TRẠNG THÁI CÂN BẰNG QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI ĐÓ ỐM HAY KHOẺ

Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Nguyên tác: Quantum Healing; Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2022

24/05/2025
96 lượt xem

Lý do xã hội thiết lập tổ chức y học là để đảm bảo rằng bản năng cứu giúp nhau của chúng ta không bao giờ chết. Cũng chính bản năng đó không thấy lỗi lầm nào trong điểm yếu của người khác; nó thoải mái chịu trách nhiệm về những rắc rối không phải của chính nó. Nếu tôi từng bước vào một bệnh viện và phát hiện ra rằng ở đó, ánh lửa của lòng thương cảm đã tắt, tôi có thể viết ra hồi kết của y học – bóng tối sẽ chiến thắng.

Y học hiện đại vẫn còn bị chi phối bởi quan niệm cho rằng bệnh tật là do các tác nhân khách quan gây ra. Một phân tích tinh vi cho thấy điều này chỉ đúng một phần. Một căn bệnh không thể tồn tại nếu không có vật chủ chấp nhận nó, vì lý do đó, nên y học hiện hành đang nỗ lực tìm hiểu về hệ miễn dịch của chúng ta. Trong lịch sử, cả y học Hy Lạp và Ayurveda đều được thành lập trên ý tưởng rằng vật chủ là quan trọng nhất. Người Hy Lạp tin rằng có một dịch chất gọi là physis chảy khắp cơ thể và xuyên suốt cuộc đời. Dòng chảy physis gắn kết các cơ quan bên trong cơ thể với thế giới bên ngoài, và miễn là cả hai đều ở trạng thái cân bằng, cơ thể sẽ khỏe mạnh. (Tiền đề này vẫn được phản ánh trong việc chúng ta sử dụng từ physics (vật lý học) để giải thích thế giới bên ngoài và physiology (sinh lý học) liên quan đến giải thích thế giới bên trong) Trong Ayurveda, cân sự cân bằng của ba yếu tố, được gọi là doshas, để duy trì sức khỏe. Vấn đề không phải là physis hay doshas có tồn tại hay không, mà là trạng thái cân bằng của chính con người quyết định xem người đó bị ốm hay khỏe.

Y học đang quay trở lại với khái niệm này, lâu đời nhất trong tất cả các nghệ thuật chữa bệnh, nhưng tôi nhận thấy rằng một luồng khí vô cảm vẫn bao trùm mọi thứ. Chúng ta đang thiết lập một thứ có thể gọi là hệ miễn dịch và đặt hy vọng của chúng ta vào nó. Ý tưởng ban đầu, theo phát biểu của người Hy Lạp và Ayurveda, có thể thông minh hơn nhiều. Bệnh nhân không phải là một tập hợp các tế bào chủ mà là một người ăn, uống, suy nghĩ và hành động. Nếu một bác sĩ muốn thay đổi thói quen hay physis của ai đó thì ông ta sẽ thay đổi thói quen của người đó. Bằng cách này, bác sĩ đã đi đúng vào căn nguyên là sự tham gia của bệnh nhân vào thế giới.

Có hàng chục hệ thống y học trên thế giới, nhiều hệ thống trong số đó xung đột sâu sắc với nhau. Làm sao họ có thể chữa khỏi bệnh cho mọi người mà lại bất đồng hoàn toàn như vậy? Những thứ độc hại đối với tôi lại được dùng để chữa bệnh bằng phương pháp vi lượng đồng căn. Tôi nghĩ câu trả lời là tất cả các nền y học đều hoạt động bằng cách giúp một bệnh nhân sống qua khỏi cơn bệnh của mình, từng giây từng phút, cho đến khi sự cân bằng chuyển từ bệnh tật sang chữa lành. Tôi không thể làm rõ hơn, bởi vì tiến trình này không diễn ra trong sách vở mà ở những người sống. Nhiều người đã uống nước ép nho và khỏi bệnh ung thư. Nếu bạn có thể khôi phục thành công sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí, thì hệ miễn dịch của bệnh nhân cũng sẽ đáp ứng. Các tế bào miễn dịch không đánh giá xem bác sĩ có tin vào y học thông thường, vi lượng đồng căn hay Ayurveda hay không. Trong chừng mực nào đó, nếu có thể thay đổi sự tham gia của chúng ta vào bệnh tật, mọi hệ thống đều có thể đem lại hiệu quả. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng Ayurveda sẽ trở nên xuất chúng, bởi vì nó nhận ra sự cần thiết phải chữa lành bệnh nhân bằng cách chữa lành thực tại của họ trước tiên.

Tôi càng ngày càng cảm nhận được tầm quan trọng của thực tại cá nhân của bệnh nhân. Một bác sĩ x quang tuổi trung niên đến gặp tôi sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Ông ấy cực kỳ tinh tế với kiến thức về căn bệnh, một dạng bệnh không thể đoán trước được gọi là bệnh bạch cầu nguyên bào tuỷ mạn tính, có nghĩa là nó ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào tuỷ. Tuy ông ấy không cảm thấy gì ngoài một số mệt mỏi trong ngày, nhưng số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong mà ông cũng biết rõ thì thật nghiệt ngã. Các số liệu nói rằng thời gian sống sót trung bình là từ 36 đến 44 tháng. Mặt khác, vì căn bệnh này không thể đoán trước được nên ông có thể sống lâu hơn nhiều.

Trước khi đến với tôi, ông ấy đã tham khảo ý kiến của viện ung thư hàng đầu ở thành phố New York. Họ đã thực hiện các xét nghiệm kỹ càng trên máu của ông và đề nghị ông lựa chọn trong số nửa tá phác đồ thuốc thử nghiệm. Không tồn tại một phương pháp điều trị nào được chấp nhận cho bệnh bạch cầu của ông; không thử nghiệm nào trong số này đưa ra được bất kỳ lời hứa nào rằng tuổi thọ của ông sẽ được kéo dài.

Sau khi suy nghĩ kỹ, ông đã từ chối điều trị và bắt đầu đọc nghiên cứu về những sự thuyên giảm tự phát, bao gồm cả những gì tôi đã viết. Ông ấy đã tìm tới vì lý do đó. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi phát hiện ra một chi tiết là trở ngại lớn đối với ông ấy.

“Tôi muốn tin rằng mình sẽ khỏi bệnh” ông nói với tôi, “nhưng có điều gì đó thực sự khiến tôi lo lắng. Tôi đã đọc về rất nhiều trường hợp thuyên giảm khỏi bệnh ung thư, nhưng tôi không gặp được bất kỳ ca thuyên giảm tự phát nào ở bệnh bạch cầu cả.”

Ta có thể thấy tâm trí y học của ông ấy đang hoạt động như thế nào. Sự đa dạng của bệnh bạch cầu mà ông mắc phải có liên quan đến một thành phần di truyền, được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia. Ông ấy đã xét nghiệm dương tính với nhiễm sắc thể này, và là một bác sĩ, đó là hồi kết của câu chuyện – về mặt di truyền, ông ấy đã bị đóng mác hết hy vọng. Cơ hội duy nhất cho Ayurveda sẽ là liệu nó có khởi ra được một điều kỳ diệu không. Nhưng ông không thể tìm thấy bất kỳ báo cáo nào về phép lạ cho bệnh bạch cầu trong các tạp chí.

“Ơ kìa” tôi nói, “ông bị ám ảnh bởi các số liệu thống kê về căn bệnh này rồi. Đừng nghĩ đến con số thống kê – những gì ông muốn làm là đánh bại các số liệu thống kê, đúng vậy không?”

“Tôi biết, tôi biết”, ông ấy nói một cách lơ đãng “nhưng tôi không thể tìm thấy một trường hợp thuyên giảm nào trong toàn bộ tài liệu. Tất nhiên tôi có thể là người đầu tiên, nhưng…” Giọng ông ấy lạc đi.

Tôi suy nghĩ nát óc. “Tại sao ông không tự nói với mình rằng ông bị một căn bệnh ung thư nào đó khác,” tôi đề nghị. “Khi đó ít nhất ông sẽ có hy vọng về một sự thuyên giảm.”

Mặt ông sáng lên, và ông ấy nắm ngay lấy đề nghị của tôi. Sau đó, tôi đã có thêm tin tốt cho ông ấy. Tôi vừa tình cờ đọc được một bài báo có kết nối bệnh bạch cầu ở trẻ em với sự căng thẳng. Người đàn ông này (vị bác sĩ) mắc một căn bệnh hoàn toàn khác, nhưng ông ta cũng có một cuộc sống vô cùng căng thẳng. Vợ ông đã ly dị ông, các đồng sự trong ngành y đâm dứt kiện, các con của ông giờ đã lớn và không nói chuyện với ông nữa, và ông phải trang trải cho hai căn nhà và ba chiếc xe hơi. Ngay giữa cuộc ly hôn gay gắt, chẩn đoán bệnh của ông ấy đã được đưa ra, khá tình cờ, và giờ đây vợ ông nhất quyết ở lại với ông. Lý do cô đưa ra là cô sợ bị bỏ lại một mình sau khi ông chết.

“Tôi vừa đọc được rằng tình trạng căng thẳng có liên quan đến bệnh bạch cầu ở trẻ em” tôi gợi ý. Ông ấy cười rạng rỡ khi nghe điều này, bởi nhà khoa học trong ông ấy đã tạo ra mối liên hệ nhân quả giữa căng thẳng, kích hoạt các “hormone căng thẳng” như cortisol, và cuối cùng là ức chế hệ miễn dịch. Biết đâu điều đó đang xảy ra với ông. Không ai thật sự chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng với căn bệnh của ông ấy, nhưng bây giờ ông ấy có thêm một cơ hội để nắm bắt.

Ông ấy rời đi và tiếp tục tiến triển tốt. Lần tiếp theo tới phòng khám, ông ấy hỏi tôi có nên xét nghiệm máu không. Bệnh bạch cầu khiến số lượng bạch cầu tăng cao đến mức nguy hiểm; số lượng thấp hơn sẽ chứng minh cho ông thấy rằng ông đang thực sự trở nên khỏe hơn.

Tôi lý luận: “Nếu kết quả không tốt, thì ông sẽ chán nản và tự gây thêm căng thẳng cho bản thân. Nếu kết quả tốt, chẳng phải ông cũng đã khỏe hơn rồi. Tại sao không xem xét nghiệm máu cho đến khi ông cảm thấy một số triệu chứng?” Ông đồng ý với ý kiến này và lại rời đi.

Lần gần nhất tôi gặp ông ấy là tuần trước. Ông ấy nói với tôi rằng việc tin tưởng là mình bị bệnh ung thư chứ không phải là bệnh bạch cầu đang có kết quả tốt đẹp.

“Ông biết đấy” tôi nói, “tại sao phải mắc công gọi đó là ung thư? Ông có thể tự nhủ rằng ông mắc một căn bệnh mà không có tên. Nếu nó không có tên, thì ông sẽ không phải lo lắng về bất cứ số liệu thống kê nào hết. Con người sống lâu với những căn bệnh bí ẩn.”

Bước ngoặt cuối cùng này làm ông ấy hoàn toàn phấn khích. Với sự nhẹ nhõm vô cùng, ông ấy bắt tay tôi và lần đầu tiên ông ấy đồng ý đến phòng khám để bắt đầu Ayurveda. Cho đến nay, tôi chưa làm gì cho người đàn ông này ngoài trừ việc thay đổi nhãn hiệu cho căn bệnh của ông ấy, nhưng từ đó ông ấy đã thay đổi toàn bộ cách đánh giá của mình. Bây giờ chúng ta có cơ hội chứng kiến sự ra đời của một phương pháp chữa bệnh.