NIỀM TIN VÀO SỰ TỬ TẾ

SƯU TẦM

Chiều nay đi Phú Thọ viếng đám tang ba của một bạn đồng nghiệp, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô thường: sinh lão bệnh tử. Chú ấy mới 54 tuổi. Lúc đó tôi đã tự hỏi: có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất người thân? Tự thấy những nỗi đau và sự vất vả mà tôi đã trải qua thật nhỏ bé và tầm thường. Tôi thấy người bạn đồng nghiệp và gia đình bạn thật dũng cảm khi đứng vững trước cuộc chia ly người thân như vậy, để rồi… bước tiếp… Khi yêu thương một ai đó, chúng ta thường xem họ như một phần máu thịt của mình, cống hiến và sẻ chia, mong cầu điều hạnh phúc và may mắn cho họ, mong muốn gặp gỡ họ hằng ngày, và rồi một ngày khi chia xa, nỗi đau còn lại, rồi sẽ dần vơi, và ta lại… bước tiếp. Mỗi bước ngoặt cuộc đời tựa như những sân ga… và không ai có thể đoán định được ta sẽ đi qua bao nhiêu sân ga như vậy.

Dù sao thì với tôi điều đáng sợ hơn cả lại không phải là nỗi đau của sự mất mát mà là nỗi đau của việc mất niềm tin vào những điều tử tế, vào một tương lai tử tế đàng hoàng. Tôi chợt nhớ đến bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy được sản xuất năm 1985.

Cách đây chừng ba năm có một vị thầy nói với tôi rằng, mọi chuyện mua bán trao gửi cho nhau trên đời này thực chất là mua bán niềm tin. Quả thật là đúng như vậy, nếu không có niềm tin thì liệu chúng ta có trao gửi cho nhau hàng hóa và giá trị hàng hóa được quy đổi bằng tiền mặt hay không? Nếu không có niềm tin vào những thương hiệu uy tín thì liệu tôi có ngồi đây trên bộ bàn ghế Xuân Hòa và tác nghiệp trên chiếc máy tính Acer? Rõ ràng niềm tin ở đây được thể hiện rõ trong mọi ngóc ngách cuộc sống: Niềm tin vào bản thân, Niềm tin vào một cuộc sống gia đình êm ấm khi ta quyết định kết hôn; Niềm tin vào một doanh nghiệp có thương hiệu và chất lượng sản phẩm tốt khi ta quyết định lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp đó; Niềm tin vào một hệ thống giáo dục lấy học sinh làm tâm điểm khi ta lựa chọn trường học cho con; Niềm tin của mỗi công dân vào một thể chế khi lấy tự do và sự ấm no bền vững của người dân làm tôn chỉ để vận hành; Niềm tin giữa các quốc gia với nhau khi cùng tồn tại và phát triển trên sân chơi quốc tế.

Nếu chúng ta không có niềm tin vào bản thân, vào những điều tử tế còn tồn tại quanh ta thì có lẽ cuộc đời ta tràn ngập những khổ đau của trách móc, của hận thù, của sống gấp…Trong một doanh nghiệp nhà quản lý cần biết tạo dựng lòng tin để khích lệ nhân viên,để cấp dưới nhìn vào thì mới có thể tận tâm với công việc; biết tạo dựng uy tín với khách hàng và các đối tác để phát triển doanh nghiệp. Bắt nguồn từ khái niệm niềm tin mà các nhà kinh tế học tạo ra khái niệm “thương hiệu” và nhờ có những “thương hiệu” lớn mà sàn chứng khoán hoạt động hiệu quả và sôi nổi. Kinh doanh chứng khoán thực tế chính là kinh doanh thương hiệu, kinh doanh niềm tin của khách hàng vào sự phát triển của doanh nghiệp mà họ đầu tư.

Ở khuôn khổ của một quốc gia, niềm tin càng cần được nhấn mạnh trong giai đoạn các nhà lãnh đạo ra sức chỉnh đốn hàng ngũ cán bộ, quyết liệt đấu tranh với tham nhũng để tăng cường lòng tin của công dân đối với nhà nước. Người ta cũng thấy gần đây ở Đà Nẵng có một số phường triển khai mô hình thân thiện với hình ảnh người công an phường đi làm và tiếp xúc với người dân bằng xe đạp; hay ở các thành phố lớn hình ảnh những nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp trẻ trung điều khiển giao thông giữa ngã tư đường; tại nhiều trụ sở cơ quan hành chính cấp phường xã, người dân đã được hướng dẫn các thủ tục cần thiết… tất cả những nỗ lực đó tựu trung lại đều được tạo ra để xây dựng niềm tin, rằng công cuộc xây dựng một xã hội theo tiêu chí công bằng,văn minh, lịch sự… sẽ có những bước chuyển biến mới, tươi sáng hơn; mong muốn đem đến hình ảnh của người công chức sẽ đẹp hơn, gần gũi hơn với người dân.

Gần đây chúng ta cũng thấy rộ lên cả một phong trào các bậc phụ huynh ưa thích tìm hiểu và áp dụng các phương án giáo dục sớm của Nhật, của Do Thái, đó là một trong những kết quả của việc xây dựng thương hiệu của quốc gia, đặc biệt là Nhật bản. Khi nói đến Nhật bản, người ta lập tức liên tưởng đến tinh thần hy sinh,của sự trung thực, thái độ học hỏi cầu tiến và lòng can đảm.

Tất cả mọi người và mọi cộng đồng,từ cá nhân, gia đình, bạn bè, nhà trường, doanh nghiệp cho đến quốc gia …muốn được tôn trọng và xây dựng được niềm tin của bạn bè và đối tác với mình, trước hết tự thân những con người ấy, những cộng đồng ấy phải mang lại những giá trị tốt đẹp cho chính chúng ta và những người xung quanh. Lợi người lợi mình ta mới làm và hại người hại mình nhất định không được phép thực hiện. Có như vậy, chúng ta mới được sống trong vườn yêu thương do chính chúng ta vun trồng mà những hạt giống để gieo mầm trong khu vườn đó chính là niềm tin và sự tử tế dành cho nhau.

Thuần Tâm (Hà Nội)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP