MỞ RỘNG TÂM LƯỢNG TRƯỚC CÁI ĐẸP CỦA CÔNG PHU

JETSUNMA TENZIN PALMO

Trích: Ba Bài Pháp Thoại; Thích Nữ Giác Anh Chuyển Ngữ

Nói về Thành Tựu, rất nhiều người tu nghĩ đến 2 chữ Thành Tựu. Ai cũng nghĩ “Mình phải thành tựu điều gì đó trong thời gian tu hành này. Bắt buộc phải như vậy”. Nếu quả như thế, thời gian chuyên tu sẽ hóa ra một quy trình sản xuất tính trên sản lượng. Điều đó chỉ gây thêm áp lực và ức chế. Những tâm lý “Muốn”, muốn thành tựu, muốn chứng đắc… là những rào cản ghê gớm nhất cho chính chúng ta. Thường thường những phiền não này sẽ gây nên những triệu chứng tắc nghẽn trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thân và tâm mất thăng bằng. Lúc đó dễ sinh bệnh, nhức đầu thường xuyên và cơ thể yếu dần đi. Kèm theo là những cảm giác dễ nóng giận, khó chịu và căng thẳng.

Đây là điều cần quan tâm, vì khi để xảy ra như thế, sẽ là những chướng duyên trên bước đường tu tập. Càng công phu thì càng trì trệ. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn, càng muốn thì càng bệnh, càng bệnh tu càng chậm, cứ như vậy và như vậy. Vì thế quan trọng nhất là nên kiểm soát tâm thức, hãy để tâm tu tập theo đúng nhịp điệu cần thiết của nó, và đừng cố chạy theo cái muốn Thành Tựu của tâm phàm phu.

Chúng ta không áp dụng cách Thương Mãi vào việc Tu Hành được. Ý tưởng “muốn Thành Tựu” là Bản Ngã, cần nên loại bỏ tâm lý phiền não đó.

Có một Phật tử hỏi vị Thầy: “Mục đích và cứu cánh của Thiền là gì?” Thầy đáp: “Thiền là đối diện với chính ý niệm “có một mục đích”!

Tại sao chúng ta không ngồi xuống công phu chỉ vì chúng ta thích công phu. Đơn giản chỉ vì công phu là một việc thật dễ thương và là một việc đáng phải làm. Công phu không phải để đạt một mục tiêu nào đó. Không có một lý do nào khác khiến ta phải đi công phu, chỉ vì ta thấy không có gì đáng làm hơn là tu tập, là công phu, là hành thiền mà thôi. Chỉ nghĩ như vậy cũng đã đủ. Tâm ta hoàn toàn tự tại và an lạc nhẹ nhàng. Lúc đó, toàn tâm toàn ý sẽ gởi trọn vào lời Kinh, tiếng kệ. Ta hành trì với niềm đam mê thích thú chứ không vì một động cơ nào khác. Chính ngay lúc đó, kết quả thành tựu sẽ tự nhiên đến.

Nhắc đến đề tài này, tôi muốn bổ túc thêm một điều, hành giả nên khuyến khích tâm thức cùng góp phần trong việc tu tập. Nếu tâm trong trạng thái kháng cự tức là bị bắt buộc phải tu vì nghĩ cần phải tu, nhưng thực sự không muốn tu, thì chỉ ngấm ngầm dấy lên sự chán nản, xung đột và căng thẳng mà thôi. Vì thế, trước khi bắt đầu tu tập nên ngồi xuống suy nghĩ: Động cơ gì khiến ta tu? Tại sao chúng ta muốn tu?

Làm được vậy là đã khuyến khích Tâm nhận chân được lợi ích và cái vui trong lúc tu tập. Tâm không bị thúc ép, không bị đau khổ. Khi thuyết phục được Tâm, Tâm sẽ hứng khởi hăng hái hành trì với chúng ta. Được vậy là đã thắng gần phân nữa trận đánh rồi.

Ví dụ, lúc mải mê xem phim hay say sưa đọc sách, đâu cần phải bắt tâm tập trung. Lúc đó thân tâm đã chìm hẳn vào phim, vào sách rồi. Tâm đã đặt hết ở đó. Chỉ trừ khi có ai đứng ngay bên cạnh kéo ra mà thôi. Không cần ai bảo phải tập trung, tự động tâm đã chuyên nhất vào đó rồi. Chúng ta nên áp dụng tâm lý này vào công phu tu tập.

Tu hành cần nên công phu với tâm tinh tấn chân thật. Bởi khi hiểu rõ sự lợi ích, niềm hoan hỷ của tâm đã được thuần thục, tức sẽ không bao giờ còn bị những tâm ô nhiễm giam hãm nữa. Nên khuyến khích tâm tu tập để đạt đến cảnh giới tự tại, đơn giản và thanh tịnh hơn.

Ta không phải là ông chủ đứng đó cầm roi, dọa nạt bắt Tâm phải thế này, thế nọ. Không bắt phạt hay đánh đấm Tâm. Ngược lại, dịu dàng thuyết phục Tâm tu hành vì lợi lạc cho chính mình, và cho tất cả chúng sanh. Rộng ra nữa cho toàn thế giới, vì mỗi niệm chúng ta nghĩ đều có ảnh hưởng đến xung quanh. Ta nên áp dụng thái độ này vào sự thực  hành của chúng ta.

Ví dụ, khi quán hơi thở hoặc khi quán đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Mỗi ngày công phu tu quán 6 lần, ngày này qua ngày nọ, tuần này qua tuần kia. Giống như xem hoài một chương trình trên Tivi. Cứ tưởng tượng xem hoài một chương trình, mỗi ngày 6 lần mà kéo dài ngày này tháng nọ như vậy, có khác gì là một cực hình đâu?

Nhưng đối với tôi, mỗi khi nhập thất là mỗi lần thú vị. Thỉnh thoảng tuần lễ đầu tiên có thể nghĩ “Ồ, chán quá!” Có lẽ tuần lễ đầu tiên hơi chán thật. Nhưng khi thật sự đã nhập tâm, chính là lúc tu tập bắt đầu khai mở, bắt đầu khám phát năng lực của chính nó. Tâm sẽ thấy rất tuyệt vời.

Có một lần tôi nhập thất 3 năm, thời khóa công phu lặp lại 4 lần giống nhau mỗi ngày. Khi hoàn mãn, tôi đã thích công phu hơn lúc mới vào thất rất nhiều. Bởi vì, khi tâm hiểu được mình đang làm gì, giống như từng nụ hoa bắt đầu hé nở. Khi hoa từ từ xòe cánh, ta sẽ được chiêm ngưỡng từng tầng từng tầng bên trong, cho đến lúc hoa hoàn hoàn nở tung, ngời lên nét đẹp hoàn mỹ của nó.

Mỗi mỗi công phu đều có năng lực như vậy. Khi mới nhận ra nó, nó như một nụ hoa. Nụ hoa đó hàm chứa cả một năng lực nở tươi rực rỡ bên trong. Nhưng phải nhẫn nại, đâu thể nào kéo từng cánh hoa ra, phải không? Không thể làm như thế được. Phải kiên nhẫn chờ đợi, mỗi ngày đều sưởi ấm và giữ độ ẩm cần thiết cho nụ hoa. Cứ lập đi lập lại như thế, tự động đến thời kỳ nụ sẽ nở thành hoa. Thế nên chúng ta rất cần thời gian tịnh tu nhập thất để vun bồi những nụ thiện lành trong tâm cho đến ngày nở như thế.

Bình thường chúng ta dành rất ít thời gian để tu tập trong mỗi ngày. Thời gian còn lại phải bận buộc với gia đình, công việc và cuộc sống. Mặc dù đời sống gìn giữ kỷ cương, nhưng thật rất khó để giữ thời khóa cho đều đặn mỗi ngày. Năng lực cũng vì đó mà tiêu tán. Y như nấu ăn vậy, cứ bật lửa cho thật nóng rồi tắt, hôm sau bật lửa lại rồi tắt tiếp, thật không thể nấu ăn cách như vậy được. Muốn thức ăn ngon và chín, phải đun lửa đều đặn.

Có một hoàn cảnh tốt để tịnh tu cũng giống như thế. Khi bế quan nhập thất, không tiếp xúc với ai nữa nghĩa là đã hoàn toàn khép mình vào chuyên tu. Giống như nồi áp suất, không có một hơi nào bay ra ngoài được hết. Nhưng đã sử dụng nồi áp suất thì phải cẩn thận, nếu không dễ bị nổ. Tốt nhất là dùng cách hầm chậm chậm. Chậm nhưng thức ăn vẫn ngon mà không bị cháy.

Trên cơ bản tịnh tu nhập thất là như thế. Không có gì phải sợ cả. Có nhân duyên để tu tập, dù tu chung với đại chúng hay tu riêng rẽ, cũng là điều nên thích thú và đáng mừng. Thích vì đã tạo một thiện duyên, một chủng tử tốt. Mừng vì đã có cơ hội để sống đời sống vui với đạo.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÁNH NIỆM
  2. CĂN BẢN TRÍ TRONG ĐẠO PHẬT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ