HELEN TWORKOV
YONGEY MINGYUR RINPOCHE
Trích: Sống Chết Mỗi Ngày; Chuyển ngữ: Sen Xanh; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2022
Con sẽ làm gì trong bardo? Cha tôi đã hỏi như vậy.
Một trong những người anh trai lớn của tôi đã chuyển xuống khu vực thành phố đông đúc ở Kathmandu, vài tháng sau anh đến thăm chúng tôi tại tu viện Nagi. Anh tôi phàn nàn về những chiếc xe hơi rú còi inh ỏi và nổ máy ầm ĩ cùng những con chó sủa suốt cả đêm. Anh ấy nhăn mặt diễn tả những bài hát tình yêu của người Hindi phát ra từ chiếc đài bán dẫn, và những ông thầy tu giả mạo giảng đạo qua chiếc loa phóng thanh.
Anh ấy nói: Con không thể thiền định, con không thể giữ tâm an tĩnh chút nào. Giấc ngủ của con thường chập chờn và con luôn luôn cảm thấy căng thẳng.
Với sự quan tâm chân thành, cha tôi đã hỏi rất nhẹ nhàng: Thế thì con sẽ làm thế nào trong bardo?
Những gì tôi nhớ lại được từ cuộc trò chuyện ấy là cảm giác rằng cuộc sống ở thành phố có vẻ thú vị và tôi rất nóng lòng được đi thăm anh trai tôi ở đó. Mặc dù không hiểu bardo có nghĩa là gì nhưng tôi cảm nhận được rằng cha tôi đã có ý quở mắng anh trai, và tôi thấy sự trao đổi giữa hai người thật thú vị.
Trong truyền thống của mình, chúng tôi nghiên cứu về sáu giai đoạn của đời sống và sự chuyển tiếp của cái chết, mỗi giai đoạn được gọi là một bardo (trạng thái trung gian). Sự vô thường xuyên suốt toàn bộ chu kỳ và đặc biệt nổi bật trong giai đoạn bardo tự nhiên của đời này, đó là khoảng thời gian tính từ hơi thở đầu tiên đến hơi thở cuối cùng. Khi nào chúng ta còn chưa chấp nhận sự thật về vô thường thì vô minh và sự mê mờ sẽ luôn phủ bóng lên cuộc đời. Nói một cách ngắn gọn thì bardo của đời này bao gồm bardo của giấc ngủ và thiền định. Trong ba giai đoạn đầu tiên của chu kỳ bardo – cuộc đời này, thiền định và giấc ngủ – sự chú trọng được đặt ở việc trở nên quen thuộc với tâm thức trong suốt cả ngày lẫn đêm. Trong suốt cuộc đời này, không có cách nào để tận dụng thân người quý báu của chúng ta tốt hơn việc học cách làm quen với chính tâm mình, trong đó thiền định là công cụ hiệu quả nhất để thực hiện điều này. Trải qua cuộc đời này, chúng ta bước vào giai đoạn trung gian thứ tư, đó là bardo của cái chết (bardo cận tử), là giai đoạn bắt đầu với tiến trình suy thoái không thể thay đổi được của cơ thể. Bardo thứ năm được gọi là bardo pháp tánh, là một tiến trình giống như giấc mơ dẫn dắt chúng ta vào bardo cuối cùng là bardo trở thành. Vào cuối bardo thứ sáu, chúng ta lại tái sinh trong một hình hài mới, và bardo của đời này lại bắt đầu.
Khi cha tôi hỏi ẩn ý rằng: Con sẽ làm thế nào trong bardo? Nghĩa là ông đang nói đến bardo trở thành, là giai đoạn giữa cái chết và sự tái sinh, một giai đoạn trung gian đầy khó khăn với những ai chưa nuôi dưỡng được khả năng định tâm trong cuộc đời này. Nhưng tình trạng khó khăn của anh trai tôi đã nói lên rằng giai đoạn trung gian cũng áp dụng cho một tâm thức bị phiền nhiễu trong chính cuộc đời này, Anh trai tôi đã ở giữa một cuộc sống nông thôn yên bình và một trải nghiệm đô thị ồn ào. Anh ấy đã ở giữa những điều cũ kỹ, quen thuộc với những điều mới mẻ, lạ lẫm; ở giữa quá khứ và hiện tại.
Câu hỏi của cha tôi có thể được diễn dịch ra cho mỗi con người chúng ta là: Con sẽ làm gì khi phải đối diện với những âm thanh khủng khiếp? Hoặc trên một chuyến tàu đông đúc, bốc mùi nồng nặc? Hoặc trong một cuộc khủng bố, một cuộc chiến tranh,… bất kỳ sự kiện nào của vô số những điều không mong muốn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày như: chẩn đoán bị mắc bệnh, lốp bị xẹp hơi, cảm nhận bị xem nhẹ, bị coi thường, hoặc bị từ chối? Con sẽ làm gì khi cuộc sống của con gặp phải những tình huống không mong muốn? Liệu con có còn giữ được tâm kiên định có thể dung chứa những điều không muốn, và thực sự vẫn làm lợi lạc cho bản thân cùng những chúng sinh khác? Hay con sẽ sụp đổ bởi sự sợ hãi, giận dữ hoặc mất kiểm soát? Chúng ta hành xử như thế nào khi không đạt được thứ mình mong muốn, hoặc lúc không muốn thứ mà bản thân đang sở hữu?
Ngay bây giờ, tôi đang trong bardo trở thành, giữa cái chết của một cái tôi cũ và sự sinh ra của bất kỳ thứ gì đến tiếp theo. Trở thành và tiếp tục trở thành, vẫn luôn là vậy, luôn trong bardo của những điều chưa biết, những điều tạm thời, không chắc chắn.
Đối với người Tạng nói chung, các bardo được phân chia thành những giai đoạn từ lúc sinh ra đến lúc tái sinh. Nhưng nhiều bậc thầy, bao gồm cả cha tôi và Saljay Rinpoche, đã truyền dạy giáo lý bardo như một hành trình nội tại của tâm thức. Và điều này cũng chính là cách hiểu của tôi. Trong cách hiểu truyền thống của bardo trở thành, con người bước vào một giai đoạn trung gian giữa cái chết vật lý của thân xác này và sự tái sinh sang một hình hài mới. Ở giai đoạn này, tâm bị mất đì chỗ dựa suốt đời của nó và tiếp tục hành trình vượt ra ngoài cái chết của thân vật lý. Nhưng hiểu rộng hơn thì chúng ta không cần phải đợi đến khi thực sự chết đi về mặt vật lý để biết thế nào là bardo trở thành. Hầu hết tất cả chúng ta đều có rất nhiều trải nghiệm với cảm giác bình an và ổn định, rồi sau đó đôi khi tự thấy mình như vỡ tan. Chúng ta không thể níu kéo mọi thứ lại, những mảnh ghép vỡ bung ra, và đất dưới chân sụp đổ. Chúng ta thấy mình ở giữa hai trạng thái tâm khác nhau. Trong những tình huống cực độ, chúng ta thấy mình hoàn toàn lạ lẫm với những trạng thái tâm đáng sợ. Những trải nghiệm của cảm giác tan vỡ này thường xảy ra cùng các sự kiện gây tổn thương tâm lý, bao gồm các trạng thái bị sốc tinh thần và những biến động đột ngột. Những trạng thái mất mát và đau thương diễn ra thường ngày có thể đau đớn và gây bất ngờ đến mức chúng làm ngắt quãng những ý nghĩ quen thuộc mà chúng ta thường nghĩ về bản thân mình. Đây chính là loại trải nghiệm có thể xảy đến khi chúng ta bước vào một ga tàu tối tăm như địa ngục, khi lần đầu tiên trong đời ta đơn độc trên thế giới này. Sự đứt đoạn hạ gục chúng ta, khiến ta cảm giác như đang rơi xuống hay chìm dần. Chúng ta cố gắng trong tuyệt vọng để tìm lại nền đất vững chãi, để cảm nhận sự nâng đỡ an toàn – kể cả khi sự an toàn chỉ là một hòn đảo nhỏ của những ranh giới quen thuộc, nơi cất chứa của những nhận thức sai lầm.
Bardo có thể được hiểu với ý nghĩa là “chính giây phút này”. Khoảnh khắc hiện tại là một khoảng dừng liên tiếp ở giữa những trải nghiệm liên tục của chúng ta, xét về cả mặt thời gian lẫn không gian. Nó giống như là một khoảng dừng rất ngắn tồn tại giữa hai hơi thở, hay giữa sự khởi sinh và tan biến của hai ý nghĩ liên tiếp. Khoảng dừng này cũng có thể được trải nghiệm như khoảng không giữa hai đối tượng, ví dụ khoảng trống giữa hai cái cây hoặc hai chiếc xe hơi, đó là khoảng không gian phân định giữa chúng. Chúng ta cũng có thể hiểu khoảng dừng này là khoảng trống cho phép bản thân nhìn thấy hình dáng của mọi sự vật. Thực tế là mọi sự đều ở giữa. Cho dù khoảng cách ấy có nhỏ đến cỡ nào, nó vẫn luôn tồn tại ở đó, và luôn nằm giữa hai thứ. Vạn vật trong hệ thống thế giới này đều tồn tại ở giữa những thứ khác. Từ quan điểm này, trạng thái trung gian đặc biệt xuất hiện giữa cái chết và tái sinh được xem như một hình mẫu cho những giai đoạn chuyển tiếp xảy ra trong chu kỳ đời sống này. Các giai đoạn bardo sẽ soi sáng cho chúng ta thấy cách mà sự chuyển tiếp mang tính biểu tượng từ chết đến tái sinh này luôn biểu lộ trong mọi trải nghiệm của đời sống thường nhật.
Nếu không có hiểu biết nhất định về sự chuyển tiếp tự nhiên thì chúng ta rất dễ bị mắc kẹt. Cách đây nhiều năm, tôi đã đọc một bài báo viết về một người phụ nữ ra tòa ly hôn sau ba mươi năm chung sống. Không giống như phần lớn những lý do phổ biến thường là do ngoại tình hoặc bị bỏ rơi, người phụ nữ này giải thích với quan tòa rằng: Ông ấy không còn là người đàn ông tôi đã kết hôn.
Bây giờ tôi tự hỏi, nếu như chúng ta có thể bước vào những mối quan hệ giống như việc bước vào một toa tàu thì sẽ ra sao? Chúng ta biết rằng đoàn tàu sẽ chuyển bánh, dừng lại rồi lại lăn bánh, băng qua những khung cảnh và giữa các kiểu thời tiết liên tục biến đổi. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bước vào những mối quan hệ và biết rằng trong tương lai chúng sẽ không còn giống như thuở ban đầu, cho dù đó là một mối quan hệ lãng mạng hoặc niềm hứng khởi của một quan hệ đối tác mới, hay lần gặp gỡ đầu tiên với một bậc thầy tâm linh? Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta mong chờ những tình huống tích cực mới sẽ thay đổi, thay vì mong muốn chúng mãi mãi như vậy? Đoàn tàu dừng lại ở nhiều ga. Chúng ta không cố gắng kéo dài những điểm dừng ấy và cũng không mong đoàn tàu ở yên một vị trí. Nó đi qua nhiều nơi cũng giống như chúng ta trải qua các bardo. Các trạng thái bardo cho chúng ta thấy rằng mọi thứ luôn luôn biến chuyển. Và cho dù bardo trở thành có ứng vào sự thay đổi giữa những định hình của tâm trong cuộc đời này hoặc qua nhiều cuộc đời khác hay không thì thử thách vẫn giữ nguyên như vậy. Đó chính là việc giải phóng chúng ta bằng cách buông bỏ sự bám chấp vào những câu chuyện mà chúng ta tự dựng lên.
Mặc dù chúng ta không thể chỉ ra chính xác điểm bắt đầu hoặc kết thúc của bất kỳ thứ gì, bao gồm cả trạng thái bardo, nhưng việc phân loại các sự việc vào những phạm trù tương ứng có thể hữu ích. Mỗi bardo tập hợp một số đặc điểm riêng của mỗi giai đoạn trong hành trình của chúng ta. Tính chất của bardo tự nhiên trong cuộc đời này trao cho chúng ta những cơ hội để tỉnh thức một cách chủ động, cũng giống như những cơ hội để thức tỉnh trong giai đoạn cận tử, mặc dù chúng không hoàn toàn giống nhau. Làm quen với những đặc điểm hỗ trợ sự tỉnh thức trong mỗi giai đoạn đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ hội cao hơn để chuyển hóa tâm mê mờ thành sáng tỏ.