HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Trích: Bình Giảng 37 Pháp Tu Bồ Tát, Ấn tống cúng dường cho chuyến hoằng pháp của Đại sư Garchen Rinpoche lần thứ 2 tại Việt Nam 1/2014
Khi giao du với bạn xấu, tam độc sẽ gia tăng; việc lắng nghe, suy tư, thiền tập sẽ giảm sút; tình yêu thương và lòng bi mẫn cũng bị suy thoái . Hãy xa lìa kẻ xấu. Đó là pháp tu của Bồ tát.
Trong Luân hồi, gia đình và bè bạn của chúng ta thường là đối tượng của sự thương – ghét và như vậy, đây là nguyên nhân làm tam độc tăng trưởng. Trước hết, chúng ta bám luyến vào họ rồi chúng ta xây dựng quan hệ và sống với nhau hằng ngày. Họ mang lại cho chúng ta một ít hạnh phúc và vô vàn khổ đau không thể hình dung ra được. Người ta nói là ‘Một người sống trong Luân hồi sẽ chẳng hưởng được hạnh phúc nhiều hơn đầu mũi kim’ nhưng đức Milarepa lại dạy rằng: ‘Thoạt đầu, người ta vui thích trong Luân hồi như chủ gia đình’. Trước hết, khi con còn trẻ, con có thể cảm thấy chút hạnh phúc trong Luân hồi nhưng khi chúng ta xem xét các khiếm khuyết của Luân hồi, chúng ta sẽ thấy bản chất của nó là khổ đau. Ví dụ như chúng ta không đi làm thì chúng ta không thể tự nuôi mình được. Công việc là khổ đau nhưng nếu con không đi làm việc, con sẽ không có thực phẩm để ăn và sẽ không được nhà dưỡng lão chăm sóc. Do đó, con phải đi làm. Đây là chuyện nhỏ. Nhưng nếu con không tận dụng thân người hiếm quý mà chúng ta có được trong một lần duy nhất này, chúng ta sẽ bị đọa sinh xuống ba cõi thấp và sẽ phải chịu khổ đau thật nhiều hơn nữa. Con phải xác quyết được rằng bản chất của Luân hồi là khổ đau. Hãy thường xuyên quán rằng Luân hồi có bản chất là khổ đau. Một số người không có thời gian nghĩ về điều này nhưng nếu con thực hành quán tưởng một tuần một lần thì con thực sự may mắn rồi.
Bởi vì khi giao du với họ [bạn xấu], chúng ta sẽ buông bỏ lòng từ ái và bi mẫn và chịu sự chi phối của phiền não do sự thương – ghét và vô minh mang lại nên chúng ta phải từ bỏ bạn xấu. Đây là điều được bản văn đề cập nhưng có thể do nghiệp duyên đời trước, một người đàn ông kết hợp với một người phụ nữ xấu xa và một người phụ nữ kết hợp với một người đàn ông xấu xa và do đó, bỏ nhau là điều khó khăn. Nếu con không thể cắt đứt quan hệ thì con phải làm gì? Con phải buông bỏ các cảm xúc phiền não (trong pháp tu thứ 27, chúng ta sẽ thảo luận việc chuyển hóa ‘bạn xấu’ thành một người bạn tốt). Vì sao phải từ bỏ bạn xấu? Vì sự thương – ghét. Nếu con từ bỏ được người bạn xấu thì con nên làm nhưng ngay cả khi con đã từ bỏ một người bạn xấu thì con sẽ gặp một người bạn xấu khác nếu đó là nghiệp của con. Luân hồi có bản chất là khổ đau nên chính Luân hồi là bạn xấu. Con phải dấn bước trên con đường giải thoát. Con phải suy nghĩ như vậy. Nếu con tự xây dựng cho mình một thái độ nhàm chán Luân hồi thì con sẽ tự nhiên từ bỏ bạn xấu. Nhưng nếu con cảm thấy bực bội với hết người này đến người khác và quyết định rằng ‘Mình phải từ bỏ bạn xấu, cả hai chúng ta luôn cãi nhau, nên tốt hơn hết là đường ai nấy đi’ thì điều này chẳng lợi lạc gì cả. Cái mà chúng ta phải làm là bước trên con đường giải thoát bởi vì ước nguyện được giải thoát khỏi Luân hồi chính là việc thực sự từ bỏ bạn xấu [Luân hồi].
Chúng ta cũng không nên kết bạn với những kẻ ngoại đạo. Ở thời Ấn Độ cổ, kẻ ngoại đạo là kẻ không chấp nhận nghiệp, không chấp nhận nhân quả, và có tà kiến. Dĩ nhiên là vẫn còn rất nhiều những người như vậy trong thời nay. Sự giao du này rất nguy hiểm. Ví dụ như có người thông minh hơn con hoặc có nhiều kiến thức khoa học hơn lại cố gắng thuyết phục con rằng luật nhân quả không có thực và chất vấn niềm tin của con đối với lòng từ ái và bi mẫn. Sẽ có nguy cơ rằng con không thể bảo vệ ý kiến của mình nên xuôi theo họ. Về cơ bản, một người không chấp nhận các khái niệm về Bồ đề tâm và nhân quả sẽ không chấp nhận ý niệm về tình yêu thương không định kiến. Một người như vậy sẽ chỉ yêu bạn bè thân thiết của mình và nghĩ rằng căm ghét những người mình không ưa thích là chuyện bình thường. Nhưng nếu con chấp nhận luật nhân quả, con đều biết rằng tình yêu thương là cần thiết dù đó là bạn hay thù. Kẻ phản bác ý kiến này là kẻ ngoại đạo. Nếu chúng ta không có lựa chọn nào và phải giao du với họ tại nơi chúng ta sinh sống hay làm việc, chúng ta phải hành xử khéo léo. Chúng ta tuyệt nhiên không nên khơi dậy sự căm ghét hay tự đặt mình vào tình huống bị gây hấn. Chúng ta phải tự giữ gìn lấy mình nhưng cũng phải giữ quan hệ với họ, làm những điều phù hợp với họ và không làm họ nổi giận. Khenpo Jigme Phuntsog đã dạy rằng ‘Đừng làm mất sự ổn định của mình và đừng làm nặng nề tâm thức của người khác’. Niềm tin của con đối với Tam Bảo và luật nhân quả phải kiên định và cách hành xử của con phải hòa hợp với người khác. Đây là cách con nên hành xử. Con phải có tinh thần làm việc tập thể và không lập tức xem một người nào đó là bạn xấu. Dù rằng kẻ đó làm con bực mình ít hay nhiều, con phải thực hành hạnh nhẫn nhục. Chúng ta là Phật tử. Chúng ta đồng ý trưởng dưỡng lòng từ ái, lòng bi mẫn và Bồ đề tâm vì mọi người. Do đó, chúng ta không thể nói: ‘Tất cả mọi người ngoại trừ hắn ta’. Tuy nhiên, chúng ta không chấp nhận tà kiến của kẻ đó. Con không được nghe lời của những kẻ có tà kiến, có sự bám luyến, ghét bỏ, hay thiển cận. Con phải giữ tâm mình trong sáng và thanh tịnh. Tóm lại, chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh; nếu không còn lòng từ ái và bi mẫn thì tâm chúng ta sẽ trở nên ô nhiễm.
Link ebook: https://thuvienhoasen.org/images/file/jE7Uxw4y1QgQAA0K/binh-giang-37-phap-hanh-bo-tat-dao.pdf