BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC – HT. THÍCH NHẤT HẠNH

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Nếu có khả năng làm lắng dịu những ham muốn, thèm khát, ta sẽ thấy rằng điều ta thực sự mong ước không phải là tiền tài hay danh vọng mà là hạnh phúc. Vì muốn có hạnh phúc mà ta đi tìm quyền lực từ bên ngoài. Nhưng càng tìm quyền lực và hạnh phúc qua tiền tài, và sắc dục thì càng không thấy đâu. Chỉ bằng cách trở về tự thân, gạn lọc tâm ý, ta mới có thể chứng nghiệm được hạnh phúc chân thực, lâu bền và là thứ quyền lực không bao giờ sụp đổ.

Một người nghèo khổ hoặc vô danh tiểu tốt có thể hạnh phúc không? Nhiều người tưởng rằng không thể thực sự hạnh phúc vì không có tiền tài, không có địa vị thì sẽ không có quyền lực. Lẽ tất nhiên là nếu thiếu những điều kiện tối thiểu về ăn uống, nhà ở, và áo quần thì không thể có hạnh phúc. Nghèo khổ và đói rét đưa tới đau khổ, bệnh tật, và bạo động. Điều tôi muốn nói ở đây là ham muốn tiền bạc vượt quá nhu cầu vật chất.

Ngày mà Bụt thành đạo, Ngài chưa nổi tiếng. Cả thế giới không ai biết đến Ngài. Ngay cả Vua Cha và hoàng tộc cũng không biết là Ngài đã thành đạo. Khi Ngài đến Vườn Nai để thăm năm người bạn đồng tu năm xưa, họ cũng không biết là Ngài đạt quả vị Bụt. Sau khi thành đạo, Ngài ngồi chơi với các em bé dưới gốc cây Bồ đề, và Ngài rất hạnh phúc. Hạnh phúc của Ngài không dựa trên danh vọng hay tiền tài. Ngài hạnh phúc là do Ngài đã giải thoát, đạt được an lạc và tuệ giác. Chúng ta cần thực tập làm sao để có được hạnh phúc từ sự an lạc, từ bi, tự do, nghĩa là không còn bị phiền não ràng buộc, chứ không phải từ số tiền có trong tài khoản ngân hàng. An lạc, tự do và từ bi là nguồn suối quyền lực vô tận mà ta có thể chế tác mỗi ngày. Sau này, Bụt trở nên nổi tiếng, nhưng danh tiếng không thể chiếm hữu và hủy hoại Ngài, danh tiếng chỉ giúp cho giáo lý và pháp môn của Ngài thêm lan rộng. Danh tiếng không xấu mà là một phước lớn cho muôn loài.

Ngay cả khi không có danh vọng, tiền tài, nếu thực tập năm loại quyền lực (tín, tấn, niệm, định và tuệ), ta vẫn có thể hạnh phúc hơn rất nhiều người tiếng tăm và giàu có hơn ta. Điều đáng ngạc nhiên là khi hạnh phúc, ta có thể dễ dàng kiếm đủ tiền để sống thoải mái, đơn giản. Khi vững chãi và thảnh thơi, ta kiếm ra tiền dễ hơn. Nếu có hạnh phúc, ta sẽ cảm thấy thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta không sợ gì cả. Có được năm quyền lực tâm linh trong tay thì dù bị mất việc ta cũng sẽ không đau khổ nhiều. Ta sẽ biết cách sống đơn giản và hạnh phúc, biết rằng trước sau gì cũng sẽ tìm được việc và sẵn sàng đón chờ mọi cơ hội.

Cần phân biệt giữa hạnh phúc và hưng phấn. Nhiều người cho rằng hưng phấn là hạnh phúc. Họ mơ tưởng hay trông chờ một điều gì mà họ cho là hạnh phúc, và với họ, đó đã là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn thì tâm không được bình an. Trong khi bình an là nền tảng cho hạnh phúc chân thực.

Giả thử bạn đang đi trong sa mạc và sắp chết khát. Bỗng nhiên bạn thấy một ốc đảo đằng xa và biết rằng nơi ốc đảo kia thế nào cũng có nước uống và bạn sẽ thoát chết. Chưa tận mắt thấy dòng nước, chưa uống nước nhưng bạn đã thấy mừng rỡ, vui sướng và tràn trề hy vọng. Tuy nhiên đó chưa phải là hạnh phúc. Bạn chỉ thực sự chứng nghiệm hạnh phúc khi thực sự uống nước và đã cơn khát. Không có bình an thì không có hạnh phúc thật sự.

Có người thấy hạnh phúc rất dễ dàng, trái lại có người không được như thế mặc dù họ có rất nhiều điều kiện để được hạnh phúc. Có thể mua điều kiện hạnh phúc nhưng không thể mua hạnh phúc. Cũng như khi chơi quần vợt, chỉ có thể mua banh, mua vợt nhưng không thể mua niềm vui khi chơi quần vợt. Muốn chứng nghiệm niềm vui khi chơi quần vợt bạn phải học, phải luyện. Viết thư pháp cũng vậy, có thể mua mực tàu, giấy bản, bút lông nhưng nếu chưa tập nghệ thuật viết thư pháp thì không thể viết thư pháp được. Bạn chỉ thực sự hạnh phúc lúc viết thư pháp khi bạn có khả năng viết thư pháp. Hạnh phúc cũng vậy, phải vun trồng hạnh phúc, không thể mua ngoài chợ.

Thiền hành là một phương pháp thực tập mầu nhiệm để tạo hạnh phúc. Từ chỗ khởi hành, ta hãy nhắm một vật ở phía trước, ví dụ một cây thông rồi quyết tâm rằng trong khi đi thiền hành đến cây thông ta sẽ tận hưởng từng bước chân, mỗi bước chân sẽ đem lại nguồn an lạc, hạnh phúc, có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu Có những người trong chúng ta có khả năng đi từ một điểm này đến một điểm khác như thế. Họ đi và thưởng thức từng bước một, không bị bất cứ thứ gì làm cho xao lãng: quá khứ, tương lai, dự án, sự hưng phấn hay kể cả sự mừng vui, bởi vì trong sự mừng có yếu tố kích thích hơn là bình an. Nếu bạn đã quen thiền hành như vậy thì mỗi bước chân sẽ đem lại cho bạn bình an, hạnh phúc và thỏa mãn. Bạn có khả năng tiếp xúc với mặt đất trong từng bước chân. Đang còn sống, đang thực sự có mặt trong giây phút hiện tại thì mỗi bước chân là một điều mầu nhiệm và bạn sống với mầu nhiệm đó trong từng phút từng giây suốt thời gian thiền hành.

Thiền hành một mình hay với đại chúng, mỗi bước chân sẽ giúp ta buông thư, và có cơ hội tiếp xúc với mầu nhiệm của sự sống, ngay bây giờ và ở đây. Khi không còn căng thẳng, không tiếc nuối quá khứ hay lo lắng tương lai, ta có thể tiếp xúc với Tịnh Độ hay Thiên Đường suốt cả ngày, với từng bước chân. Trong Kinh Thánh có câu chuyện một nông phu khám phá ra rằng trong ruộng kia có một kho báu. Anh ta về bán hết gia sản để mua thửa ruộng ấy. Cũng giống như người nông phu, nếu bạn biết tiếp xúc với Thiên Đường hay cõi Tịnh Độ trong hiện tại thì bạn đã có được một kho báu quý giá và không cần phải chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền hành gì nữa. Tôi đã từng thỉnh cầu các vị lãnh đạo tôn giáo hay tâm linh cống hiến những giáo lý hoặc thực tập thể để giúp chúng ta tiếp xúc với Thiên Đường, ngay bây giờ và ở đây, để chúng ta không còn chạy theo danh sắc dục, tiền tài, và quyền hành. Thiên Đường bao giờ cũng sẵn đó. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng để tiếp xúc Thiên Đường hay không mà thôi. Theo giáo lý của đạo Bụt thì Tịnh Độ có sẵn trong Tâm. Nếu có tự do thì chúng ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống ngay bây giờ và ở đây. Nhà văn Pháp André Gide nói: “Thượng Đế là Hạnh Phúc.” Tôi thích câu nói ấy. Ông cũng nói rằng “Thượng Đế có mặt hai mươi bốn giờ một ngày.” Nếu Thượng Đế có đó thì Thiên Đường có đó. Nhưng chúng ta có đó hay không để thưởng thức Thiên Đường? Đạo Bụt cũng vậy. Nếu đi thiền hành đàng hoàng, bạn có thể tiếp xúc với Cõi Tịnh Độ của Bụt A Di Đà ngay bây giờ và ở đây. Vậy thì ta có thể phát nguyện: “Tôi sẽ thiền hành từ đây đến cây tùng kia. Tôi nguyện sẽ thành công.” Chỉ khi nào được tự do trong mỗi bước chân ta mới có hạnh phúc, bình an.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ