định. Thiền định thường xuyên và trong những thời khóa ngắn là phương pháp đặc biệt của Dzogchen. Chúng ta cần duy trì tánh giác cả khi đang không ngồi thiền trong thời khóa. Bản văn nói:
Sau khi chia thực hành của bạn thành các thời khóa riêng biệt, bạn có thể có một lịch thực hành làm cho bạn tự tin rằng mình có thể duy trì được trạng thái thiền định trong các thời khóa chính thức. Tuy nhiên nếu bạn không biết cách để hòa nhập thực hành thời khóa với các hoạt động hậu thiền định và không biết cách duy trì nó liên tục, thì thiền định sẽ không giúp ích như một đối trị khi đủ loại các tình huống phát sinh, mà ngược lại, các tình huống sẽ kiểm soát suy nghĩ của bạn và bạn lại quay trở lại thành người thường phàm. Vì thế việc duy trì tánh giác minh bạch trong trạng thái hậu thiền định là rất quan trọng. Do đó bản văn nói “vào mọi lúc và trong mọi tình huống…”.
Nếu bạn thực hành thiền định với chánh niệm một cách siêng năng, bạn sẽ có thể nhận ra và vượt qua được các cảm xúc tiêu cực thô lậu. Tuy nhiên có những cảm xúc vi tế hơn mà chúng lại thực sự gây hại hơn. Trong tất cả các cảm xúc tiêu cực, cảm xúc tàn phá nhất – nó có thể dễ dàng lẫn vào mà không được nhận ra chính là đố kỵ. Đố kỵ thường không được nhận ra, và nó hủy hoại tất cả các công đức mà chúng ta đã tích tập.
Nó là cảm xúc tồi tệ nhất bởi vì nó thường xuyên ở đó, tuy vậy chúng ta lại không nhận ra. Ví dụ, một cách tự nhiên, bạn chỉ ra những phẩm tánh tốt lành của người mà bạn ưa thích. Và một cách tự nhiên, bạn sẽ nói về những lỗi lầm của người mà bạn không thích. Không có nhiều lựa chọn, bạn thường xuyên cảm thấy có nhu cầu phải chỉ trích người đó và luôn tìm được lý do để làm như vậy. Đây là đố kỵ vi tế thường xuyên không được nhận ra được. Các cảm xúc ô nhiễm khác như sự sân hận hay ham muốn thường mạnh mẽ hơn và do vậy chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng. Chúng ta không dễ dàng nhận ra được sự đố kỵ và do vậy, nó là cảm xúc ô nhiễm tồi tệ nhất. Nếu chánh niệm của bạn không mạnh mẽ vào mọi lúc, bạn thậm chí sẽ bắt đầu nói về lỗi lầm của các đạo sư v.v. Theo 37 Pháp tu Bồ Tát, “nếu, vì sự thôi thúc của các cảm xúc ô nhiễm mà ta vạch lỗi lầm của một vị Bồ tát thì chính ta tự hại mình.” Không thành vấn đề người đó là ai người đó có thể là đạo sư, đạo hữu, bạn bình thường hoặc người thường – bất kể ai nói về lỗi lầm của người khác thì đều không có cái thấy, và do đó đều không chánh niệm. Điều này dẫn đến việc chuyển hóa những phẩm tánh của một người thành lỗi lầm. Chỉ khi bạn chánh niệm và cái thấy của bạn sáng rõ thì khi ấy bạn sẽ không bị cuốn theo những niệm tưởng này. Chúng ta làm xáo động tâm của người khác bởi chúng ta không chánh niệm. Ví dụ, bạn có thể đang nghe ai đó nói nhưng vì bạn không chánh niệm, một cảm giác mạnh mẽ sanh khởi phản ứng lại. Đây là một điểm rất quan trọng. Bởi vì rất khó để nhận ra đố kỵ nên quan trọng hơn là chúng ta phải luôn luôn chánh niệm. Nếu bạn thực sự có thể nhận ra được các niệm tưởng đố kỵ vi tế thì điều này là cực kỳ lợi lạc. Điều này cũng đến từ kinh nghiệm cá nhân của tôi.
Vào thời điểm ấy, không cần phải tìm kiếm đối tượng nào khác để thiền định. Thay vào đó, trong khi ở trạng thái thiền định cân bằng (meditative equipoise) không bao giờ tách rời cái thấy Pháp thân, hãy duy trì sự thảnh thơi, không để tâm đến mọi hoạt động và niệm tưởng, không khẳng định hay phủ nhận chúng mà hãy để chúng đến và đi, để mặc cho chúng như thế – như đã được giảng dạy trong Trekcho (Cắt đứt hoàn toàn) và Thrulzhig (Mê lầm sụp đổ).
Bất cứ khi nào niệm khởi tiêu cực sinh khởi, nếu ngay lập tức bạn để tâm mình trong trạng thái tự nhiên – cái thấy – thì ngay lập tức bạn sẽ cắt phăng được niệm tưởng vừa sinh khởi. Nếu suy nghĩ quá nhiều thì bạn bị những niệm tưởng ấy sai khiến, và kết quả là khi gặp khó khăn thì bạn sẽ chẳng thể làm được gì ngoài việc nghĩ đi nghĩ lại về chúng. Khi đó nhịp tim của bạn đập nhanh và mạnh bởi vì khí đã đi vào tim. Nếu thành thói quen như thế thì khí sẽ bị tắc nghẽn nơi tim, và sẽ dẫn đến các bệnh về tim và những mất cân bằng khác. Vì thế điều quan trọng là ngừng dứt các niệm tưởng và các cảm xúc mạnh ngay tức thì khi chúng vừa sinh khởi, và nghỉ ngơi trong cái thấy hoặc nhớ đến vị Bổn Tôn. Điều này cũng sẽ mang lại lợi ích trong giai đoạn thân trung ấm, khi đó bạn có thể dừng ngay các niệm tưởng. Nếu bạn cắt phăng được dòng niệm tưởng thì mê lầm sẽ bị phá hủy. Khi đó các niệm tưởng không thể trói buộc bạn nữa.
Mê lầm có nghĩa là bạn bị các niệm tưởng trói buộc. Bám chấp vào các niệm tưởng, bạn tin chúng có thực, và điều đó trói buộc bạn. Nếu bạn tự do khỏi mọi bám chấp vào sự có thực của các niệm tưởng hay cảm xúc tiêu cực thì chúng vẫn có thể xuất hiện nhưng tâm bạn không hòa với chúng – tâm bạn không kết nối với các niệm tưởng hay cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn không bám chấp vào chúng thì chúng không thể trói buộc bạn, khi đó mê lầm bị phá hủy. Những lời này rất quan trọng. Vì thế bất cứ khi nào bạn nghe thấy hay nhìn thấy thứ gì khó chịu, hay khi các niệm tưởng và cảm xúc tiêu cực sinh khởi, cho dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì bạn phải để chúng tan biến ngay lập tức. Tâm của bạn phải sáng tỏ. An trú trong cái thấy Pháp thân, trong chánh niệm – đây là phương thuốc duy nhất cho hàng trăm căn bệnh.