DEEPAK CHOPRA
Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Nguyên tác: Quantum Healing; Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2022
Trong thực tế hằng ngày, một khi phép màu qua đi, bác sĩ sẽ quay trở lại nếp thường ngày của họ, bao gồm cả các nhận thức thường quy. Tuy nhiên, thậm chí ngay cả những phẩm tính tiêu biểu này của y học cũng bị biến dạng. Lấy một ví dụ: Kể từ khi ra đời với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học duy lý, y học đã chấp nhận sự thoái hóa chức năng não ở người cao tuổi như một hiện tượng tự nhiên. Sự suy thoái này đã được ghi nhận kỹ lưỡng với những phát hiện “không thể chối cãi” – khi chúng ta già đi, não của chúng ta co lại, trở nên nhẹ hơn và mất đi hàng triệu tế bào thần kinh mỗi năm. Chúng ta được bổ sung đầy đủ các tế bào thần kinh vào năm 2 tuổi, và đến 30 tuổi, số lượng bắt đầu giảm. Việc mất bất kỳ tế bào não đơn lẻ nào là vĩnh viễn vì các tế bào thần kinh không tái tạo. Trên cơ sở của thông tin phổ biến, sự suy giảm trí não dường như có giá trị về mặt khoa học; đáng buồn nhưng tất yếu, về già phải dẫn đến suy giảm trí nhớ, giảm khả năng suy luận, suy giảm trí thông minh và các triệu chứng liên quan.
Tuy nhiên, những giả định lâu đời này giờ đã được chứng minh là sai. Nghiên cứu cẩn thận về những người cao tuổi khỏe mạnh – trái ngược với những người bị bệnh, nằm viện mà y học thường nghiên cứu – đã cho thấy 80% người Mỹ khỏe mạnh không bị tác động tâm lý tiêu cực (chẳng hạn như cô đơn, trầm cảm hoặc thiếu kích thích bên ngoài), không bị mất trí nhớ nhiều khi họ già đi. Khả năng nhớ được thông tin mới có thể suy giảm, đó là lý do người già quên số điện thoại, tên và lý do khi bước vào phòng; nhưng khả năng nhớ lại các sự kiện trong quá khứ, được gọi là trí nhớ dài hạn, thực sự được cải thiện (Một nhà nghiên cứu về lão hóa trích dẫn lời Cicero, “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến một ông già quên chỗ giấu tiền.”)
Trong các thử nghiệm so sánh người 70 tuổi với người 20 tuổi, những người lớn tuổi thể hiện tốt hơn những người trẻ tuổi trong lĩnh vực trí nhớ này. Sau khi họ thực hành một loại trí nhớ khác được gọi là trí nhớ ngắn hạn trong vài phút mỗi ngày, nhóm lớn tuổi gần như có thể sánh ngang với các đối tượng trẻ hơn, đang ở thời kỳ hoạt động trí óc cực kỳ tốt.
Có lẽ “Thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời” nên được kéo dài. Bí mật, như với hầu hết mọi sự suy giảm “tự nhiên” khác ở tuổi già, phụ thuộc vào những thói quen của tâm trí chứ không phải là mạng mạch trong hệ thần kinh. Miễn là người ta duy trì hoạt động trí óc, người ta sẽ vẫn thông minh như ở tuổi thanh niên và trung niên. Con người vẫn sẽ mất hơn một tỷ tế bào thần kinh trong suốt cuộc đời, với tốc độ trung bình là 18 triệu tế bào mỗi năm, nhưng sự mất mát này được bù đắp bởi một cấu trúc khác, các sợi nhánh có tên là dendrite (nhánh tế bào thần kinh đuôi gai), kết nối các tế bào thần kinh với nhau.
Một tế bào thần kinh có xu hướng độc lập về hình dạng nhưng nhìn chung, nó có phần trung tâm hình củ, từ đó có những nhánh nhỏ xòe ra, giống như một con bạch tuộc. Những cánh tay, hay sợi trục thần kinh này, kết thúc bằng một vòng xoáy của những sợi nhỏ trông giống như một cái cây đối với các nhà giải phẫu học thời kỳ đầu, vì vậy họ đặt tên chúng là “dendrites”, theo từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cây”. Dendrite (sợi nhánh), có số lượng khác nhau ở mỗi tế bào, từ chừng một tá đến hơn một nghìn, đóng vai trò như những điểm tiếp xúc, cho phép tế bào thần kinh gửi tín hiệu đến các tế bào lân cận. Bằng cách phát triển các sợi nhánh mới, một tế bào thần kinh có thể mở các kênh liên lạc mới theo mọi hướng, giống như một tổng đài tỏa ra thêm nhiều đường dây.
Người ta không biết chính xác làm thế nào mà một ý nghĩ được hình thành giữa các tế bào não hoặc làm thế nào mà một lượng khổng lồ các kết nối phức tạp tương quan với nhau hàng triệu sợi nhánh kết hợp với nhau tại các điểm giao chính yếu trong cơ thể, ví như đám rối thái dương, chưa kể hàng tỷ tỷ những liên kết như thế trong chính bộ não. Nhưng các thí nghiệm đã chỉ ra rằng những sợi nhánh của tế bào thần kinh có thể hình thành và phát triển trong suốt cuộc đời, cho đến tuổi già. Quan điểm hiện tại cho rằng sự hình thành các sợi nhánh mới này rất có thể mang lại cho chúng ta cấu trúc vật chất cho chức năng không thể bị hư hại của bộ não. Trong một bộ não khỏe mạnh, xét về mặt thể chất, lão hóa là tình trạng không bình thường. Hiện tượng nhân lên phong phú của các sợi nhánh có thể giải thích cho sự thông thái ở tuổi già, giai đoạn mà người ta nhìn thấy càng nhiều khía cạnh của sự sống trong cùng một tổng thể – nói cách khác, được liên thông với nhau, cũng như các tế bào thần kinh được kết nối với nhau nhiều hơn thông qua các sợi nhánh mới của chúng.
Ví dụ này cho thấy y học có thể sai lầm tận gốc rễ như thế nào nếu nó khẳng định rằng vật chất vượt trội hơn tâm trí. Có thể đúng khi nói rằng tế bào thần kinh tạo ra suy nghĩ, nhưng cũng đúng khi nói rằng suy nghĩ tạo ra tế bào thần kinh. Trong trường hợp của các nhánh tế bào thần kinh mới, chính thói quen suy nghĩ, ghi nhớ và hoạt động trí óc sẽ tạo ra mô mới. Đây cũng không phải là một phát hiện đơn độc. Thật kỳ lạ, ngay khi khái niệm “tuổi già mới” được chấp nhận trong cách suy nghĩ của các bác sĩ, quan điểm của chúng ta về nhiều dạng thoái hóa bắt đầu thay đổi.
Ví dụ, miễn là bạn tập thể dục, cơ bắp của cơ thể bạn sẽ không bị teo, và sức mạnh của bạn sẽ không bị suy suyển suốt đời, mặc dù có sự suy giảm nhẹ về thể lực. Bạn có thể tập luyện chạy việt dã ở tuổi 65, miễn là bạn có thể chất tốt và tập luyện hợp lý. Tương tự, trái tim của bạn thay đổi theo tuổi tác, ngày càng kém đàn hồi và bơm ít máu hơn mỗi nhịp, nhưng bệnh tim và xơ cứng động mạch, được cho là bình thường ở tuổi già cách đây vài thập kỷ, giờ đây được coi là điều có thể phòng tránh, tùy thuộc vào chế độ ăn uống và cách sống. Đột quỵ, một bệnh khác do tuổi già, đã giảm 40% chỉ trong 10 năm qua, nhờ vào việc kiểm soát tốt hơn chứng tăng huyết áp và một chế độ ăn ít chất béo. Một tỷ lệ lớn các trường hợp lão suy “không thể tránh khỏi” là do thiếu hụt vitamin, chế độ ăn uống kém và mất nước. Kết quả chung của những phát hiện này là tuổi già đang được xem xét lại một cách triệt để; một kết quả ít hiển nhiên hơn là toàn bộ cơ thể, ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, phải được suy xét lại.
Điều đang xảy ra trên mọi khía cạnh của ngành y là cơ thể khỏe mạnh đang cho thấy tự nó có khả năng phục hồi và linh hoạt hơn những gì y học biết cho đến nay. Trong khi trường phái y học cho rằng vi trùng A gây ra bệnh B và được điều trị bằng thuốc C, thì tự nhiên dường như cảm thấy rằng cách thức này chỉ là một trong số rất nhiều lựa chọn. Ví dụ, phương pháp dùng tâm trí để điều trị ung thư đã bị chế giễu một thập kỷ trước. Nhưng mọi người dường như có thể tham gia vào quá trình điều trị ung thư, và thậm chí kiểm soát tiến trình của bệnh bằng cách sử dụng các suy nghĩ. Năm 1971, tiến sĩ O.Cad Simonton, một bác sĩ X-quang tại Đại học Texas, đã gặp một người đàn ông 61 tuổi bị ung thư vòm họng. Bệnh đã tiến triển rất xấu; bệnh nhân hầu như không thể nuốt được, và cân nặng của anh ta đã giảm xuống chỉ còn 45kg.
Không chỉ tiên lượng cực kỳ xấu – các bác sĩ đã dự đoán anh ta chỉ có 5% cơ hội sống sót trong 5 năm sau khi điều trị – mà bệnh nhân còn yếu đến mức dường như không đáp ứng được với xạ trị mà đây lại là liệu pháp tiêu chuẩn cho tình trạng này. Trong lúc tuyệt vọng, nhưng cũng tò mò muốn thử một phương pháp tâm lý, tiến sĩ Simonton đề nghị người này tăng cường hiệu quả xạ trị thông qua kỹ thuật quán tưởng. Người bệnh được học cách hình dung căn bệnh ung thư của mình một cách sống động nhất có thể. Sau đó, sử dụng bất kỳ hình ảnh tâm trí nào thu hút anh ta, anh ta được yêu cầu hình dung hệ miễn dịch của mình là các tế bào bạch cầu tấn công tiêu diệt các tế bào ung thư và quét chúng ra khỏi cơ thể, chỉ giữ lại các tế bào khỏe mạnh.
Người này cho biết, anh hình dung các tế bào miễn dịch của mình giống như một đám tuyết trắng xóa, bao phủ khối u giống như tuyết chôn vùi một tảng đá đen. Tiến sĩ Simonton đã yêu cầu anh về nhà và lặp lại việc hình dung này nhiều lần trong ngày. Người đó đồng ý, và chẳng mấy chốc khối u của anh ta dường như nhỏ lại. Vài tuần sau, khối u thực sự đã nhỏ đi, và anh không còn phản ứng phụ với tia xạ ; sau hai tháng, khối u đã biến mất.
Đương nhiên là tiến sĩ Simonton ngạc nhiên và bối rối, mặc dù rất phấn khởi vì phương pháp tâm lý đã có tác dụng mạnh mẽ đến vậy. Làm thế nào mà ý nghĩ có thể đánh bại tế bào ung thư? Cơ chế này hoàn toàn là một ẩn số – trên thực tế, do sự phức tạp vô cùng của hệ miễn dịch và hệ thần kinh, cả hai đều có liên quan ở đây, có lẽ đây là một cơ chế không thể nắm bắt được. Về phần mình, bệnh nhân đã chấp nhận việc chữa khỏi bệnh mà không quá bất ngờ. Anh nói với bác sĩ Simonton rằng chứng viêm khớp ở chân khiến anh không thể câu cá dưới suối tùy thích. Bây giờ bệnh ung thư đã biến mất, tại sao không thử hình dung căn bệnh viêm khớp biến mất? Trong vòng vài tuần nữa, đó chính xác là những gì đã xảy ra. Người đàn ông không bị ung thư và viêm khớp trong thời gian theo dõi kéo dài sáu năm.
Trường hợp nổi tiếng này là một bước ngoặt trong y học tâm trí, nhưng thật không may, đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Liệu pháp quán tưởng của tiến sĩ Simonton (đã được phân nhánh thành một chương trình tâm-thể rộng rãi) không chữa khỏi bệnh ung thư một cách phổ biến. Tôi tin rằng một trong những bệnh nhân của tôi đã sử dụng liệu pháp này thành công để tự chữa khỏi bệnh ung thư vú, mặc dù cô ấy đã tự mình thực hành kỹ thuật này mà không có giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, các nghiên cứu thống kê dài hạn vẫn tranh cãi về việc liệu các kết quả lẻ tẻ như vậy có tốt hơn bất kỳ kết quả điều trị thông thường nào hay không. Hiện tại, liệu pháp thông thường có một lợi thế lớn. Ví dụ, nếu một phụ nữ bị ung thư vú, phát hiện ra khối u khi nó vẫn còn rất nhỏ và ở nguyên một chỗ, thì hiện tại cơ hội chữa khỏi cho cô ấy (“chữa khỏi” có nghĩa là sống sót ít nhất ba năm mà không tái phát bệnh) cao hơn 90%. Trong khi đó, con số giảm bệnh tự phát, theo ước tính hào phóng nhất, sẽ thấp hơn 1/10 của 1%. Khi một liệu pháp tâm trí hoặc liệu pháp thay thế khác chưa tốt hơn xạ trị và hóa trị thì nó sẽ không trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn. Mặc dù bệnh nhân có thể mong mỏi những phương pháp như vậy nhưng hầu hết các bác sĩ vẫn lo sợ và không tin tưởng vào chúng.
Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân của bác sĩ Simonton là ngoại lệ, thì bệnh nhân đó cũng đủ làm rung chuyển quan niệm của chúng ta về cách thức cơ thể tự chữa bệnh, vì ở đây, chính tự nhiên đã tìm ra cách chống lại cái chết mà chưa bác sĩ nào từng thử – và đây cũng có khả năng xấu là những nỗ lực của bác sĩ đều không giúp ích gì cho tự nhiên mà còn ngăn trở nó.