QUAN ĐIỂM VỀ HÒA HỢP TÔN GIÁO

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Tiếng Chuông Pháp Cổ; Sơn Dã dịch; Thái Hà Book, NXB.Lao Động

—–???—–

Trên Trái Đất của thời đại chúng ta ngày nay, vì dân số không ngừng tăng vọt, do đó sự tiếp xúc giữa người với người, tổ chức với tổ chức diễn ra với tần suất cao hơn, chặt chẽ hơn. Vậy nên, thế giới ngày càng cần sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Về mặt tôn giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sống cách đây hơn 2.500 năm, là một nhà tôn giáo rất khoan dung. Ngài đã từng nói với các đệ tử của mình rằng: “Các bạn tin vào đạo Phật. Đạo Phật là đức tin mới của các bạn, nhưng đừng quên tôn giáo và các bậc thầy tôn giáo trong quá khứ mà các bạn đã theo học. Họ đã từng là bậc sư trưởng của các bạn, và bạn cũng nên ủng hộ và tôn trọng họ”. Đây chính là thái độ thân thiện và hòa nhã với các tôn giáo khác.

Đồng thời, Đức Phật Thích Ca cũng không phủ nhận sự đóng góp của các tôn giáo khác đối với nhân loại. Do đó, Phật giáo cũng tiếp thu nhiều tín ngưỡng và lối sống của các tôn giáo nguyên thủy ở Ấn Độ.

Quan niệm khác biệt duy nhất là: Đạo Phật cho rằng mọi hiện tượng đều do nhân và duyên sinh ra, và không có ngã thực, nên gọi là tánh không; vô ngã chính là khái niệm để chỉ sự vượt ra ngoài tiểu ngã của cá nhân và đại ngã của vũ trụ. Phật giáo không chấp nhận cách diễn giải rằng thế giới này là do một đấng thần linh tối cao nào đó tạo tác và chi phối. Nhưng, song song đó, Phật giáo thừa nhận các vị thần được thờ phụng trong các tôn giáo khác đều có công năng và giá trị riêng để tồn tại.

Đối với Phật giáo thì Lão Tử, Khổng Tử, Chúa Giêsu và Muhammad đều là hóa thân của Bồ tát. Bởi vì con người sinh ra ở nhiều vùng khác nhau, mỗi người đều có những nhu cầu khác biệt, nền tảng văn hóa riêng biệt, tính cách dân tộc đặc trưng, thời đại và xã hội không tương đồng, nên các vị “Bồ tát” tùy thuận nhu cầu của chúng sinh là hóa hiện ứng thân sao cho phù hợp để giáo hóa độ sanh, các bậc đại tông sư được ra đời như vậy.

Phật giáo Đại thừa có thể tương tác với các tôn giáo khác, trong khi một số giáo phái của tôn giáo phương Tây không dễ dàng làm được điều này – họ không thể chấp nhận niềm tin tín ngưỡng của dị giáo, thậm chí còn coi người ngoại đạo là những “ma quỷ, nhất định sẽ xuống địa ngục”.

Trong hai, ba mươi năm qua, Công giáo đã có những bước phát triển vượt bậc. Vào khoảng năm 1960, sau những cuộc thảo luận tại Hội đồng Công giáo, họ hy vọng rằng tất cả các hệ phái của Cơ Đốc giáo sẽ quay trở lại tôn giáo La Mã, và họ công nhận rằng tất cả các tôn giáo đều là con cái của Chúa và cần được Chúa công nhận. Kể từ đó, họ có thể bao dung và làm bạn với các giáo phái của các tôn giáo khác nhau, chẳng hạn như Chính Thống giáo Đông phương, Tin Lành, Phật giáo Đông phương và Ấn Độ giáo.

Đáng tiếc, cho đến nay, một số giáo phái Thiên Chúa giáo vẫn từ chối các tôn giáo khác. Tuy nhiên, những người theo đạo Thiên Chúa sáng suốt đã bắt đầu tôn trọng các tôn giáo khác, có thể liên hệ với các tôn giáo khác nói chung và trao đổi quan điểm với tín đồ Phật giáo nói riêng.

Đứng trên lập trường của Phật giáo, chúng tôi hoan nghênh mọi sự giao tiếp với chúng tôi từ các tôn giáo bạn. Tất nhiên, không phải chúng ta ngồi lại để so sánh tôn giáo nào tốt, tôn giáo nào xấu, chúng ta không bàn luận chuyện đúng chuyện sai giữa các tôn giáo khác nhau. Bản thân tôi nghĩ, nếu có thể ngồi lại trò chuyện trong tinh thần “anh tin tôn giáo anh đang theo đuổi là tốt nhất, tôi cũng biết rằng tôn giáo tôi đang tu học là tuyệt vời nhất và chúng ta đang theo đuổi những lý tưởng thật sự tuyệt vời” thì vui vẻ biết chừng nào. Còn như cứ ôm khư khư quan điểm “anh không tín thác vào tôn giáo của tôi thì chắc chắn anh sẽ đọa địa ngục” thì ngay đến cơ hội để ngồi lại trò chuyện cởi mở với nhau, tôi nghĩ, cũng không có nữa.

Trong xã hội hiện đại, tôi nghĩ các tín đồ tôn giáo nên có cái nhìn khoan dung, cởi mở. Trong hai mươi năm qua, bản thân tôi cũng đã kết bạn với nhiều tín đồ Công giáo và Cơ Đốc giáo, chúng tôi cùng nhau nói chuyện về Phật giáo và thần học, tôi cũng đã dành vài năm để cùng thảo luận và nghiên cứu về thần học Cơ Đốc.

Hiện nay, theo tôi biết, tại Đài Loan cũng có một số trí thức cấp tiến là tín đồ của Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo qua nỗ lực học hỏi tìm tòi của bản thân, đang thử tìm hiểu và lý giải Phật giáo. Trước đây, giám mục Vu Bân đã từng giới thiệu Tử thư và Ngũ kinh cho thế giới Tây phương. Và hiện nay, theo tôi được biết, giám mục La Quang đang phụ trách các chuyên đề Phật học tại trường Đại học Phụ Nhân.

Dần dần, khoảng cách giữa các tôn giáo sẽ ngày càng được rút ngắn hơn, nhưng tất nhiên, không thể vì thế mà xóa bỏ luôn những đặc thù riêng của từng tôn giáo, không thể hợp tất cả lại thành một được.

Không nên hiểu “ngũ giáo đồng nguyên, vạn giáo quy nhất” là hợp nhất tất cả các tôn giáo lại, vì nếu hiểu như thế đồng nghĩa với việc lập ra một tôn giáo mới chứ không phải tạo tiền đề cho các tôn giáo phát triển. “Ngũ giáo đồng nguyên, vạn giáo quy nhất” phải được hiểu là bất luận tôn giáo nào đi nữa thì cái xuất phát điểm và đồng thời cũng là đích đến sau cùng chính là hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ. Mỗi tôn giáo đều có bối cảnh ra đời, lịch sử phát triển và thực hành tôn giáo khác nhau, song, bất luận là Thiên Chúa giáo hay Phật giáo thì cũng hướng con người đến với từ bi, bác ái, sống yêu thương và hướng về các điều thiện lành.

Bản thân thần học là triết học. Có nhiều trường phái khác nhau trong lịch sử triết học, không thể khăng khăng rằng các trường phái khác nhau đều hoàn toàn giống nhau.

Điều chúng ta cần làm là tìm lấy sự hài hòa trong những điểm tương đồng và tìm sự thống nhất trong những điều khác biệt. Nếu một mực phủ nhận tất cả những điều khác biệt trong một sự thống nhất chung thì chẳng khác nào phủ nhận luôn tất cả các tôn giáo rồi.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ