HELEN TWORKOV
YONGEY MINGYUR RINPOCHE
Trích: Sống Chết Mỗi Ngày; Chuyển ngữ: Sen Xanh; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2022
Năm giác quan luôn luôn hiển thị thông tin một cách khách quan. Với đôi tai, âm thanh luôn luôn chỉ là âm thanh, không có gì hơn. Tâm diễn giải mới là cái định hình nên cảm giác thích và không thích, thông qua việc hồi tưởng, thêm bớt, chỉnh sửa và quay vòng. Tâm diễn giải này tạo ra toàn bộ sự tưởng tượng xung quanh mỗi âm thanh, mỗi hình ảnh đơn thuần. Giọng nói (bên trong) liên tục đưa ra những lời nhận xét này chính là tâm khỉ. Tâm viên này không ngừng lải nhải, nhảy nhót từ đối tượng giác quan này sang đối tượng tiếp theo một cách quá hiếu động và phấn khích.
Tôi có người học trò đã từng thuê phòng trên một chiếc tàu thủy chạy dọc bờ biển tiểu bang Oregon trong một tuần. Mỗi sáng tỉnh dậy, anh ấy nằm trên giường, lắng nghe âm thanh của tiếng sóng vỗ vào bờ và dội ngược ra biển. Tiếng sóng vỗ rì rào lặp đi lặp lại. Anh kể với tôi rằng bản thân chưa từng nghe một âm thanh nào dễ chịu hơn thế, và chính nó khiến anh cảm thấy đang được ôm ấp bởi một tình yêu thương đại đồng. Vào ngày cuối cùng, anh thu xếp đồ đạc lên xe và hướng ra xa lộ, dự định dành một đêm trên đường. Khi trời vừa tối, anh đi theo tấm biển chỉ dẫn để đến một khách sạn nhỏ ven đường, nhận phòng, rồi mệt mỏi lăn ra ngủ. Sáng đến, anh không thể tin rằng mình lại may mắn được thức dậy lần nữa với âm thanh dịu êm lao xao của những con sóng. Nhưng khi bước ra khỏi giường và đi về phía cửa sổ, anh nhìn thấy một con đường cao tốc với sáu làn xe đang chạy ở giờ cao điểm.
Việc các giác quan nhận thức sai lầm vẫn xảy ra liên tục và biến cơ thể thành một phòng thí nghiệm tốt nhất để học về các loại tâm. Điều gì đã xảy ra trên chuyến tàu? Tai tôi đã phát hiện ra một âm thanh, không tốt cũng chẳng xấu, chỉ đơn giản là một âm thanh, chỉ đơn thuần là sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng. Thế thì điều gì đã xảy ra? Tâm thức tôi đã bị cuốn trôi vào một câu chuyện tiêu cực đến mức tôi đã quên mất rằng những từ ngữ, hình ảnh và ấn tượng giúp tạo nên câu chuyện là không hề có thật, mà chỉ là những gì xảy ra trong đầu mình. Tâm thức người học trò của tôi đã bị cuốn trôi vào một tình huống dễ chịu. Nhưng trong cả hai trường hợp (của người học trò và của tôi), khi đã bị mắc vào một câu chuyện có nghĩa là chúng tôi đã đánh mất kết nối với sự tỉnh thức. Cả hai trường hợp đều che mờ đi sự thuần tịnh của âm thanh. Đây là lý do tại sao chúng ta lại nói: Cơ thể là căn nhà của một tâm bám chấp.
Chúng ta nhầm lẫn về nguồn gốc sinh ra các cảm giác bởi vì nhận thức và sự phóng chiếu khởi sinh gần như đồng thời. Chúng quá tương đồng đến mức tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ nhưng lại là sai lầm rằng, những gì được cho là tốt-xấu, hấp dẫn-khó ưa là thuộc tính của chính đối tượng mà không phải xuất phát từ trong tâm. Rất khó để chấp nhận rằng những gì chúng ta thích hoặc không thích khởi nguồn từ chính trong tâm mình. Khi bị mắc kẹt trong những đám mây – dù tốt hay xấu – thì bản thân không nhận ra rằng chúng đều là vô thường: có sinh mệnh riêng và sẽ trôi đi nếu ta cho phép, không cản trở chúng. Khi chúng ta liên hệ đến thế giới với một tâm thức đầy những định kiến, chúng ta dựng nên một rào cản giữa mình và thực tại như nó là.
Giữ những định kiến sai lầm bằng một tâm cứng nhắc thì tương tự với bám chấp. Chúng ta bám chấp vào những gì mình biết, hoặc những gì hợp với trải nghiệm ít ỏi của bản thân, và điều này bóp méo cái thấy trực tiếp, tức thời. Khi cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi, chúng ta cố gắng giữ cho mọi thứ ở nguyên vị trí – đây cũng là cách cái tôi từ chối để những mô thức cũ mất đi. Nhưng nếu không thể chủ động cho phép các mô thức cũ chết đi, thì chúng ta không thể tận hưởng được những phúc lạc tràn đầy của sự tái sinh.
Cũng giống như tính không, vô thường là một đặc tính vốn có của các sự vật, hiện tượng. Nhận ra được tính vô thường sẽ điều chỉnh cái hiểu sai về tính thường hằng, nhưng nhận ra được tính không một cách trực tiếp thậm chí còn hữu ích hơn đối với việc buông bỏ sự bám chấp. Nhận ra được tính phù du của mọi hiện tướng giúp xóa bỏ những hiểu biết sai lầm của một tâm chấp thủ. Điều này mở rộng cảm nhận của chúng ta trong việc hiểu được ta là ai và có thể làm gì. Ta có thể cảm thấy thật nhẹ nhõm khi biết rằng những câu chuyện về tiếng còi tàu, hoặc sự lo lắng của ta về những mối quan hệ hay danh tiếng, đều không cắm rễ cố định trong chính mình, và biết rằng mỗi người đều có một năng lực bẩm sinh để thay đổi. Nhưng hiểu biết về vô thường như một lớp vỏ ngoài của cái chết thậm chí còn có thể hiệu quả hơn đối với việc cắt đứt những thói quen vô lý của bản thân. Để sự chuyển hóa xảy ra ở mức độ sâu sắc nhất, chúng ta không chỉ xác nhận tính liên tục của thay đổi, mà còn cần nhận ra rằng tiến trình chết và tái sinh ẩn giấu sự thật về vô thường. Đây chính là khích lệ lớn nhất cho sự giải thoát của con người. Nhưng chính sự sợ hãi về cái chết vật lý khiến chúng ta kháng cự lại ý nghĩa của cái chết diễn ra hàng ngày. Chúng ta nhầm lẫn giữa những cái chết liên tục của các trạng thái tâm thức với cái chết sau cùng của cơ thể vật lý. Khi lầm tưởng như vậy, mỗi hiện tướng của cái chết luôn sớm hiển hiện như một cơn ác mộng không tránh khỏi, điều mà chúng ta dành cả cuộc đời để ao ước sẽ không xảy ra. Thực ra, chỉ cần xem xét kỹ hơn một chút, chung ta có thể hiểu được rằng điều mà chúng ta sợ hãi sẽ xảy ra trong tương lai thì vẫn đang luôn luôn diễn ra.
Có một cuộc nói chuyện giữa hai người phụ nữ Mỹ mô tả mối liên hệ mật thiết giữa cái chết vật lý và phi vật chất. Một trong hai phụ nữ này đến gặp tôi ngay sau khi đứa con duy nhất của bà ấy, một cậu con trai hai mươi tuổi, bị chết do dùng ma túy quá liều. Chúng tôi đã thảo luận về những cách giúp bà ấy có thể tiếp tục sống với sự mất mát bi thương này. Khoảng hai năm sau, một người bạn thân của bà ấy đã phải vật lộn với một cuộc ly dị rất đau buồn. Người phụ nữ có con đã mất giải thích với bạn của mình: Con trai của tôi không bao giờ quay về nữa. Tôi không có bất kỳ ảo tưởng nào về điều này. Cách tôi nhìn nhận, ứng xử với bản thân và thế giới đã thay đổi mãi mãi. Vì điều tương tự cũng sẽ đúng với chị. Cách chị cảm nhận mình là ai, ai sẽ là người ở cùng với chị khi khó khăn, và ai sẽ đi cùng chị đến suốt cuộc đời, cũng sẽ thay đổi mãi mãi. Chị cũng đang cần phải khóc thương cho một cái chết. Chị đang tìm cách để chung sống với hoàn cảnh đau khổ đến tột cùng này và hoàn cảnh đó như một đối tượng tồn tại tách biệt với chị. Nhưng cũng giống như tôi đã phải cho phép bản thân được chết sau sự ra đi của con trai, chị phải chết đi một lần sau cuộc hôn nhân mà chị đã từng có. Chúng ta khóc thương cho những gì bản thân từng có, đã sở hữu, nhưng cũng là khóc thương cho chính mình, cho cái chết của chính ta. Nỗi bất hạnh sâu sắc về cái chết của người con trai đã mở trái tim người phụ nữ này, giúp bà khám phá về vô thường và cái chết tới một chiều sâu vượt thoát ra ngoài câu chuyện cá nhân của riêng mình. Bà ấy có thể vượt qua những giới hạn bởi vì, như bà ấy đã giải thích: Sau khi mất người con trai, tôi đã không còn gì để sợ hãi. Bà đã chuyển hóa nỗi đau của mình thành trí tuệ.
Chúng ta có thể học được từ bà mà không cần phải trải qua thảm kịch như vậy. Cái chết của một cái tôi nhỏ bé không thể được hoàn thành một cách trọn vẹn hoặc hữu hiệu nếu chúng ta chối bỏ hoặc lẩn tránh nỗi sợ hãi cái chết vật lý. Tuy vậy, thực hành với những cái chết nhỏ bé có thể làm dịu đi nỗi lo lắng xung quanh cái chết vật lý. Có một con đường tự nhiên giữa vô thường và cái chết, và nếu chúng ta vẫn không sẵn lòng đi theo con đường đó thì chúng ta đang bỏ qua những lợi lạc đáng kể của những cái chết (nhỏ) liên tục. Muốn đối mặt được với cái chết cuối cùng của thân này nhưng lại bỏ qua những cái chết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày thì giống như nhìn lầm kim cương là sỏi đá và cuối cùng ném bỏ chúng đi. Không có gì còn mãi ngoài sự thay đổi, và chấp nhận điều này tạo ra tiềm năng để chuyển hóa nỗi sợ cái chết thành niềm vui sống.
Giờ đây trên chuyến tàu này, tôi đang chết, khi vừa mới bắt đầu hành trình của mình. Lối sống cũ của tôi đang chết. Tôi đang làm những việc theo kế hoạch mình đề ra. Tôi đã bắt taxi đi Gaya và tự mình mua một chiếc vé tàu đi Varanasi. Thử thách mới lúc này là buông bỏ phản ứng của bản thân với những thay đổi mà tôi đã tự sắp xếp, và chấp nhận rằng những âm thanh cùng đủ loại mùi trên chuyến tàu này cũng là một cơ hội để được sống vui vẻ như trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác mà tôi đã từng nếm trải.