NHẬN BIẾT CON SÓNG NHƯNG TRỤ LẠI NƠI ĐẠI DƯƠNG

HELEN TWORKOV

YONGEY MINGYUR RINPOCHE

Trích: Sống Chết Mỗi Ngày; Chuyển ngữ: Sen Xanh; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2022

Về tác giả YONGEY MINGYYUR RINPOCHE

Sinh năm 1975 tại Nubri, Nepal, là con trai út của bậc thầy, thiền giả danh tiếng Tulku Urgyen Rinpoche. Ngài bắt đầu tu học chính thức ở tuổi mười một và hai năm sau bắt đầu khóa nhập thất ba năm đầu tiên của mình. Ngày nay, giáo lý của ngài tích hợp tính thực tiễn và quy luật triết học của các chương trình đào tạo Tây Tạng với các định hướng khoa học và tâm lý học của phương Tây. Ngoài vai trò là trụ trì ba tu viện, ngài cũng lãnh dạo Tergar, một cộng đồng thiền quốc tế với một trăm trung tâm trên khắp thế giới, và nổi tiếng với việc trình bày thực hành thiền định một cách rõ ràng và dễ tiếp cận. 

Ở tuổi ba mươi sáu, ngài bí mật rời tu viện của mình ở Ấn Độ để tham gia vào một cuộc nhập thất lang thang kéo dài bốn năm rưỡi, sống ở hang núi và đường phố, làng mạc. Ngài là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times: Sống Một Đời Vui: Mở khóa bí mật và khoa học về hạnh phúc, cũng như Trí Tuệ Hoan Hỷ: Đón nhận đổi thay và tìm kiếm tự do; Chuyển hóa mê mờ thành sáng tỏ: Hướng dẫn về thực hành nền tảng của Phật giáo Tây Tạng. Ngài thường cư ngụ chính tại thành phố Kathmandu, Nepal.

???

Tàu đã đến, hành khách tóm lấy con cái, thú nuôi, những chiếc va li, những túi vải lớn được buộc bằng dây thừng và cột vòng quanh trán họ rồi xô đẩy nhau lên khoang tàu. Chiếc túi sau lưng liên tục bị vướng lại và tôi cứ phải lảo đảo về phía trước để tránh. Tôi là người cuối cùng lên được tàu và bắt đầu chuyến đi trong sự kinh hoàng vì bị chèn đến bẹp dí vào sát cửa. Đầu, thân và đôi chân tôi bị ép chặt giữa cửa tàu và những thân người. Mặc dù không thể nhìn thấy gì nhưng tôi đã cảm nhận được thứ mùi khủng khiếp. Tôi đã phải há miệng ra để hít vào bất kỳ chút không khí nào còn sót lại. Trong vài phút tiếp theo, tôi không thể khiến cho tâm trí mình thoát khỏi cảm giác bị choáng ngợp.

Trong sự tu học của mình, tôi đã được giới thiệu về cái thấy biết bao la của tâm bản nhiên. Chúng tôi so sánh cái thấy biết này với bầu trời và đại dương – những đối tượng tham chiếu mang lại cảm giác về sự rộng lớn vô hạn. Tuy vậy, cái biết ấy còn rộng lớn hơn cả bầu trời và đại dương kết hợp lại. Một khi chúng ta học cách nhận ra tánh biết luôn luôn hiện diện này, buông xuống cái tâm thức bị điều kiện hóa và phụ thuộc, để nhận ra rằng chúng ta chính là cái thấy biết bao la ấy, thì ta sẽ hiểu rằng những suy nghĩ và cảm xúc của mình chỉ biểu lộ như những con sóng hoặc những đám mây không tách rời với tánh biết. Với sự nhận thức ấy, chúng ta không còn bị cuốn đi bởi những câu chuyện vẫn khiến tâm ta quay cuồng theo những chu kỳ bất tận hay nhảy loạn lên như một con khỉ điên. Nếu chúng ta để cho tâm của mình bị dính mắc vào những câu chuyện kiểu này thì thật khó để nhận ra được tánh biết. Với trạng thái tâm giống như thời tiết của mình, chúng ta vẫn thường chứng kiến những cơn bão tố nổi lên trong phạm vi của tánh biết. Nhưng khi ngày càng trở nên quen thuộc hơn với tánh biết như một phẩm tính vốn sẵn của tâm, chúng ta càng ít bị tác động từ những hiệu ứng thời tiết như vậy. Sóng vẫn cuộn, mây vẫn trôi; nhưng khi ta không bị mắc kẹt trong chúng thì chúng sẽ tự mất đi tác động. Sự nhạy cảm của bản thân trở nên sâu sắc hơn và chúng ta có niềm tin vào cái biết của một tâm thức tỉnh giác. Tôi đã gặp những con sóng bão tố trong cuộc đời mình nhưng chúng không kéo dài. Và bây giờ, trên một chuyến tàu chật như nêm, tôi không chắc những hơi thở gấp gáp của bản thân đến từ sự nén ép lên khuôn mặt mình hay từ nỗi sợ trong trái tim.

Sau một vài phút, nỗi sợ hãi, căng thẳng bắt đầu dịu lại. Hơi thở của tôi cũng chậm dần. Cùng lúc đó, cái thấy biết rộng lớn hiện diện trở lại, như thể để gặp con sóng. Đôi khi điều này vẫn xảy ra. Dường như xung lực của chính tâm náo động đã giúp cho việc nhận ra tánh biết trở nên dễ dàng hơn những thời điểm khác, và cảm xúc mạnh mẽ có thể dẫn đến một tâm thức rộng mở như bầu trời. Tôi không còn bị cuốn đi bởi những con sóng, và không còn cảm thấy như đang bị chết chìm nữa. Những gì tôi cần phải làm đó là: Cứ để mặc mọi sự. Trốn tránh cũng chẳng ích gì. Con sóng vẫn ở đó. Mặc dù mong muốn được ở một nơi khác, nhưng bây giờ tôi chỉ có thể nhận biết những gì đang xảy ra và chấp nhận ở lại với tình huống hiện tại, ở trong một cái biết rộng lớn và những cảm giác không thoải mái. Khi trụ trong một thực tại rộng lớn hơn cả bầu trời, những phản ứng rối loạn và hoang dại của chúng ta sẽ tự nhiên giảm thiểu tác động gây hại của chúng. Nhưng những đám mây hoặc con sóng không biến mất, chúng tan biến rồi vẫn xuất hiện trở lại.

Tại mỗi điểm dừng, mọi người xô đẩy nhau xuống ga và những hành khách mới lại bước lên. Tôi nhích dần lên phía trước cho đến khi có thể tìm được một chỗ trên sàn đủ để ngồi khoanh chân lại và để ba lô trong lòng, một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Trong văn hóa Tây Tạng, một vị tái sinh như tôi sẽ ngồi ở vị trí cao hơn người khác, và việc các vị Tulku ngồi trên sàn là cấm ky. Nếu nhìn thấy tôi ngồi như thế này, những người Tây Tạng sẽ cảm thấy phiền lòng. Nhưng ở đây thì không có ai quan tâm đến tôi hay vị thế của tôi, và dẫu thế nào thì tôi cũng sẽ phải bỏ qua rất nhiều nghi thức xã hội để có thể tiếp tục kiên trì với những dự định của bản thân.

Tôi không quá quen với khoang hạng nhất, nhưng cũng nhận biết rõ sự khó chịu của bản thân trong môi trường hoàn toàn mới mẻ này. Những bức tường và ghế băng dài có màu xanh xỉn, và trong ánh sáng mờ tối, mọi thứ trông giống như đã được phủ một lớp rêu mốc. Tôi tự nhắc chính mình: Ta đã thu xếp để trải nghiệm những điều này, để đi với những người được cho là không quan trọng trong thế giới này và những người không được xã hội trân trọng. Vậy thì ai đang trải nghiệm sự không thoải mái đó? Có phải là vị Rinpoche tôn kính? Hay vị trưởng tu viện danh giá? Hay là cái tâm cứng nhắc đang phải giữ những vai trò cao quý này?

Đôi mắt tôi không có ánh nhìn bình thường, chúng không nhìn vào đâu, cũng không tập trung vào sự vật. Trái lại, hình ảnh xung quanh tôi lại trở thành những thứ xa lạ, những người khác, những người ở đằng kia. Quần áo bẩn của họ che mờ trái tim tôi. Tôi chưa kịp chê những đôi chân trần nứt nẻ của họ thì đôi chân của tôi cũng nhanh chóng bị bẩn như vậy. Mặc dù mùi cơ thể của họ thật nồng nặc, nhưng sự nóng ẩm và thiếu vắng điều hòa không khí có lẽ cũng đã khiến cơ thể tôi bốc mùi tương tự, bởi tấm áo trong của tôi cũng dính bết vào người vì mồ hôi.

Một lần nữa, cơ thể tôi ở một nơi còn tâm trí lại ở nơi khác. Dù được bọc trong hình hài của một vị tăng, nhưng trải nghiệm của tôi lại được định hình bởi những kiểu phán xét tầm thường nhất. Cảm giác giống như mộng du. Trong giấc mộng này, tôi có cảm giác lạ lùng về một môi trường vừa quen thuộc vừa xa lạ. Hoặc có thể chính tôi đã là một người khác. Tôi cảm thấy lạc lối. Tôi thực sự lạc lõng trong thế giới mới mẻ này. Cảm giác gần giống như là đang bước vào giấc mơ của một người khác vậy, một giấc mơ không muốn có tôi, cũng như bản thân không muốn rơi vào giấc mơ đó. Nhưng tôi đã ở đây. Rốt cuộc đây là giấc mơ của tôi, điều mà tôi đã lựa chọn. Tôi không buộc phải thích giấc mơ này. Hãy cứ để cho mọi sự như nó vốn là. Không cần phải mắc kẹt vào trong đó. Mọi thứ sẽ tự giải quyết vấn đề của chính nó.

Tôi không cảm thấy có chút kết nối nào với những người này. Cho dù việc tu tập nhiều năm đã kích hoạt lòng bi mẫn tự nhiên, tôi vẫn phải viện đến trí nhớ để nhắc lại những điều cơ bản: Ai cũng mong muốn được hạnh phúc, không ai mong muốn phải khổ đau. Những con người này cũng đã biết đến niềm vui và nỗi khổ, giống như tôi vậy. Họ cũng đã mất đi người thân yêu, từng trải nghiệm về nỗi sợ và lòng tốt. Họ sẽ chết, giống như tôi cũng sẽ chết. Trong vài phút, tôi đã nhắc lại những điều tâm niệm này với sự chân thành sâu sắc, rồi sau đó sự khó chịu lại trồi lên.

Cho đến tận đêm nay, tôi đã tưởng tượng ra viễn cảnh ẩn tu của mình sẽ chỉ bao gồm hang đá với những núi non nguyên sơ bên cạnh con đường mòn nhỏ dẫn vào làng. Một người bạn đã từng ngồi ở những khoang tàu hạng bét này mô tả chuyến đi với tôi theo cách thật dễ chịu như sau: Có những hàng ghế băng cứng, và đôi khi cả khoang chật ních người, nhưng các ô cửa sổ luôn mở toang với không khí tươi mới tràn ngập và bạn có thể mua trà ở mỗi điểm dừng. Điều đó nghe rất ổn đối với tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng nó lại giống như thế này.

Trong vài giờ tiếp theo, tôi vừa phải trở thành người thầy vừa phải làm học trò để ôn lại những bài học như lúc còn ở nhà trẻ của tu viện. Sự khó chịu này từ đâu đến? Chúng khởi sinh như thế nào? Chúng đến từ tâm, thân tôi hay từ thế giới ngoài kia? Hơi thở của tôi ngắn hơn thường lệ. Tôi cố tình thở chậm lại và sâu hơn. Nhưng tâm tôi tiếp tục đặt câu hỏi rồi trả lời, nhận xét, đánh giá về từng chi tiết nhỏ. Khi phát hiện ra điều này, tôi hiểu rằng mình phải chuyển sự chú ý của bản thân tới cái tâm phán xét. Những phản ứng của mình có đúng không? Những giả thiết của tôi có đúng không? Chúng khởi sinh từ đâu? Tôi đang tự vấn những câu hỏi mà vị thầy của tôi đã đặt ra trong khóa nhập thất ba năm đầu tiên của mình.

Núi thiêng Kailash nhìn từ Darchen, Tây Tạng

Năm lên mười ba tuổi, vị thầy của tôi là Saljay Rinpoche đã yêu cầu tôi xác định những cảm giác dễ chịu và khó chịu trong cơ thể. Lúc đó tôi cố gắng sử dụng những khái niệm để gợi lên cảm xúc kiểu như: Nghĩ về sô-cô-la tạo ra cảm giác dễ chịu. Nghĩ về rác tạo ra cảm giác khó chịu.

Nhưng những hình ảnh cụ thể này đều bình thường, không có giá trị đột phá và chúng không có tác dụng gì lên cơ thể tôi.

Saljay Rinpoche đã nói: Con không cần phải suy nghĩ. Chỉ cần cảm nhận. Hãy cảm nhận xem những gì đang ở trong cơ thể con.

Tôi đã không thể làm được và hỏi thầy xem mình phải làm gì: Con có nên cắn vào lưỡi hay bấm vào lòng bàn tay không?

Không! Con không cần phải chủ ý tạo ra những cảm giác này. Chỉ là chính con ở trạng thái hiện tại, cảm nhận điều gì là khó chịu và dễ chịu.

Tôi đã không thể hiểu được.

Một hôm, Saljay Rinpoche bắt đầu bài học bằng cách nói với tôi: Hôm nay ta có vài tin tốt lành. Ngày mai lớp học được nghỉ. Chúng ta có thể nghỉ và đi dã ngoại. Chúng ta nên làm gì?

Được nghỉ! Tôi thích những buổi dã ngoại và đề xuất một nơi đặc biệt đẹp tên là Manali, nằm ở phía Bắc của tu viện Sherab Ling tại chân dãy Himalaya. Nó khiến tôi nhớ đến quê nhà tôi ở Nubri, một huyện thuộc miền Bắc Nepal, ở ngay gần biên giới giữa Tây Tạng với Nepal. Saljay Rinpoche cho rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời.

Con có vui không? Saljay Rinpoche hỏi.

Có! Tôi phấn khởi thốt lên.

Con cảm thấy thế nào, trong cơ thể con ấy?

Tuyệt vời ạ, tôi nói với thầy. Trái tim con cảm thấy như mở ra trong hạnh phúc và cảm giác này chiếu tỏa như tia nắng mặt trời lan khắp thân con.

Đó là cảm giác dễ chịu, Saljay Rinpoche giải thích.

Ồ! Cuối cùng tôi đã có thể hiểu được. Nhiều niềm vui hơn! Nhiều cảm giác dễ chịu hơn!

Cả sô-cô-la và chuyến đi dã ngoại đều là hình ảnh của tâm. nhưng trong trường hợp riêng của tôi, một hình ảnh lại có tác động lên cơ thể tôi mạnh mẽ hơn. Thỉnh thoảng tôi mới ăn sô-cô-la, nhưng không phải là quá hiếm như khi so với một ngày được nghỉ học và lại được đi dã ngoại nữa. Thực ra, trong cơ thể luôn luôn có những cảm giác để phản ứng lại với những điều hấp dẫn và khó chịu, nhiều khi ta khó có thể phát hiện vì nó xảy ra ở mức độ quá vi tế. Ví dụ, những bông hoa thường tạo ra cảm giác tích cực. Chúng là đối tượng của cái đẹp và sự trân trọng, được sử dụng để chúc mừng trong những lễ cưới và tưởng niệm những người đã mất. Những ngày sinh nhật luôn được trang hoàng với hoa tươi và chúng ta còn mang hoa tặng cho những người bạn bị bệnh để giúp họ vui hơn. Những bông hoa là đối tượng nâng đỡ tinh thần và cải thiện cuộc sống, tặng hoa là cách thể hiện tình yêu, sự quan tâm và lòng sùng mộ. Cho đến lúc trưởng thành, những liên tưởng này đã luôn thống trị mối quan hệ của chúng ta với hoa, và khi điều này xảy ra thì chúng ta ngừng chú ý đến sự hiện diện của những phản ứng cảm giác từ cơ thể. Tâm thức trở nên bị mắc kẹt trong mối liên hệ phức tạp của nó với hoa đến nỗi nó không còn chú ý đến cảm nhận của cơ thể nữa. Mặc dù vậy khi chúng ta để ý thật kỹ, ta thấy rằng cảm nhận của cơ thể luôn hiện hữu, dù nó có thể rất vi tế.

Khi bắt đầu làm việc với những cảm giác của bản thân, tôi cần phóng đại những kích thích. Ví dụ, sau khi Saljay Rinpoche tạo ra một cảm giác được cho là dễ chịu thì thầy nói: Thực ra chúng ta không thể đi dã ngoại. Ta chỉ nói đùa thôi.

Môi dưới của tôi dài ra rồi đột nhiên cảm thấy thật buồn và nặng nề.

Saljay Rinpoche lại nói: Bây giờ hãy nói cho ta nghe, cảm giác trong cơ thể con như thế nào?

Trái tim con đóng và thắt lại. Hàm con siết chặt, và cảm giác khó chịu đầy căng thẳng này lan khắp cơ thể con.

Tôi bắt đầu phá lên cười. Cuối cùng tôi đã biết được cảm giác của cơ thể mà không cần đến suy nghĩ.

Ngồi trên sàn tàu, tôi tự thấy mình cần phải xem xét lại bài học này, bởi bản thân đã tưởng tượng ra hành trình trên chuyến tàu này nhưng vẫn chưa cảm nhận nó… cho đến lúc này. Tôi đã gợi lên hình ảnh thế giới bên ngoài nhưng lại không tính tới cảm giác của cơ thể, trong khi những thế giới song song của thân, tâm và các hiện tượng bên ngoài lại luôn luôn tương thuộc lẫn nhau. Cảm giác là sự kết nối giữa đối tượng và tâm. Một phần của việc luyện tâm là có thể nhận biết những cảm giác vi tế hơn, kết nối tâm thức với chúng, và xem xét cách chúng ảnh hưởng đến chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể tạo ra được khoảng trống nhất định trong phản ứng của mình, và điều này dẫn đến sự giải thoát. Không có sự nhận biết này, chúng ta hoàn toàn lạc lối ở thế giới bên ngoài.

Đừng chạy trốn những cảm xúc không thoải mái. Đừng biến chúng thành những cảm xúc thoải mái. Hãy ở yên với hiện trạng, với bất cứ thứ gì khởi lên. Tôi đang cố gắng… nhưng tất cả mọi thứ xảy đến đều mới mẻ, và đặc biệt là cảm giác sốc vì phải ở một mình đã liên tục kéo tôi trở lại. Tôi tự nhủ: Hãy coi bản thân là một ông già đang xem đám trẻ em chơi đùa. Hãy chỉ nhìn ngắm chúng một cách vui vẻ, cho dù bạn chứng kiến chúng đang gặp những chướng ngại, tổn thương, nỗi buồn, cũng như chấn động. Bạn đã hiểu những điều này. Đây là lúc bạn đứng sang bên và nhìn nước chảy. Chỉ quan sát mà không để dòng nước cuốn trôi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HELEN TWORKOV

  1. HÃY ĐỂ TRÍ TUỆ KHỞI SINH
  2. BẠN SẼ LÀM GÌ TRONG BARDO?
  3. CƠ THỂ LÀ CĂN NHÀ CỦA MỘT TÂM BÁM CHẤP

Bài viết khác của tác giả YONGEY MINGYUR RINPOCHE

  1. HÃY ĐỂ TRÍ TUỆ KHỞI SINH
  2. BẠN SẼ LÀM GÌ TRONG BARDO?
  3. CƠ THỂ LÀ CĂN NHÀ CỦA MỘT TÂM BÁM CHẤP

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH