SỰ BIỂU LỘ: SỰ HOÀN THÀNH CỦA TÂM

SHAMAR RINPOCHE

Trích: Nhận Diện Bản Tâm, Con Đường Đại Ấn và Đại Toàn Thiện; Người dịch: Trùng Hưng; Thiện Tri Thức, 2021

Trong hoạt động hiểu biết, có hai yếu tố: người biết, là tâm ở trong, và cái được biết, những đối tượng mà tâm có sự hiểu biết về. Rõ ràng có một tiếp hợp giữa hai cái, bởi vì đối tượng có hiệu quả trên tâm. Vật đẹp làm sinh ra luyến chấp, vật xấu làm nảy sinh ác cảm và vật trung tính thì gây ra thản nhiên. Bởi thế, hoặc là tâm và những đối tượng của nó có cùng bản chất căn bản, hay có một mối quan hệ nhân quả giữa hai cái, như sự liên kết giữa khói và lửa.

Phái Sautrantika đã chỉ ra rằng đối với tâm biết một cái gì, đối tượng phải cùng bản chất như tâm. Những đối tượng của tâm có bản chất là vật chất, làm sao chúng có thể được biết bởi tâm? Tâm thức thì phi vật chất và không hình tướng: bản chất của nó thách đố mọi sự diễn tả — nó không thể định nghĩa bằng hình thể, màu sắc hay bất cứ thứ gì. Trong khi bản chất của hiện tượng vật chất thì hoàn toàn xác định được: người ta có thể nói về hình dáng, khối lượng, chiều kích, màu sắc của nó. Có sự khác biệt hoàn toàn trong những tính chất của vật chất và phi vật chất, mọi tiếp xúc đều hầu như không thành. Nhãn thức không thể tùy thuộc hình tướng, nhĩ thức nắm bắt âm thanh… Sự rất đỗi khác biệt trong bản chất cũng ngăn cản một tương quan nhân quả. Hoàn toàn xa lạ, trái nghịch nhau trong bản chất, làm thế nào đối tượng vật chất xảy ra như một kết quả của tâm, hay làm thế nào tâm có thể được sinh ra bởi những đối tượng vật chất?

Kết luận duy nhất có thể được rút ra là những đối tượng là tâm, trong trường hợp này không vấn đề nào như trên khởi lên nữa. Tâm có thể có hiểu biết về đối tượng vì chúng được tạo bởi tâm, và tâm có thể sanh tâm. Lấy ví dụ một giấc mơ: nếu một người mơ thấy một con ngựa, người ấy có thể nhận thức con ngựa vì nó là tâm tạo, nó được tâm sản xuất ra và có cùng bản chất với tâm. Theo cách đó, tất cả đối tượng khác nhau và thức giác quan của chúng nuôi dưỡng tiến trình tâm thức đều được tạo thành bởi tâm.

Thật vậy, nếu chúng ta nhìn kỹ lưỡng hơn, chúng ta khám phá rằng một thế giới vật chất được tạo bởi các phần tử không thể phân chia là một lý thuyết không vững vì tính bất khả của các phần tử này. Một ‘nguyên tử’ được định nghĩa như là phần tử nhỏ nhất có thể được, nhỏ đến nỗi không thể phân chia nữa. Nếu một cái gi không thể phân chia nữa, thì nó không thể có kích thước nào, bởi vì nếu có, nó còn có thể chia thêm một lần nữa thành mặt trước và mặt sau, mặt trái và mặt phải. Như thế, theo định nghĩa, một “nguyên tử” thì không có kích thước, thế thì trong trường hợp ấy, làm sao các “nguyên tử” kết hợp với nhau để thành những khối lớn hơn? Không có kích thước, một “nguyên tử” không có các mặt hay phía để nguyên tử khác có thể kết dính vào, hoặc là trực tiếp hay bởi trung gian của một loại năng lực. Cùng một biện luận như thế áp dụng cho phần tử tâm thức, khoảnh khắc của tâm thức, mà tâm được xem là cấu tạo từ nó. Lý thuyết nguyên tử cuối cùng bị quy giảm thành một vô lý của luận lý.

Có thể khó khăn vào lúc đầu khi chấp nhận rằng thế giới không tạo thành từ nguyên tử. Chúng ta có thể phản bác rằng hoàn toàn rõ ràng những sự vật làm bằng các phần tử. Ví dụ một ngôi nhà là một sự gom tụ của các phần tử đá, xi măng… Một đứa bé trên bờ biển xây lâu đài từ những hạt cát. Tuy nhiên những cái ấy hình như là thế đối với tâm lầm lạc, mà không phải như thế trong thực tại. Tâm lầm lạc hay rối loạn thì giống như một cái tâm đang mộng, nó nghĩ rằng điều gì xảy ra là có thực. Người ta có thể mộng thấy một đứa bé trên bãi biển làm lâu đài cát, nhưng lâu đài cũng như hạt cát tạo nên lâu đài đều không thực; chúng chỉ có vẻ thực đối với tâm lầm lạc đang mộng. Tương tự, sự vật có thể có vẻ được hợp thành bởi phần tử theo phương diện sự thật tương đối, nhưng về phương diện sự thật tối hậu thì không có đối tượng nào của các giác quan có một thực tại vật chất nào.

Khi bàn luận về những đối tượng của giác quan, chúng ta phải nhớ rằng tâm cũng có khả năng riêng của nó với hiểu biết tương ứng, nó ý niệm hóa thông tin nhận được qua những khả năng của năm giác quan kia. Những đối tượng của giác quan thứ sáu, tức là ý thức, được gọi là các pháp. Một pháp trong trường hợp này được định nghĩa như là cái gì mà ý thức có thể biết. Thí dụ sau làm rõ mối tương quan giữa một trong năm khả năng giác quan và khả năng của ý thức.

Trong hành động thấy một cái ly, cái ly bắt đầu là một hình tương tự trình diện với khả năng của cái thấy (nhãn thức), và rồi được truyền đạt như là một pháp, cái mà khả năng ý thức có thể biết. Được khả năng ý thức nhận ra, tâm thức bắt đầu một tiến trình loại bỏ để ý niệm hóa đối tượng của hiểu biết. Làm việc từ kinh nghiệm quá khứ, tâm thức có thể nhận ra rằng hình ảnh nó nhận không phải là một cái tách hay cái muỗng chẳng hạn, mà là một cái ly. Sự gán tên thích hợp được áp dụng, và hình ảnh truyền từ nhãn thức được “biết” bởi ý thức như một cái ly.

Khả năng ý thức và sự hiểu biết của nó bởi thế có vai trò ý niệm hóa đối tượng và tri giác chúng là cái này hay cái kia bằng cách phân biệt một đối tượng với đối tượng khác, ý thức cũng đánh giá đối tượng, xét xử chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Điều này tạo ra phản ứng liên quan hướng về hay quay lưng với đối tượng.

Những thức thuộc về năm giác quan không liên quan gì đến sự ý niệm hóa này; chúng chỉ biết những cảm giác của sắc, âm thanh, hương, vị và xúc. Sự ý niệm hóa của ý thức bởi thế là cái chịu trách nhiệm đối với tri giác của chúng ta về thế giới chung quanh. Ví dụ, nếu sự hấp dẫn của một con cọp cái là thuộc về bản chất của nó, thì nó không chỉ hấp dẫn với con cọp đực mà còn cả với người hay những loài thú khác. Vì không phải vậy, chúng ta có thể kết luận rằng sự hấp dẫn của nó là do không phải chính nó, mà do tâm thức ý niệm hóa của con cọp đực.

Điều này chỉ ra toàn bộ thế giới chung quanh chúng ta được phác họa bởi hoạt động ý niệm hóa của tâm như thế nào.

TÂM VÔ SANH

Bức tranh mà chúng ta lập ra đến bây giờ là không có một thể chất vật lý hiện hữu độc lập nào, dù nó nhỏ bé như một phần tử hay to lớn như một trái núi. Mọi thứ hiện hữu, chỉ hiện hữu trong tương quan với các sự vật khác. Nếu có bên trái, thì bèn có bên phải; không có bên trái, cũng không thể có bên phải. Nếu không có nóng, thì không có lạnh, nếu không có dài thì không có ngắn, nếu không có “tôi” thì không có “anh”.

Do đó nếu không có đối tượng thực sự cho cái biết, thì cũng không thể có cái gì thực nó đang biết đối tượng: nếu đối tượng của tri giác không hiện hữu thực sự, thi tâm tri giác đối tượng cũng không hiện hữu thực sự. Những khoảnh khắc của tri giác làm nên cái tâm không có thực tại độc lập, chúng tùy thuộc vào những đối tượng của chúng để hiện hữu: nếu không có âm thanh thì cũng không có nhĩ thức… Thế giới bên ngoài được phác họa bởi cái biết ý niệm hóa của tâm thức, nhưng ngay cả cái biết này cũng không có thực tại độc lập nào tự nó. Cả cái biết và đối tượng tự chúng đều không thật, không gì khác hơn là sự phóng chiếu của tâm. Tâm là nguyên nhân của mọi sự, tuy nhiên tâm không hiện hữu trong nghĩa thật sự nào.

NHỮNG THÀNH VIÊN THAM GIA VÀO SỰ LẦM LẪN

Sự ý niệm hóa của tâm lầm lạc sanh ra thế giới hiện hữu một cách tương đối, không với tư cách cá thể, mà theo cách tùy thuộc vào những nguyên nhân và những điều kiện. Những nguyên nhân và điều kiện này y cứ vào tám loại thức, tức là cái biết phần mảnh, trong đó yếu tố, tác nhân chính và quyết định là thức căn bản (A-lại-da thức).

Thức căn bản là điều kiện nền tảng cho sự sanh sản bảy thức kia, chúng được phóng xuất từ nó. Bảy thức này là năm thức thuộc về năm giác quan, ý thức và thức phiền não (mạt-na thức). Tất cả tám thức đều chung nhau một bản chất, mặc dầu có những sự khác nhau ở bề ngoài, như những sóng trên mặt biển được tạo thành bằng cùng một nước biển nằm ở đáy sâu. Cũng như những sóng có sự khác biệt về hình dáng và khối lượng, những loại thức khác nhau trong hoạt động tùy theo bản chất của đối tượng mà chúng hiểu biết. Có nhãn thức liên quan với sắc, tỷ thức liên quan với hương…

Thức giác quan

Điều kiện đối với tri giác lầm lạc ở thế giới bên ngoài là đối tượng của giác quan được tưởng ra: một cảm giác về sắc, thanh, hương, vị và xúc. Điều kiện bên trong chúng ta là cái chính và do khả năng giác quan của cơ quan tương ứng. Khả năng này không phải là toàn bộ cơ quan, mà chỉ là phần cảm giác của nó làm bằng vật chất rất vi tế, nó có chức năng làm nổi bật đối tượng và cho phép sự biết về đối tượng xảy ra.

Mỗi loại thức giác quan này nối kết với khả năng: giác quan tương ứng và không phải là toàn thể cơ quan. Một người có mắt, nhưng nếu khả năng của mắt bị hư hoại, nó không thể thấy.

Tâm khoảnh khắc

Khả năng giác quan của cái biết thuộc thức mà những đối tượng của nó là sự vật được gọi là tâm khoảnh khắc. Chất liệu vi tế của nó có bản chất là tâm thức.

Nó được gọi là tâm khoảnh khắc bởi vì trong mỗi khoảnh khắc xảy ra một hoạt động của tâm thức bắt đầu hay chấm dứt. Chính cái khoảnh khắc này cho phép cái biết của tâm thức sanh ra. Phải có một khoảng không gian giữa thức và đối tượng của nó để cho thức xảy ra. Có thể so sánh với khoảng không gian giữa khuôn mặt và cái gương, không có nó thì không thể tự thấy mình. Tâm khoảnh khắc là khoảng trống phân cách thức và đối tượng của thức. Tuy nhiên, nó không đơn giản là không gian, mà là một cái gì có bản chất tâm thức và có thể tiếp xúc với tâm vì nó là tâm. Qua thiền định, tâm có thể đạt đến chỗ hiểu biết khả năng giác quan của chính nó.

Sáu khả năng giác quan, sáu thức thuộc về chúng, và sáu đối tượng kích thích chúng, tất cả khởi lên từ thức căn bản và tan biến trở lại trong đó khi chúng chấm dứt, cũng như những sóng khởi từ đại dương và chìm lại vào đó. Tất cả những tác nhân khác nhau này là sự phóng xuất của tâm, kể cả những đối tượng giác quan không có thực tại vật chất. Thêm vào đó, những tác nhân khác nhau này chỉ hiện hữu trong liên hệ lẫn nhau, mà không với tư cách độc lập tự chúng.

Mối tương quan nhân duyên của những tiến trình cảm giác này xảy ra như thế nào? Từ thời vô thủy, cách ứng xử thói quen của chúng ta nảy sinh từ vô minh đã lưu lại những dấu vết được chứa trong thức căn bản. Thức căn bản không nhận ra bản tánh chân thật của mình và lầm cho thức căn bản và năm uẩn là một cái “ta”. Sự tin tưởng này làm cho phiền não khởi lên và nó ngự trị cách ứng xử. Người tạo ra hành động trở nên bị lệ thuộc vào luật nhân quả, để lại dấu vết và khuynh hướng trong thức căn bản cho tới khi chín muồi, tạo thành môi trường của thức liên hệ với khuynh hướng đặc biệt ấy. Ví dụ, nếu trong thức căn bản chứa đựng tiềm năng để trở thành một con người, khi tiềm năng ấy chín, từ thức căn bản khởi ra sáu khả năng giác quan, sáu đối tượng và sáu thức thích ứng với đời sống làm người.

Nền tảng cho nhận thức chúng ta về thế giới là thức phần mảnh phân biệt của khả năng tâm thức, hay là tâm khoảnh khắc, bởi vì chính nó ý niệm hóa các đối tượng do các khả năng giác quan khác nhận vào, giữ chúng lại, phân biệt chúng và hướng theo hay chối bỏ. Đây là một loại luyến ái. Một loại khác được tâm phiền não tạo ra, bản chất của nó giống như tâm khoảnh khắc, dầu cho sự luyến ái theo nó xảy ra trong một cách hơi khác.

Tâm phiền não

Chính tâm phiền não bám níu vào ý niệm cái ta, đó là cái phần của tâm thức nó cho rằng “tôi hiện hữu” và “tôi thì tốt hơn và quan trọng hơn những người khác”, những thiết định hoàn toàn sai lầm, bởi vì không có cái ta nào trong thức căn bản. Ý niệm về sự hiện hữu của cái ta làm nảy sanh vô số tình cảm làm phiền não tâm thức. Cũng chính cái tâm phiền não này là nguồn gốc của cái được gọi một cách kỹ thuật là “các tổ hợp có thể phá hoại được”. Nghĩ rằng năm uẩn tâm sinh lý này là thật và tạo ra một cái ta từ chúng, tâm thức chế tạo ra những tổ hợp không thật và do đó có thể hủy hoại được bằng một sự truy xét cẩn thận về bản chất thật của chúng.

Tóm lại, tâm khoảnh khắc là điều kiện cho phép thức phần mảnh phân biệt khởi sanh. Tâm phiền não là điều kiện cho sự xảy ra của những trạng thái phiền não của tâm thức, bởi thế nó là điều kiện làm tâm bị che chướng.

Thức căn bản

Thức căn bản là một nền tảng và là nơi cư trú ở đó tất cả hạt giống do các hành vi trước kia của chúng ta tạo thành được chứa cất cho đến khi chúng chín muồi. Bởi thế nó như một miếng đất trải rộng nơi đó những hạt giống trưởng thành mọc lên, nó là nền tảng và chỗ cư trú cho toàn bộ thế giới quanh ta, vì thế giới là sự hoạt động của bảy loại thức, chúng chính là sản phẩm của thức căn bản.

Tắt cả các hoạt động của bảy thức này để lại dấu vết “tốt” hay “xấu” được cất giữ trong thức căn bản, nhưng thức căn bản tự nó là trung tính, nó không biết tốt hay xấu. Nó cũng giống như một đại đương mà từ trên bề mặt những xu hướng chín muồi khởi lên như hơi nước. Bảy thức phân biệt giống như mưa và hoạt động của chúng làm thành những dòng sông chảy trở lại vào đại dương, nơi đó tất cả nước của chúng đều được chứa giữ không mất cho đến khi sự bốc hơi xảy ra trở lại.

Thức căn bản cũng được biết như là “người nhận”, theo nghĩa nó “nhận” một sự tái sanh sau một đời khác. Khi đời người hiện tại chấm dứt, nó tiếp theo bởi kinh nghiệm trung ấm khi một lần nữa thức căn bản phóng xuất những duyên cho sáu thức phân biệt cũng như tâm phiền não chấp ngã, và làm cho hiện hành loại hiện hữu này. Khi trung ấm đến lúc hết, thì chính từ thức căn bản mà các thức, các khả năng cảm giác và các đối tượng cảm giác lại nắm lấy trạng thái tiếp theo, tức là đời sống tái sanh.

Một tên khác của thức căn bản là thức “duyên”, duyên bởi vì nó nương dựa vào bảy thức kia để hiện hữu. Lấy cùng ví dụ trên, như chính đại dương không thể hiện hữu nếu không có sự bốc hơi, mưa và những con sông, cũng thế thức căn bản không thể hiện hữu nếu không nhờ hoạt động của bảy thức và những dấu vết chúng để lại trong thức căn bản. Khi tâm thức không vô minh về bản tánh thật của nó nữa, và bởi thế không lầm lạc nữa, hoạt động của bảy thức được chống lại và chúng đi tới chấm dứt. Cùng lúc đó, thức căn bản cũng chấm dứt.

Rất quan trọng phải hiểu điểm này: thức căn bản là một hiện tượng duyên khởi, bởi vì nếu nó có thể hiện hữu mà không cần nương nhờ vào hoạt động của bảy thức, thì nó cũng đồng thời với nguyên lý của phái Samkhya và giáo lý của đức Phật sẽ không phân biệt với triết học Ấn Độ cổ thời.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THẾ GIỚI LÀ GÌ- NHẬN DIỆN BẢN TÂM
  2. NĂM CON ĐƯỜNG RA KHỎI LẦM LẪN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP