JACK KORNFIELD
Trích: “Con Đường Từ Bi”
Tác giả: Jack Kornfield
Người dịch: Như Lôi
Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, 2020
Ảnh: Nguồn internet
Ma lười biếng và buồn ngủ lúc chính ngọ sẽ đến sau bữa ăn trưa mỗi ngày, và ma kiêu mạn sẽ trốn đi chỉ khi ta đã quy phục được những loài ma khác.
Trong những nền văn hóa cổ đại, các pháp sư học được rằng định danh cho thứ mà bạn sợ hãi là một cách thực tế để bắt đầu có quyền lực đối với nó.
Chúng ta có các từ ngữ và nghi thức cho nhiều sự kiện lớn bên ngoài mình, sinh và tử, chiến tranh và hòa bình, hôn nhân, thám hiểm, đau bệnh, nhưng thường không biết gì tới những cái tên của những lực lượng khuấy đảo mạnh mẽ tâm thức và cuộc đời mình bên trong.
Trong chương vừa qua, chúng ta đã nói về nguyên lý tổng quát của việc xoay chuyển khó khăn thành sự thực tập. Nhận ra những lực lượng này và cho chúng một cái tên là cách chuyên biệt và chuẩn xác để xử trí chúng và phát triển hiểu biết của chúng ta. Ta có thể bắt đầu định danh và ghi nhận nhiều trạng thái đẹp đẽ chiếu cố đời mình: hoan hỉ, sung túc, bình an, tình yêu, nhiệt tâm, lòng tốt. Đây là một cách để vinh danh và di dưỡng chúng. Cũng như thế, việc định danh những khó khăn ta gặp phải sẽ mang đến sự sáng tỏ, hiểu biết và có thể mở khóa và giải phóng những năng lượng quý giá bị trói chặt bên trong.
Mọi đạo trình tâm linh đều có một ngôn ngữ cho những khó khăn chung mà ta gặp. Hồi giáo Sufi gọi chúng là ngã (nats). Dòng tu Từ phụ Sa mạc của Công giáo, những người thực hành tâm linh gần hai ngàn năm trước trong những sa mạc ở Ai Cập và Syria, gọi chúng là ma. Một trong các đạo sư của họ, Evgrius, để lại một văn bản Latin gồm nhiều chỉ dẫn cho những ai thiền định trong chốn hoang dã: “Hãy cảnh giác về thói háu ăn và tham dục”, ông nhắc nhở, cùng những con ma kích động và sợ hãi nữa. Ma lười biếng và buồn ngủ lúc chính ngọ sẽ đến sau bữa ăn trưa mỗi ngày, và ma kiêu mạn sẽ trốn đi chỉ khi ta đã hàng phục được những loài ma khác”.
Với các thiền giả Phật giáo, những lực lượng này theo truyền thống được nhân cách hóa là Mara (Hắc Thần), và ở các khóa tu, chúng thường được định danh là Chướng ngại cho sự Thông suốt [Ma chướng]. Các thiền sinh mới chắc chắn sẽ chạm trán với những lực lượng của tham lam, sợ hãi, nghi ngờ, phán xét, và hoang mang. Các thiền sinh có kinh nghiệm tiếp tục vật lộn với những ma chướng y hệt, dù với những cách thức khéo léo và sáng tỏ hơn.
Dù khó khăn hay sung sướng, định danh cho trải nghiệm là bước đầu tiên trong việc chú tâm có tỉnh thức. Định danh và ghi nhận trải nghiệm của mình một cách chánh niệm cho phép ta nghiên cứu đời sống của mình, thẩm tra bất cứ phương diện hoặc vấn đề nào của đời sống tự nó hiện diện với ta. Hãy cho mỗi vấn đề hoặc trải nghiệm một cái tên đơn giản, như Đức Phật đã làm khi các khó khăn xuất hiện trước ngài. Đức Phật sẽ phát biểu, “Ta biết người, Mara” Trong các chỉ dẫn của ngài về chánh niệm, ngài hướng dẫn các thiền giả lưu ý rằng, “Đây là một tâm trí tràn đầy hoan hỉ, hoặc “Đây là một tấm trí tràn đầy giận dữ”, ghi nhận mỗi trạng thái như nó sẽ khởi phát và trôi qua. Trong không gian của sự nhận diện như thế, sự thấu hiểu tăng trưởng một cách tự nhiên. Sau đó, khi ý thức và định danh rõ ràng trải nghiệm của mình, ta có thể lưu tâm về cái đã mang nó đến và làm sao để phản ứng với nó một cách trọn vẹn và thiện xảo hơn.
LÀM SAO ĐỂ BẮT ĐẦU ĐỊNH DANH
Hãy bắt đầu bằng việc ngồi thoải mái, tập trung sự nhận diện vào hơi thở. Khi bạn cảm nhận được từng hơi thở, cẩn thận ghi nhận nó với một cái tên đơn giản nào đó: “hít vào, thở ra”, hãy nói những từ đó im lặng và nhẹ nhàng sâu trong tâm trí. Điều này sẽ giúp bạn dõi theo việc thở, cho tâm trí ưa suy nghĩ của bạn một cách để hỗ trợ sự nhận diện hơn là lang thang trong một hướng nào khác. Sau đó khi bạn đã tĩnh lặng được và kỹ năng của bạn đã tăng trưởng, bạn có thể lưu ý và định danh một cách chuẩn xác hơn, “hơi thở dài”, “hơi thở ngắn” “hơi thở nặng nhọc”, hay “hơi thở thư thái”. Hãy để mọi loại hơi thở tự hiển lộ.
Khi bạn liên tục phát triển thiền định, tiến trình định danh có thể mở rộng đến các trải nghiệm khác khi chúng khởi lên trong sự nhận diện của bạn. Bạn có thể định danh những năng lượng trong thân thể và các tri giác xảy đến, như là “nhói đau”, “ngứa ngáy, “nóng”, hoặc “lạnh”. Bạn có thể định danh các cảm giác, như là sợ hãi” hay “khoái thích”. Lúc ấy bạn có thể mở rộng việc định danh với các âm thanh và cảnh tượng, và các ý nghĩ như là “hoạch định hay “tưởng nhớ”.
Khi phát triển việc thực tập định danh, hãy tập trung vô hơi thở, trừ khi có một trải nghiệm mạnh mẽ hơn khởi lên là gián đoạn sự chú tâm của bạn. Sau đó bao hàm cả trải nghiệm mạnh mẽ hơn này vào thiền định, cảm nhận nó trọn vẹn và nhẹ nhàng định danh nó đến chừng nào nó còn khăng khăng – “nghe, nghe, nghe” hay “buồn, buồn, buồn”. Khi nó trôi qua, hãy quay lại với việc định danh hơi thở cho đến khi một trải nghiệm mạnh mẽ khác khởi phát. Cứ giữ thiền tập đơn giản, chỉ tập trung vào một việc mỗi lúc thôi. Tiếp tục định danh bất cứ gì nổi bật nhất trong từng khoảnh khắc, nhận diện về dòng chảy vô thường của đời bạn.
Thoạt đầu, ngồi yên và định danh có vẻ lúng túng và inh ỏi, như thể nó gây trở ngại cho sự nhận diện của bạn. Bạn phải thực tập định danh thực nhẹ nhàng, trao chín mươi lăm phần trăm năng lượng của bạn cho việc ý thức từng trải nghiệm, và năm phần trăm cho một cái tên nhẹ nhàng trong bối cảnh đó. Khi bạn lạm dụng việc định danh, nó sẽ giống hệt như một cái dùi cui, một cách để phán xét và xua đuổi một trải nghiệm không mong muốn, hệt như việc thét lên “suy nghĩ” hay “đau đớn” để làm nó biến mất vậy. Đôi khi, lúc mới đầu, bạn cũng có thể cảm thấy hoang mang về việc nên dùng tên nào, tìm kiếm cuốn từ điển bên trong bạn thay vì nhận diện điều đang thực sự hiện hữu. Hãy nhớ, thực tập định danh đơn giản hơn thế nhiều, nó chỉ là một sự ghi nhận đơn giản về cái đang hiện diện thôi.
Bạn sẽ sớm sẵn sàng để nhanh chóng đưa thực tập định danh và thẩm vấn vào những khó khăn và chướng ngại khởi phát trong đời bạn. Năm khó khăn phổ thông nhất mà Đức Phật đã diễn tả như những chướng ngại chính cho sự nhận diện và thông suốt là chấp thủ và giận dữ, buồn ngủ, trạo cử và nghi ngờ. Dĩ nhiên, bạn sẽ không tránh khỏi phải gặp nhiều trở ngại và ma chướng, và thậm chí còn tạo ra những thứ mới của riêng mình. Đôi khi chúng sẽ phối hợp để bao vây bạn, điều mà một thiền sinh nào đó gọi là “một cuộc tấn công đa chướng ngại. Bất cứ chuyện gì xảy đến, bạn cũng cần bắt đầu thấy những khó khăn cơ bản này một cách rành rõ khi chúng khởi lên.
CHẤP THỦ VÀ MONG CẦU
Chấp thủ và mong cầu là hai cái tên cho những phương diện: đau khổ nhất của dục. Bởi vì ngôn ngữ của chúng ta sử dụng từ “dục” theo rất nhiều cách, sẽ hữu ích nếu phân định chúng. Có nhiều dục có lợi như là cái dục bộc lộ những phương diện tích cực của đam mê và vẻ đẹp. Có nhiều phương diện đau khổ của dục – những dục lụy nghiện, tham lam, cao vọng mù quáng, hoặc các khao khát nội tại vô tận. Thông qua sự nhận diện của thiền, ta có thể đem lại sự chú tâm có thể phân định và biết rõ được nhiều dạng dục. Như William Blake phát biểu:
Những người đi vào cổng thiên đường không phải là những kẻ chẳng có chút đam mê nào hay đã chặn đứng đam mê, mà là những người đã vun trồng một sự hiểu biết về chúng.
Khi bắt đầu định danh ma chướng, ta có thể đặc biệt tìm kiếm những mặt trở ngại của dục, cái trí chấp thủ và mong cầu. Khi tâm trí mong cầu khởi lên lần đầu, ta có thể không nhận ra nó là một ma chướng vì ta thường bị lạc trong sự rù quến của nó. Mong cầu được đặc trưng hóa là một Ngạ Quỷ, một loài ma với cái bụng khổng lồ và miệng nhỏ như trôn kim, kẻ ăn mãi vẫn không thỏa mãn nhu cầu bất tận của mình. Khi loài ngạ quỷ này hay sự khó khăn khởi phát, chỉ cần định danh nó như là “mong cầu” hay “chấp thủ” rồi bắt đầu nghiên cứu quyền lực của nó trong đời mình. Khi xem xét mong cầu, ta nghiệm thấy một phần trong bản thân ta không bao giờ hài lòng, luôn luôn nói rằng, “Giá như tôi có thêm cái gì đó, cái sẽ làm tôi hạnh phúc” – mối quan hệ nào khác, công việc nào khác, tấm bồ đoàn nào đó thoải mái hơn, ít ồn ào hơn, nhiệt độ mát hơn, nhiệt độ ấm hơn, nhiều tiền hơn, ngủ ít hơn một chút tối qua – “thì tôi sẽ viên mãn”. Khi thiền, tiếng nói của mong cầu gọi ta và nói, “Giá như tôi có cái gì đó để ăn bây giờ, tôi sẽ ăn, sẽ được thỏa mãn, và rồi tôi có thể giác ngộ” Cái dục của mong cầu là tiếng nói vô thức, có thể thấy một thiền giả hấp dẫn đang ngồi gần đó và tưởng tượng về một cuộc tình lãng mạn viên mãn, một mối quan hệ, và phải nửa giờ sau mới nhớ ra rằng mình đang thiền định. Với tiếng nói của mong cầu, cái đang ở đây bây giờ không đời nào đủ.
Định danh tâm mong cầu
Khi bắt tay vào quán sát sự mong cầu và chấp thủ mà không lên án nó, ta có thể học được cách nhận diện về xu hướng này trong bản chất của mình mà không bị mắc kẹt. Khi nó khởi lên, ta có thể cảm nhân nó trọn vẹn, định danh cho trải nghiệm của ta là “đói khát, “mong cầu”, “thèm muốn”, hoặc bất cứ gì như chính nó. Định danh nó dịu dàng mọi lúc nó hiện diện, lặp lại cái tên ấy mỗi vài giây, năm, mười, hai mươi lần cho đến khi nó kết thúc. Khi bạn chú ý nó, hãy ý thức rõ chuyện xảy ra: Loại dục này kéo dài bao lâu? Ban đầu nó mạnh dần lên hay chỉ phai dần đi? Cảm giác như thế nào trong thân thể? Những phần nào của thân thể bị nó tác động – ruột, hơi thở, hay mắt? Tâm, trí có cảm giác như thế nào? Khi nó hiện diện, bạn vui vẻ hay buồn lo, mở lòng hay khép lòng? Khi định danh nó, bạn thấy cách nó chuyển động và thay đổi. Nếu mong cầu đến như một con ma đói, hãy định danh thế. Bạn chú ý sự đói khát ở đâu – trong bụng, lưỡi, hay cổ họng?
Khi xem xét, chúng ta thấy rằng mong cầu tạo ra sự căng thẳng, cái chính thực là khổ đau. Ta thấy cách nó khởi lên từ ý thức thèm muốn và sự bất toàn của mình, một cảm giác rằng ta là riêng biệt và không phải toàn thể. Quan sát kĩ hơn, chúng ta chú ý thấy nó cũng phù phiếm, không căn cốt. Phương diện này của dục thực sự là một dạng tưởng tượng và đồng hành cùng cảm giác đến và đi trong thân tâm ta. Dĩ nhiên, đôi khi nó có vẻ rất thực. Oscar Wilde nói, “Tôi có thể chống cự bất cứ thứ gì ngoài cám dỗ” Khi ta bị kẹt với mong cầu, nó hệt như một chất làm say và chúng ta không thể thấy gì rõ ràng. Ở Ấn Độ, người ta nói, “Một tên móc túi chỉ thấy được túi của vị thánh.” Mong cầu và dục vọng của chúng ta có thể trở thành những mảnh vải che mắt dày cộm giới hạn cái ta nhìn.
Đừng nhầm lẫn dục vọng với sảng khoái. Không có gì sai về việc hân thưởng những trải nghiệm dễ chịu. Được ban tặng nhiều khó khăn phải thường đối diện trong đời, sự hân thưởng là tuyệt vời nếu có. Tuy nhiên, tâm mong cầu chấp chặt vào khoái lạc. Chúng ta được dạy dỗ trong nền văn hóa này rằng nếu ta có thể nắm giữ đủ những trải nghiệm khoái lạc hết cái này đến cái khác một cách mau chóng, đời chúng ta sẽ hạnh phúc. Bằng việc theo dõi một trận quần vợt thú vị cùng một bữa tối ngon lành, một bộ phim hay, và chăn gối tuyệt vời rồi ngủ, một buổi sáng đẹp trời, một giờ thiên định tốt đẹp, một bữa sáng xuất sắc, và hoàn thành một buổi sáng kích thích đầy công việc, hạnh phúc sẽ kéo dài. Xã hội của chúng ta là bậc thầy với việc duy trì mẹo lừa này. Nhưng điều này sẽ làm tâm mãn nguyện chứ?
Chuyện gì xảy ra khi ta thỏa mãn được mong cầu? Thường thì nó sẽ mang đến nhiều mong cầu hơn nữa. Toàn bộ tiến trình có thể trở nên cực kỳ mệt mỏi và trống rỗng. “Tôi sắp làm gì kế tiếp nhỉ? À, tôi sẽ chỉ kiếm thêm một ít nữa thôi” George Bernard Shaw đã nói, “Có hai thứ thất vọng lớn trong đời. Không đạt được điều bạn muốn và đạt được nó”. Tiến trình của dục vọng bất thiện xảo như vậy là vô tận, bởi bình an không đến từ việc thỏa mãn các nhu cầu của ta mà đến từ khoảnh khắc sự bất mãn nguyện kết thúc. Khi mong cầu được chu cấp, lúc đó xảy đến một khoảnh khắc mãn nguyện, không phải từ khoái lạc, mà từ việc thôi nắm bắt.
Khi bạn định danh cái tâm mong cầu ấy và cảm nhận nó cẩn thận, hãy lưu ý điều xảy ra ngay sau khi nó kết thúc, và lưu ý những trạng thái liền sau đó. Vấn đề về nhu cầu và dục vọng là một vấn đề thâm sâu. Bạn sẽ thấy những dục vọng của ta thường bị đặt nhầm chỗ biết bao. Một thí dụ hiển nhiên là khi ta dùng thực phẩm để thay thế tình yêu chúng ta mong mỏi. Giải thích điều này, một đạo sự Phật giáo, Geneen Roth, người đã xử lý nhiều rối loạn ăn uống đã viết một cuốn sách gọi là Nuôi con tim đói khát. Thông qua thực tập định danh, chúng ta có thể ý thức được cái dục vọng bề mặt của mình đã khởi phát từ một mong cầu sâu sắc hơn nào đó trong cuộc hiện hữu, từ một sự cô đơn hay sợ hãi hay trống rỗng tiềm ẩn nhiều biết bao nhiêu.
Thường khi người ta bắt đầu tu tập tâm linh, tâm mong cầu sẽ trở nên mãnh liệt hơn. Khi gỡ đi một số lớp sao lãng, ta phát hiện bên dưới là những ước thúc mạnh mẽ dành cho thức ăn hay tính dục, hoặc liên lạc với người khác, hoặc tham vọng mạnh mẽ. Khi điều này xảy ra, một số người có lẽ cảm thấy rằng đời sống tâm linh của họ đã chệch hướng, nhưng đây là tiến trình cần thiết trong việc lột bỏ lớp mặt nạ của tâm chấp thủ. Chúng ta phải đối mặt nó và thấy nó với mọi diện mạo của nó, để ta có thể phát triển một mối quan hệ thiện xảo với nó. Dục vọng bất thiện xảo gây ra những cuộc chiến, nó thúc đẩy phần lớn xã hội hiện đại của chúng ta, và như là những tín đồ vô tri, ta nằm trong vòng cương tỏa của nó. Nhưng vài người đã từng dừng lại để kiểm nghiệm dục vọng, đích thân cảm nhận nó, và khám phá ra một mối quan hệ thông tuệ với nó.
Khi nghiên cứu tâm lý Phật giáo, chúng ta khám phá ra rằng dục vọng được phân thành nhiều danh mục. Một cách cơ bản nhất, những dục vọng này được chia ra thành dục vọng khổ đau và dục vọng thiện xảo, cả hai phương diện đều bắt nguồn từ một năng lượng trung lập gọi là Tác Ý. Dục vọng khổ đau liên quan đến tham lam, chấp thủ, thiếu thốn và thèm muốn. Dục vọng thiện xảo cũng được sinh ra từ sự Tác Ý này nhưng được dẫn hướng với tình yêu, sức sống, từ bi, sáng tạo, và trí huệ. Với sự phát triển việc nhận diện, chúng ta bắt đầu phân biệt được dục vọn, không lành mạnh với động lực thiện xảo. Ta có thể ý thức được các trạng thái nào được giải phóng từ dục vọng bất thiện xảo tận hưởng một cung cách thanh thoát và tự nhiên của việc không tranh đấu hay tham vọng. Khi ta không còn bị mắc kẹt với những dục vọng bất thiện xảo, sự thấu hiểu của ta tăng trưởng, và đam mê lành mạnh cùng lòng bi mẫn sẽ dẫn hướng đời ta một cách tự nhiên hơn.
Hiểu biết, tự do, và hoan hỉ là những kho báu mà việc định danh ma chướng của dục vọng mang đến cho ta. Chúng ta khám phá ra rằng bên dưới dục vọng bất thiện xảo là một nỗi khát khao tâm linh sâu thẳm dành cho cái đẹp, cho sự phong phú và toàn hảo. Định danh dục vọng có thể dẫn ta khám phá dục vọng chân chính nhất này. Một đạo sư trọng tuổi của tôi đã nói, “Vấn đề với dục vọng là con không khao khát đủ sâu! Sao lại không khao khát nó trọn vẹn? Con không thích cái con có và muốn cái con không có. Chỉ cần hoán đổi chuyện này. Hãy muốn cái con có và đừng muốn cái con không có. Con sẽ tìm thấy sự viên mãn chân chính ở đây”. Bằng việc nghiên cứu dục, chúng ta bắt đầu bao hàm tất cả khả tính của nó trong đời sống tâm linh của mình.
GIẬN DỮ
Ma chướng thứ nhì mà chúng ta hay gặp phải rõ ràng là giận dữ. Trong khi dục vọng và tâm mong cầu là mê hoặc, cái năng lượng đối nghịch của giận dữ và ác cảm rõ ràng là khó chịu hơn. Vào đôi lúc nhất định, ta có thể, chỉ trong chốc lát, tìm thấy một sự thích thú nào đó trong nó, nhưng ngay cả thế thì nó cũng đóng chặt tâm ta. Nó có một phẩm chất siết thúc, bùng cháy mà ta không thể trốn thoát. Ngược với mong cầu, đó là một lực tống đẩy, lên án, phán xét, hoặc ghét bỏ trải nghiệm nào đó trong đời ta. Con ma sân hận và ác cảm kia có nhiều diện mạo và vẻ mặt, và có thể được tìm thấy trong nhiều dạng như là sợ hãi, chán chường, tà ý, phán xét, và phê bình.
Hệt như dục vọng, giận dữ là một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ. Ta có thể dễ dàng bị mắc kẹt trong nó, hoặc sợ hãi nó đến mức ta phát tác sự công phá của nó trong nhiều cách vô thức hơn. Chẳng may, rất ít người biết xử trí nó một cách trực tiếp. Sức mạnh của nó có thể tăng trưởng từ sự khó chịu đến sợ hãi sâu sắc, tới oán ghét và cuồng nộ. Nó có thể được trải nghiệm hướng tới ai đó hoặc cái gì đó đang hiện diện với ta bây giờ hoặc đã xa xôi về thời gian hay địa điểm. Đôi khi ta trải nghiệm cơn giận kinh khủng với những sự kiện quá khứ đã qua từ lâu và về những điệu lực bất tòng tâm. Chúng ta thậm chí có thể nổi cơn thịnh nộ về điều gì đó đã chẳng xảy ra nhưng ta hình dung nó có thể xảy ra. Khi mạnh lên trong tâm trí, giận dữ tô màu toàn bộ trải nghiệm của ta về đời sống. Khi tâm trạng ta tồi tệ, bất kể ai bước vào phòng hay chúng ta đến đầu ngày hôm đó, đều có gì đó sai hỏng cả. Giận dữ có thể là một nguồn đau khổ khủng khiếp trong tâm trí riêng ta, trong sự tương tác của ta với người khác, và trên thế giới nói chung.
Định danh Giận dữ
Tất cả những điều này có thể hiểu được khi ta bắt đầu định danh những diện mạo của giận dữ khi nó khởi phát. Ta có thể tự cảm nhận sợ hãi, phán xét, và chán chường là tất cả các hình thức của ác cảm như thế nào. Khi khảo sát chúng, ta thấy rằng chúng dựa trên sự không thích của mình về mặt nào đó của trải nghiệm. Định danh các hình thức giận dữ tặng cho ta cơ hội tìm thấy tự do.
Thoạt đầu, dịu dàng định danh trạng thái ấy, nói “giận, giận” hoặc “ghét, ghét” chừng nào nó còn khăng khăng đòi. Khi bạn định danh nó, hãy lưu ý xem chúng kéo dài bao lâu, đã biến thành gì, khởi lên lần nữa ra sao. Hãy gọi tên nó và chú ý cách nỗi giận dữ cảm thấy. Bạn ý thức chúng ở nơi nào trong cơ thể? Cơ thể bạn trở nên cứng nhắc hay mềm mại với cơn giận? Bạn có chú ý đến những loại giận dữ khác không? Khi giận dữ khởi lên, nhiệt độ của nó, tác động của nó trên hơi thở, mức độ đau đớn của nó như thế nào? Nó tác động đến tâm trí ra sao? Có phải tâm trở nên nhỏ hẹp hơn, bó cứng hơn, siết thúc hơn? Bạn có thấy căng thẳng và co rút không? Hãy lắng nghe những tiếng nói đến cùng với nó. Chúng nói gì? “Tôi e ngại chuyện này” “Tôi ghét chuyện đó”, “Tôi không muốn trải nghiệm điều đó.” Chúng ta có thể định danh ma chướng và làm tâm ta đủ lớn để cho phép cả cơn giận và đối tượng của cơn giận bộc lộ vũ điệu của chúng không?
Hãy khắc ghi trạng này, trông có vẻ dễ dàng để định danh trải nghiệm và ý thức nó với sự chú tâm, nhưng dĩ nhiên nó chẳng dễ dàng đến vậy. Ở một khóa tu tại California mà tôi giảng dạy cách đây nhiều năm, có một số nhà trị liệu đã được đào tạo với truyền thống la hét nguyên thủy. Cách thực tập của họ là một cách để phóng thích và thanh tẩy, la hét và buông các cảm giác của mình ra. Sau khi thiền được một vài ngày, họ nói, “Thực tập này không hiệu quả? Tôi hỏi, “Tại sao không?” Họ trả lời, “Nó đang xây đắp [năng lượng và giận dữ bên trong chúng ta], và chúng tôi cần một nơi để giải phóng nó. Chúng tôi có thể dùng thiên đường vào một giờ nào đó nhất định trong ngày để la hét và giải phóng nó, vì nếu không, nó sẽ trở nên độc hại khi chúng tôi giữ nó bên trong”.
Đề nghị mà chúng tôi đưa ra là họ hãy quay lại, định danh nó, và chỉ cần nhận diện nó thôi, chắc chắn nó sẽ không giết họ đâu. Vì họ đã đến đó để học cái gì đó mới, chúng tôi yêu cầu họ tiếp tục thiền và nhìn chuyện có thể xảy ra. Họ làm theo. Sau một vài ngày họ quay lại và nói, “Thần kì” Tôi nói, “Cái gì thần kì kia?” Họ nói, “Sau khi định danh nó một thời gian, nó thay đổi.” Giận dữ, sợ hãi, dục vọng – cái tiến trình của tất cả những lực lượng này có thể nghiên cứu được. Chúng khởi phát theo những điều kiện nhất định, và khi chúng ở đây, chúng tác động lên thân và tâm theo một cách nhất định. Nếu bị mắc kẹt trong chúng ta có thể quan sát chúng như thể chúng là một cơn bão và thấy rằng sau khi chúng ở đây một thời gian, hệt như một cơn bão, chúng trôi qua.
Khi lắng lòng nghe, ta cũng có thể ý thức được nguồn gốc của giận dữ. Hầu như cái gốc rễ của giận dữ luôn luôn nằm ở một trong hai trạng thái khó khăn, khởi lên ngay trước khi cơn giận xuất hiện. Chúng ta trở nên giận dữ khi chúng ta tổn thương và đau đớn hoặc là khi chúng ta sợ. Hãy chú tâm đến cuộc đời chính mình và thử xem điều đó có đúng không. Lần tới khi cơn giận và kích động vọt lên, thử xem ngay trước khi chúng khởi phát, bạn cảm thấy sợ hãi hay tổn thương. Nếu ngay từ đầu bạn chú tâm vào sợ hãi hoặc đau đớn, thì thậm chí cơn giận có xuất hiện không?
Giận dữ cho ta thấy một cách chính xác nơi mình đang bị kẹt, nơi chúng ta bị giới hạn, nơi chúng ta đeo bám vào những đức tin và các nỗi sợ. Ác cảm hệt như một tín hiệu cảnh báo bật sáng và nói, “Bám vào, bám vào.” Sức mạnh của cơn giận trong ta tiết lộ mức độ chấp trước của chính ta. Tuy nhiên, khi biết sự chấp trước của mình là tùy chọn, ta có thể liên hệ một cách thông tuệ hơn. Giận dữ của ta, được quan điểm của ta lúc đó quy định, vốn là vô thường, nó là một cảm giác với các tri giác và ý nghĩ kết hợp mà đến rồi đi. Chúng ta không phải bị nó trói buộc hay bị thúc đẩy. Thông thường cơn giận của ta dựa trên những ý niệm giới hạn của mình về cái nên xảy ra. Ta nghĩ mình biết cách Thượng đế tạo nên thế gian, cách ai đó nên cư xử với ta thế nào, cái ta xứng đáng được hưởng. Nhưng ta thực sự biết gì chứ? Ta có liên lạc gì với kế hoạch thần thánh dành cho những buồn rầu và khó khăn, vẻ đẹp và những điều kì diệu mà ta được ban tặng không? Thay vì dính líu vào cách ta muốn câu chuyện được viết ra, ta có thể bắt đầu đối diện và thấu hiểu những lực lượng từ đó cơn giận khởi phát. Như với dục vọng, chúng ta có thể nghiên cứu cơn giận và học hỏi dù nó có phục vụ ta một cách thiện xảo hay không. Có bao giờ nó có giá trị không? Nó có giá trị trong việc bảo vệ, hay là một nguồn sức mạnh không? Cơn giận có cần thiết để đạt được sức mạnh, đặt ra các giới hạn hay giúp trưởng thành không? Có những nguồn lực khác bên cạnh giận dữ cho sức mạnh mà ta tìm kiếm không?
Nhiều người được khuyên phải ghét cơn giận của mình. Khi thử quan sát nó, ta sẽ thấy một khuynh hướng phán xét và đàn áp nó, tống khứ nó, vì nó là “xấu” và đau đớn, hoặc đáng xấu hổ và “phi tâm linh”. Chúng ta phải rất cẩn thận mang một tâm và trí mở rộng vào việc tu tập, và hãy để bản thân cảm nhận trọn vẹn, dù nó có định chạm đến những miệng giếng sâu nhất của đau thương, buồn rầu, và cuồng nộ bên trong. Những lực lượng này thúc đẩy đời ta, và ta phải cảm nhận chúng để tiến tới thỏa thuận với chúng. Thiền định không phải là một tiến trình tống khứ cái gì đó, mà là một tiến trình mở lòng và thấu hiểu.
Khi ta xử trí cơn giận trong thiền định, nó có thể trở nên rất mạnh. Mới đầu, ta có lẽ chỉ ý thức một chút giận dữ, nhưng với những người đã học cách đàn áp và ghì níu nó, cơn giận sẽ biến hình thành cuồng nộ. Mọi cơn giận từng bị giữ chặt trong cơ thể sẽ bộc lộ ra sự căng thẳng và nhiệt lượng ở đôi tay, lưng, hoặc cổ. Mọi lời lẽ từng bị nhận chìm có thể khởi phát, và những hình ảnh mạnh mẽ, cơn cuồng nộ như núi lửa, những đả kích về lạm dụng sẽ rót đầy vào trong ý thức của chúng ta. Tiến trình mở rộng này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Những cảm giác này là tốt, thậm chí cần thiết, nhưng quan trọng phải nhờ cách xử trí chúng. Khi những ma chướng bị lột mặt nạ, bạn có thể cảm thấy mình đang phát rồ hoặc đang làm gì đó sai, nhưng thực tế cuối cùng bạn đã bắt đầu đối diện với những lực lượng đã ngăn mình với cuộc sống, với một con đường đầy ý thức yêu thương và trọn vẹn. Chúng ta sẽ đối diện với những lực lượng này hoài hoài. Chúng ta chắc hẳn sẽ xử trí cơn giận hàng ngàn lần trong thực tập trước khi có thể đạt tới cân bằng, cách sống chánh niệm. Chuyện này tự nhiên thôi.
SỢ HÃI
Tinh thần định danh và khám phá cũng có thể được mang vào sự thấu hiểu nỗi sợ hãi, một hình thức khác của ác cảm. Những người Mỹ chi trả năm mươi tỉ đô-la mỗi năm cho các hệ thống an ninh và bảo vệ. Chúng ta bị mắc kẹt và lạc lối trong sợ hãi quá thường xuyên trong đời mình, nhưng hiếm khi đã khảo sát và xử lý chính cái tâm ma sợ hãi này. Dĩ nhiên, khi xử trí tâm sợ hãi, mới đầu ta sẽ ngần ngại. Chúng ta sẽ chạm trán ma chướng này rất rất nhiều lần. Dù vậy, tới một điểm nào đó, nếu ta mở rộng mắt và tâm với con ma sợ hãi và nhẹ nhàng định danh nó, “sợ, sợ, sợ”, rồi trải nghiệm năng lượng của nó khi nó di chuyển qua ta, toàn bộ ý thức về sợ hãi sẽ chuyển biến, và về sau sẽ đơn giản đi đến nhận thức, “Ồ, sợ hãi, mày lại đây rồi. Thú vị làm sao?
Định danh Sợ hãi
Khi sợ hãi khởi lên, dịu dàng định danh nó và trải nghiệm điều nó làm với hơi thở, thân thể, cách nó tác động tới tâm. Chú ý xem nó kéo dài bao lâu. Nhận diện các hình ảnh. Chú ý đến những tri giác và ý niệm đồng hành với nó, sự run rẩy, cái lạnh, những câu chuyện kinh khiếp mà nó kể. Sợ hãi luôn luôn là sự phóng tưởng về tương lai, một tưởng tượng. Chú ý xem điều gì xảy ra với ý thức về tín nhiệm và hạnh phúc của mình, đức tin của bạn về thế giới.
Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi đã du lịch cùng ngài Achaan Chah thầy tôi tới một tu viện chi nhánh ở biên giới Cambodia cách ngôi chùa chính của chúng tôi tám mươi dặm. Chúng tôi được mời ngồi vào một chiếc xe Toyota cũ cọc cạch với những cánh cửa không đóng chặt được. Tài xế làng của chúng tôi hôm đó quả thực đã phóng như bay, bất cẩn băng qua những vũng nước ổ gà ổ trâu, xe buýt, xe đạp, và xe hơi quanh những cua quẹo khuất tầm nhìn trên một con đường núi bụi bặm. Khi điều này diễn tiến tôi đã cầm chắc là mình sẽ chết ngày hôm đó, bởi suốt thời gian đó, tôi đã níu chặt lưng ghế và thầm tự chuẩn bị sẵn. Tôi theo dõi hơi thở và lẩm nhẩm tụng những đoạn kinh cầu nguyện của mình. Một lúc nào đó, tôi nhìn sang và thấy hai tay của thầy tôi cũng trắng bệch vì níu lấy chiếc ghế. Điều này không biết sao lại khiến tôi an tâm, cho dù tôi cũng tin rằng ông hoàn toàn không sợ việc chết. Khi cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi an toàn, ông cười to và nói giản dị, “Đáng sợ, nhỉ?” Trong khoảnh khắc đó ông đã định danh ma chướng ấy và giúp tối kết bạn với nó.
——